Du giang ký

Du giang ký
“Làm làng Trà Tân; Làm dân Mỹ Đông Thượng”, câu phương ngôn chưa biết ra đời vào lúc nào song nó hàm chứa sự so sánh giá trị quan - dân của hai làng kế cận mà bây giờ thuộc hai xã Long Trung và Long Tiên của miệt vườn Cai Lậy.

Chuyện quan làng bây giờ ít người kể, song chuyện của dân được lưu truyền mãi mãi. Làng Trà Tân nổi tiếng với sự kiện đấu tranh trong vụ hợp nhất hai thôn Trà Tân và An Thủy Đông ngày 4-10-1872, kết quả đến ba năm sau, ngày 20-1-1875, chính quyền buộc phải tách ra hai làng như cũ. Cuộc đấu tranh tách nhập làng dai dẳng đến năm Nhâm Ngọ (1882), người Pháp lại chia làng Trà Tân thành làm hai: Trà Tân và Tân Thới. Rốt cuộc làng Trà Tân cũng bị xóa sổ vào năm 1925, bằng cách nhập Trà Tân và Tân Thới thành làng Hưng Long và chỉ tồn tại được bảy năm thì có quyết định nhập vào làng Mỹ Đông Trung thành xã Long Trung. Cùng lúc làng Thuận Khánh nhập với làng Phú Long thành Long Khánh.

Trong cuộc bể dâu ấy, dân các làng đấu tranh giữ lại dấu ấn của làng mình bằng cách lấy tên mỗi làng một chữ đầu hoặc cuối ghép lại. Oái oăm thay, Long Tiên là một ngoại lệ. Thôn Mỹ Đông hình thành từ thời Gia Long. Thôn Mỹ Đông Thượng lập trễ hơn nhưng không có chuyện phân biệt anh cả, em út. Quan trên ra lịnh nhập thì chọn tên sao đây cho vừa lòng dân chúng, bởi hai thôn khác nhau chỉ một chữ Thượng. Bàn bạc mãi, các bô lão bèn xóa lệ “các làng bên lấy chữ Long Khánh, Long Trung thôi thì làng ta lấy chữ Long Tiên cho đủ tam long vậy”. Chữ Long ở đây viết theo nghĩa thịnh vượng nên chẳng có gì mà khó giải thích.

*

Rạch Ba Dầu bắt nguồn từ Đìa Đưng, một vùng đất phèn trũng, xưa có nhiều đưng lác mọc, nối với rạch Mù U chảy ra sông Tiền ở xã Tam Bình và rạch Bang Lợi xuống xứ Bàn Long. Con rạch dài chỉ khoảng hơn 2 cây số, “bần mọc sum suê mấy cụm xà”, đứng bên này có thể nói chuyện với người bên kia. Ba Dầu thực ra chỉ là phụ lưu của rạch Trà Tân, song nó có một ngã ba quan trọng: Ngã ba cây dầu, trở thành một địa danh nổi tiếng ghi trong các thư tịch. Cạnh ngã ba có ngôi chợ được lập giữa thế kỷ XIX, lấy tên chợ Ba Dầu. Ngôi chợ hiện còn tồn tại, song khá tiêu điều, còn cái tên rạch Ba Dầu đã bị xóa hẳn trên bản đồ địa phương và thay vào đó là kinh Đìa Đưng. Thời bấy giờ thôn Mỹ Đông Thượng còn có ngôi chợ cũng khá nổi tiếng là chợ Cầu, nhưng không hiểu sao chỉ tồn tại khoảng vài chục năm, nên về sau không thấy tài liệu nào nhắc tới nhưng địa danh Chợ Cầu vẫn còn tồn tại đến giờ.

Chợ và cầu hình như là đặc trưng của xã Long Tiên; Có ngôi chợ khi nhắc đến tự dưng mủi lòng với làng quê nghèo khó cũ: chợ Cái Mít, chợ Miễu Bà. Có cây cầu khó có thể hình dung theo tên gọi: Cầu Ngầm. Cầu bắc qua con rạch tên là rạch Sâu, nhưng không phải vì quá nước sâu nên phải bắc ngầm. Người dân ở đây kể lại, năm Tỉnh ủy Mỹ Tho về đóng ở ấp Mỹ Lợi, bom pháo giặc đánh phá ác liệt, máy bay luôn soi tìm chỗ đóng quân nên việc đi lại rất khó khăn. Sợ giặc phát hiện đường di chuyển của cán bộ, bộ đội, người dân sáng kiến đốn hạ một cây dừa to ven rạch, làm cây cầu ngầm dưới nước. Mỗi lần qua cầu ngầm dĩ nhiên phải quần cột cổ mà lội, tuy có hơi bất tiện nhưng máy bay do thám giặc không hề biết làm sao “Việt cộng” có thể qua con rạch này được khi không có cầu. Địa danh Cầu Ngầm vẫn tồn tại đến bây giờ mặc dù qua rạch đã có cây cầu bê tông kiên cố. Những năm chiến tranh ác liệt ở Long Tiên còn có chuyện “cà nông xăng đề pa”, (Canon sans départ) kể về những du kích chế tạo giàng thun bắn lựu đạn. Loại “đại bác” không có tiếng nổ ở nòng này đã làm điêu đứng các đồn Ba Dầu, Cái Mít.

Cái ngã ba lững lờ giáp nước này đầy ắp sự kiện thời chống Mỹ, có những chuyện nghe như huyền thoại.

*

Trở lại câu phương ngôn “...làm dân Mỹ Đông Thượng”. Không biết hương chức làng Trà Tân oai vệ cỡ nào, song dân Mỹ Đông Thượng nổi tiếng không chỉ vì “cứng đầu cứng cổ” dưới mắt các quan cai trị thời xưa mà còn có những người học thức,  nhiều nhân vật nổi tiếng. Cho nên nói đến xứ Ba Dầu là phải nhắc đến cụ Du Giang Tả, một người sống ở đoạn giao thời hai thế kỷ 19-20. Cụ tên thật là Nguyễn Minh Triết, một năm trước khi thực dân Pháp chiếm Định Tường, năm 1860, cụ ra đời trong một ngôi nhà nằm bên trái rạch Ba Dầu, nên lấy bút hiệu là Du Giang Tả ghi dấu nơi chôn nhau cắt rún. Là một người uyên thâm Nho học, song lúc các nhà Nho kêu gào “Anh về học lấy chữ nhu; Chín trăng em đợi, mười thu em chờ” thì cụ không ngần ngại học chữ Tây, chữ quốc ngữ để tham gia vào cuộc minh tân đất nước. Vào đầu thế kỷ 20, Du Giang Tả là một trong những người địa phương đầu tiên tham gia hoạt động báo chí, ông viết rất nhiều bài cho tờ Lục tỉnh tân văn, do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút. Ở diễn đàn này, ông là một trong những cây bút có khuynh hướng chống thực dân rõ nét. Ông từng khuyên đồng bào không nên vọng cầu người nước ngoài “Việc vọng cầu người da vàng là Chệc và Nhựt Bổn thì việc quấy, vì bề nào cũng là nô lệ. Vì sao vậy ? Vì là họ không phải điên mà chịu tốn hao tiền của đặng qua cứu mình rồi thôi. Bề gì thuế khóa càng nặng nề hơn nữa mà nhà cửa hư nát, chết mẹ chết cha, rối loạn nhơn dân một lúc, chừng bình lại được, sửa soạn cho rồi thì cũng người khác trị mình, chớ mình trị mình được bao giờ”(_1). Lời lẽ bài báo bấy giờ có vẻ nôm na, song cho thấy tầm nhìn của nhà Nho miệt vườn không hề nông cạn.

Cũng trong giai đoạn này, Nguyễn Minh Triết sáng lập ra Định Tường thi xã, trụ sở phong trào đặt tại Minh Tân khách sạn (Mỹ Tho). Định Tường thi xã tập hợp khá nhiều cây bút nổi danh đương thời như Sương Nguyệt Anh, Nhơn Ái Đường, Trần Khai Sơ, Đặng Bá Dung, Nguyễn Tống Triều, Huỳnh Trí Phú, Võ Văn Tân, Nguyễn Ngọc Toản... Đồng thời đây cũng là nơi gặp gỡ của những chí sĩ yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Cường Để, Phan Chu Trinh...

Kế thừa cách chơi chữ của cha, người con thứ tư của ông là Nguyễn Thiên Tiên, tục gọi Hương nghị Sảnh cũng là tay làm câu đối và chơi chữ cự phách. Cuối năm 1931, thực dân Pháp điều Nguyễn Văn Tâm về làm Quận trưởng Cai Lậy. Đến ngày Quận Tâm làm lễ “khai bằng” nhận chức Chủ Quận Cai Lậy. Hương nghị Sảnh bèn đem tặng bức hoành phi viết bốn chữ “Đại điểm quần thần”. Quận Tâm treo bức hoành phi ấy hơn một năm mới phát hiện “Đại điểm quần thần” nghĩa bóng là “trong bầy tôi của Nhà nước/là công chức quan trọng nhất”, nhưng tách ra dịch theo nghĩa đen là “chấm to bầy tôi”, nói lái là “chó Tâm bồi Tây”. Tương truyền Quận Tâm tức lắm, song để chứng tỏ là mình kẻ bề trên, va tìm đến nhà và đem tên cúng cơm của cụ Du Giang là Mười Trận ra thách đối “Mười trận thất cả mười”. Hai năm sau thì cụ qua đời, câu đối của Quận Tâm đưa ra cụ đã không thèm đáp lại.

Xứ Ba Dầu nhiều giai thoại hay ho, nhưng buồn thay, dân Long Tiên lại ít người biết đến. Dòng chảy văn hóa truyền thống bị đứt đoạn. Hai ngôi đình Mỹ Đông và Mỹ Đông Thượng cũng không còn. Thiết chế văn hóa cổ xưa còn sót lại duy nhất là Dinh Cô, theo cách gọi dân gian là Phường Trinh Nữ - nơi thờ một cô gái tên là Nguyễn Thị Liệu. Sử sách ghi Thị Liệu là một cô gái xinh đẹp, năm 16 tuổi theo cha qua vùng biên giới Kompong Chàm buôn bán. Chẳng may bị một cường hào bắt hãm hiếp. Cô không chịu ô nhục nên đã cắn lưỡi tuẫn tiết. Tương truyền sau đó cô hiển linh hóa thần báo mộng dẫn đường cho quan quân nhà Nguyễn đánh thắng nhiều trận dẹp loạn, giữ biên cương. Vào đời Thiệu Trị cô Nguyễn Thị Liệu được ban bảng vàng, khắc dòng chữ ca tụng:

Sắc tứ Nguyễn thị Trinh nữ

Thị Liệu quán Định Tường tỉnh, Kiến An phủ, Kiến Đăng huyện, Lợi Mỹ tổng, Mỹ Đông thôn nữ dã; Thủ trinh dĩ tử bất di cường bạo sở ô; Đặc tứ tinh bảng dĩ vi thiên hạ chi trinh dã khuyến.

Thiệu Trị ngũ niên, thập nhị nguyệt, cát nhật.

(Tạm dịch:

Sắc tứ Nguyễn thị Trinh nữ.

Thị Liệu là gái quê quán thôn Mỹ Đông, tổng Lợi Mỹ, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường, phủ Kiến An; Giữ trinh mà chết không để cho bọn cường bạo làm nhục; Nay đặc biệt ban cho tinh bảng để làm gương trinh liệt khuyến khích trong thiên hạ.

Ngày lành, tháng chạp năm Thiệu Trị thứ V).

Sau đó, triều đình sai Công bộ đem vật tư vào xây dựng một cái Phường treo tấm bảng vàng, ngoài cửa có câu đối:

Thánh đức bao tinh dụng thị tiết liệt khả khuyến

Tiên hương cảm phát, bất vi cường bạo sở ô.

(Thánh đức ban bảng vàng, làm gương tiết liệt khuyến khích

Tánh trời sớm cảm phát, nhục nhơ không để người làm).

Phác thảo vài chuyện lúc trà dư tửu hậu cũng đủ cho người đời sau thấy rằng câu phương ngôn “...làm dân Mỹ Đông Thượng” không phải là ngoa ngữ. Chuyện nhớ, quên lịch sử quê nhà không phải là chuyện cá biệt của một làng, một xã. Lớp người lớn tuổi dần dần qua đời. Trách chăng là các “sử quan” thời nay cứ theo công thức mà chép mà viết, đến nỗi cứ đem quyển sử xã này đổi lại địa danh thì thành sử xã kia. Thế hệ trẻ chạm đến trang sử như chạm vào cái gì khô cứng, nứt nẻ bắt rùng mình thì làm sao thẩm thấu để tự hào.

*

Long Tiên bây giờ không còn ruộng, không có địa hình da beo như thời chống Mỹ. Hơn một ngàn mẫu đất đã lên vườn thành khoảnh, và đối mặt với cảnh đất hẹp người đông, bởi diện tích thổ cư đã lên gần phân nửa đất đai tự nhiên. Trong cảnh ấy kinh tế vườn cũng chưa ắt là thế mạnh. Bởi miệt vườn bây giờ không còn là mảnh đất “làm chơi ăn thiệt” của thời trước. Cái khắc nghiệt của người làm vườn là phải liên tục đối mặt với cảnh “trồng rồi đốn, đốn rồi trồng” trong xa luân chiến “được mùa mất giá”.

Năm ngoái, ngày cận Tết, xã Long Tiên được công nhận danh hiệu văn hóa. Cái danh hiệu mà gần đây người ta chỉ chú trọng thượng tôn yếu tố văn minh “điện, đường, trường, trạm” xiển dương cái vỏ bề ngoài đôi lúc làm biến dạng cái đẹp tiềm ẩn của miệt vườn và văn hóa truyền thống của một địa phương bị đưa xuống hàng thứ yếu. Xã văn hóa mà văn hóa truyền thống bị gãy vụn, mờ nhạt và mai một thì cái tên Ba Dầu chỉ còn trong ký ức cũng là điều dễ hiểu.

Gió bấc về, năm sắp hết, đứng ở ngã ba dầu, nhớ câu đối của cụ Du Giang Tả đưa tiễn một người bạn đồng hương mà không khỏi ngậm ngùi:

Nhân khứ đường trung, triêu vũ mộ vân nan kiến cảnh;
Điều cầm huyền đoạn, cao sơn lưu thủy, diệc tri âm.

(Người rời khỏi nhà, mưa sớm mây chiều, nào thấy bóng;
Đờn hòa dây đứt, núi cao sông chảy bấy tri âm)

Tháng 11-2010
Nguyễn Ngọc Phan
(Văn nghệ Tiền Giang số 43)

_________
(1) Du Giang tả. “Dùng sai nghĩa” - Lục tỉnh Tân văn số 2, ngày 21.11.1907