Dấu xưa phố cổ

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Tôi nghe người ta nói về “phố cổ Hội An” và “phố cổ Gò Công” từ thời còn học ở trường đại học. Đó là những năm 79, 80 của thế kỷ XX. Cái thời “bao cấp” ấy lúc nào cũng “thiếu” và “đói”. Cái “thiếu” và “đói” đúng với nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Bởi thế nó cứ “bó” chân tôi lại. Tôi không thể đi đâu xa khi trong túi không tiền và cái bụng lúc nào cũng óc ách những nước. Đành ngồi ở ký túc xá số 230 Ngô Gia Tự, quận 5, hoặc ở trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tại số 12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1 để hình dung về một thương cảng cổ ở miền Trung và một đô thị cổ ở vùng châu thổ miền Tây Nam bộ.

Những đô thị ấy có những gì là cổ? Lối xưa xe ngựa hay nền cũ lâu đài? Hay con tàu chìm ở cửa biển đã mấy trăm năm để nói về thương cảng? Tôi không hình dung nổi, mặc dù đã cố tìm những sách báo nói về những đô thị này. Mãi đến năm 1984, một dịp đi ăn giỗ tại nhà một người bạn ở Gò Công tôi mới mục kích được những ngôi nhà nhỏ, những đường phố thật ngắn và nhỏ của thị trấn Gò Công. Thì ra, phố cổ Gò Công là vậy. Nó không để lại một ấn tượng nào. Tôi từng vẽ ra một Gò Công đồ sộ trong đầu. Khi thoáng thấy Gò Công bằng gạch, bằng ngói bỗng trở nên thất vọng. Gò Công chỉ là một thị trấn với những ngôi nhà lụp xụp, nhỏ bé, lặng lẽ, nhẫn nại với mưa nắng của miền nhiệt đới.

Năm 1994, một cuộc hội thảo khoa học tại Đà Nẵng về công tác bảo tồn đã cho phép tôi đến được Hội An. Lại những ngôi nhà đã chuẩn bị cáo chung, lại những con đường ngắn, lại những mảng màu xỉn tối, lại nhịp sống buồn tẻ của sự già nua và nghèo khổ. Nhưng, như có phép lạ, hai ngày hôm sau, tôi bỗng thấy Hội An khác hẳn. Hội An chẳng xây thêm viên gạch nào, không quét vôi thêm bức tường nào, vậy mà Hội An lại khác. Tôi đã nhận ra trong cái màu xỉn tối ấy cả một quá khứ rộn ràng, tươi vui đang ẩn nấp. Thì ra, Hội An như cô gái có duyên ngầm, cái đẹp bên trong thì không dễ gì người ta nhận ra ngay được. Nơi dãy phố bên bờ sông này đây, hơn 300 năm trước, một thương gia Nhật Bản rụt rè cầu hôn một cô gái Hội An. Rồi cô gái theo chồng về xứ sở hoa anh đào, mang theo câu ru của mẹ: “Bồng em mà bỏ vô nôi/Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/Mua cau Bát Nhị, mua trầu Hội An”. Tôi chưa biết Bát Nhị ở đâu, nhưng chợ Cầu thì ngay trung tâm Hội An này. Anh bạn tôi giải thích: Cầu là cầu Nhật Bản đấy. Trên cầu có chùa, người ta nói “thượng tự hạ kiều” là chiếc cầu mà trên cầu có dãy nhà ngói lạ mắt này. Cái đẹp của phố cổ là vậy. Trong mỗi ngôi nhà, mỗi kiến trúc, mỗi con đường đều có những câu chuyện đẹp, đều là những cuốn sách hay, chỉ cần mình biết mở ra để đọc.

Hai ngày ở Hội An đã cho tôi cái nhìn khác về phố cổ. Tôi không dám chê Hội An cũ nát và lụp xụp nữa. Hội An đẹp, cái đẹp riêng có của Hội An, cái duyên xưa cứ làm ta muốn biết, muốn tìm.

Đem cái nhìn từ Hội An để đến Gò Công. Năm 1996, tôi quyết định ngủ lại thị trấn cổ xưa này một đêm để nhìn Gò Công từ một căn nhà cổ. Chủ nhà là một người đàn ông chừng trên 60 tuổi, gốc Hoa. Ông thích uống trà và kể chuyện đời xưa, cái thời ông nội của ông còn đặt trên vai chiếc đòn gánh bằng gỗ và hai chiếc sọt tre đi mua ve chai khắp hang cùng ngõ cụt của cái làng có tên “làng Thành Phố” này. Kể cũng lạ, thị trấn này hơn một thế kỷ trước từng mang tên “Thành Phố”, từng là tỉnh lỵ của một tỉnh vùng biển của châu thổ sông Cửu Long. Sau này, tôi truy tìm được tài liệu nói rõ ngày đô thị này được mang tên “làng Thành Phố”, đó là ngày 31 tháng 3 năm 1885, do Tham biện Gò Công chứng nhận một nghị định đổi tên làng của chính quyền thuộc địa, được đăng trên “Gia Định Báo”, theo đó, làng Thuận Tắc và làng Thuận Ngãi được sáp nhập làm một và mang tên làng Thành Phố. Ông già nói với tôi rằng, thời ông còn nhỏ, làng Thành Phố là cái làng độc đáo của miền Nam, vì trong làng có thành phố, trong thành phố lại có làng. Tôi hỏi “Tại sao chú nói vậy?”. Ông bảo “Chú em nhìn đi, những ngôi nhà lớn ở đây, như nhà đốc phủ Hải, nhà bá hộ Mưu, nhà cả Trượng, nhà hào Bé, nhà hội đồng Anna, nhà hội đồng Đạt với nhiều nhà giàu khác đều là nhà vườn, không thì dinh thự, nhà bự chảng, rộng ba, bốn trăm thước vuông, hàng sáu, bảy chục cột cây, trong thành phố có làng là vậy, nhưng trong làng lại có thành phố, chú em coi, mấy dãy phố người Hoa nè, mấy dãy phố theo kiểu Tây nè, chỉ riêng bà Dương Thị Hương, con riêng của bà Trần Thị Sanh, bà Sanh là vợ thứ của anh hùng dân tộc Trương Định, bà con bên hoàng hậu Từ Dũ đó, từ thời mới lập làng Thành Phố bà Hương đã có hơn 83 căn phố ngói, trong làng có thành phố là gì? Tôi không ngờ cái nhận xét khá thú vị của ông già. Đêm ngủ không ngon. Mỗi lần thức giấc, tôi lại nhìn vào lò bánh mà gia đình đã bỏ từ lúc nào, khói bọc đen cả gian bếp. Sáng ra, ông già giải thích: “Lò bánh mì đó, nhà bỏ hơn năm chục năm rồi. Làm bánh cực lắm, thức suốt đêm, ba giờ khuya phải có cho người ta, trễ một chút là bị mất mối. Nhà chuyển sang làm nhang, ngủ lúc nào cũng được”. À, ra vậy!

Không phải ngẫu nhiên người Pháp đặt tên “làng Thành Phố” cho đô thị Gò Công từ năm 1885, một làng thành phố duy nhất ở xứ thuộc địa. Người Pháp đi xâm lược với cách gọi mỹ miều là “đi khai hóa cho những dân tộc lạc hậu”. Họ đi “khai hóa” bằng tàu chiến và súng đại bác. Bởi thế mà từ đất Gò Công, người anh hùng dân tộc Trương Định đứng lên, người đầu tiên của Việt Nam tập hợp quân đồn điền của mình để tiến hành cuộc kháng chiến. Từ cuộc khởi nghĩa đầu tiên này, người Nam bộ đã nhóm lên hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc khởi nghĩa khác, để có câu nói “Bao giờ hết cỏ thì nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”, còn người Tây thì nói “Ở xứ An Nam này, mỗi người là một trung tâm kháng chiến”.

 Người Tây đi khai hóa, đầu tiên họ nhìn vào đồng bằng rộng lớn của Nam bộ. Họ xây trường học tiếng Tây, xây đường tàu chở hàng nông sản đầu tiên của xứ Đông Dương cũng ở đồng bằng này, thì ra họ nhìn vào vựa lúa để “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Họ tới đô thị nào cũng xây công sở để tạo uy thế cho người Tây, và họ nhận ra có một thành phố ở châu thổ mới khai phá này, thế là “làng Thành Phố” mà tên gọi nửa Tây nửa Việt ra đời từ năm 1885.

Đã có một kiểu thành phố ở Gò Công trước khi người Pháp đặt tên làng Thành Phố. Từ lời kể của ông già gốc Hoa, tôi đi tìm dấu tích của đô thị xưa. Không đâu xa, nó nằm trên những con đường ngắn ngủn này, trên cái ao vuông vắn này, trên mái lăng cổ kính này, trên từng vòm cửa, trên những hoa văn đắp nổi ở đầu cột trong từng ngôi nhà này, bên cái chợ đã được thay mới này. Thành thị ở Việt Nam thường có thành và có thị. Tôi có đọc một tài liệu nói về thành Gò Công, bây giờ đã không còn dấu tích. Còn thị thì có cả trong văn thơ. Tôi nhớ nhà thơ Hoàng Tố Nguyên ở xứ sở này, ông có những câu thơ về Gò Công rất hay: “Quê tôi đó mặt trông ra biển/Đốm hải đăng tắt lóe đêm đêm/Con đê cát đỏ cỏ viền/Leng keng nhạc ngựa đường lên chợ Gò”. Chợ Gò là chợ Gò Công. Ngôi chợ lớn nhất trong vùng. Nhiều người giàu nổi tiếng từ chợ này, trong đó có bà Trần Thị Sanh, người vợ thứ của anh hùng Trương Định, và một bà khác, gốc Hoa tên là Lâm Tố Liêng. Bà Sanh được nhân dân tôn kính gọi bà Hầu, do bà thuộc dòng thích lý. Lại có câu ca ở xứ này, rằng: “Gò Công bốn tổng đông giàu/Mà riêng có một bà Hầu giàu to”, còn bà Liêng thì có luôn dãy phố người Hoa gần chợ, dãy phố có gác đã gần một trăm năm, với lối kiến trúc nhà phố Trung Hoa, bà lại có những ngôi nhà khác, trong đó có một ngôi nhà kiểu Tây rất đẹp, sau ngày giải phóng 30/4/1975 được chọn làm nhà làm việc của Thị ủy, bây giờ thành nhà truyền thống của thị xã.

Thế kỷ XIX là thế kỷ vàng của Gò Công, nơi có những điền chủ mà ruộng đất được tính theo đơn vị ngàn mẫu, một vùng lúa gạo của Gia Định. Tôi tìm đọc “Địa bạ Minh Mạng, năm 1836” mới thấy rằng, ở xứ này từng có ông Lê Văn Hiệu người làng Bình Xuân, nay thuộc ngoại ô thị xã Gò Công, sau khi hiến cho chính quyền 2.200 mẫu ruộng vẫn còn hơn 1.000 mẫu ruộng. Còn tỉnh trưởng Gò Công là ông Grimald thì mô tả trong “Địa phương chí Gò Công, 1936” rằng: “Dân ở huyện này (tức huyện Tân Hòa, nay là toàn bộ vùng Gò Công vào thế kỷ XIX) toàn là nông dân. Mỗi gia đình thu hoạch rất nhiều lúa. Người ta không nghe nói đến người nghèo, kết quả đem lại là dân chúng quen tiêu xài không cần phải tiết kiệm”. Đất rộng người thưa, ruộng chỉ làm một mùa, mênh mông, bát ngát. Câu hò cấy Gò Công cũng mọc lên từ đất này. “Trai Biên Hòa lụy gái Gò Me/Không vì mê nhan sắc mà vì mê giọng hò”. Gò Công cũng là quê ngoại của các vua triều Nguyễn, nơi sinh ra hoàng hậu Từ Dụ, trước đây nhiều người quen gọi Từ Dũ, bà có ảnh hưởng lớn trong triều, khi cha bà - thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng qua đời, gò Sơn Quy nơi bà sinh ra mọc lên Lăng Hoàng Gia, nay thuộc xã Long Hưng, ngoại ô thị xã Gò Công. Vùng địa linh nhân kiệt như thế, vùng nhiều điền chủ, hào phú như thế thì bên chợ Gò Công, phố sẽ ra đời.

Người ta nhận ra một làn sóng các quan lại, các điền chủ kéo nhau về mua đất cất nhà ở hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi, đặc biệt là làng Thuận Tắc, nơi có chợ Gò Công và là huyện lỵ của huyện Tân Hòa từ nửa đầu thế kỷ XIX. Bây giờ nó trở thành những nhà vườn cổ kính, những dinh thự được pha lẫn phong cách Đông - Tây. Từ những ngôi nhà chữ Đinh truyền thống, tới những năm 80, 90 của thế kỷ XIX, khi những phú hộ này nhìn thấy những ngôi nhà, những biệt thự Pháp thì những ngôi nhà của họ được trùm lên chiếc áo Tây. Bây giờ chúng ta thấy kiến trúc Pháp qua hàng ba cột gạch, qua nền gạch bông, qua các ô cửa vòm đắp nhiều gờ chỉ hoặc hoa văn … và qua cả những vật dụng như bàn, tủ, ghế, đèn Tây để đầu thế kỷ XXI này, nó là kiến trúc khá đặc biệt của phố cổ Gò Công.

Cơn lốc “đô thị hóa” đã và đang thổi qua đô thị cổ này, không ít phố xưa nhà cổ đã bị biến đi, thay vào đó là những phố lầu với đủ kiểu cách tân thời, màu sắc lòe loẹt. Mái chóp, nóc bằng, cửa sắt, gạch bông cỡ lớn … với đủ kiểu dáng. Cứ ngỡ đô thị như một nồi lẩu thập cảm, thứ gì cũng có mà không thành thứ gì riêng biệt. Dường như quy hoạch đô thị của chúng ta thiếu vắng sự quy hoạch kiến trúc, nên tới thành phố này cũng thấy giống thành phố kia, chẳng có gì khác biệt. Nếu như Đà Lạt không có những biệt thự cổ, thì Đà Lạt sẽ đơn điệu, Đà Lạt sẽ nghèo đi. Nếu như Huế không có những kinh thành thì Huế sẽ mất sự trầm mặc. Hà Nội lấp các hồ thì chẳng thành một Hà Nội với đặc trưng phố - sông - hồ. Gò Công mất đi những ngôi nhà cổ và những căn phố cổ thì chỉ là một Gò Công cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI như những thị trấn, thị xã nào ở Việt Nam mới thành lập.

Con người luôn có sự hoài niệm. Ký ức là một phần của cuộc sống. Không có ký ức sẽ chưa thành con người hoàn thiện. Đô thị cũng vậy. Nó có ký ức của đô thị, ký ức của thị dân. Ký ức đô thị nằm trong từng thành phần của kiến trúc, trong vật liệu xây dựng, trong cảnh quan của từng di tích. Hơi thở của từng thời đại đã qua phải được lưu lại trong môi trường sống của thời hiện đại. Lịch sử bao giờ cũng được nối tiếp, và vì thế, ký ức của thị dân phải là những ký ức đẹp về đô thị của mình.

Tôi may mắn được nhiều lần trở lại thị xã Gò Công trong vài năm gần đây. Thị xã đang thay da đổi thịt từng ngày. Những chương trình chỉnh trang đô thị đã làm cho thị xã trở nên trẻ trung. Và ở góc độ nào đó, thị xã đã bừng lên nét phồn vinh của thời hội nhập. Những ngôi nhà cổ đang mất dần giữa đô thị đang bước sang thế kỷ thứ ba. Mừng cho thị xã, nhưng lại buồn cho thị xã. Phố cổ như tảng băng đang tan dần. Rồi đến một lúc nào đó, người ta kể chuyện phố xưa ở thế kỷ XIX và thế kỷ XX như là chuyện cổ tích không có thật trong đời.

Đã nhiều lần tôi cứ đứng ngẩn ngơ nhìn những căn phố cổ, nuối tiếc những thế kỷ nó từng là chứng nhân của một vùng đất được gọi là “địa linh nhân kiệt”, bởi biết rằng, rồi một ngày không xa, tôi chẳng còn thấy nó được nữa. Nó lặng lẽ biến đi như thể trên sân khấu người diễn viên đã xong vai diễn của mình.

Tôi lại nhớ Hội An những ngày tôi trở lại vào năm 2007. Hội An đã tìm lại được bóng dáng của mình. Những ngôi nhà cổ được phục hồi. Khu phố mới đã tách rời khỏi khu phố cổ. Những khách sạn được xây dựng bằng gỗ như thể đã có tự lâu đời. Hội An tạo ra một đô thị đèn lồng, một đô thị với nhiều đường đi bộ. Đêm cứ đủ màu trước những ngôi nhà cổ. Lại nghĩ tới Gò Công. Phố cổ Gò Công chưa mất hết. Những gì còn lại dù không nhiều cũng nói được phần nào về lý lịch của đô thị cổ. Không phải sự hoài cổ nào cũng tốt, nhưng với phố cổ khi đã mất đi thì không bao giờ tìm lại được. Các thế hệ sau chỉ còn cách tìm lại trong sách, trong truyện cổ dân gian. Ở Hàn Quốc, người ta đã chế tạo một loại thùng đặc biệt, chứa đựng những hiện vật của thời đại ngày nay cho một ngàn năm sau. Một ngàn năm sau sẽ biết được cuộc sống của chúng ta hiện nay thế nào. Đó là những thông điệp cho tương lai. Phố cổ chính là thông điệp của những thế kỷ trước, là bảo tàng sống, chỉ sợ chúng ta không hiểu và bài phế nó.

Phố cổ Gò Công với những nhà gỗ truyền thống được dựng tường bao che bằng gạch và mặt dựng theo phong cách phương Tây, với những dãy phố người Hoa, những căn phố ngói mà  phong cách lại vừa ta vừa tây, những công sở có từ thời Pháp mới chiếm đóng, những cơ sở tín ngưỡng Hoa, những lăng mộ có tính thánh địa. Trong đó, dinh tỉnh trưởng, một công sở quan trọng nhất của chính quyền thuộc địa, được hoàn thành năm 1904, nay đã hơn một thế kỷ. Có lần, nhìn thấy dinh tỉnh trưởng chỉ còn là phế tích, một kiến trúc hoành tráng như thế, dấu ấn đô thị thời phong kiến tại Gò Công đang chờ xóa sổ, tôi vội vàng đưa lên mặt báo về tình trạng này. Báo ra rồi, tôi cứ ngồi lo sự phản ứng của chính quyền. Cảm giác bất an cứ đeo bám tôi một thời gian dài. Không ngờ, tôi nhận được một cú điện thoại từ anh Trần Văn Lâm, Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của thị xã Gò Công, anh nói anh chia sẻ quan điểm bảo tồn dinh tỉnh trưởng của tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy là có cán bộ phụ trách về lĩnh vực này ủng hộ.

Bây giờ, phố cổ Gò Công cũng đang mất dần do nhu cầu cải thiện nơi ở của nhân dân. Vấn đề còn lại là làm sao vừa bảo tồn được phố cổ mà vẫn phát triển đô thị được. Bài học phát triển từ Hội An đã có. Tôi lại có quyền hy vọng bằng những chính sách phù hợp với sự bảo tồn, tái tạo cảnh quan đô thị cổ và phát triển những khu đô thị mới của thị xã, đô thị cổ Gò Công sẽ không mất đi, và các thế hệ sau sẽ còn nhìn được làng Thành Phố trong cuộc sống hiện đại của mình.

Tác giả bài viết: Lê Ái Siêm

Nguồn tin: Văn nghệ TG số 40