Chuyện về những kỷ vật kháng chiến

 “Phụ nữ Tiền Giang trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong công cuộc xây dựng đất nước” là chuyên đề mà Bảo tàng Tiền Giang đã và đang tiến hành sưu tầm để trưng bày phục vụ.
Chuyện về những kỷ vật kháng chiến

Bà Trần Ái Vân (phường 5, TP. Mỹ Tho) tuổi đã “thất thập cổ lai hy” khoe những kỷ vật: Một cái đèn pin ngoéo của Mỹ sản xuất. Dì nói, đây là chiến lợi phẩm của trận đánh 2 đồn Thạnh Phú và đồn cầu Thầy Khánh vào cuối năm 1963, là trận đánh phối hợp địa phương quân liên xã: Thạnh Phú, Phước Thạnh, Bình Đức, Long Hưng. Lúc đó bà công tác ở Hội Phụ nữ xã Thạnh Phú.

Về kỷ vật mảnh khăn tang, bà Trần Ái Vân kể rằng: Bà được đưa đi học lớp y sĩ ở Vạc Lài (Campuchia) từ năm 1969 - 1972. Đang ở đất bạn, nghe tin Bác Hồ mất, các học viên bàng hoàng xúc động, ôm nhau mà khóc và ai cũng tự mình may một mảnh khăn tang để tưởng nhớ Bác. Sợ mảnh khăn tang bị phai màu, rách, bà lấy mủ nilon bọc, hơ kín lại, giữ nó như một bảo vật.

Kỷ vật thứ ba mà bà Trần Ái Vân còn lưu giữ là một đầu đạn. Bà đi khập khểnh là do trong đợt “cắm cờ giành đất ở Quốc lộ 1 với địch” vào ngày 23-11-1973, bà bị địch bắn bị thương ở đầu gối, mãi đến hơn 20 năm sau nó hành đau nhức quá, gia đình đã đưa bà đi bệnh viện mổ lấy ra. Kỷ vật thứ tư là con dao. Bà đã sử  dụng nó trong “đội phẫu thuật dã chiến vành đai” vào đầu năm 1972 đến giữa năm 1973 để mổ cứu thương binh, bệnh binh. Đội có 8 người, anh Hai Tùng làm đội trưởng, bà làm đội phó.

Về kỷ vật cái lu, dì Lê Kim Xuân (phường 9, TP. Mỹ Tho) kể: Khoảng tháng 10-1969, là mùa nước nổi. Lúc đó dì trong đội cứu thương, đóng tại xã Hậu Mỹ (Cái Bè). Sợ địch phát hiện, đa số nhà dân làm hầm bằng lu để nuôi giấu cán bộ, thương binh, bệnh binh. Đội cứu thương của dì chia nhau đến điều trị vết thương cho bộ đội. Đội cứu thương người nào cũng bị hắc lào, bởi vì lội nước né địch càn; đến nơi, thường điều trị thương binh, bệnh binh dưới hầm bị ẩm, không bị bệnh phụ khoa đã là may.

Thường ngày, sau đợt địch càn quét, các anh gỡ lựu đạn, nữ mới vào. Ngỡ là lựu đạn đã gỡ, dì Xuân vào, đạp phải làm bị thương ở chân. Do thiếu người, đội cứu thương được cử thêm chị Thủy ở CK về hỗ trợ. Ở nhà cha anh Nguyễn Văn Nâu, chị Sành đang nấu nước để rửa vết thương cho thương binh thì nhà kế bên gọi “trâu ăn lúa”, là ám hiệu mỗi khi địch càn quét. Chị Thủy và chị Sành vội vã bưng nồi nước đang nấu và đồ nghề xuống hầm.

Còn dì Xuân, cái chân bị thương, bò lên xuồng, bị té, xuống hầm sau. Hầm đậy nắp, nước của nồi luộc kim bốc hơi làm 3 người bị ngộp. Lính tràn vào nhà, trong đó có 1 đại úy. Chúng lùng sục rồi lấy cơm trong nhà ăn. Ở ngoài điện báo vào cho biết nhà này có chứa Việt cộng, bắt phải xôm hầm. Mặc cho điện báo, đại úy đó để lính ăn rồi rút lui, chứ không xôm hầm. Gia đình ông Nâu lôi chúng tôi lên thì chị Sành và chị Thủy đã tắt thở. Còn tôi bị ngất, may được cứu sống.

Rất nhiều câu chuyện và kỷ vật mà các bà, các dì kể cho chúng tôi nghe, mỗi câu chuyện, mỗi kỷ vật chứa đựng một giá trị riêng của nó, là những dấu ấn lịch sử của thời bom đạn đã qua. Nhận những kỷ vật từ tay các bà, các dì trao, chúng tôi hứa sẽ trưng bày và đưa tất cả thông tin ấy đến với công chúng, đến với khách tham quan và nói rằng phụ nữ Việt Nam “Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như thế đó!

Nguồn tin: Ấp Bắc