Chuyện người nữ chính trị viên xã đội Tân Phú

Cô Trương Thị Nghề - Ảnh: L.Q.H

Cô Trương Thị Nghề - Ảnh: L.Q.H

(Viết theo lời kể của cô Trương Thị Nghề)


Đến bây giờ, cô vẫn không biết mình tham gia cách mạng từ lúc nào. Hồi 14-15 tuổi, thấy cô bé hơi lí lắc, mạnh dạn, các cô, các chú trong xóm thường nhờ đi mời đám giỗ, đưa thư. Cô dạ một tiếng là chạy liền nhưng trong lòng vẫn thắc mắc: “Đám giỗ sao không thấy chuẩn bị gì cả mà toàn thấy ngồi lại nói chuyện không?”. Nhưng chuyện người lớn nhờ mình thì phải làm tròn. Vài năm sau, cô tham gia Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ rồi qua luôn… xã đội. Công việc cứ cuốn hút mãi cho đến đầu năm 1963, cô trực tiếp tham gia trận Ấp Bắc bên cạnh người chỉ huy tài ba - Đại đội trưởng Bảy Đen.
Cô Tám Nghề (Trương Thị Nghề, nguyên phó bí thư chi bộ, chính trị viên xã đội Tân Phú năm 1963) nay đã bước sang tuổi 71, mắt đã yếu và chứng rối loạn tiền đình ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khi nhắc đến trận đánh Ấp Bắc, mắt cô như sáng lên và cô kể rành rọt những công việc của mình trong trận đánh lịch sử ấy.

Sau Đồng Khởi năm 1960, cùng với Mỹ Hạnh Đông, Tân Phú là xã giải phóng nằm trong vùng liên hoàn nối hai huyện Cai Lậy và Châu Thành, tiếp giáp với căn cứ của tỉnh. Những ngày ấy, các đơn vị bộ đội cùng với cán bộ lãnh đạo Quân khu, tỉnh, huyện luân phiên về đóng rải rác ở các ấp Tân Thới, Tân Hòa, Ấp Bắc hay mấy ấp phía trên thuộc Mỹ Hạnh Đông. Nhân dân ở đây tuy nghèo nhưng mỗi khi có bộ đội hay cán bộ lãnh đạo về đều đón tiếp niềm nở, bố trí nơi ăn, chốn nghỉ. Anh em du kích trong xã đội được phân công hướng dẫn đường đi cho các anh bộ đội để tránh những hầm chông, bãi lựu đạn mà lực lượng đã gài nhằm chống lại các cuộc hành quân, càn quét của địch. Nói chung, lực lượng du kích được chuẩn bị rất kỹ về chính trị, quân sự và dân vận.

Chiều ngày 1/1/1963, trinh sát về hỏi chỗ đóng quân cho bộ đội. Đến chạng vạng tối thì lực lượng 261 của anh Bảy Đen từ Hưng Thạnh kéo về. Gặp anh Bảy, cô hỏi đùa:

- Anh Bảy, làm gì bộ đội mới đi hôm qua bây giờ quay lại, ai mà xách nước cho kịp. Nước uống cũng mới hết rồi!

Anh Bảy trả lời:

- Nói cho chị biết, tụi tôi chuẩn bị đánh một trận lớn ở đây rồi ở lại ăn Tết luôn.

- Chắc không, nghe nói đánh hoài mà sao không thấy?

Anh Bảy nghiêm giọng:

- Lần này có thể là chắc. Nhờ chị chuẩn bị giùm trước dân công, cơm nước, xuồng ghe đặc biệt là phát động dân đừng để lộ bộ đội có đóng tại đây. Tụi nó biết được sẽ pháo vào rất nguy hiểm. Tôi đi kêu anh em đào công sự đây. Nếu ngày mai không đánh mình chuẩn bị trước cho sau này cũng được vậy!

Biết tính anh Bảy, lúc nào giỡn ra giỡn còn vào chuyện thì rất nghiêm túc, cô liền báo cho chi bộ và Ban chỉ huy xã đội họp gấp để bàn cách đánh địch và hỗ trợ cho các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn xã Tân Phú đánh càn. Ban chỉ huy xã đội thống nhất phân công: đồng chí Năm Tình phụ trách một tiểu đội đến tham gia đánh địch ở mặt trận cầu Ông Bồi, đồng chí Mười Nên phụ trách một tiểu đội đến mặt trận ấp Tân Hiệp, cô và đồng chí Chín Trừ phụ trách một tiểu đội kết hợp cùng đại đội 1, tiểu đoàn 261 tham gia chiến đấu tại mặt trận chính diện Ấp Bắc. Anh Hai Phấn, bí thư chi bộ, còn căn dặn: Bộ đội có yêu cầu gì thì địa phương phải cố gắng đáp ứng đầy đủ, ngoài ra, lực lượng du kích ấp phải lo xuồng và dân công tải thương.

Cuộc họp kết thúc đã gần nửa đêm. Từ đó đến sáng, cô liên hệ với bà con trong xóm để lo chuyện hậu cần cho trận đánh, đồng thời hỗ trợ cùng anh em du kích đưa người già, trẻ em tản cư về Hưng Thạnh và các vùng giải phóng lân cận, không đưa ngược ra quốc lộ 4 (Quốc lộ 1A ngày nay). Những ấp có khả năng địch không tiến vào như Tân Hiệp, Tân An du kích được điều động bổ sung cho mặt trận chính, chủ yếu tham gia chiến đấu và dẫn đường cho bộ đội. Đến gần sáng, bộ đội đã đào xong công sự và chuẩn bị chiến đấu.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 2/1/1963, cô nghe tiếng tàu chạy trên kênh Nguyễn Văn Tiếp ngày một nhiều. Đến 6 giờ, một đại đội của địch từ quốc lộ 4 kéo vào đến bụi tre 1 thì gặp đại đội vũ trang của Châu Thành nổ súng, chúng chựng lại không tiến nữa. Cô chạy đến gần đó nắm tình hình thì gặp các anh ở Tiểu đoàn 261. Lập tức, các anh bảo cô về báo ngay cho lực lượng du kích chuẩn bị tham gia chiến đấu. Lác đác một vài nơi tiếng súng bắt đầu nổ. Trên cánh đồng Tân Phú lúc này chỉ có rất ít ruộng đã thu hoạch sớm lúa vụ Đông - Xuân, còn lại đang ngậm sữa hoặc chờ chín nên cô và lực lượng du kích dễ len lỏi theo những miếng ruộng lúa cao khỏi đầu tiếp cận đến từng công sự của mấy anh bộ đội. Về kiểm tra công tác hậu cần thì thấy bà con đã chuẩn bị đủ theo yêu cầu, cô rất mừng. Bắt đầu từ 8 - 9 giờ, chiến sự diễn ra ác liệt. Cô khâm phục anh Bảy Đen không lúc nào chịu yên một chỗ, chạy hết công sự này sang công sự khác chỉ đạo bộ đội chiến đấu, trong khi đó, trực thăng trên trời xuất hiện và bắt đầu thả quân xuống. Suốt ngày đó, cô cùng chị Vốn, chị Năm Biết, chị Năm Ân mang cơm đến từng công sự cho các anh bộ đội. Mãi lo chiến đấu, có anh nào ăn được gì đâu. Trên đầu, đạn pháo bay vèo vèo vậy mà không hiểu sao lúc đó không cảm thấy sợ. Các anh còn trêu ghẹo:

- Mấy chị đừng bỏ chúng tôi nhen!

Chị Năm Ân trả lời:

- Không bỏ đâu, mấy anh ráng đánh cho giỏi. Nhớ cẩn thận một chút nữa tụi này ra tiếp tế.

Cảm động nhất là tấm lòng bà con với cách mạng. Khi chạy ngang qua nhà của bà Chín Tiến, ông Bảy Nghị, họ đều bước ra hỏi:

- Ê Tám! Bộ đội có sao không?

Cô trả lời:

- Không sao, Cô bác cứ an tâm, nhớ nấu cơm thêm cho bộ đội.

- Ờ, ờ mày nói với bộ đội ráng chiến đấu đẩy tụi nó ra. Lát nữa chạy qua đây lấy nồi cơm tao mới nấu xong nè!

Từ trưa đến chiều tối là thời điểm gay go ác liệt nhất giữa ta và địch. Bị đánh đau, thiệt hại nặng, chúng dùng nhiều loại máy bay, tàu chiến, pháo binh trút hàng chục tấn bom đạn xuống trận địa Ấp Bắc. Nhưng lực lượng bộ đội và du kích chiến đấu anh dũng bẻ gãy tất cả các cuộc tiến công của địch, nối lại đường dây liên lạc, sửa sang công sự để tiếp tục chiến đấu. Đối với công tác tải thương, do không đủ xuồng, cô cùng anh em du kích đóng bè chuối thay xuồng, để thương binh nằm trên bè, lấy lục bình nghi trang và người lội bên dưới đẩy qua các kinh rạch vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đưa thương binh về tuyến sau an toàn.

Suốt cả ngày lăn lộn trên chiến trường đến chiếc khăn đội trên đầu cũng không còn nguyên vẹn, còn áo bà ba bê bết sình vậy mà cô không thấy mệt. Đến tối, tập hợp lại anh em từng tiểu đội ai bị thương đưa về Hưng Thạnh, người hy sinh thì tổ chức mai táng. Chiều hôm đó, một quả pháo của địch nổ gần làm cô bị thương ở mắt trái, nửa đầu bị cháy sém nên cũng được đưa về Hưng Thạnh chữa trị. Được hai hôm, nóng lòng trước những công việc còn dở dang ở địa phương, cô quay trở về tiếp tục phát động các ấp Tân Thới, Tân Hòa giúp đỡ nhân dân Ấp Bắc lợp lại nhà cháy, nhà hư, củng cố lại lực lượng du kích và đưa bà con đã tản cư về quê. Sau đó cô bám trụ ở địa phương được 5 năm thì rút về huyện và được đưa đi học…

Cô Tám ngừng lời, đi vào trong lấy ra mấy quyển sách cùng một xấp tài liệu. Cô đưa cho tôi xem từng quyển sách nói về trận Ấp Bắc mà nhiều nơi gửi tặng, những tấm ảnh cô mặc quân phục hay cùng chụp ảnh chung với bà Trương Mỹ Hoa. Tất cả là kỷ niệm không bao giờ phai trong ký ức của người chính trị viên xã đội Tân Phú ngày nào. Đặc biệt, bản sao tập nhật ký của Đại đội trưởng Bảy Đen được đánh máy trên giấy pơ-luya đã ngả màu được cô giữ gìn cẩn thận.

Chỉ hai đứa cháu trai gọi bằng bà đang bắn bi trước sân, cô Tám nói:

- Phải chi không có chiến tranh, cô đã là bà nội hay bà ngoại gì rồi.

- Nghĩa là…

Không đợi tôi hỏi, cô Tám kể tiếp: Hồi cuối năm 1963, sau một thời gian quen nhau, cô và anh Nguyễn Văn Tấn, quê ở xã Long Khánh (Cai Lậy) được tổ chức làm lễ tuyên bố. Anh là trinh sát thuộc Tiểu đoàn 261. Khi trận Ấp Bắc diễn ra, anh đang đi học ở Campuchia. Cưới nhau không bao lâu, anh lại lên đường làm nhiệm vụ; cả năm trời, hai vợ chồng chỉ gặp nhau 1 - 2 lần. Đến năm 1965, cô được tin anh ấy hy sinh tại Bến Tre, lúc đó cô có thai được 4 tháng. Nén đau thương, cô tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng và sau đó được phân công làm bí thư chi bộ xã. Hai tháng sau ngày anh Tấn hy sinh, có lẽ do đi lại nhiều nên cô bị sẩy thai. Vậy là chồng mất, con cũng không còn. Số cô chắc không có duyên với chuyện chồng con…

Có người phụ nữ nào không muốn thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Tôi đọc được điều ấy trong đôi mắt thoáng buồn của cô. Tôi lái câu chuyện sang hướng khác:

- Là phụ nữ tham gia cách mạng, sao cô không chọn những công việc khác mà lại tham dự vào lãnh vực chiến đấu?

Cô Tám mỉm cười:

- Có lần, một phái đoàn Cu Ba gặp cô cũng đặt vấn đề tương tự như cháu. Họ hỏi: “Bàn tay của người phụ nữ để cầm hoa, sao cô lại cầm súng, những việc lẽ ra nam giới làm?”. Đối với cô, cầm súng đánh giặc là không phân biệt nam nữ. Ông bà mình có câu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Cô tham gia cách mạng một cách tự nguyện. Được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng thì mình phải hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng phân công. Với lại thấy mấy anh bộ đội cực khổ chiến đấu, mình cũng phải góp công sức phần nào…

Rời Ấp Bắc nhưng trong tôi vẫn còn lởn vởn hình ảnh của những chiến sĩ giải phóng quân cùng du kích xông lên, lá ngụy trang bay phất phới, quân thù chết gục trước mũi súng của họ. Những anh chị dân công vượt qua mưa bom, lửa đạn tiếp tế cơm nước cho bộ đội, trầm mình trong những con kênh nhỏ để đưa chiến sĩ bị thương về tuyến sau, trong đó có cả người nữ chính trị viên xã đội Tân Phú - Trương Thị Nghề.

Tác giả bài viết: Lê Quang Huy

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 25