"Phát huy truyền thống AHDT Trương Định, xây dựng Tiền Giang giàu đẹp"

Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định là một trong những vị Anh hùng dân tộc đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 60 của thế kỷ XIX tại Việt Nam. 
Các tầng lớp nhân dân đến viếng trước Tượng đài AHDT Trương Định tại TX. Gò Công. Ảnh: NHẤT AN
Các tầng lớp nhân dân đến viếng trước Tượng đài AHDT Trương Định tại TX. Gò Công. Ảnh: Nhất An

Ông sinh năm 1820, người làng Tư Cung, nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam, chiêu mộ dân cày, khẩn hoang lập ấp, trở thành bậc tiền hiền mở đất khai cơ ở vùng Tân An - Định Tường.

Năm 1854, Trương Định và gia đình bên vợ của ông là bà Trần Thị Sanh (vợ thứ) - người Gò Công đã xuất tiền của, chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ.

Tháng 2-1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đem quân của ông cùng với quân triều đình chống giặc ngoại xâm, lập nhiều chiến công.

Bà Trần Thị Sanh trở thành “hậu phương” vững chắc, luôn ủng hộ chồng lo việc rèn vũ khí, tích trữ lương thực cho nghĩa quân kháng Pháp.

Năm 1862, triều đình ký Hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang.

Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và được nhân dân suy tôn là “Bình Tây Đại Nguyên soái”, tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, nghĩa quân do ông lãnh đạo đã lập nhiều chiến công, trừng trị nhiều tay sai của giặc Pháp…

Rạng sáng 20-8-1864, do tên Huỳnh Công Tấn phản bội và dẫn giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám lá tối trời (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông), Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn thanh danh, khí tiết người anh hùng - khi ấy ông tròn 44 tuổi.

Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, nhưng Trương Định đã để lại tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân và tinh thần kiên trung, bất khuất. Tinh thần Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo mãi mãi rực sáng cùng non sông đất nước. Để tưởng nhớ công đức của ông, hàng năm vào các ngày 19 - 20-8 (dương lịch), nhân dân Gò Công tổ chức trọng thể Lễ Giỗ kỷ niệm ngày ông tuẫn tiết với các nghi thức trang trọng.

Năm nay, đúng vào ngày 20-8, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 150 năm Ngày Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định tuẫn tiết. Đây là dịp để thế hệ hôm nay cùng tưởng niệm và ghi nhớ sự nghiệp, công lao của AHDT Trương Định đối với xứ Gò Công nói riêng và vùng đất Nam bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung; qua đó giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta cho thế hệ trẻ.

Phát huy truyền thống bất khuất của AHDT Trương Định và các bậc tiền nhân, đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, nhiều thập kỷ qua, Đảng bộ, quân - dân Tiền Giang đã đoàn kết một lòng, làm nên những chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu như:

Chiến thắng Ấp Bắc (năm 1963) đã tạo nên phong trào cả nước “Thi đua giết giặc lập công”; chiến thắng Ba Rài (năm 1967) bẻ gãy chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”; chiến thuật bao vây diệt Mỹ ở vùng căn cứ Đồng Tâm; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; trận đánh Ao Dong (năm 1968) tại xã Bình Xuân; mở mảng chuyển vùng giải phóng Chợ Gạo (năm 1974),… góp phần vào đại thắng mùa Xuân 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổ quốc sang trang mới, 39 năm qua, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, với hành trang là sức mạnh đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền Tiền Giang đã lãnh đạo nhân dân phát huy nội lực, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế với tinh thần cách mạng tiến công, tạo được diện mạo mới trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Từ một tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế Tiền Giang đã từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư ngày càng hoàn thiện, an sinh xã hội được đảm bảo, nên chất lượng tăng trưởng ổn định, bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, hoàn thành tốt các mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh qua các thời kỳ.

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta, nhưng Đảng bộ, quân - dân Tiền Giang đã đồng tâm hiệp lực vượt khó, làm nên những thành tựu khả quan trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh đã đánh giá: Trong giai đoạn 2011 - 2013, Tiền Giang đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 9,8%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, sản lượng lúa ổn định ở mức trên 1,3 triệu tấn với cơ cấu chủ yếu là lúa chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Tiền Giang được mệnh danh là “Vương quốc trái cây”, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 1,3 triệu tấn trái cây các loại, trong đó có 7 loại trái cây đặc sản đã xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu tạo nên khởi sắc cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Dấu ấn đáng nhớ nữa là năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, nằm trong tốp 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu; thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm (năm 2011 đạt 28,1 triệu đồng, năm 2013 đạt 35,5 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,27%. Đặc biệt, từ đầu năm 2014 đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư 13 dự án với tổng số vốn 2.275 tỷ đồng; đồng thời đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đầu tư trên 11.000 tỷ đồng.

Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng luôn được tỉnh tập trung chỉ đạo và đã đạt được những mốc son quan trọng.

Nổi bật là trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1996 - là một trong những tỉnh đầu tiên được công nhận sớm nhất trong cả nước; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2006; đội ngũ giáo viên được tăng cường theo hướng chuẩn hóa; giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao, nhất là việc triển khai các chương trình Quốc gia về y tế, xây dựng hệ thống mạng lưới bệnh viện từ tỉnh đến cơ sở cũng như chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

Qua đó, giúp nhiều hộ dân vươn lên khá - giàu, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư lan tỏa sâu rộng. Công tác cải cách hành chính chuyển biến tốt, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao. Tình hình chính trị, an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong chặng đường sắp tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản về tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tỉnh ta đang đối mặt với không ít khó khăn, thử thách phía trước, xuất phát từ tình hình trong nước và thế giới diễn biến phức tạp: Kinh tế suy thoái; thiên tai, dịch bệnh xảy ra; sản xuất nông, ngư nghiệp không ổn định, giá bán nhiều loại nông, thủy sản biến động giảm; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp giảm sút,…nhưng với tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng phát huy truyền thống Anh hùng dân tộc Trương Định và các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và quân - dân Tiền Giang sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, huy động mọi nguồn lực, tập trung vào 3 mũi đột phá; tăng cường công tác xây dựng Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng con người mới và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực hội nhập quốc tế, để làm nên những “kỳ tích” trong giai đoạn mới, quyết tâm phấn đấu đưa tỉnh nhà sớm trở thành một tỉnh giàu đẹp của Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tác giả bài viết: NVK

Nguồn tin: Ấp Bắc