Hội KH lịch sử tỉnh Tiền Giang với những vấn đề lịch sử địa phương

Ra đời trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang nhanh chóng tập hợp giới sử học trong tỉnh, những người yêu thích sử học, nghiên cứu lịch sử và giảng dạy môn Lịch sử trong các trường phổ thông và đại học, từng bước giải quyết những vấn đề về lịch sử của tỉnh nhà, nghiên cứu và truyền đạt kiến thức lịch sử nhằm nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương cho cộng đồng dân cư trong tỉnh.

Cũng như nhiều địa phương khác của châu thổ sông Cửu Long, Tiền Giang là một vùng đất mới, với lịch sử hình thành không dài, nhưng cho đến nay sử học vẫn chưa giải quyết một cách thấu đáo, vẫn còn những “khoảng trống lịch sử”, đòi hỏi sự nỗ lực của những người nghiên cứu lịch sử nhằm lấp dần những khoảng trống hoặc còn mờ nhạt ấy.

Một trong những bước đi mạnh bạo và cần thiết, đó là việc Hội tham gia tiến hành bộ “Địa chí Tiền Giang” gồm 2 tập, hơn 2.400 trang, khổ 20 x 28 cm - một công trình lịch sử quan trọng, nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về nhiều mặt của địa phương Tiền Giang. Được sự chỉ đạo trực tiếp và cụ thể của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội đã hoàn thành bộ địa chí được cho là đồ sộ nhất từ trước tới nay. Với bộ Địa chí này, người đọc sẽ tra cứu một cách dễ dàng lịch sử của từng thôn xóm hoặc các ngành nghề, các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, kinh tế, an ninh, quốc phòng ... ở dạng những nét cơ bản về vùng đất Tiền Giang.
Tiếp theo bộ “Địa chí” là lịch sử Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ cấp huyện và Đảng bộ cấp xã của tỉnh Tiền Giang. Đây là một chương trình lớn, đòi hỏi Hội phải có sự quyết tâm cao với nỗ lực lớn để hoàn thành. Đến nay, việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử Đảng bộ cấp huyện và hơn 160 công trình biên soạn lịch sử Đảng bộ cấp xã trong tỉnh đã được hoàn thành. Những xã còn lại do khó khăn về tư liệu cũng đang được gấp rút sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn để hoàn thành trong năm 2017. Thông qua lịch sử của các Đảng bộ, lịch sử của vùng đất, của cư dân, những cống hiến của cá nhân và tập thể cho đất nước và quê hương, cũng như những nét đặc trưng về văn hóa của địa phương cũng được đề cập, giúp người đọc hiểu được cụ thể hơn về vùng đất mà mình quan tâm, đặc biệt là lịch sử của từng xã trong 2 cuộc kháng chiến và 4 thập niên đầu tiên trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Một hướng nghiên cứu khác cũng được đẩy mạnh, là việc Hội tham gia tiến hành các cuộc hội thảo khoa học, trong đó nhiều cuộc hội thảo được Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, Hội tham gia với tư cách là những nhà chuyên môn chịu trách nhiệm về phần nội dung. Tất cả những cuộc hội thảo khoa học quan trọng đều thành công ngoài dự kiến, giải quyết những vấn đề về lịch sử từng có nhiều luồng ý kiến khác nhau hoặc còn tồn dư những nghi vấn trong các sự kiện lịch sử và các nhân vật lịch sử. Trong các cuộc hội thảo ấy, có các hội thảo quan trọng về các sự kiện như “Mỹ Tho từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945”, “Tiền Giang với toàn quốc kháng chiến”, “Tiền Giang - cái nôi của nghệ thuật cải lương”; hoặc về các nhân vật lịch sử có liên quan đến lịch sử chính trị, quân sự, văn hóa... Các cuộc hội thảo về Nguyễn Thị Thập, Trần Thị Sanh, Hồ Biểu Chánh, Võ Tánh... góp phần nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Hội trong xã hội.

Hội đặc biệt coi trọng nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định khoa học về các công trình và dự án liên quan đến lịch sử và văn hóa. Tất cả các công trình nghiên cứu về lịch sử trong tỉnh đều được Hội tổ chức phản biện và giám định khoa học một cách nghiêm túc và được dư luận xã hội ủng hộ. Việc đặt tên đường, tên các công trình công cộng tại TP. Mỹ Tho và các thị xã trong tỉnh đều được Hội tham gia tích cực và có trách nhiệm, cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan có liên quan, nhằm tránh những sai sót, gây dư luận không tốt trong cộng đồng và xã hội.

Qua 2 nhiệm kỳ kể từ ngày được thành lập, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc thực hiện các công trình nghiên cứu lịch sử địa phương, lịch sử Đảng bộ các cấp, đồng hành cùng giới sử học cả nước, góp phần vào sự phát triển của nền sử học nước nhà.
Do yêu cầu của xã hội, hiện nay, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam được Ban Bí thư và Chính phủ chấp thuận thực hiện Đề án nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, nhiều địa phương trong nước cũng đang thực hiện bộ Thông sử của địa phương mình. Trong nhiệm kỳ tới, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang đề xuất với lãnh đạo tỉnh Đề án thực hiện bộ Thông sử tỉnh Tiền Giang và xem đây là một nhiệm vụ quan trọng của Hội, đòi hỏi sự huy động lực lượng các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, sự phấn đấu của toàn thể hội viên để thực hiện công trình nghiên cứu đồ sộ và xứng tầm với tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, những vấn đề về lịch sử như: Lịch sử vùng đất, lịch sử địa danh dân gian, diễn trình văn hóa, những vấn đề về khảo cổ học, về di sản vật thể và phi vật thể, về danh nhân... cũng cần được coi trọng, để từng bước lấp đầy những khoảng trống trong lịch sử địa phương.

Là một hội chính trị -xã hội - nghề nghiệp, trong hơn một thập niên qua, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang đã tạo được những dấu ấn trên chặng đường phát triển của mình. Để gặt hái những thành tựu to lớn hơn ở chặng đường phía trước, đòi hỏi Hội phải khắc phục những hạn chế, nỗ lực hơn nữa, thực hiện tốt những mục tiêu mà Đại hội lần thứ III đã đề ra, tạo những công trình lịch sử xứng tầm, đáp ứng niềm mong đợi và tin cậy của nhân dân.

Tác giả bài viết: Thạc sĩ LÊ ÁI SIÊM (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang)

Nguồn tin: Ấp Bắc