Đồng chí Phan Văn Khỏe với phong trào đấu tranh cách mạng ở Nam kỳ

Hôm nay, 26-5-2017, Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Phan Văn Khỏe - người chiến sĩ cộng sản kiên cường của Nam kỳ” nhằm đánh giá, ghi nhận những cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ trong những năm 1930, 1940. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu. Báo Ấp Bắc xin giới thiệu bài tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang tại hội thảo và bài viết này đã được đăng trên Tạp chí “Xưa và Nay” của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam số tháng 5-2017.
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Đồng chí Phan Văn Khỏe - người chiến sĩ cộng sản kiên cường của Nam kỳ”. Ảnh: Hạnh Nga

Đồng chí Phan Văn Khỏe sinh năm 1901, ở làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), tham gia cách mạng từ năm 1928, đến năm 1934 được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho và năm 1935 là Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ phụ trách tỉnh Mỹ Tho.

Với nhiệm vụ được giao, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc khôi phục, phát triển cơ sở Đảng và phong trào cách mạng từ năm 1932 đến năm 1935; lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân tỉnh Mỹ Tho trong Cao trào vận động dân chủ Đông Dương (1936 - 1939); đồng thời, tham gia tổ chức thành công các hội nghị và ban hành các nghị quyết của Xứ ủy trong công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Nam kỳ vào tháng 11-1940.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ sáu (tháng 11-1939) và xuất phát từ tình hình thực tế của Nam kỳ, tháng 3-1940, Xứ ủy Nam kỳ đề ra chủ trương phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân. Là Xứ ủy viên phụ trách các tỉnh miền Trung Nam kỳ, đồng chí Phan Văn Khỏe đã tham gia soạn thảo và cùng với Ban Thường vụ Xứ ủy thông qua Đề cương chuẩn bị bạo động tại Hội nghị Xứ ủy họp vào tháng 4-1940 ở Bến Lức, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An); đồng thời, triển khai Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ sáu và Đề cương chuẩn bị bạo động đến các tỉnh thuộc địa bàn phụ trách. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy các tỉnh miền Trung Nam kỳ, không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra vô cùng sôi nổi và phong trào đấu tranh cách mạng ở các tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Giữa năm 1940, chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn ác liệt, thực dân Pháp ở Việt Nam tăng cường đàn áp, khủng bố và thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ. Trước tình hình đó, để chuẩn bị tốt cho cuộc khởi nghĩa vũ trang, Xứ ủy Nam kỳ tổ chức Hội nghị từ ngày 21 đến 27-7-1940 ở xã Tân Hương (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho). Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực thảo luận, thông qua nhiều quyết sách quan trọng đối với phong trào đấu tranh cách mạng của toàn Xứ và nhất trí bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phan Văn Khỏe và đồng chí Lê Văn Khương làm Thường vụ Xứ ủy; đồng thời để tăng cường cho Tỉnh ủy Mỹ Tho cũng như chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp tới, đồng chí Phan Văn Khỏe được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Tiếp đến, vào tháng 8-1940, ở Gò Đen, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và tháng 9-1940, ở Xuân Thới Đông, Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh), đồng chí tham dự liên tiếp 2 Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ để thảo luận, thống nhất và quyết định xây dựng hệ thống tổ chức quân sự từ Xứ ủy đến phân khu, chỉ đạo các tỉnh thành lập Ban Khởi nghĩa; tiến hành công tác củng cố, phát triển cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng; đẩy mạnh công tác vận động binh sĩ địch; phê phán khuynh hướng manh động, khủng bố cá nhân; nối lại đầu mối liên lạc giữa các cấp ủy; tổ chức huấn luyện cấp tốc những đội du kích trong toàn Xứ; tiến hành công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng và trao quyền ra lệnh khởi nghĩa cho Ban Thường vụ Xứ ủy.

Sau khi Xứ ủy ban hành các nghị quyết về chuẩn bị khởi nghĩa, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí Phan Văn Khỏe đã triệu tập và chủ trì các cuộc hội nghị của Tỉnh ủy Mỹ Tho để quán triệt và triển khai các nghị quyết của Xứ ủy đến tận cơ sở và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho, như Hội nghị ngày 12-8-1940, tại làng Long Hưng, quận Châu Thành, thảo luận và nhất trí cần phải xúc tiến nhanh công tác đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa, phác thảo lá cờ của Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để hiệu triệu, cổ vũ quần chúng đứng lên khởi nghĩa và thành lập Ban Quân sự tỉnh; Hội nghị tháng 10-1940, tại làng Thạnh Phú, quận Châu Thành để đề ra các biện pháp cụ thể cho cuộc khởi nghĩa sắp tới, chỉ đạo cho các quận và cơ sở tích cực chuẩn bị khởi nghĩa với tinh thần vừa tuyên truyền, tổ chức mít tinh cổ động khởi nghĩa, vừa tập hợp quần chúng, vừa bí mật tổ chức, huấn luyện quân sự, vừa phát triển lực lượng...

Đặc biệt, đầu tháng 11-1940, đồng chí chủ trì Hội nghị Tỉnh ủy ở xã Thạnh Phú, quận Châu Thành để kiểm điểm tình hình chuẩn bị và xây dựng kế hoạch khởi nghĩa, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ trong Tỉnh ủy và các quận ủy. Bế mạc hội nghị, đồng chí đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận nhiều vấn đề quan trọng, đồng thời chỉ rõ: Đây là cuộc khởi nghĩa đồng loạt trên phạm vi cả tỉnh, mục tiêu là giành chính quyền về tay nhân dân. Trước mắt, tập trung lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền theo từng khu vực, tạo nên thế mạnh áp đảo của nhân dân, sẵn sàng đánh chiếm tất cả các cơ quan đầu não của địch trong các thị xã, thị trấn giành quyền làm chủ về tay nhân dân; bắt, giáo dục, xử tội những tên ác ôn, ổn định trật tự xã hội; tịch thu tài sản, ruộng đất của địa chủ thực dân và địa chủ Việt gian chia cho dân cày nghèo.

Song song đó, để hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc khởi nghĩa vũ trang, đồng chí còn chỉ thị thành lập Ủy ban Khởi nghĩa các cấp, khi giành được chính quyền thì nhanh chóng chuyển Ủy ban Khởi nghĩa làm nhiệm vụ chính quyền nhân dân. Trên cơ sở đó, hội nghị phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ chủ chốt, trong đó đồng chí Phan Văn Khỏe, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho, phụ trách chung và chịu trách nhiệm truyền lệnh, trực tiếp phụ trách cuộc khởi nghĩa ở quận Cai Lậy.

Vào lúc 20 giờ ngày 22-11-1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ được chuyển đến địa điểm liên lạc của Tỉnh ủy tại xã Trung An (nay thuộc TP. Mỹ Tho). Bản mệnh lệnh quy định 0 giờ ngày 23 tháng 11 sẽ bắt đầu khởi nghĩa; tuy nhiên, kế hoạch khởi nghĩa ở Sài Gòn đã bị lộ và chính quyền thực dân tỉnh Mỹ Tho được thông báo cộng sản sẽ nổi dậy trong đêm 22-11-1940, cho nên chúng ráo riết chuẩn bị đối phó, thực hiện việc tuần tra, canh gác rất nghiêm ngặt.

Mặc dù bị lộ, bọn địch đã bố phòng, nhưng việc chuẩn bị khởi nghĩa của nhân dân vẫn giữ được bí mật tuyệt đối và khi Lệnh khởi nghĩa được đưa xuống tỉnh Mỹ Tho, thông qua hệ thống tổ chức được bố trí từ trước, đồng chí Phan Văn Khỏe chỉ thị cho Tỉnh ủy Mỹ Tho nhanh chóng phổ biến xuống tận cơ sở. Cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công nổ ra đúng kế hoạch, mỗi khu vực đều có các đồng chí trong Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo.

Từ nửa đêm 22 đến rạng sáng 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho chính thức bùng nổ. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khởi nghĩa, hàng chục ngàn quần chúng đủ mọi tầng lớp, không phân biệt già, trẻ với băng cờ, khẩu hiệu, đèn đuốc sáng trời đã đồng loạt nổi dậy, kéo đến đánh chiếm các đồn bót, trụ sở, điếm canh, giải tán chính quyền địch ở cơ sở, Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố chính quyền về tay nhân dân, hủy bỏ toàn bộ các thứ tô thuế bất hợp lý và thành lập tòa án nhân dân tiến hành xét xử bọn ác ôn, có nợ máu với nhân dân...

Tính chung, từ ngày 23 đến 30-11-1940, toàn tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công có 75/124 làng (xã) đã giành được quyền làm chủ bao gồm: Quận Cái Bè 2 xã, quận Cai Lậy 23 xã, quận Châu Thành 30 xã, quận Chợ Gạo 19 xã, tỉnh Gò Công 1 xã. Ngoài ra, còn 15 xã khác hưởng ứng theo từng mức độ khác nhau như: Quận Cái Bè có 5 xã, quận An Hóa có 3 xã, tỉnh Gò Công có 7 xã. Hệ thống tề làng, đồn bót ở địa phương hoàn toàn tan rã, một số bị bắt, bị giải tán, số khác sợ phải chạy đi nơi khác để sinh sống.

Trong khi cuộc khởi nghĩa đang diễn ra quyết liệt, ngay ngày 23-11-1940, đồng chí Phan Văn Khỏe và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo chuyển Ủy ban Khởi nghĩa các cấp thành chính quyền nhân dân. Cũng trong ngày hôm đó, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Phan Văn Khỏe, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho làm Chủ tịch, đây là địa phương đầu tiên trong cả nước đã thành lập được chính quyền cách mạng của nhân dân ở cấp tỉnh; đồng thời, thay mặt cho chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho, đồng chí đã chỉ đạo thành lập Tòa án nhân dân tỉnh, đây cũng là lần đầu tiên ở Nam kỳ và là lần đầu tiên trong cả nước một tòa án nhân dân cấp tỉnh đã được thành lập.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tiến hành việc trấn áp bọn phản động; thi hành các quyền tự do dân chủ, bãi bỏ các thứ thuế, sổ sách, khế ước, giao kèo có tính chất bóc lột nhân dân; tuyên bố tự do tín ngưỡng, thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, không ngược đãi hàng binh, khoan hồng đối với người lầm đường hối cải, tịch thu ruộng đất và lúa gạo của bọn địa chủ phản động chia cho dân nghèo, nghiêm trị bọn phản động...

Ngay sau cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man, Đảng bộ bị thiệt hại nặng nề, Xứ ủy bị vỡ; hệ thống liên lạc từ Xứ ủy đến tỉnh, quận, làng bị cắt đứt, đa số cán bộ, đảng viên bị bắt giết, tù đày; một số đảng viên thoát khỏi sự khủng bố của thực dân Pháp phải tạm lánh đi nơi khác và số ít đảng viên không bị lộ vẫn bám cơ sở.

Lúc bấy giờ, đồng chí Phan Văn Khỏe thực hiện tốt công tác phòng gian bảo mật nên vẫn an toàn, bám địa bàn tại một số địa phương ven Đồng Tháp Mười thuộc quận Cai Lậy tìm cách móc nối liên lạc với Xứ ủy và một số cơ sở Đảng còn lại trong tỉnh Mỹ Tho; chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí đã bí mật tập hợp số đảng viên còn lại, củng cố lực lượng và liên lạc với một số quận trong tỉnh chờ chủ trương mới của cấp trên.

Trước yêu cầu của phong trào cách mạng, Xứ ủy cần phải được lập lại để nắm vai trò lãnh đạo. Tháng 12-1940, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng một số đồng chí còn lại trong Xứ ủy đã có cuộc họp tại làng An Phú Tây, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) để kiểm điểm sự thất bại của cuộc khởi nghĩa, bàn bạc công tác khôi phục tổ chức Đảng.

Tháng 1-1941, các đồng chí Xứ ủy còn lại triệu tập Hội nghị mở rộng tại làng Đa Phước, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) để lập lại Xứ ủy, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu về thất bại của Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và đề ra chủ trương mới: Phân tán lực lượng, cất giấu, mua sắm, sản xuất vũ khí, chờ thời cơ khởi nghĩa lần thứ hai; cán bộ, đảng viên bám cơ sở, bám dân hoạt động chống khủng bố, khôi phục phong trào, đưa quần chúng ra sống hợp pháp, tránh tổn thất; các đồng chí bị lộ chuyển vùng hoạt động; nhiệm vụ chính là củng cố, phát triển, hoạt động bí mật, không bộc lộ lực lượng; quyết định thành lập Báo Giải phóng làm cơ quan tuyên truyền, hướng dẫn phong trào; đồng thời, Hội nghị cũng đã bầu Ban Chấp hành Xứ ủy mới gồm 11 đồng chí, đồng chí Phan Văn Khỏe giữ chức vụ Bí thư.

Sau đó, ngày 10-4-1941, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng tập thể Xứ ủy Nam kỳ ra Thông cáo gửi tới các đảng viên về việc “chuẩn bị khởi nghĩa lần thứ hai”, đề ra nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, phục hồi hệ thống liên lạc, tổ chức lại các ban lãnh đạo và củng cố tổ chức các ban lãnh đạo ở các tỉnh, kết nạp những quần chúng trung kiên vào Đảng; ngày 28-5-1941, đồng chí thay mặt Ban Thường vụ Xứ ủy ra tiếp một thông cáo mới với nội dung: Yêu cầu các cấp tập trung khôi phục cơ sở Đảng, khôi phục phong trào cách mạng... Những quyết định trên đã thể hiện rõ sự sắc bén và sâu sát của Bí thư Xứ ủy Phan Văn Khỏe trong việc xác định nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Bên cạnh đó, đồng chí và tập thể Xứ ủy còn thực hiện việc liên lạc với Trung ương và đã tiếp thu chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (tháng 5-1941) do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì. Với nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí đã chỉ đạo các địa phương ráo riết tiến hành tập hợp, củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên, khôi phục cơ sở Đảng, cơ sở đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh và cơ sở quần chúng; từ đó, một số liên tỉnh ủy lâm thời, tỉnh ủy lâm thời và Ban Cán sự Đảng ở Nam kỳ lần lượt được thành lập lại như: Liên Tỉnh ủy lâm thời Hậu Giang (ngày 21-1-1941); Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá và Ban Cán sự Đảng các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lãnh (cuối tháng 1-1941); Liên Tỉnh ủy miền Đông và các cơ sở Đảng ở Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh, Thủ Dầu Một (đầu năm 1942)...

Tháng 7-1941, trên đường công tác từ quận Cai Lậy ra lộ Đông Dương để qua tỉnh Bến Tre, đồng chí Phan Văn Khỏe bị địch bắt. Trong nhà giam Cai Lậy và Mỹ Tho, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn một lòng trung thành với Đảng, kiên quyết không đầu hàng, không khai báo. Bất lực, chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình đồng chí; không khuất phục, đồng chí chống án, khiến bọn chúng buộc phải giảm án xuống chung thân và đày đi Côn Đảo.

Hội thảo khoa học “Đồng chí Phan Văn Khỏe - người chiến sĩ cộng sản kiên cường của Nam kỳ”
Nhà ông Năm Vẹm, xã Tân Hương (Châu Thành, Tiền Giang) - nơi Xứ ủy Nam kỳ họp tháng 7-1940, bàn nhiều vấn đề quan trọng về Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ - nay đã được trùng tu, công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: A.Tuấn

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng hàng ngàn tù chính trị được chính quyền cách mạng rước từ Côn Đảo về đất liền. Với tinh thần cách mạng tiến công, đồng chí đã bắt tay ngay vào công tác mới, là đặc phái viên của Xứ ủy Nam bộ, đồng chí đã cùng với lãnh đạo Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam bộ và Tỉnh ủy Mỹ Tho thực hiện nhiệm vụ tổ chức chiến khu kháng chiến vũ trang lâu dài.

Tháng 3-1946, đồng chí rời quận Cai Lậy đi liên hệ công tác với các đồng chí ở quận Cái Bè; trên đường đi, không may đồng chí sa vào tay giặc, bọn chúng đưa đồng chí về quận Cai Lậy tra tấn, đánh đập dã man, nhưng đồng chí đã kiên cường chịu đựng, nhất quyết không khai báo. Với âm mưu tiêu diệt hết tù chính trị ở Côn Đảo trở về và biết đồng chí là một cán bộ lãnh đạo quan trọng, nên sau 2 ngày không khai thác được gì, thực dân Pháp đã hèn hạ thủ tiêu đồng chí Phan Văn Khỏe vào một đêm tối trời tại bãi tha ma - gò Bà Đội Phận ở phía Đông chợ Cai Lậy.

Hơn 70 năm trôi qua, kể từ ngày đồng chí Phan Văn Khỏe hy sinh, tinh thần chiến đấu của đồng chí luôn là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi theo. Dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công; luôn kiên định, vững vàng, trung thành tuyệt đối lý tưởng giải phóng dân tộc của Đảng, vì một xã hội ấm no, hạnh phúc.

Những đóng góp của đồng chí trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc là vô cùng vĩ đại; là một minh chứng cho ý chí quật cường, tinh thần hy sinh vì Đảng, vì phong trào cách mạng của một chiến sĩ cộng sản kiên trung. Với sự dâng hiến cả cuộc đời mình cho quê hương, cho đất nước, cùng với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ngày 30-5-1998, đồng chí Phan Văn Khỏe được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” - Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước ta.

Tác giả bài viết: N.V.D

Nguồn tin: Ấp Bắc