Trang Thế Hy - "Người hiền của văn chương Nam bộ"

VNTG- Còn 2 tháng nữa nhà văn lão thành Trang Thế Hy, người được mệnh danh là “Người hiền của văn chương Nam bộ” bước qua tuổi 88.
Nhà văn Trang Thế Hy
Ảnh: K.H

Tôi nhớ lại lần mừng thượng thọ 80 của ông,  Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu đứng ra tổ chức tại nhà ông ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, Bến Tre, đúng ngày sinh nhật lần thứ 80 của nhà văn. Chiều hôm đó tôi gọi điện chúc mừng ông và hẹn hôm sau sẽ qua “mừng thọ muộn” vì hôm nay chắc là nhiều người đến chung vui với ông lắm. Vẫn giọng chậm rãi từ tốn, ông bảo: Thì cũng mấy đứa ở Hội Bến Tre tụi nó vô nhà bày biện, chứ đâu có ai mà đông.  Chiều hôm sau, tôi cùng mấy bạn viết ở Mỹ Tho qua thăm ông, lúc từ giã, tôi hẹn: “Năm năm nữa tụi con sẽ lại qua mừng bác tuổi 85 nghen”. Ông cười dẫn một câu của nhà văn nước ngoài rồi nói: Gì tới năm năm dữ vậy, đối với người già tuổi tác phải tính từng ngày, thậm chí từng giờ, từng phút. Chạng vạng, ngược con đường đất đỏ lõm chởmm ổ gà từ nhà ông ra lộ, Hoàng Thu Dung rỉ tai tôi: Chắc mình phải thường xuyên qua thăm bác Tư, thấy bác yếu so với lúc trước nhiều!  Tôi ngoái lại nhìn dáng gầy gò của ông lầm lũi quay trở vào căn nhà liêu xiêu trong vườn dừa, chợt thấy lòng dâng lên nỗi ngậm ngùi khó tả.

Vậy mà phải tới 5 năm sau, đúng ngày sinh thứ 85 của ông tôi mới có dịp quay lại thăm ông. Bây giờ cầu Rạch Miễu đã thông xe, con lộ mở lớn, cảnh cũ đổi thay, tôi tìm hoài mà không thấy cái cống nước đối diện với con đường đất đỏ cặp dòng sông nhỏ dẫn vào nhà ông. Chiều muộn quanh đi quanh lại, gọi điện hỏi 2, 3 lần mới tìm ra con đường cũ giờ nằm ẩn giữa phố xá thênh thang rộng mở. Vẫn ngôi nhà trong vườn dừa, hai con chó nhẩy bổ ra vừa sủa vừa mừng và bóng ông già chậm rãi ra mở cổng đón khách. Gặp lại ông sau năm năm chạnh buồn khi thấy ông gầy hơn, lụm cụm hơn, nhưng mừng sao bởi thần trí ông vẫn còn minh mẫn. Ông hỏi thăm hết những bạn bè văn chương ở Tiền Giang, nhắc không sót những người quen, kể cả những người không còn nữa, rồi ngậm ngùi. Lê Hà mất rồi, tao mất một ông bạn nhậu. Tôi nói năm nào tôi cũng qua thăm nhà thơ Lê Hà. Rồi giỡn. Con ít ghé bác vì  bác thiếu gì người thăm. Ông gật gù. Ừ, nói nào ngay tao không đến nỗi hiu quạnh như “thằng cha” Lê Hà. Những lúc thân mật, ông thường dùng đại từ nhân xưng rặt chất Nam bộ như vậy. Quả thật, hơn 20 năm nay, từ khi rời văn đàn Sài Gòn, với câu nói nổi tiếng: Đi chỗ khác chơi, về ẩn cư trong ngôi nhà ở vùng quê Bến Tre, bạn bè văn nghệ, báo giới khắp cả nước, từ người quen hay kẻ chỉ biết ông qua tác phẩm, tìm đến thăm ông ngày càng nhiều. Hầu như ai đọc văn, nghe tiếng ông rồi cũng mong muốn một lần ghé qua ngôi nhà trong vườn dừa, để “diện kiến” ông. Đặc biệt giới trẻ càng yêu mến, ngưỡng mộ, xem ông như mẫu mực về nhân cách viết cũng như nhân cách sống.

Hôm đó, giữa chừng câu chuyện ông khoe Nhà xuất bản Thanh Niên vừa in cho ông một tập thơ song ngữ, đây là tập thơ đầu tiên của ông, rồi lọ mọ cầm đèn pin vô thư phòng lấy sách ra đề tặng. Lần viếng thăm đó, từ chuyện văn chương rồi những câu chuyện đầy chiêm nghiệm trong cuộc sống, đến tối mịt, tôi mới từ giã ông ra về. Lúc ông ra cổng tiễn tôi nói vui. Bác ráng mạnh giỏi, 5 năm nữa con sẽ lại qua chúc thọ.

Nói vậy, nhưng tôi nhủ thầm trong bụng, từ giờ mỗi năm phải qua thăm ông ít nhất một lần.

***
Tôi gặp nhà văn Trang Thế Hy vào năm 1981, khi tôi đang dự khóa bồi dưỡng lực lượng viết văn Trẻ do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Lớp học được tổ chức tại lầu 1 biệt thự số 62 Trần Quốc Thảo, một biệt thự nằm dưới tán cây sứ rậm đối diện với trụ sở Hội  81 Trần Quốc Thảo. Một bữa, giờ giải lao, Võ Phi Hùng rủ tôi qua Hội chơi để nhìn mặt các nhà văn. Hai đứa lơ ngơ ở tầng trệt ngó thấy nhiều người ra vào trong đó có một người dong dỏng cao, mặc sơ mi trắng, bên ngoài khoác vestông đen đồng bộ cùng mũ phớt lệch và píp thuốc ngậm bên khóe miệng trông rất tây, rất lịch lãm. Tôi nhìn ông và nhớ đến những nhân vật trong truyện ngắn của Guy de Maupassant, Alphonse Daudet, hai nhà văn mà tôi rất ngưỡng mộ. Võ Phi Hùng thì thầm với tôi: Nhà văn Trang Thế Hy đó. Anh giải thích thêm: Trước giải phóng ông ký tên Văn Phụng Mỹ với những truyện ngắn nổi tiếng như Nắng đẹp miền quê ngoại, Vầng trăng bên kia sông… Lúc đó tôi chưa đọc gì của ông, nhưng dạng mạo ông để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Khi đã  về Hội Văn nghệ, tôi mới có dịp  làm quen với văn chương của ông trên báo văn nghệ và những tuyển tập in lại, và cả trong những số báo Nhân Loại(*) lục tìm trong tủ sách gia đình.Những Nắng đẹp miền quê ngoại, Áo lụa giồng, Vầng trăng bên kia sông..., in từ những năm đầu thập niên năm mươi, là những truyện ngắn viết về thân phận bi đát của những người dân lương thiện trong bom đạn kẻ thù. Tiếp nối Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Trang Thế Hy đã dựng lên những cảnh trí Nam bộ với đặc trưng khó lẫn. Những rặng tràm thưa, những cội vông đồng soi bóng đỏ ối trên gương nước, những xuồng con lắt lẻo trên đồng sâu, những biển cỏ mênh mông xào xạc, những con kinh mùa nắng nước phèn trong như lọc, “nhìn thì đẹp nhưng hớp vào chua quéo miệng...”.


Bạn già văn chương

Cách viết kín đáo xa xôi, mượn xưa nói nay, mượn ngoài nói trong, thậm chí mượn chuyện hoang đường hư huyễn để gửi gắm những ý tưởng cháy bỏng của mình, giai đoạn sáng tác này của Trang Thế Hy cũng như Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hạnh... đã sử dụng rất nhuyễn, và đã tác động sâu sắc đến tư tưởng người đọc thành thị miền Nam(**).

Giữa Sài Gòn đầy biến động những năm đầu đất nước cắt chia, những cây bút yêu nước như: Lê Vĩnh Hòa, Lý Văn Sâm,  Sơn Nam, Viễn Phương, Truy Phong, Lê Văn, Thái Bạch, Ngọc Linh... đã tụ hội, gầy dựng phong trào văn nghệ có sức lôi cuốn mạnh mẽ người đọc vùng đô thị miền Nam, “buộc họ phải nghĩ tới - dù những người viết đã rất kín đáo - thực trạng của đất nước, hiểm họa của ngoại xâm, nguy cơ của cuộc sống bị Mỹ hóa và đạo đức truyền thống bị băng hoại”(**). Ông là một trong những cây bút nòng cốt của dòng văn học yêu nước trong lòng đô thị tạm chiếm lúc bấy giờ.

Ông cũng không ngần ngại đề cập đến mặt trái của xã hội Sài Gòn đang trượt dài trên dốc của lối sống vật chất. Tiêu biểu cho khuynh hướng viết nầy có bài thơ Cuộc đời đăng trên tuần báo VUI SỐNG Sài Gòn năm 1959. Bài thơ ban đầu có tựa đề là Đắng và Ngọt ký bút danh Minh Phẩm. Nhà văn Bình Nguyên Lộc là chủ bút báo Vui Sống khi duyệt bài đã góp ý rằng cái vị của cuộc đời

đa dạng và phức hợp lắm chứ không nhu hiền, đồng thuận tạo hài hòa hay ngạo mạn đương đầu gây đối nghịch giữa hai cái vị đắng và ngọt, cho nên xét về năng lượng diễn cảm, đắng và ngọt chỉ có vai trò chủ yếu chứ chưa phải là tiêu biểu cho sự phức hợp đa tố chất của cuộc đời. Vì vậy ông đề nghị tác giả đổi tên là CUỘC ĐỜI. Sau đó, bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa đề: Quán bên đường, lan truyền nhanh trong giới văn nghệ, và rất được khán giả yêu thích qua giọng hát Thái Thanh. Hai năm sau Trang Thế Hy bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, sau khi ra tù, năm 1963, ông đi thẳng vô chiến khu. Để bài hát được qua mắt lưới kiểm duyệt, nhạc phẩm Quán bên đường khi lưu hành phải đề là: Nhạc: Phạm Duy, thơ: Khuyết danh. Sau hơn ba mươi năm, khi được phép về định cư ở VN, nhạc sĩ Phạm Duy đã lặn lội xuống Bến Tre tìm thăm tác giả bài thơ Cuộc đời. Hai ông già giờ tóc trắng bạc phơ, cùng nhắc lại cái thuở: Chiều mơ  nắng vàng khoe màu tơ,… thơ thẩn ngồi chơi ngạch cửa, tóc em chừa bánh bèo, đầu anh còn hớt trọc, khét nắng, hôi trâu thèm đi học...

Sau năm 1975, Trang Thế Hy về công tác ở Hội Nhà văn TP HCM. Ngoài những truyện ngắn trong kháng chiến như  Anh  Thơm râu rồng (Giải văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải Phóng miền Nam Việt Nam năm 1960-1965), Bên miệng hố bom đìa, Hột bụi, Quê hương thứ hai của người du kích, Vui nhỏ trên đường dây... những truyện ngắn xuất bản sau nầy của ông như: Mưa ấm - 1981, Người yêu và mùa thu - 1981, Vết thương thứ 13 - 1989, Tiếng khóc và tiếng hát - 1993,  Nợ nước mắt - 1993, với văn phong sâu sắc, giọng điệu kể chuyện thâm trầm, tinh tế đầy chiêm nghiệm về cuộc đời, về thế thái nhân tình… đã để lại cảm xúc và ấn tượng đau đáu trong lòng người đọc.

 Năm 1994, ông được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát - năm 2002, Giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tập truyện Nợ nước mắt.

Nhắc đến Trang Thế Hy, có thể mượn lời Nguyên Ngọc, người bạn văn chương tri kỷ của ông:  “Trang Thế Hy là người đi tìm ngọc, tìm kim cương, không phải giữa chốn phồn hoa đô hội, cũng không phải trong tỉ mẩn trà dư tửu hậu, mà giữa cuộc đời nhọc nhằn, trần tục, ở nơi tận đáy cùng của xã hội (...) Một cái nền rất sâu, rất rộng, để mà viết về những cái rất nhỏ, rất âm thầm, rất địa phương, rất bản địa. Có lẽ chỉ có như vậy thì mỗi nhà văn mới làm được cái việc mà người ta gọi là “đóng góp” vào gia tài chung của văn hóa, văn học dân tộc và thế giới”.

____________________
(*) Tuần báo tiến bộ xuất bản ở miền Nam trước năm 1975

(**) Đọc Trang Thế Hy, Phó GS-TS TrầnHữu Tá

Tác giả bài viết: Thu Trang

Nguồn tin: VNTG số 53