Thơ Nguyễn Thanh Hải “thực và ảo đan quyện, tôn nhau lên…”

Tác giả Nguyễn Thanh Hải vừa đến TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng nhận giải Nhì Cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ V năm 2012 - 2013 với tác phẩm “Phía mùa cam bạc lá”. Nhân dịp này, Nguyễn Thanh Hải đã ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay mang tên “Cúi chiều nhặt sóng” do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản năm 2013.

Đọc và cảm nhận thơ Nguyễn Thanh Hải, người yêu thơ nhận ra một hồn thơ hồn hậu, gắn bó máu thịt, sâu nặng với con người, sự vật và cảnh sắc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cái hồn của sự vật, của cánh đồng, dòng sông…. thấm đẫm trong từng câu thơ và nhiều bài thơ của Nguyễn Thanh Hải.

Tâm trạng của chủ thể trữ tình trong thơ anh ẩn hiện bàng bạc với những cung bậc, sắc thái ưu tư, trăn trở về thân phận con người và đời sống xã hội hiện đại.

Trong bài thơ “Phía mùa cam bạc lá”, Nguyễn Thanh Hải viết:

“Ai bắn vào trời cọng u du tuổi thơ còn đau vết sẹo
Để sau mùa riêng tiếng mẹ thở dài
Để khói trắng đêm cha dằn cơn ho mất ngủ
Để trang sách niềm tin anh lén giấu
Để lỡ mùa chị mượn chữ nghèo tiếc rẻ thời gian
Để trái tim ước ao ngày cũ…”.

Nguyễn Thanh Hải nhiều năm làm thầy giáo dạy học ở vùng sông nước huyện Cái Bè. Thơ của anh thường bộc lộ cái nhìn, cảm xúc hướng về những sự vật bé nhỏ, bình thường giữa đời thường. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Thanh Hải biến ảo và giàu hình tượng, tạo nên những hình ảnh lung linh và gợi cảm về con người và sự vật. Trong bài thơ “Giọt xưa”, Nguyễn Thanh Hải viết:

“Châu chấu nhuộm xanh tà áo lúa xuân thì
Cây mắc cỡ thẹn thùng chép lá hoa lên chiều khăn tím”.

Giới thiệu về thơ Nguyễn Thanh Hải, Nhà thơ Lê Ái Siêm viết: “Nguyễn Thanh Hải đưa người đọc vào cuộc hành trình của cái thực và cái ảo. Thực và ảo ấy cứ đan quyện vào nhau và tôn nhau lên để… ám ảnh người đọc. Trong không gian thẩm mỹ đa chiều, anh đã tạo được bức tranh đồng quê đầy âm vọng, đầy sự trong trẻo và hồn hậu - một bức tranh không chỉ đa sắc mà còn cả đa thanh, vừa lạ lại vừa quen, thẳm sâu mà lại gần gũi, đậm tính nhân văn.”.

Quả đúng vậy. Thơ Nguyễn Thanh Hải chính là sự hòa thanh và hòa sắc của bản nhạc và bức tranh đồng quê. Cái đẹp của hồn quê dân dã đã lên ngôi trong từng câu thơ, bài thơ của Nguyễn Thanh Hải, mang vẻ đẹp lung linh đa thanh, đa sắc.

Tuy nhiên, đọc toàn bộ tập thơ “Cúi chiều nhặt sóng” của Nguyễn Thanh Hải, người đọc nhận ra sự trùng lặp về hệ thống hình ảnh của sự vật, cách cấu tứ bài thơ và sự thiếu phong phú về đề tài. Chính vì thế, tập thơ của anh chưa tạo được điểm nhấn và chưa gây ấn tượng sâu đậm đối với người yêu thơ.

Đối với Nguyễn Thanh Hải, tập thơ “Cúi chiều nhặt sóng” chỉ mới là sự bắt đầu và người đọc hy vọng vào sự gặt hái của anh vào mùa hoa trái thơ ca ở tương lai.

Tác giả bài viết: Võ Tấn Cường