Sơn Nam - hơi thở của miền Nam nước Việt

Trong quyển “Mười khuôn mặt văn nghệ” của Tạ Tỵ (xuất bản lần đầu năm 1970, Hội Nhà văn tái bản gần đây nhất là vào năm 1996) chỉ có 2 khuôn mặt sinh ra ở miền Nam, đó là Sơn Nam và Trịnh Công Sơn. Khi nói đến Sơn Nam, Tạ Tỵ viết “Sơn Nam - hơi thở của miền Nam nước Việt”.
Một góc Nhà lưu niệm Nhà văn Sơn Nam ở TP. Mỹ Tho.

Từ ký ức của mình trong những năm trực tiếp kháng chiến chống Pháp, cùng tài năng phi thường, Sơn Nam viết lại thành văn và các bài khảo cứu về Nam bộ. Để rồi các tác phẩm đó trở thành kỷ vật của bạn đọc yêu quý Sơn Nam, là sách gối đầu giường cho những gợi nhớ về Đồng bằng sông Cửu Long hơn nửa thế kỷ trước, nhất là những người hiện ở lứa tuổi năm mươi và lớn hơn, hoặc các nhà nghiên cứu về văn hóa Nam bộ. Nhiều người gọi Sơn Nam là nhà Nam bộ học.

Tác phẩm của Sơn Nam thường được chia thành hai loại. Loại sách biên khảo như: Bến Nghé xưa, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa, Lăng Ông Bà Chiểu và Lễ hội văn hóa dân gian…

Còn lại có hàng chục tác phẩm văn học, thấm đẫm chất Nam bộ về cảnh vật, cuộc mưu sinh, thân phận, tâm trạng, những uẩn khúc, trăn trở của cuộc đấu tranh sinh tồn, phẩm cách của người Nam bộ như: Bên rừng cù lao Dung, Chuyện xưa tích cũ, Hương rừng Cà Mau, Chim quyên xuống đất, Biển cỏ miền Tây…

Tập truyện Bên rừng cù lao Dung đoạt giải Nhất trong cuộc thi văn học do Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ tổ chức vào năm 1952. Các tác phẩm còn lại rất nổi tiếng, nhất là tập truyện Hương rừng Cà Mau. Ngoài Sơn Nam, hiếm có nhà văn nào cùng thời ở Nam bộ mà xuất sắc cả hai lĩnh vực này. Các trang văn của Sơn Nam phản ảnh đúng phong tục, tập quán, tính cách nhân vật.

Trong những năm tháng ở Sài Gòn, nhiều lần ông tự hào nói “Tôi là một đứa con có hiếu với dân ở dưới”. “Ở dưới” là ở Đồng bằng sông Cửu Long thân thương, trìu mến, là dĩ vãng của ông. Văn của Sơn Nam như kể chuyện, đa phần là chân phương, đôi khi trần trụi, ít trau chuốt như tính cách của ông.

Đó là nỗi niềm, ray rứt, là nắng mưa miền cố thổ, hơn nửa thế kỷ trước: “Nói chôn cho đúng tục lệ chớ đất đâu mà chôn? Tứ bề là nước. Có hai cách: một là xóc cây tréo giữa đồng rồi treo lên mặt nước, chờ nước giựt mới đem chôn lại dưới đất. Như vậy mất công lắm, diều quạ hoành hành. Chi bằng bó xác lại rồi dằn cây dằn đá mà neo dưới đáy ruộng…” (Một cuộc biển dâu).

Đặc biệt, ông viết về Đồng bằng sông Cửu Long bằng tất cả nỗi niềm, nhiều lúc cô tịch: “…Thân không làm lính thú/ Sao không về cố hương?/…/ Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Nhưng lại rất hứng khởi, đầy hào sảng, lắm khi nặng nét u hoài: “… Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút/ Điệu hò… ơ theo nước chảy, chan hòa/ Năm tháng đã trôi qua/ Ray rứt mãi đời ta/…/ Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê (Hương rừng Cà Mau).

Theo người nhà của Sơn Nam, hình như ông chỉ có duy nhất một tập thơ mang tên “Lúa reo” nhưng đã bị thất lạc (cùng với tập truyện Bên rừng cù lao Dung). Nhiều người nói Sơn Nam không làm văn chương, mà ông mượn văn chương để phác họa nỗi khắc khoải với quê hương, nỗi u hoài về thời cuộc, thế sự thăng trầm, những áp bức của bọn thực dân, hiểm họa của thiên nhiên dành cho người khai hoang mở đất, những ký ức đè nén nội tâm.

Nỗi u hoài, khắc khoải (nhiều khi bộc lộ ra sự dí dỏm) đã nhào nặn ra những Năm Hên trong rừng U Minh Hạ; những Hai Cháy, Năm Tự ở ven rừng Ngã Bát; “Con Bảy đưa đò” với câu hò đeo đuổi, bàng bạc trên sóng nước Cái Lớn, lúc sương sớm bình minh hay khi hoàng hôn buông mành sau Bảy Núi; là vợ chồng Hai Tích trong “Một cuộc biển dâu”; Thằng Nhi trong “Mùa “len” trâu”…

Trong hầu hết truyện của Sơn Nam, ông đặc tả tính khốc liệt của thiên nhiên dành cho người đi mở đất; sự hy sinh thầm lặng của người nông dân Nam bộ; sự thâm độc của bọn cường hào ác bá; sự đấu tranh sinh tồn; “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”, “trọng nghĩa khinh tài”, sự chung lưng đấu cật của những người dưng tứ xứ đến khai mở vùng đất mới (muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh)... Tất cả làm nên tính cách người Nam bộ.

Đọc truyện của Sơn Nam, khi đã vào truyện là muốn đọc cho đến cùng. Rồi buông sách ra, trầm ngâm, tâm đắc, tự hào, đôi lúc lại… thẫn thờ như “Hồn người trong ly rượu”! Nhiều truyện, có những đoạn có vẻ phi lý, muốn xem tiếp sự phi lý thú vị tới chừng nào. Rồi ngẫm nghĩ thấy cái lý cao siêu của nó. Đó cũng là hơi thở của ông, như tiếng chim hót trong bụi mận gai. Tạ Tỵ nói “Sơn Nam từ chối hiện tại bằng cách một mình lững thững đi sâu vào dĩ vãng”.

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Võ Nghiêm Minh, một Việt kiều đang sống và làm việc ở Pháp. Để trở lại nỗi đam mê điện ảnh từ nhỏ, có lẽ nhớ da diết quê hương mình và muốn thử sức với phim đầu tay, anh Nghiêm Minh chọn Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam. Anh kết hợp hai truyện ngắn, độc lập nhau, Mùa “len” trâu và Một cuộc biển dâu để ra mắt bộ phim truyện Mùa len trâu nổi tiếng.

Bộ phim đã tham dự gần 10 liên hoan phim khu vực và quốc tế, giành được những giải thưởng đáng kể. Có thể nói, Nguyễn Võ Nghiêm Minh và Sơn Nam có một sự đồng cảm đến lạ lùng, không vì tuổi tác và khoảng cách địa lý. Hơn thế nữa, cảm hứng từ Sơn Nam, Nghiêm Minh khắc họa tài tình vùng đất và tình người Nam bộ, không những sự nhân hậu, thủy chung mà cả lòng trắc ẩn.

Sơn Nam tạ thế ngày 13-8-2008 (13-7 âl). “Sống thì xuôi ngược bôn ba/ Chết nằm đất nghĩa vẫn là cố hương/ Đây Bến Cát: Đất Bình Dương/ Sơn Nam vào giấc miên trường nghìn thu”. Bài thơ bên cạnh mộ phần, tác giả là Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà, người bạn vong niên, cùng quê của ông.

Đặc biệt, nhân lễ giỗ lần thứ năm, phía trước Nhà lưu niệm Sơn Nam (ở Mỹ Tho - Tiền Giang), anh chị Nghị - Hằng (rể và con gái của ông) đã tạo tiểu cảnh “Hòn Phụ Tử” như một cách để Sơn Nam về cố hương, giải nỗi niềm đau đáu của ông.

Tác giả bài viết: Ngô Tấn Lực

Nguồn tin: Ấp Bắc