Phạm Lệ Quyên (1960 - 2012), gần 40 năm hành trình nghệ thuật

VNTG- Trong phát biểu tại buổi lễ truy điệu, ông Lý Thiện Hoàng, Giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh Tiền Giang đã không nén nỗi xúc động:
“…Đồng chí Lệ Quyên thân mến! Cho đến lúc này, người thân - đồng chí - đồng nghiệp và bạn bè vẫn không thể tin được đồng chí đã vĩnh viễn đi xa. Mới đây, mọi người còn thấy Quyên vui vẻ, tích cực hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh tập chương trình tham gia hội thi “Nông dân tài giỏi”. Mỗi buổi trên sàn tập là mỗi buổi ngập tiếng cười giòn giã, bởi Lệ Quyên luôn là người lạc quan và rất yêu đời. Ai cũng hy vọng vào một thành tích mới mà Quyên sẽ mang về sau hội thi lần này, vậy mà khi đoàn chuẩn bị lên đường cũng là ngày Lệ Quyên nhập viện vì căn bệnh xuất huyết não. Ai cũng mong vào một điều kỳ diệu nhưng… Quyên đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 20g 45 phút ngày 19-9-2012 (nhằm ngày mùng 4-8 năm Nhâm Thìn)…".

 
Trong bức di ảnh, Quyên cũng đang cười rạng rỡ, kỷ niệm về chị chảy tràn theo dòng nước mắt.
Một lần đến nhà chị, tôi thấy bức ảnh của một người đàn ông dáng trung trung, có vẻ rất đào hoa, chị khoe :
“Ba tao đó, người ta gọi ổng là quái kiệt Bảy Xê (Phạm Văn Xê), một thời diễn chung Ba Vân, Bảy Nam…”. Tôi nhìn chị đầy thán phục: “Trời ơi! Con nhà nòi đó hả, hèn chi…”. Chị cười giòn tan: “Vậy mà cũng không biết viết bài giới thiệu nữa!” Tôi gật đầu: “Đợi chị làm thêm một “cú huých” thiệt hoành tráng rồi viết luôn!”
Và ngày 6-9 vừa rồi tại Bình Dương, chị đã tiếp tục làm nên một “cú huých” ngoạn mục: đạt một lúc 3 giải thưởng: Giải nhất kịch bản tuyên truyền “Chuyện quê mình”, giải nhì viết chung với ông xã Kỳ Phương kịch bản “Hoa Hồng vàng” (kịch bản này được dàn dựng và biểu diễn trong lễ trao giải) cùng một giải khuyến khích. Định sẽ gặp chị để lấy thông tin viết bài, nhưng mãi lo công việc, để rồi… khi nhìn chị nằm thoi thóp, tim tôi  đau nhói. Chị siết chặt tay tôi, cái nắm tay cuối cùng thay lời từ biệt.
Ngày còn học tiểu học, Phạm Lệ Quyên, cô gái nhỏ nhắn có gương mặt dễ gây cảm tình và giọng nói thật truyền cảm, đã sớm nổi tiếng về ca diễn. Ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu từng lưu dấu kỷ niệm tuổi học trò của chị. Mười sáu tuổi (1976) chị vào Đoàn Ca múa nhạc Tiền Giang đó là bước khởi hành cho chặng đường dài gần 40 năm phục vụ phong trào văn hóa, văn nghệ tỉnh nhà. Năm 1980, Đội Thông tin lưu động (TTLĐ) tỉnh Tiền Giang được thành lập, Lệ Quyên là một trong những “cánh chim đầu đàn” hoạt động ở đội. Chị hát được nhạc tân và vọng cổ, diễn kịch khá gây ấn tượng, nhất là những vai lẳng, vai hài; chất giọng sân khấu của Lệ Quyên vào loại hiếm (chị luôn được điểm cao nhất trong môn tiếng nói sân khấu lúc học ở TP. Hồ Chí Minh). Tài năng của chị không chỉ ở lĩnh vực ca diễn, Lệ Quyên có rất nhiều sáng tác hay, nhất là kịch bản tuyên truyền (trước kia gọi là kịch thông tin lưu động), bài bản ngắn, bài ca vọng cổ… Những sáng tác của chị được sử dụng nhiều trong các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh. Đó là tố chất đa năng đặc biệt mà không phải ai cũng có được. Từ những cống hiến nghệ thuật của mình, chị được nhận rất nhiều giấy khen, bằng khen các cấp cùng ba chiếc huy chương vàng của Bộ VHTT&DL trao tặng: Liên hoan sân khấu không chuyên toàn quốc khu vực II/1990 tại Đà Lạt, Liên hoan tổ đội tuyên truyền VH các tuyến biên giới toàn quốc khu vực I/1996 tại Đà Nẵng, Liên hoan sân khấu không chuyên toàn quốc khu vực phía Nam năm 2001 tại TP. Vũng Tàu.
Những ngày mới thành lập, Đội TTLĐ tỉnh hoạt động trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, phương tiện nghiệp vụ như: âm thanh, ánh sáng… còn nghèo nàn, giao thông chưa phát triển, mỗi chuyến đi diễn phục vụ của đội ở những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng có khi kéo dài cả tháng. Vậy mà các anh chị trong đội luôn sát cánh bên nhau, chia sẻ vui buồn, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, Lệ Quyên đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả với những vai diễn của mình. Những ngày tháng đó, có lẽ là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của chị cũng như những bạn bè còn lại. Với những cống hiến to lớn suốt thời gian làm “lính thông tin” chị đã được anh em tín nhiệm và lãnh đạo tin cậy giao nhiệm vụ làm Đội phó sau đó lên Đội trưởng Đội TTLĐ tỉnh. Lúc “ra đi” chị đang giữ chức phó phòng Nghiệp vụ Thông tin cổ động (Trung tâm VHTT Tiền Giang). “Ngày 3-2-2002, Phạm Lệ Quyên được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ một nghệ sĩ phong trào, chị đã chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản trên mặt trận văn hóa!”.
Là hội viên chi hội Hội Sân khấu (Hội VHNT), Lệ Quyên đã có nhiều đóng góp tích cực trong sáng tác, dàn dựng và biểu diễn. Chị có nhiều vai diễn ấn tượng với khán giả màn ảnh nhỏ trong và ngoài tỉnh của chương trình văn nghệ địa phương, Đài Truyền hình Tiền Giang. Gắn bó với hoạt động của CLB đàn ca tài tử của tỉnh. Không những sáng tác và dàn dựng trong tỉnh chị còn được tỉnh bạn như Bến Tre, Long An, Đồng Tháp… mời dàn dựng hoặc làm giám khảo. Kim Loan, người bạn diễn của Lệ Quyên nói trong nước mắt: “Chị Quyên mất rồi, khó kiếm được người diễn thay những vai
của chị”.
Tôi gặp Lệ Quyên cách đây hơn hai mươi năm. Tôi được chị chỉ dẫn biểu diễn và hướng tôi đến với lĩnh vực sáng tác kịch bản thông tin. Lệ Quyên là người có trách nhiệm trong công việc, cảm xúc của chị biểu hiện rất rõ, giận hờn trong chốc lát rồi lại quên, bởi chị  là người luôn lạc quan, vui vẻ hay  nói, hay cười. Chị ra đi để lại cho bạn bè đầy ắp những kỷ niệm vui buồn, hờn giận. Nếu có dịp họp mặt, tôi tin rằng ai cũng có những mẩu chuyện, những giai thoại vui về chị.
Nghe tin chị được đưa về nhà, tôi vội vã lao xe trong nắng trưa đến với chị. Một Lệ Quyên luôn nói cười giòn giã bây giờ nằm thinh lặng, thoi thóp với chiếc bình oxy. Tôi cầm tay chị và gọi tên, bàn tay búp măng (chị luôn chăm chút) siết chặt tay tôi, dường như chị có nhận ra tôi, một đứa em mà chị luôn gọi là “con quỷ”. Trong chan hòa nước mắt, tôi thấy những dòng chữ tròn trặn, đều nét của Lệ Quyên ghi trên lịch làm việc: "Ngày họp, ngày học chính trị, ngày hết hạn viết lời mới 20 bài bản tổ, ngày hết hạn cuộc thi sáng tác kịch của Bộ VHTT&DL…."Họa sĩ Văn Danh, công tác chung phòng với chị đã tâm sự với tôi: “Lệ Quyên có cái tâm trong sáng, thẳng thắng và vui vẻ, không thâm độc hay để bụng thù oán ai. Quyên kêu anh vẽ cho bức tranh để Quyên treo trong nhà cho đẹp, bức tranh vừa hoàn thành, định thứ hai này đưa cho Quyên nhưng không kịp…”. Còn bao công việc chị chưa kịp làm, lời hứa hẹn với chị tôi chưa thực hiện, niềm vui vừa được nhiều giải thưởng cao của chị chưa lắng xuống. Hạnh phúc vợ chồng bao năm cách xa mới đoàn tụ… vậy mà chị lại phải lên chuyến tàu cuối đời đi về cõi vĩnh hằng để lại cho gia đình, đồng nghiệp, và bạn bè niềm thương tiếc vô biên.
“…Xin vĩnh biệt đồng chí Phạm Lệ Quyên, người đảng viên Cộng sản, người cán bộ tích cực của Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Tiền Giang!” Tiếng khóc vỡ òa và nước mắt tất cả đều tràn mi, khi Giám đốc Lý Thiện Hoàng thốt lên lời vĩnh biệt với người quá cố.                                     

Tác giả bài viết: Ngọc Lệ

Nguồn tin: VNTG số 54