Nhà văn Lương Hiệu Vui: cuộc đời và trang viết

Nhà văn Lương Hiệu Vui - Ảnh: Trương Trọng Nghĩa

Nhà văn Lương Hiệu Vui - Ảnh: Trương Trọng Nghĩa

Trước năm 1975, tại các trường bán công, tư thục khắp tỉnh Định Tường, và một số trường ở Long An có một ông thầy dạy Pháp văn rất nổi tiếng. Ông nổi tiếng không chỉ vì nói tiếng Tây như gió, mà còn vì một… cố tật “dễ thương” mà học sinh thi nhau truyền miệng như một hiện tượng lạ: Ông mắc tật cà lăm một câu tiếng Việt có thể nói lấp rất nhiều lần nhưng đặc biệt với tiếng Tây thì có thể đọc suôn sẻ hàng chương không vấp váp. Ông vui tính lại rất mê văn chương, nhất là văn chương Pháp, thường đọc ngụ ngôn La phongten, thơ Mútxê trong giờ học nên học sinh rất thích những tiết Pháp văn của ông.
Nhưng khoảng đầu thập niên 60, những giờ Pháp văn ở các trường tư thục bỗng được thay thế bởi một thầy giáo khác. Học trò tiếc nuối hỏi han rồi chỉ biết được thông tin phong phanh là ông thầy nhỏ con vui tính ấy đã bị bắt vào tù. Thời ấy chuyện bắt bớ tù tội xảy ra hàng ngày, như cơm bữa. Chỉ tiếc những giờ Pháp văn vui nhộn học như chơi mà chơi như học của thầy giáo Lương Hiệu Vui. Cuối năm 1964 lại thấy thầy Vui ôm cạt táp đến các lớp học. Thầy gầy hơn trước, tóc loáng thoáng sợi bạc nhưng vẫn tự tại, lạc quan. Những tiết Pháp văn lại tiếp tục trong cái yên ả, đầm ấm, không khí của những trường tư lúc bấy giờ. Thầy lại rong ruỗi khắp các nẻo đường... dạy tư. Từ Bán công Vĩnh Kim, Tân Hiệp - Châu Thành, tư thục Nguyễn Du - Cai Lậy, Lê Quý Đôn - Cái Bè đến Chủng viện Gioan 23 - Mỹ Tho, tư thục Vĩnh Long - Thủ Thừa - Long An... Mãi đến 30 tháng 4 năm 1975, nhìn thấy thầy Vui trong đội ngũ những giáo viên tiếp quản các trường học, học trò và một số bè bạn mới biết ông thầy dạy Pháp văn bấy lâu chính là một cán bộ... Việt cộng.

Thật ra từ năm 1949, cậu học trò Lương Hiệu Vui đã gia nhập đoàn học sinh cứu quốc Mỹ Tho. Năm 1951 là thường vụ Ban chấp hành Đoàn trường trung học Mỹ Tho. Cuối năm 1951, ông bị địch bắt, nhưng được chi bộ nhà trường tìm cách giải thoát, đưa lên Sài Gòn tiếp tục học và công tác. Từ năm 1952 đến 1954, là cán bộ phụ trách công tác đoàn ở trường tư thục Lê Tấn Thành (quận 2). Từ năm 1954 đến 1959, là bí thư Đoàn rồi bí thư chi bộ trường tư thục Kiến Thiết (quận 3). Sau một cuộc đấu tranh, địch đàn áp, cơ sở bị bể, ông bị truy lùng, nên phải chuyển về thị xã Mỹ Tho, dạy học và làm công tác trí vận (từ năm 1958 đến năm 1960). Giữa năm 1980, cơ sở thị xã bể, ông bị bắt đưa ra tòa án quân sự lãnh án 2 năm tù, nhưng mãi đến giữa năm 1964 ông mới được trả tự do. Ra tù, ông lại tìm cách liên hệ với Thị ủy Mỹ Tho và tiếp tục công tác trí vận cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông chuyển về ngành giáo dục, công tác ở trường Nguyễn Đình Chiểu, trường Bổ túc công nông Khu Trung Nam bộ… và cuối cùng là trường PTTH Vĩnh Kim cho đến lúc về hưu (1992).

Một ngày đầu tháng 2 năm 1992, trong đợt phát hành tạp chí Văn nghệ về trường PTTH Vĩnh Kim, một học trò (công tác ở Hội VHNT tỉnh) đã vui mừng gặp lại thầy giáo cũ của mình. Qua chuyện trò hỏi han, thầy Vui có kể thầy đang ấp ủ đề tài cho một tập truyện ngắn. Cô học trò khuyến khích thầy viết và hứa sẽ tạo điều kiện giới thiệu truyện ngắn của thầy trên tạp chí Văn nghệ. Tưởng chỉ là những lời hứa hẹn suông, chứ chuyện văn chương có khi theo đuổi cả đời cũng chẳng được gì, một người tuổi đà xế bóng thì còn tâm huyết đâu để lao vào. Không ngờ mấy tháng sau khi trở lại trường Vĩnh Kim, cô học trò đã nhận được một xấp bản thảo của thầy. Xấp bản thảo viết tay trên giấy thi của học sinh. Những dòng chữ nhỏ nắn nót ken đầy hai mặt giấy. Vì lòng kính yêu người thầy cũ, trở về tòa soạn, cô đã đọc ngay tập bản thảo. Không ngờ ngay từ những dòng chữ đầu tiên cô đã thật sự bị cuốn hút. Mười truyện ngắn, mỗi truyện không dưới 5000 chữ không chỉ thể hiện một vốn sống tích lũy dồi dào mà còn lôi cuốn bởi cách viết hóm hỉnh, duyên dáng, lạc quan ngay cả trong những tình huống bi đát cười ra nước mắt. Cô học trò nhận ra rằng mình đang đọc tác phẩm của một bậc thầy trong lãnh vực văn chương. Truyện ngắn đầu tiên Điếu thuốc lá giới thiệu trên Văn nghệ Tiền Giang tháng 5 năm 1992 đã được độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Sau đó là liên tiếp những truyện ngắn khác như: Tình yêu và cái đồng hồ, Gặp gỡ, Chuyện trong phòng số năm, Chưa hết mùa xuân, Thằng khùng, Tâm sự một học sinh lớp một, Xóm cũ... lần lượt được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ, báo Ấp Bắc chủ nhật... nhanh chóng đưa tên tuổi Lương Hiệu Vui trở nên quen thuộc trên văn đàn. Nhiều đôc giả mến mộ đã gửi thư về tòa soạn tìm hiểu thêm về tác giả Lương Hiệu Vui.

Tháng tư năm 1994, Hội VHNT xuất bản tập Xóm cũ gồm 8 truyện ngắn chọn lọc của tác giả Lương Hiệu Vui. Trong điều kiện kinh phí in ấn khó khăn lúc bấy giờ, khi mà nhiều tác giả có tên tuổi khác còn phải đi xe buýt chung trong các tuyển tập, việc in riêng cho một tác giả mới xuất hiện cho thấy sự ưu ái của Hội, đồng thời cũng khẳng định phần nào sự “lóe sáng” của chính tác giả. Quả nhiên ngay sau đó, tiểu thuyết Anh em khác mẹ của ông đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết do Hội VHNT Tiền Giang tổ chức năm 1994. Và trong cuộc khảo sát Văn xuôi ĐBSCL do các Hội Văn nghệ ĐBSCL liên kết với Hội Nhà Văn tổ chức, tên tuổi Lương Hiệu Vui đã được nhắc đến hàng đầu, với sự đánh giá: “thu hút, tỏa sáng tinh tường như một ngôi sao” với những truyện ngắn “tròn trịa thậm chí cự phách về mặt nghệ thuật” . Từ cuộc khảo sát này, truyện ngắn của ông đã được giới thiệu trên Tuổi trẻ chủ nhật, Văn nghệ quân đội, Tuần báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam). Và với truyện ngắn Gặp gỡ, ông đã đoạt giải 3 cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức (1995). Năm 1997, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Bước vào văn nghiệp khi đã qua tuổi sáu mươi, bằng vốn sống dồi dào và bút pháp điêu luyện, với sự lao động nghệ thuật cần mẫn, nhà văn Lương Hiệu Vui không những đã làm nên "thương hiệu" cho chính mình, mà còn cống hiến cho người đọc nhiều tác phẩm có giá trị góp phần làm phong phú cho văn học khu vực và cả nước.

Tác giả bài viết: Thu Trang

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 24