NGUYỄN CHI - Người của yêu thương, tài hoa, trung thực và... bạc mệnh

Chân dung Nguyễn Chi tự họa

Chân dung Nguyễn Chi tự họa

Đã mười năm qua rồi, “thời gian như cái rọ dài chỉ có thể đi tới mà không thể quay đầu trở lại”, kể từ khi Nguyễn Chi đột ngột qua đời để lại bao tiếc thương cho người thân, bạn bè… Đã mười năm, không còn bóng dáng thân thuộc Nguyễn Chi gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng với chiếc túi xách lệch một bên vai đi khắp những con đường của thành phố Mỹ Tho, những ngõ ngách ngoại ô, những thôn xóm xa xôi hẻo lánh để tìm cảm hứng sáng tác, để viết phóng sự đồng quê theo yêu cầu của tạp chí Văn nghệ, của báo Ấp Bắc.

Mười năm, khoảng thời gian cũng đủ để lãng quên nhiều điều, nhất là với nhịp sống ngày càng hiện đại, hối hả như cuốn hút con người với bao bận bịu lo toan. Thế nhưng bất chợt, một sớm mai thức giấc nghe những “tiếng chim ríu ra ríu ríu trên chót đọt cây sọp già”, hay “những buổi trưa miệt vườn lặng trang dưới nắng” giữa giờ phút nghỉ ngơi sau buổi làm việc căng thẳng nằm ngắm “con kiến càng trốn mình dưới tán mận hồng đào, con nhện nằm ép bụng vào lưng lá cây điều đỏ” nghe “dấu xưa trong tiếng lá dồn, con trao trảo rúc ra hồn trúc xưa”, lòng ta lại da diết nhớ tác giả “Tiếng rao miệt vườn”.(*)

Tôi cũng không còn nhớ mình quen Nguyễn Chi bao giờ và trong trường hợp nào. Quán cà phê nhỏ bên bờ giếng là nơi Nguyễn Chi thường tìm đến sau thời gian xuất ngũ ở Campuchia về, nằm kế bên tòa soạn báo Văn nghệ. Thuở ấy, tôi mới ra trường, vừa về nhận việc, tâm hồn còn đầy ắp “bảng xanh phấn trắng” nên không chịu được vẻ bụi bặm lang bạt kỳ hồ của Nguyễn Chi. Dù rất thích những bài thơ của anh, nhưng chưa bao giờ tôi nhận lời mời dù chỉ là uống với anh một ly cà phê. Bẵng một thời gian, tôi được đưa đi học lớp viết văn trẻ ở thành phố, Nguyễn Chi cũng tìm được công việc gì đó rời Mỹ Tho. Mấy năm trời không gặp rồi một buổi Nguyễn Chi xuất hiện, cùng với dáng đi khập khiểng (thương tích thời bộ đội) là khuôn mặt với vết sẹo dài bên má phải, vết sẹo khiến mặt anh trở nên méo xệch, nhất là lúc cười. Hỏi sao lại “biến dạng” vậy, anh kể là do tham gia đội biên phòng, trong một trận rượt tù trốn trại bị chúng xả nguyên băng đạn, may mà chỉ sượt qua mặt. Tôi bắt đầu thấy mến  cái tính liều lĩnh, xả thân của Nguyễn Chi. Rồi quen và thân lúc nào không hay.

Nguyễn Chi xuất thân trong một gia đình mà cha là một lưu dân gốc Bắc. Năm 17 tuổi, học xong sơ học yếu lược, người thanh niên ấy đã trốn sự áp bức, cái đói nghèo, giã biệt sương mù lạnh cóng của đất Hà Đông, tìm về nắng ấm phương Nam, làm đủ mọi nghề: phu đồn điền, thợ nhà in, để sống và làm cách mạng. Vận may đến, ông tham gia Nam kỳ khởi nghĩa, rồi bị đàn áp, phải xin vào giữ chân trong một cửa hàng hoa. Chính nơi đây, anh đã gặp và kết hôn với cô gái miệt vườn xinh đẹp, nền nã. Nguyễn Chi là trái của cây tình ấy.

Sau khi sanh chị gái của Nguyễn Chi, cha anh bị bắt, lãnh án 10 năm tù. Ở khám đường Mỹ tho được 7 năm thì Hiệp định Genève ký kết, ông được thả về với chứng lao phổi và chiếc mồm méo xệch do bị tra tấn. Không nản lòng, ông đã vay tiền tổ chức lớp học dạy cho bà con và trẻ em không biết chữ ở địa phương. Lớp học cũng chính là cơ sở của cách mạng. Khi cậu con trai thứ Nguyễn Thiên Chi bập bẹ nói chưa rành, người cha lại vào tù. Lần này mẹ Nguyễn Chi phải thế chấp hết đất vườn để chuộc mạng chồng.

Lớn lên trong một gia đình lấy việc chống chính quyền Mỹ Diệm là đạo lý, Nguyễn Chi sớm có ý thức phản kháng. Cha ở tù nhưng luôn nhắc nhở con cái phải gắng học, Nguyễn Chi phải đi bán cà rem để kiếm tiền mua sách vở. Và chính trong chiếc thùng cà rem ấy đã cất giữ truyền đơn, chất nổ. Ngỗ ngáo và liều lĩnh, Nguyễn Chi còn tham gia với các anh các chú đón bắt xe lính, ném lựu đạn, được bà con ấp 5 xã Đạo Thạnh đặt biệt danh là “Việt cộng con”.

Là học sinh trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Chi tham gia hoạt động văn nghệ: ca hát, viết bích báo và cả gan làm câu đối viết, lên tường lớp học: “Lộ mặt trá hình dân chủ Thiệu. Trơ mày ngoan cố độc tài Hương”.

Mười sáu tuổi, Nguyễn Chi đủ sức giã từ thùng cà rem, mướn xe ba gác để kiếm tiền ăn học và giúp mẹ nuôi gia đình: “Anh đi đạp xe ba bánh. Kiếm tiền nuôi một kiếp ngông…”. Khi một bạn gái cùng lớp phải bỏ học vì sinh kế, Nguyễn Chi chia sẻ nỗi ngậm ngùi: “Ngày mai em đã xa trường. Không ngồi ở lớp nghe buồn giữa tim. Không nghe thầy bảo rằng: “Im”. Đập thước lên mặt gỗ lim mà rầy”. Nhưng rồi chính Nguyễn Chi cũng phải ngưng ngang việc học vì những bức bách về sinh kế. Trong “Lý lịch thơ”, Nguyễn Chi tự bạch: “Tám tuổi còn đi học. Chín tuổi châm chọc người đời. Mười tuổi biết yêu rồi. Mười một tuổi tả tơi vì bom đạn. Mười hai tuổi dám chửi loài “cõng rắn”. Mười ba tuổi chiến thắng tuổi dậy thì. Mười bốn tuổi bán bánh mì bán báo. Mười lăm tuổi hận mất nước… để tóc dài đi đạp xích lô. Mười sáu tuổi biết xài vũ khí. Mười bảy tuổi thật sự làm chiến sĩ…”. Nguyễn Chi có gần 10 năm phục vụ trong quân ngũ, đã chứng tỏ cho đồng đội biết và cảm phục tư chất và tính cách của chàng trai miệt vườn Đạo Thạnh. Chiến đấu hết mình, yêu thương che chở đồng đội hết mình. Cũng chính những năm tháng ở chiến trường đã dạy cho Nguyễn Chi lối sống trung thực và càng quí yêu hơn cuộc sống yên bình mà anh và đồng đội đã đổ máu xương gìn giữ. Năm 27 tuổi: ra quân, lăn lộn hết từ ngành này qua ngành khác, cuối cùng anh về với mẹ ở ấp 5, xã Đạo Thạnh, sống bằng ngòi bút và việc viết lách. Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”, tiền nhuận bút ít oi không đủ nuôi bản thân và mẹ già, anh phải gửi vợ con nương nhờ bên ngoại. Dù nghèo túng, Nguyễn Chi không bán rẻ ngòi bút của mình. Đầu thập niên những năm 1990, phong trào tiểu thuyết thị trường nổi lên rầm rộ. Nhiều người đã kiếm sống và giàu lên nhờ viết thể loại này. Dĩ nhiên là phải phù hợp với “yêu cầu thị trường” mà những “lái sách” đề ra. Nhiều người đã đề nghị Nguyễn Chi tham gia viết tiểu thuyết loại này để kiếm tiền, nhưng anh đã từ chối. Anh cũng viết tiểu thuyết, nhưng viết về người nông dân tay lấm chân bùn quê mình (Gốc rạ); và những mảnh đời dưới đáy cùng xã hội (Cẩm chướng tím). Anh là người rất có trách nhiệm về chuyện viết lách, dù là một câu vọng cổ, một giai điệu nhạc, một dòng thơ, anh cũng cân nhắc kỹ càng, chỗ nào không hiểu thì phải tìm tòi, hỏi han bạn bè. Viết phóng sự về tiếng rao miệt vườn, anh phải bỏ hàng tháng trời theo chân những người bán dạo, tìm hiểu sinh hoạt, tâm tư nguyện vọng của họ. Viết về ong vò vẽ phải lần theo tổ ong, trải chiếu nằm dưới gốc cây dâu quỳ, bị ong chích vễnh cả môi, vêu cả mỏ. Vì thế những bài viết của anh luôn đầy sức thuyết phục. Không chỉ làm thơ, Nguyễn Chi còn viết ca cổ, sáng tác nhạc. Anh còn là tác giả của những bài phóng sự đồng quê “chinh phục lòng người” bởi lối viết sinh động, duyên dáng, giàu chất văn học. Ở lãnh vực nào anh cũng gặt hái những thành công nhất định: Giải 1 sáng tác ca cổ ĐBSCL, giải 3 cuộc thi ký văn học, ký báo chí, giải KK về sáng tác âm nhạc khu vực...

Đột ngột qua đời sau cơn đột quỵ ở tuổi 43, anh đã bỏ dở dang bao dự định ấp ủ, đó cũng là một mất mát không nhỏ cho phong trào VHNT Tiền Giang. Trong bài “Hoa phố” viết trước khi mất ít lâu, dường như  anh đã tiên cảm và thấu thị rằng: “Đời ta vốn là bình cổ ngọc. Hoa cắm vào con bướm chết sau lưng”. Con bướm chết, hoa rủ hay bình rạn? Hoặc giả chính là “tam vị nhất thể”. Hoa - Bướm hay Bình cổ ngọc cũng là Nguyễn Chi tài hoa bạc mệnh của chúng ta. Nhân ngày giỗ lần thứ 10 của anh, xin mượn bài viết này như một nén nhang tưởng niệm linh hồn anh.

________________
(*) Những câu trong dấu ngoặc là những câu văn trong bài viết của Nguyễn Chi.

Tác giả bài viết: Thu Trang