Minh Lộc - Nhà văn của miệt vườn Nam bộ

Nhà văn Minh Lộc - Ảnh: Tư liệu gia đình nhà văn cung cấp

Nhà văn Minh Lộc - Ảnh: Tư liệu gia đình nhà văn cung cấp

Kỷ niệm 60 năm Tuần báo Văn Nghệ, tòa soạn báo Văn nghệ phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Bách Việt đã xuất bản bộ sách Truyện ngắn tinh tuyển (gồm 5 tập) tuyển chọn những tác phẩm đặc sắc nhất qua các thời kỳ. Tuyển tập Con đường sống (Giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1948 - 1954) là một tác phẩm của nhà văn Minh Lộc (Tiền Giang), được chọn làm tên của tuyển tập này…
Nhà văn Minh Lộc tên thật là Huỳnh Công Trứ, sinh ngày 11 tháng 4 năm 1926 tại Vĩnh Lợi, Bạc Liêu (trong gia phả bằng chữ Nho còn lại trong nhà thờ cho thấy ông có quan hệ thân tộc mấy đời với nhà chí sĩ yêu nước, nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt). Từ bé ông sống ở quê ngoại nay thuộc xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Là con trai duy nhất trong gia đình khá giả, ông được cho học hành tới nơi tới chốn. Hết bậc tiểu học ở Mỹ Tho, ông lên Sài Gòn học trung học. Tốt nghiệp lớp triết trường Pétrus Ký, là một trí thức sớm giác ngộ cách mạng, ông trở về quê nhà, dưới sự dẫn dắt của người anh họ (cậu học trò Nguyễn Thanh Danh mà sau này là nhà thơ Bảo Định Giang), ông thoát ly gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp năm mười chín tuổi. Buổi đầu, chàng trai trẻ Minh Lộc công tác ở Ban tuyên truyền huyện Chợ Gạo (từ 1946 - 1947). Đây là quãng thời gian vất vả đầy thử thách, nhưng cũng đã mở ra những trang đẹp nhất trong quãng đời trai trẻ của ông. Kháng chiến Nam bộ đang trong giai đoạn đầu, đầy khó khăn gian khổ, là cán bộ sáng tác ông theo bước chân những cán bộ móc nối gây dựng phong trào, thâm nhập vào cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân ở các xã ấp. Và hiện thực từ đời sống chiến đấu đã đi vào tác phẩm của Minh Lộc. Những câu chuyện kể, mẩu chuyện về cuộc đấu tranh giữ đất giữ làng của quân dân vùng Chợ Gạo được đưa vào sáng tác của ông, những trang văn hồn nhiên, tươi rói hiện thực cuộc sống, góp phần hình thành nền văn học cách mạng đầu tiên ở miền Nam. những truyện ngắn ông sáng tác trong thời gian này như: Giữ đất, Học đánh Tây, Hồi mõ báo động, Chặn tiếp viện, Cái hầm cứu quốc, Anh Tư dân quân... đã phản ánh sinh động và chân thật bối cảnh chiến đấu gian khổ nhưng đầy tinh thần lạc quan của quân dân Mỹ Tho cũng như của cả bà con ở miền Nam lúc bấy giờ. Những truyện ngắn ấy được chuyền tay nhau đọc, được đăng trên các báo tường, sau này được đăng tải trên tờ Lá Lúa (tờ báo Văn nghệ đầu tiên ở miền Nam, tiền thân của tờ Văn nghệ giải phóng sau này) đã có một sức lay động thật lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ. Sau đình chiến (1954) Nhà xuất bản Văn nghệ (Hà Nội) đã in lại những truyện ngắn nầy với cái tên là Giữ đất (1955). Tập truyện Giữ đất cùng nhiều tập truyện ngắn, truyện vừa khác của nhà văn Minh Lộc phát hành ở Hà Nội được độc giả miền Bắc yêu thích bởi nó không chỉ tái hiện sinh động cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam trong giai đoạn đầu mà còn khắc họa rất đậm nét tính cách con người vùng đất phía Nam qua cách miêu tả và ngôn ngữ đặc sệt phong cách Nam bộ. Sau hơn một năm gắn bó với vùng đất Chợ Gạo, Minh Lộc chuyển đến Ban tuyên truyền Tiểu đoàn 309 (từ 1948 - 1949), là cán bộ sáng tác văn học của Ban. Từ 1949 đến năm 1952, ông sang công tác ở Ban tuyên truyền Phòng Chính trị Quân khu 8. Chính tại chiến trường gian khổ này, ông cùng với các văn nghệ sĩ kháng chiến tiêu biểu: Bảo Định Giang, Đoàn Giỏi, Nguyễn Bính, Hoàng Việt, Rum Bảo Việt... sáng lập ra Chi hội Văn nghệ kháng chiến Nam bộ. Chi hội ra mắt tờ “Lá Lúa” do Lưu Quý Kỳ làm chủ nhiệm, Hà Mậu Nhai chủ bút và Đoàn Giỏi thư ký tòa soạn. Nhiều truyện ngắn mô tả cuộc sống bị áp bức bóc lột, cơ cực của người nông dân được ông sáng tác trong thời gian này. Tiêu biểu là tập truyện vừa “Con đường sống” và tập truyện “Anh Tư dân quân” do Văn nghệ bộ đội Khu 8 ấn hành. Năm 1951, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ kết hợp với Chi hội Văn nghệ miền Nam tổ chức giải Văn chương Cửu Long (1949-1950), chọn từ các tác phẩm được in ra trong hai năm, hai tập truyện của Minh Lộc đã đoạt giải nhất. Qua năm 1952, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức giải thưởng Văn chương Hồ Chí Minh, tác phẩm “Con đường sống” lại đoạt giải 3 (đồng hạng với ký sự “Chiến thắng Cao Lạng” của Nguyễn Huy Tưởng). “Con đường sống” là một trong những tác phẩm đầu tiên về hiện thực cuộc sống kháng chiến ở Nam bộ gây được tiếng vang ở miền Bắc. Chính vì thế, khi đoàn văn nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, theo lời kể của nhà thơ Bảo Định Giang, trong một dịp đến thăm anh em văn nghệ sĩ miền Nam, Bác Hồ đã nhắc nhở và hỏi thăm về Minh Lộc.

Được phân công ở lại miền Nam, trong tình hình gay go trước đồng khởi, địch lê máy chém truy lùng những người theo cách mạng, những người kháng chiến cũ, ông về quê cùng một số đồng chí cơ sở cũ mở trường tư dạy học, tìm cách móc nối với cơ sở cách mạng (ngôi trường tư thục Lê Quí Đôn, là một trong cơ sở cách mạng do đồng chí Huỳnh Văn Thời (Huỳnh Văn Niềm) móc nối thành lập, ông tham gia giảng dạy và hoạt động bí mật, từ đó liên hệ với cơ sở Tư trí vận Mỹ Tho). Trong những năm này, ông là giáo viên giảng dạy bộ môn văn ở các lớp đệ I và đệ II cấp tại các trường tư thục trong tỉnh, và một vài trường ở Bến Tre. Trong những giờ dạy, qua bài giảng, ông tìm cách khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Rất nhiều lứa học trò từ những bài giảng, từ lớp học của ông đã đi thẳng vào chiến khu… Đến năm 1960, ông móc nối với cơ sở Tư trí vận thành phố Mỹ Tho (bộ phận công khai hợp pháp), vừa dạy học, vừa hoạt động công khai trong cơ sở này cho đến ngày 30/4/1975.

Những năm sau Hiệp định Genève, một loạt các trường Trung học tư thục được thành lập ở khắp tỉnh Định Tường, Cái Bè có trường Lê Quí Đôn, Dân Trí, Cai Lậy có trường Tứ Kiệt, thành phố Mỹ Tho có trường Nguyễn Công Trứ… Thành phần ban giám hiệu và giáo sư ở các trường này đa số là từ chiến khu về, và từ các nhà tù đế quốc ra. Các trường tư thục trên nhanh chóng được sự tín nhiệm của các bậc phụ huynh và đông đảo quần chúng sẵn có cảm tình với cách mạng. Trong số các giáo viên dạy văn có một người nổi tiếng được học sinh yêu mến: thầy giáo Trứ. Ông nổi tiếng không chỉ vì dạy văn hay mà còn vì sự quan tâm lòng yêu mến dành cho học trò. Đa phần vào trường tư thục là học trò nghèo ở các vùng quê sâu. Vì nghèo nên học hành trễ, phải làm khai sinh nhỏ tuổi hơn, và vào trường tư vừa học hành vừa… trốn quân dịch. Nhiều học sinh nghèo, không tiền đóng học phí, thầy giáo Trứ thường bảo lãnh cho được khất nợ. Đối với những trò hoàn cảnh quá khó khăn, thầy âm thầm trợ giúp học phí để họ được tiếp tục học hành. Thời cuộc ngày càng rối ren, học hết trung học, nếu không đậu tú tài, nam sinh sẽ bị bắt lính, đối với những tân binh không có tiền chạy chọt sẽ bị đưa đi vùng 1 vùng 2 làm bia đỡ đạn. Không khí ngột ngạt bao trùm trường lớp, những giờ Việt văn của thầy Trứ trở thành nơi trú ẩn tinh thần của học trò. Không chỉ luận bàn về cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, về chí làm trai của Nguyễn Công Trứ, hay sự bất đắc chí của Nguyễn Du, ông còn vun vén cho những tâm hồn đang ngơ ngác bế tắc trước thời cuộc một niềm tin, nhen nhóm cho họ một ý hướng về con đường dấn thân của tuổi trẻ. Học sinh ngoài giờ học trong lớp thích đến tìm ông trao đổi luận bàn về thời cuộc, thế sự. Ngôi nhà nằm trong vườn cây rậm mát dưới chân cầu sắt thị trấn Cái Bè những buổi chiều vàng, những đêm trăng thanh, nơi hàng hiên bên chén trà luôn có bóng thầy trò đối ẩm. Ngoài sự chân tình với mọi người, thầy Trứ sống giản dị, khiêm tốn và kín đáo. Những đồng nghiệp thân thiết nhất của ông cũng chỉ biết ông là người ở “ngoài” về qua ngôn ngữ, tác phong và cách xử thế của ông, chứ ít ai biết được thầy giáo Trứ dạy văn nổi tiếng chính là nhà văn Minh Lộc.

Mãi đến sau ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975, hàng loạt các nhà văn tập kết trở về tìm đến thăm ông như: Bảo Định Giang, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi, Diệp Minh Tuyền, Xuân Miễn, Lê Giang…, bạn bè, người thân mới biết được mối quan hệ với văn chương của ông trước đây. Trong số những bạn bè văn nghệ tìm đến với ông, cùng đối ẩm bên chung trà chén rượu trong khu vườn xum xuê cây trái của miệt vườn Cái Bè, có những tên tuổi thuộc đàn anh như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Lư Trọng Lư…, những người đã yêu mến Minh Lộc qua những trang văn mang đậm dấu ấn của miệt vườn Nam bộ. Những tác phẩm sáng tác trong kháng chiến chống Pháp của Minh Lộc được Nhà xuất bản Văn nghệ (Hà Nội) in lại: Giữ đất (1955), Anh Tư dân quân, Con đường sống (1956). Sau năm 1975, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp xuất bản tập “Truyện ngắn Việt Nam năm 1945 - 1954) đã in lại truyện vừa Con đường sống của ông.

Sau 30/4/1975, ông công tác ở phòng Dân vận Ủy ban Quân quản thành phố Mỹ Tho, hiệu trưởng trường cấp II thị trấn Cái Bè, rồi thư ký Công đoàn giáo dục huyện cho đến lúc nghỉ hưu (năm 1985). Trong những năm cuối đời, ông tham gia hoạt động ở Chi hội Văn nghệ huyện Cái Bè, dự định sẽ hoàn thành một tiểu thuyết mà ông đã phác thảo đề cương bằng tiếng Pháp. Nhưng dự định chưa kịp thực hiện thì ông đột ngột qua đời ngày 31 tháng 6 năm 1990.

Sự ra đi đột ngột của ông để lại niềm thương tiếc cho bao lứa học trò và bạn bè văn chương, vùng đất Tiền Giang mất đi một nhà giáo hết lòng tận tụy với học trò, một nhà văn có sự cống hiến đáng kể cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Tác giả bài viết: Cảo Thơm

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang xuân 2009