Hành trình thơ của Trương Trọng Nghĩa

Chân dung Trương Trọng Nghĩa

Chân dung Trương Trọng Nghĩa

Hành trình thơ thường bắt đầu từ chiều sâu thẳm thế giới bản ngã của nhà thơ hướng về thế giới sự sống của con người. Hành trình của nhà thơ chính là sự vượt thoát chuẩn mực ngôn ngữ xã hội nhằm tạo dựng thế giới ngôn từ và hình tượng thi ca mang phong cách riêng mình. Có một số ít nhà thơ vắt kiệt mình để sáng tạo và hoàn tất sự nghiệp thơ ca chỉ trong vài năm. Hầu hết nhà thơ dấn thân cả cuộc đời trên con đường thi ca nhưng chân trời nghệ thuật thì vẫn xa hun hút trước mặt.

Nhân dịp Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội VHNT Tiền Giang xuất bản tập thơ: Những mảnh ghép không logic của tác giả trẻ Trương Trọng Nghĩa tôi muốn trao đổi đôi điều về hành trình thi ca của Trương Trọng Nghĩa. Tập thơ: Những mảnh ghép không logic gồm hơn 40 bài thơ tiêu biểu cho chặng đường sáng tác thơ khoảng 5 năm gần đây của Trương Trọng Nghĩa. Kết cấu của tập thơ gồm ba phần: Ký ức làng, Những gương mặt phố và Cõi ảo. Kết cấu tập thơ phần nào thể hiện từng bước đi trong cuộc đời và sự khám phá bản ngã chính mình trên hành trình thơ của Trương Trọng Nghĩa.

Phần mở đầu tập thơ: Ký ức làng là chặng đường đầu tiên Trương Trọng Nghĩa bén duyên với thơ ca. Giọng thơ của Trương Trọng Nghĩa hồn hậu, sâu lắng và cảm hứng thơ hướng về những gì quen thuộc gắn bó với tuổi thơ của tác giả. Trương Trọng Nghĩa viết về người mẹ, người chị và người nông dân tảo tần không chỉ là sự sẻ chia mà còn là tấm lòng của người trong cuộc cùng sống với những mảnh đời ở nông thôn. Trương Trọng Nghĩa thường phát hiện vẻ đẹp thiên lương, trong sáng của những người nông dân lam lũ. Trong bài thơ: Đôi bàn tay mẹ Trương Trọng Nghĩa viết:

Đôi bàn tay mẹ
Dẫu ngón trỏ bám phèn
Ngón giữa lấm lem
Ngón út dính đầy mủ chuối
Mẹ vẫn luôn dạy các con giữ mình trong sạch.....

Hành trình ban đầu của Trương Trọng Nghĩa là sự ra đi trong cuộc đời nhưng lại là sự quay về của ký ức trong qúa trình sáng tạo thơ ca. Ký ức của tác giả hướng về sự tiếc nuối cái đẹp nguyên sơ, chân chất của làng quê đã phôi pha theo thời gian, theo sự biến đổi của xã hội. Ký ức của tác giả quay về với kỷ niệm tuổi thơ mang vẻ đẹp lung linh và thi vị. Trong bài thơ: Tháng giêng, Trương Trọng Nghĩa viết:

Anh về đứng giữa tháng giêng và hát
Như gã điên thỉnh thoảng tự ru mình
Chỉ có em và tuổi thơ trẻ mãi
Cùng tháng giêng trong ký ức
Riêng anh....

Phần thứ hai của tập thơ mang tên: Những gương mặt phố Trương Trọng Nghĩa vẫn giữ giọng thơ chủ đạo đậm chất trữ tình nhưng đã pha lẫn chất tự sự và chất suy tưởng. Hành trình từ làng ra phố vừa là hành trình cuộc đời vừa là hành trình thơ của Trương Trọng Nghĩa. Ở phần này, một số bài thơ của Nghĩa sâu lắng về cảm xúc, cảm hứng sáng tạo mở rộng biên độ và đối tượng. Cái nhìn và cảm hứng của tác giả mở rộng và hướng về những mối quan hệ với thiên nhiên, nghệ thuật, tình yêu, cuộc sống ....

Trong bài thơ: Những buổi chiều không ý tưởng Trương Trọng Nghĩa viết:
Những buổi chiều thiếu không gian
Hồn tôi mộng du trên nóc những tầng cao ốc
Trong tôi còn lại một góc bình yên
Giữa phố xá ồn ào

Phần thơ: Những gương mặt phố Trương Trọng Nghĩa hướng cảm hứng và cái nhìn về chiều sâu thẳm khám phá bản ngã bí ẩn của chính mình trong mối tương quan với con người, sự vật. Tác giả tự cảm thấy lạ lẫm với con người sâu thẳm chính mình và  nhận ra sự tương phản, đối lập của bản ngã. Bài thơ: Phút thật lòng trước em' chính là sự khám phá những mặt tương phản trong chân dung tâm hồn của tác giả:
Chẳng thể hiếu nổi mình
Một ngày soi gương anh chợt nhận ra
Trong anh luôn tồn tại
Những thằng đàn ông rất khác
Những sự đối lập
Những mảnh ghép chẳng logic bao giờ....

Tứ thơ và hình tượng thơ trong bài thơ này được tác giả dùng làm tựa của tạp thơ: Những mảnh ghép không lôgic. Phải chăng tác giả muốn gởi thông điệp đến với độc giả: Mỗi con người là một khối mâu thuẫn mà suốt đời cũng chưa giải quyết nổi ?.

Phần thứ ba của tập thơ mang tên: Cõi ảo. Theo cái nhìn của tác giả,,,,Cõi ảo không chỉ là thế giới của Internet mà còn là sự bí ẩn của chiêm bao, của bóng đêm và của ký ức, của tâm hồn con người. Ngôn ngữ và hình tượng thơ trong phần Cõi ảo cũng biến ảo và lung linh hơn hai phần trước của tập thơ. Trong bài thơ: Save nhớ về tim Trương Trọng Nghĩa viết:
Save nỗi nhớ vào hết cả bốn ngăn tim
Sao vẫn thấy lòng mình trống rỗng
Muốn hét to trên chatroom công cộng
Trời ơi! Nhớ qúa một người....

Cõi ảo không làm tan biến cái tôi, bản ngã của tác giả mà còn khơi gợi sự tinh tế và nhạy cảm của tâm hồn tác giả trước những cái đẹp mong manh, dễ tan vỡ. Trong bài thơ: Ký ức Trương Trọng Nghĩa viết:
Ngửa mặt gặp vầng trăng cũ
Giật mình..
Trước giọt sương tan....

Hành trình thơ của Trương Trọng Nghĩa chính là hành trình khám phá thế giới bên ngoài và khám phá bản ngã của chính mình. Dù viết về đề tài nào và hướng đến chân trời nào thì cái đích cuối cùng của thơ ca cũng là sự trở về với bản ngã của chính nhà thơ. Hạnh phúc sáng tạo của nhà thơ chính là quá trình tìm kiếm, hoàn thiện phong cách và đi trên con đường nghệ thuật. Trương Trọng Nghĩa vẫn đang trên hành trình tìm kiếm phong cách thơ ca của mình. Chắc chắn sẽ có nhiều thử thách, chông gai  và cả hạnh phúc đang chờ đợi Trương Trọng Nghĩa ở phía trước.

Tác giả bài viết: Võ Tấn Cường