Cụ Trác Quan Đồ: Chủ nhiệm đầu tiên của CLB thơ Thủ Khoa Huân

Cụ Trác Quan Đồ: Chủ nhiệm đầu tiên của CLB thơ Thủ Khoa Huân
Câu lạc bộ thơ Người cao tuổi (Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang) vừa tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 15 năm thành lập. Buổi họp đông vui đã qui tụ trên 100 thi hữu trong tỉnh và các CLB thơ đến từ: TP.HCM, Long An, Bến Tre… về dự.

Trong bảng báo cáo hoạt động mười lăm năm, CLB đã nêu rất nhiều thành tích như xuất bản đầu sách (chung của CLB và riêng của các nhóm thơ trực thuộc), tổ chức các buổi giao lưu, các buổi tọa đàm, đi thực tế… cho thấy sự phát triển về hình thức hoạt động, cũng như con số 117 hội viên so với ngày đầu thành lập khoảng 40 người, cho thấy sự vượt trội đáng kể về số lượng. Tuy nhiên nếu điểm qua mấy chục đầu sách xuất bản của CLB để tìm trong đó những bài thơ hay, hay tìm trong danh sách hơn một trăm thi hữu những cái tên ấn tượng như Lê Hà, Trác Quan Đồ, Hồng Tâm, Nhất Đán, Tùng Dân,  Ngô Duy Truyền, Phạm Văn Trọng, Nhị Sĩ, Nguyễn Chi… của “cái thuở ban đầu” ấy, thì quả là điều không dễ dàng.

Trong những thi hữu góp phần làm nên diện mạo CLB thơ Đường ở Tiền Giang lúc bấy giờ tôi muốn nhắc đến “cụ Trác” hay “ông Ba Trác”, “bác Ba Đồ” như cách gọi thân mật của thi hữu bạn bè, những người quen dành cho ông.

Ai cũng biết tiền thân của CLB thơ Người cao tuổi  chính là CLB thơ Thủ Khoa Huân, nhưng ít ai biết được người chủ nhiệm đầu tiên của CLB chính là cụ Trác Quan Đồ. Tôi có dự những buổi họp đầu tiên của CLB thơ, thường tổ chức ở nhà bác Trác dưới chân cầu Lộ Ngang, hay nhà vợ chồng nghệ sĩ ngâm thơ Trúc Vũ,  Ngôn Dung ở gần đó. Những buổi họp mặt ấy không rầm rộ, ồn ào, không có  phát biểu, đáp từ, chỉ là chuyền nhau chung rượu mai, rượu cúc, thi phú ngâm tràn, cùng luận bàn về cái hay cái đẹp của các cặp đề, cặp thực, cặp luận, cặp kết, những áng thơ bất hủ của tiền nhân trong ngan ngát hương ngâu, hương lài, vằng vặt trăng thanh gió mát,  thật đúng với nghĩa tao nhân mặc khách.

Trở lại với người chủ nhiệm CLB đầu tiên, ông sinh ra trong một gia đình thanh bạch, cha là ông giáo làng. Ông được người cha đặt nhiều kỳ vọng về đường học vấn. Lên năm đã được gửi đi học xa nhà. Nhưng học xong tiểu học, sơ học và  lấy được bằng trung học thì ông bắt đầu con đường lang bạt làm thầy thông, thầy ký cho Pháp, Nhật, rồi giác ngộ cách mạng theo kháng chiến đánh Tây. Sau đình chiến, trở về làm lão nông sản xuất giỏi, một người không chỉ “vui thú điền viên” mà còn xông xáo với công tác xã hội. Đến nay, xã Bình Đức quê ông, người dân vẫn còn nhắc tới những công trình lớn nhỏ ông đã cùng bà con góp công xây dựng: “Qua cống ông Đồ, nhớ Trác Quân(1). Cống ông Đồ, trường trung học Học Lạc (nay là trường Bình Đức) còn đó, lưu giữ những kỷ niệm về ông.

Ngoài việc xông xáo như một chiến sĩ vào sanh ra tử, một lão nông gắn bó với ruộng đồng (đã từng đứng dang tay chặn cả đoàn xe thiết giáp ngụy, che chở cho những đồng lúa chín vàng), hay một nhà hoạt động xã hội năng nổ (Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh địa phương, sáng lập Hội Bảo trợ người già), ông còn là một người làm thơ. Cái chất lang bạt kỳ hồ đã thấm đẫm trong máu ông từ khi còn là cậu thanh niên bôn ba lên tận Hòn ngọc viễn đông tìm sinh kế, danh lợi. Trong nghệ thuật sống gần cuối đời ông tự đúc kết:

Trời sinh ta ban cho chữ nửa…
Nửa yên ấm, nửa đùa lang bạt…
Nửa chốn thị thành, nửa thôn quê…
Nửa ham danh lợi, nửa đùa thảnh thơi…(2)

Một chữ “nửa” tuyệt vời đã gắn cùng ông từ thuở lọt lòng (sinh ra đời lúc 12 giờ trưa ngày rằm tháng sáu :nửa ngày, nửa tháng, nửa năm), cho ông nghiền ngẩm và xây dựng thành một triết lý thú vị: Sống có chừng mực, không tham vọng, biết tận hưởng những lợi lộc vật chất do chính công sức mình làm ra, nhưng cũng không làm ngơ, sẵn sàng chia sẻ nỗi khó khăn gian khổ của xóm giềng, làng nước.

Một ngôi nhà ở chốn “nửa thành thị, nửa thôn quê”. Một ông lão tuổi quá “cổ lai hy” trồng hoa kiểng, chờ cho những lượt cúc, lượt mai hé nụ, hái ủ rượu đãi bạn bè. Ông già ấy khi tròn tám mươi vẫn tự hào: Tay cầm bút chưa run, mắt chưa phải đeo kính, tai còn thính, miệng còn mươi cái răng vẫn ngấu nghiến nhai “miếng đặng miếng được” trong tiệc tùng với người thân, bạn thiết.(2) Ông già ấy với chiếc nón cối, chiếc xe đòn dông từng dong ruổi đến các cơ quan đoàn hội, từng địa chỉ bạn bè thi hữu, mang theo giọng nói ấm áp, tiếng cười sảng khoái như những chung cúc tửu, mai tửu vàng sóng sánh của ông. Con người vốn được mệnh danh là “ông già gân” ấy rốt cuộc rồi cũng không thoát khỏi lẽ sinh tử thường tình của tạo hóa. Ông từng nói với người thân, bằng hữu về sự ra đi của mình: Mai mốt ta chết, đêm ngủ rồi đi luôn. Và khuya đêm 28 tháng 2 năm 1997, Trác Quân tiên sinh đã lặng lẽ từ giã cõi đời.

Người thơ phút chốc ra thiên cổ
Chén rượu ngàn năm hóa địa đàng
Khép nhụy hoàng mai sương ngấn ngấn
Cúi đài bạch cúc nắng loang loang… (3)

Sự ra đi bất ngờ của Trác Quân đã để lại cho người thân, cho bằng hữu nỗi chống chuếnh, bàng hoàng. Chỉ trong vòng một tháng khi tin dữ bay xa, đã có rất nhiều lá thư thăm hỏi và trên 100 bài thơ chia buồn gửi về CLB thơ Thủ Khoa Huân. Bạn bè ở thành phố Hồ Chí Minh, ở các tỉnh xa, những người hay tin muộn cũng viếng ông bằng những bài “ai điếu” bày tỏ niềm thương tiếc.

Ngôi nhà ẩn dưới tán cây rậm bên chân cầu Lộ Ngang vẫn lối đi vào quanh co, phất phơ ngọn trúc đào. Những hàng mai chiếu thủy, nguyệt quế vẫn ngan ngát hương đưa, nhưng còn đâu nữa dáng ung dung giữa thiên nhiên cây cỏ suy gẫm việc đời. Áng thơ bên hiên thềm mực đọng nghiên sầu. Còn đâu bóng thi nhân đêm rằm ngắm trăng bên cốc rượu, thi phú ngâm tràn…

Đã hơn mười năm trôi qua, khi ngồi viết những dòng nầy, vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi hình bóng ông Ba Đồ hồn hậu, tận tụy, người chủ nhiệm đầu tiên của CLB thơ Thủ Khoa Huân, một Trác Quân thi sĩ tài hoa lang bạt:

Ngửa mặt cười vang cùng gió ngả
Khép mi bỡn cợt với trăng nghiêng
Tám mươi bước sãi giang hồ mãn
Thỏa sức tiêu dao chốn cửu tuyền(3)

Phải chăng còn có một “chốn cửu tuyền” thênh thang rộng mở vui đón bước chân ông?

Thu Trang
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 43)

______________
(1) Thơ Như Anh

(2) Thơ, văn Trác Quan Đồ
(3) Thơ Nguyễn Chi