Viên ngọc bích giữa biển khơi

Là một đảo tiền tiêu xa nhất của miền Trung cách đất liền đến 120km, huyện đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận nằm giữa lòng biển với thế đất khá bằng phẳng trong màu xanh cây cối rộng khắp, khiến du khách đến đảo phải ngạc nhiên, thích thú với hình ảnh của một viên ngọc bích điểm xuyết giữa biển khơi.

Về điều kiện tự nhiên thì đảo chính có diện tích 16km2 gồm ba xã: Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh, dân số đến 27.700 người. Trên đảo có hai hòn núi nhỏ nằm về phía Bắc là núi Cấm và núi Cao Cát. Chung quanh đảo còn có 10 hòn lân cận, trong đó Hòn Tranh lớn nhất rộng 2,8km2 chỉ cách cảng Phú Quý 600m, đang đặt trạm ra-đa quan sát biển của lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam.

Đảo Phú Quý


Phú Quý khi xưa còn có tên gọi là Cù lao Thu, Cù lao Khoai Xứ... Thuở sơ khai, nơi đây đã có người xưa từng tồn tại, dấu tích còn để lại trong các lớp đá quánh như rìu, bôn và cả những chiếc vòng đeo tay bằng đá với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo, phù hợp với những giai thoại được lưu truyền về giống người "Thượng" từng sinh sống nơi đây bằng nghề hái lượm và đánh bắt cá ven biển. Về sau người dân trong đất liền đã đến đảo, người Chăm cũng có mặt với sự tích công chúa Bàn Tranh bị vua Chăm bắt đi đày mà đền thờ của bà vẫn đang tồn tại, nhiều người thất cơ lỡ vận, tội đồ, một số ít quan quân nhà Minh bại trận bỏ xứ lưu lạc… cũng tìm đến đây sinh sống. Kể từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), dân số bấy giờ tuy chưa đông cũng thành lập được 14 làng và 1 ấp. Thời đó, mỗi làng hình thành trên cơ sở từng nhóm ngư dân lập nghiệp, ít nhất cũng phải từ 10 đến 12 tráng đinh trở lên...

..miền đất của thanh bình

Đoàn đến thăm Phú Quý được tiếp xúc với UBND huyện đảo, gặp gỡ đơn vị biên phòng, thăm các nơi cần tìm hiểu cùng những danh thắng vốn có... tất cả khái quát lên trước mắt bức tranh về bản lĩnh sống, lập nghiệp tuyệt vời của con người nơi vùng đất đầu sóng ngọn gió nầy. Đó là sự vững tâm, kiên trì bám trụ để làm nên sự sung túc mưu cầu hạnh phúc chân chính cho mình; họ phải khắc phục, đứng trên mọi thách thức gian khổ để chiến thắng chúng, đó là kỹ năng được trui luyện qua bao thế hệ để con người hải đảo hiện thực hóa cõi quê hương đẹp đẽ hôm nay.

Chính sức mạnh của tình quân dân gắn bó, giữ vững an ninh trật tự xây dựng quê hương đạt nhiều bước tiến ổn định vững chắc, cùng với bao nỗ lực không ngừng nghỉ, đó lại là nét sáng mà UBND huyện đảo Phú Quý đã đạt được thành quả sau 35 năm kiên trì xây dựng quê hương.

Đặt chân lên đảo, du khách bắt gặp màu xanh bạt ngàn hồn nhiên của cây lá, ngự trị bên cạnh những con đường ngay trong thị trấn. Một thảm thực vật xanh đong đầy sức sống, đối kháng quyết liệt với cảnh biển trời lộng gió khắc nghiệt chung quanh. Bây giờ đa phần thực vật ấy là cây tạp hoang dã, nhưng có người khách đã mạnh dạn “nhìn thấu tương lai” khi kết luận “chúng sẽ là hệ thống vườn sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đổ xô đến cho mà xem”.

Còn những con đường phố trải nhựa sạch đẹp, có dải phân cách chỉnh tề, những dãy phố lầu san sát xinh đẹp ngự trị hồn nhiên trong thị trấn, những nhà bê tông lớn nhỏ dẫy đầy, các kiến trúc khác thì còn đang lục tục thi công khắp nơi… Các trường học xây cất khang trang có đủ các cấp, thu hút đến 7.500 học sinh, nhà văn hóa, bệnh viện, cơ quan chính quyền, doanh trại… tất cả hiển nhiên chứng minh rằng hải đảo đang là miền đất thanh bình thịnh vượng, cho dù nơi đây từng nổi tiếng là “miền đất với một thời gian dài đã sống bởi điều kiện khép kín, tự cung tự cấp với những hoạt động kinh tế như trồng trọt, đánh bắt hải sản, một số ngành nghề thủ công như dệt vải, đan võng, ép dầu... trong đó, ngư nghiệp đóng vai trò chủ đạo”.

…bỏ ngỏ những tiềm năng du lịch

Thế mạnh của Phú Quý còn là tiềm năng du lịch với nhiều mảng thu hút mạnh như cảnh thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch khám phá mạo hiểm với những điểm nổi tiếng: Hòn Tranh, Vịnh Triều Dương, Ghềnh Hang, Mộ Thầy, Chùa Linh Sơn, Hải đăng…. Khách đến còn mục kích danh mục những món ăn đặc sản thuộc hàng siêu đẳng với hải sâm, da cá Mú Bông, cua Huỳnh Đế, ốc Vú Nàng…

Tuy nhiên đến nay, những tiềm năng du lịch đó vẫn chưa được khơi dậy, chưa thể khởi động tích cực để giành thị phần cho một ngành công nghiệp không khói trên đảo.

...với những khó khăn còn đó...

Ở Phú Quý, kinh tế biển thực sự đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống với đội tàu đến 1.274 chiếc tập trung 4.968 lao động, trong đó có 167 tàu đánh bắt xa bờ khai thác các ngư trường Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc... Có điều là thiếu những cơ sở chế biến lớn tại địa phương nên phần nhiều sản phẩm cá đánh được đều xuất bán đến các nơi khác, do đó đảo cũng chẳng hưởng được bao nhiêu lợi nhuận về giá trị gia tăng.

Đảo Phú Quý nhìn từ Google Map


Nhưng đó không phải là trường hợp ngoại lệ mà nhiều ngành sản xuất khác cũng chẳng dám đầu tư cơ sở sản xuất ở Phú Quý chỉ e có lỗ chứ chẳng thể có lãi. Tất cả chung quy vì hải đảo đang thiếu nguồn điện lưới quốc gia. Hiện tại, nguồn điện trông nhờ vào nhiệt điện qua hệ thống máy nổ và điện gió, nên giá khá đắt lại thiếu thốn. Đó là nỗi bức xúc cho nhu cầu phát triển, nhưng xem ra việc quy hoạch đầu tư khai thác điện cũng lại có vấn đề ách tắc từ lâu giữa các cơ quan chủ quản, hãy còn quá nhiều quan điểm nhiêu khê giữa các bên nên trên đảo mỗi ngày chỉ được cấp điện từ 7g30 đến 20g30 mà thôi.

Điều quan trọng hơn hết cho sự phát triển trên hải đảo còn là con đường giao thông huyết mạch tới đất liền. Con đường độc đạo này được dành riêng cho sóng nước muôn trùng.

Từ Phan Thiết để ra đảo Phú Quý, khách phải ngồi tàu thủy ít nhất là 6 giờ đồng hồ chen chúc khoảng không gian của “cá mòi hộp”. Hiện tại có 4 con tàu chở khách và hàng hóa, trong đó 2 tàu là quốc doanh, 2 chiếc hợp tác xã. Nhưng hình như lúc nào tàu cũng luôn quá tải, tốc độ chậm và thất thường. Do đó chẳng thể biết trước vài ba ngày khi nào tàu sẽ xuất bến. Ngoài lý do máy móc, thời tiết bất lợi, điều kiện an toàn trên biển... thì cái bệnh thất thường đã thành căn khó chữa, bởi có những nhà đầu tư khác quyết tâm bỏ vốn làm tàu cao tốc để vận chuyển nhanh nhưng hạn cuối qua từ lâu mà tàu vẫn còn trong “vòng bí mật...”.

Những phương tiện khác di chuyển nhanh ra đảo như phi cơ, tàu cánh ngầm, tàu vận tải lớn… tất cả đều khả thi nhưng cần có sự đầu tư cao để làm phi trường, làm cầu cảng... nhưng nguồn đầu tư chưa thực sự có nên chúng vẫn còn nằm trong dự kiến quy hoạch.

Con đường thông thương luôn ách tắc thì khỏi nói đến phát triển du lịch, khỏi nói đến thu hút đầu tư, cũng chẳng thể quảng bá hình ảnh hải đảo cho dù thực sự là một hòn ngọc giữa biển khơi.

Hãy còn đó vô số điều đáng suy nghĩ về một hải đảo với niềm tin một ngày không xa sẽ rực sáng giàu mạnh, là trọng điểm phát triển của khu vực, bởi nhiều tiềm năng thế mạnh từng được đánh giá dự báo. Trước lúc phải xa rời “viên ngọc bích giữa biển khơi” tôi vẫn còn bị thu hút bởi niềm tin vào nguồn sức mạnh tiềm tàng ấy, để mong sao cuộc sống của bà con trên đảo ngày càng phát triển, đi lên.

Tác giả bài viết: Lê Tư

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 62