Vành đai một thời không quên

Minh họa:Duy Hải

Minh họa:Duy Hải

Nhà tôi nằm trong vùng vành đai của căn cứ Đồng Tâm (Ấp Long Thuận A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành) nên ngày nào cũng thấy lính Mỹ đi qua. Không chịu nổi cảnh bắn phá, bắt bớ nên nhiều gia đình đã tản cư đi nơi khác. Nhà cửa còn lưa thưa, ruộng vườn hoang hoá; cánh đồng phía Tây kênh Nguyễn Tấn Thành ít khi thấy bóng người.

14 tuổi tôi phải nghỉ học để chăn vịt. Ngày ngày, tôi vừa lùa đàn vịt qua các cánh đồng, vừa chuyển thư từ, đưa tin tức cho các chú trong cứ . Đừng nói tôi đã 14 tuổi, trẻ con vùng Vành đai mới 7 - 8 tuổi đã biết giúp đỡ cách mạng rồi. Nhỏ thì làm việc nhỏ, như bán thuốc lá, kẹo cao su để lân la vô căn cứ Đồng Tâm nắm tin tức; thấy tụi nó làm gì, bố trí lực lượng ra sao … về kể lại cho các chú nghe. Hoặc giả đò thân thiện với bọn Mỹ để ăn cắp lựu đạn. Có đứa còn lấy được cả máy chụp ảnh đem về cho du kích.

Cũng có vài lần bọn Mỹ gặp tôi. Chúng vò đầu, bẹo má, cho tôi thật nhiều đồ hộp; xì xào với nhau cái gì đó, rồi khóc. Chắc là chúng nhớ con đang ở bên kia Thái Bình Dương. Tôi nhận ra một điều là lính Mỹ rất hay khóc, chuyện gì cũng khóc như con nít, không giống như ba tôi và các chú du kích. Chúng đi hành quân, sụp vũng lầy cũng khóc. Máy bay bị  bộ đội bắn, không đáp xuống rước chúng được, chúng cũng khóc. Không thả đồ ăn xuống kịp, chúng đói, cũng khóc. Thấy bà con mình ăn mít, chúng bắt chước, hái mít sống ăn, bị mủ dính miệng, dính tay cũng khóc. Có lúc tôi thấy 3, 4 tên Mỹ ngồi dựa vào nhau, xì xồ gì đó, rồi khóc. Chúng qua đây bắn phá vườn tược người ta, bắt bớ chồng con người ta, gây bao tai họa thảm khốc cho người khác mà khóc nỗi gì?

 

Làm liên lạc vài năm thì tôi được kết nạp vào Đoàn, cùng thanh niên trong ấp đi dân công, tải thương, tải đạn. Những năm 70 – 73 tôi như là trụ cột của thanh niên trong ấp, đi đâu cũng phải có tôi thì họ mới chịu đi, dù đó là đi dân công hỏa tuyến hay đi xem hát. Có lần tôi cáng thương từ khu phố Vĩnh Kim ra tới lâm Hội đồng Chua thì bị địch bắn pháo sáng, phải dừng lại. Chúng quăng trái cay vào các lùm bụi; anh bộ đội đó bị thương rất nặng, nên không hay biết gì. Tôi để anh nằm trên đùi mình, rồi lấy khăn ướt đă đắp lên mặt. Đợi đến khi pháo sáng tắt tôi mới tiếp tục chuyển anh đến chùa Ông Hiếu. Năm 73, chào mừng hiệp định Pari, 16 đoàn viên trong chi đoàn ấp Long Thuận A của tôi ban đêm thì thức may cờ, viết khẩu hiệu, cắt dán băng… ban ngày đi treo cờ trên các ngọn cây cao, cặp bờ kênh Nguyễn Tấn Thành, để bọn địch trong lô cốt số 1 của căn cứ Đồng Tâm có thể nhìn thấy. Lúc đầu địch không bắn, có tên còn giúp tụi tui căng tấm băng dài hơn 40 thước qua kênh Nguyễn Tấn Thành. Nhưng sau đó vài ngày thì chúng được lệnh chỉ huy, nên bắn phá dữ dội; đưa quân qua giựt đứt hết băng cờ. Tụi tui lại vận động bà con đấu tranh chống hành động phá hoại
hiệp định.

Năm 1974 tôi về Huyện đoàn. Cuối năm Huyện ủy triển khai Chỉ thị 01 của Trung ương Cục miền Nam phát động toàn dân mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, tạo nên một không khí náo nức, phấn khởi chưa từng có. Huyện đoàn Châu Thành Nam (lúc đó có 11 đồng chí) mỗi người đi một hướng, xuống các xã phát động phong trào, vận động thanh niên vào bộ đội, du kích, đi tải đạn từ phía Bắc về, đi dân công hỏa tuyến ... Nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi lúc này là lôi kéo thanh niên từ vùng địch tạm chiếm về vùng giải phóng.

Tôi được phân công đi với anh Năm Thành - Bí thư Huyện đoàn và anh Hai Xuân Lại - cán bộ Trung ương đoàn xuống xã Song Thuận - Mặt trận phía Đông của chi khu Vĩnh Kim. Dân Song Thuận hầu hết là dân cách mạng, nên việc vận động cũng không khó khăn. Lúc đầu, mỗi khi chiến trường có yêu cầu dân công thì tụi tui tổ chức họp, vận động thanh niên tình nguyện, nhưng về sau thì không cần họp nữa, cứ nhắn các chi đoàn chiều nay cho mấy dân công tập trung tại đâu, là có ngay đủ số. Mà mỗi đoàn đâu phải ít, cả 30 - 40 người. Có khi đi dân công phục vụ cho bộ đội tỉnh chiến đấu, có khi phục vụ cho các lực lượng của khu. Bộ đội đánh phía trước, dân công ém phía sau sẵn sàng tiếp đạn, tải thương. Vì bí mật, nên có lúc thông báo vài giờ là phải tập hợp lực lượng đi dân công đường dài, vậy mà không khi nào thiếu một người. Tải thương xa thì 3 người một võng, gần thì 2 người, dù có pháo dập cỡ nào chúng tôi cũng không bỏ thương binh.

Sang năm 1975, phong trào cách mạng ở Song Thuận càng phát triển mạnh hơn; ý thức đấu tranh, một mất một còn với giặc ăn sâu vào từng người dân. Người già thì vận động quyên góp ủng hộ cách mạng, thanh niên thì vào bộ đội, du kích, hoặc đi phục vụ chiến đấu, đi đắp mô,
phá hoại…

Đêm 29/4, tôi đưa gần 100 thanh niên ra đắp mô, chặn xe địch từ Vĩnh Kim xuống bót Cầu Lấp và đồn Song Thuận. Bọn địch đánh hơi được nên bắn M79 liên tục. Vậy mà không ai bỏ về, người seo đất, người khiêng, chất … hì hục cả đêm, đắp được cái mô cao như ngọn núi.

Sáng 30/4, tụi tui tập trung lực lượng thanh niên cùng du kích xã bám bót Cầu Lấp. Đây là bót nhỏ, nhưng rất ngoan cố, ác ôn; nó nằm chặn đường dây qua lộ  Đông Hòa, làm cho lực lượng ta di chuyển rất khó khăn. Một mặt, tụi tui cho lực lượng đi tới đi lui quanh bót, để chúng thấy chúng đã bị bao vây. Mặt khác, phân công một số cán bộ hợp pháp đi móc nối, rước gia đình bọn lính tới để kêu gọi chồng con trở về. Tôi cải trang thành người đi làm đồng, bị mấy ông giải phóng bắt phải đưa thư vô bót. Ban đầu là thư kêu gọi, thuyết phục; rồi dần dần là thư hăm dọa hủy diệt… Tôi đi tới đi lui, đem vào bót 3 lá thư chúng vẫn chưa chịu đầu hàng. Đánh vào thì mình không đủ sức, vì lực lượng ta đa số là tay không; chỉ có mấy anh du kích được trang bị AK, lựu đạn, không có súng lớn. Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng rồi mà chúng vẫn im lặng; mãi đến khi mặt trời đứng đầu chúng mới hỏi: “Đầu hàng, mấy ông có bảo đảm sinh mạng chúng tôi không? Nếu chi khu (cấp trên của chúng) giết chúng tôi thì sao?”. Ta nói bảo đảm đưa chúng về tới tận nhà, nhưng chúng cũng không chịu ra. Cho tới lúc chúng không còn liên lạc với chi khu được nữa mới chịu bỏ súng ống, ra hàng.

 

Ta lấy hết vũ khí đem về, cho nhân dân tràn vào ban bót. Lúc này trên lộ 28, 1 tiểu đoàn của Sư đoàn 7 rã ngũ từ trên Phú Phong, Kim Sơn đi xuống nườm nượp, tên nào cũng quần đùi, áo thun; không biết đâu là quan, đâu là quân. Trong xóm, bà con vỗ thau, vỗ thùng, reo hò tở mở. “Hòa bình rồi, hòa bình rồi! Bà con ơi, hòa bình rồi!…”. Ai cũng hét lên như vậy, ai cũng muốn nói hàng ngàn, hàng vạn lần câu ấy. Hòa bình rồi, niềm vui quá lớn, hạnh phúc quá lớn, quá bất ngờ làm cho nhiều người bật khóc. Tôi cười, tôi hét, tôi đi như người mộng du và mắt tôi cũng nhòa lệ.

(Ghi theo lời kể của chị Nguyễn Thị Bé Tư,

­nguyên Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Châu Thành)

Tác giả bài viết: Ngọc Thủy