Tự hào người cảnh sát áo trắng

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; có tiềm năng kinh tế to lớn và đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng yếu đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Chính vì thế, trên các vùng biển, đảo Việt Nam luôn có những con người ngày đêm can trường giữ biển, bất chấp hiểm nguy, thử thách; đấu tranh vì biển, đảo quê hương. Đó chính là lực lượng cảnh sát biển, chiến sĩ biên phòng và cả những ngư dân bình dị ở các tỉnh, thành vùng biển miền Trung mà tôi đã từng gặp gỡ, tìm hiểu để càng thêm tự hào về họ.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2 phổ biến kế hoạch trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2 phổ biến kế hoạch trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (gọi tắt là Cảnh sát biển Vùng 2) đóng quân tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Với phương châm “Kiên quyết dũng cảm - Khắc phục khó khăn - Đoàn kết hợp đồng - Giữ nghiêm kỷ luật” của Cảnh sát biển Việt Nam đã giúp cho biết bao cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2 kiên cường bám biển vì sự bình yên của từng tấc biển quê hương.

Gắn kết quân dân - bảo vệ an ninh trên biển

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 được thành lập ngày 5-3-2004 với nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, duy trì an ninh trật tự và cứu nạn, cứu hộ trên biển. Đơn vị quản lý vùng biển có tổng diện tích 250.000 km2, kéo dài từ đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đến Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định), trong đó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, phía Bắc quần đảo Trường Sa và trên các vùng biển Việt Nam khi có mệnh lệnh.

Qua 11 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2 vẫn ngày đêm bám biển, bám tàu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với các anh, được phục vụ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo đảm an ninh trật tự vùng biển, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các ngư dân là niềm tự hào.

Đại tá Trần Văn Dũng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết, vùng biển mà Cảnh sát biển Vùng 2 quản lý có rất đông tàu thuyền của ngư dân hoạt động khai thác hải sản. Việc tuyên truyền cho ngư dân nắm vững pháp luật, tôn trọng điều ước quốc tế vô cùng quan trọng.

Từ đó giúp ngư dân nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh có hiệu quả với những diễn biến phức tạp trên biển. Ngư dân cũng chính là những người cung cấp thông tin nhanh nhất về sự xuất hiện của tàu lạ trên ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam, giúp cho lực lượng trinh sát kịp thời nắm bắt tình hình, bảo vệ an ninh, an toàn trên biển.

Ngược lại, để giúp người dân tuyến biển yên tâm bám địa bàn, bám biển làm giàu, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2 đã nỗ lực về địa bàn, đến với dân, hỗ trợ cho nhân dân trong thiên tai... Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhân dân ven biển trên địa bàn ổn định cuộc sống.

Theo Cảnh sát biển Vùng 2, đơn vị luôn tổ chức lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, đơn vị đã tổ chức 13 đợt, với 14 chuyến tàu tham gia cứu nạn thành công 10 tàu thuyền các loại và 86 ngư dân gặp nạn trên biển. Trong đó, các chiến sĩ của Cảnh sát biển Vùng 2 đã cứu nạn nhiều tàu thuyền bị nạn ở vùng biển xa đất liền hơn 600 km và đưa về đất liền an toàn, được chính quyền, nhân dân địa phương cảm phục.

Thượng úy Ngô Thái Cảnh, Thuyền trưởng tàu CSB 9002 vẫn nhớ như in về hành trình vượt 300 hải lý để cứu nạn thành công 2 tàu cá QNg 90046TS và QNa 91594TS cùng với 33 ngư dân gặp nạn trên biển vào năm 2012. Anh Cảnh kể: “Ngay sau khi nhận lệnh đi cứu 2 tàu cá và 33 ngư dân gặp nạn nói trên, các chiến sĩ tàu CSB 9002 đã lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Sau nhiều giờ vượt qua những khó khăn, thách thức của biển cả, tàu đã tiếp cận được tàu gặp nạn và đã cứu nạn thành công”.

 
Chiến sĩ tàu Cảnh sát biển Vùng 2 quan sát, theo dõi mục tiêu trên biển.
Chiến sĩ tàu Cảnh sát biển Vùng 2 quan sát, theo dõi mục tiêu trên biển.

Dù biển lặng hay bão giật cấp 11, 12, hễ nghe tin tàu thuyền của ngư dân gặp nạn, cần giúp đỡ, các chiến sĩ tàu cảnh sát biển bất chấp nguy hiểm, luôn sẵn sàng vượt sóng, vươn khơi. Với các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2, thì mỗi lần cứu hộ, cứu nạn thành công tàu và ngư dân gặp nạn trên biển là mỗi lần các anh được sống trong niềm vui và hạnh phúc vô bờ.

“Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2 luôn gắn bó với ngư dân. Các anh không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, bất chấp bão to, sóng lớn, sẵn sàng vượt biển để cứu ngư dân. Các anh còn giúp dân làm đường, sửa chữa máy móc, tàu thuyền. Tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2 với ngư dân không có gì đo đếm được.

Khi khai thác trên biển, thấy sự có mặt của lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2, ngư dân chúng tôi đều cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh và yên tâm bám biển vừa đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - Ngư dân Huỳnh Thế Điểu, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) tự hào cho biết.

Đất liền rất gần với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển

Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2 Võ Văn Kính cho biết, để tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ trên các tàu cảnh sát biển làm nhiệm vụ ngoài khơi xóa đi khoảng cách biển khơi - đất liền cũng như vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, Cảnh sát biển Vùng 2 đã đầu tư trang bị cho tất cả các tàu hệ thống thu phát vệ tinh, bắt sóng các chương trình truyền hình phục vụ nhu cầu giải trí cho cán bộ, chiến sĩ.

Những cánh sóng quê nhà luôn báo tin vui thông qua những màn hình tivi, chiếc điện thoại di động. Vì thế, với những người lính biển ra khơi làm nhiệm vụ cũng vui như ở nhà, ngập tràn tình thân, tình đồng đội, tình nhân dân cả nước.

Không ngừng lớn mạnh

Sau 11 năm thành lập, lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2 đã không ngừng lớn mạnh. Nhân dân cả nước, nhân dân thế giới đều biết đến, dành tình cảm đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.

Tình cảm, sự quan tâm ấy bỗng trở nên dạt dào khi xảy ra “sự kiện” Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (từ ngày 1-5 đến 17-7-2014).

Theo Cảnh sát biển Vùng 2, đó là “sự kiện” gắn liền với “76 ngày đêm” kiên cường, khôn khéo đấu tranh của lực lượng cảnh sát biển.

Dạo quanh bến cảng thăm hỏi các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các tàu cảnh sát biển, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 Võ Văn Kính kể cho tôi nghe về những kỷ niệm ngoài khơi trong “76 ngày đêm trên biển”. Giọng anh Kính bỗng vui hẳn lên, nói như khoe với tôi rằng sau
“sự kiện” ấy, cả nước một lòng hướng về cảnh sát biển để cùng chia sẻ.

Đến nay, Cảnh sát biển Vùng 2 đã đón tiếp hơn 200 đoàn đến thăm hỏi, động viên. Đặc biệt, đã có 382 đồng chí được hỗ trợ về vật chất, 84 đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đột xuất; đã có nhiều người vợ của cảnh sát biển được các cơ quan Nhà nước bố trí việc làm ổn định hoặc được tạo điều kiện chuyển công tác về gần nhà để có điều kiện chăm lo con cái, bố mẹ, giúp chồng an tâm bám biển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá Trần Văn Dũng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết: Trong thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đã tiến hành xua đuổi hơn 1.300 lượt tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Phối hợp với các lực lượng chức năng khác thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và nhiệm vụ bảo vệ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam. Triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì và thực thi pháp luật trên biển.

Đại tá Trần Văn Dũng cho biết thêm, năm 2014 còn là năm “đặc biệt” của Cảnh sát biển Việt Nam nói chung và Cảnh sát biển Vùng 2 nói riêng. Vào thời điểm những ngày chuẩn bị bước sang năm mới, đón Tết Ất Mùi 2015, lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2 đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba với thành tích đặc biệt xuất sắc trong năm qua, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tác giả bài viết: Hữu Nghị (Còn tiếp)

Nguồn tin: Ấp Bắc