Tiếng Việt “của mình”

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
(Lưu Quang Vũ)
Một góc quê hương
Là người Việt sống đã gần 20 năm ở nước ngoài, cứ mỗi lần đọc bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, tôi thực lòng lại thấy cay cay mắt. Ở xứ lạ, đôi khi tôi nghĩ, mình có thể đứng giữa đám đông người bản xứ, nói to lên những tâm sự của mình mà chẳng ngại gì. Bởi có ai hiểu đâu! Thậm chí, đối với anh chị tôi chẳng hạn, sống bên này, có thể thoải mái nói chuyện “riêng tư” gì đó của bố mẹ trước mặt hai đứa con mà yên tâm là chúng chẳng hiểu gì. Không, không phải anh chị tôi không quan tâm đến việc dạy con tiếng Việt: gia đình họ cũng có những quy định, rằng “ở lớp - tiếng Nga, ở nhà- tiếng Việt”... Thế nhưng, dường như, tiếng Việt “trong nhà” như thế chưa đủ “thời lượng” cho tâm hồn của những người Việt nhỏ này thấm được ý nghĩa sâu xa của từ, của ngữ, của thứ tiếng “tha thiết, nói thường nghe như hát - kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh - như gió nước không thể nào nắm bắt - dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh”*. Bố mẹ thì bận, chẳng mấy khi trò chuyện được nhiều với con. Bởi vậy mà các cháu tôi có thể dùng tiếng Việt trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng nghe đọc truyện hoặc xem phim tiếng Việt là chúng rất ngại ngần. Nhìn chúng “cắn răng chịu đựng” 30 phút ngồi trước màn hình VTV 4 để xem chương trình “Vườn cổ tích” vì nể bố mẹ... mà thương quá! Mặt nghệt ra, khác hẳn vẻ linh lợi khi chúng sôi nổi cùng xem một bộ phim hoạt hình của Nga! Hai anh em sàn sàn tuổi nhau, chơi với nhau toàn dùng tiếng Nga. Một đôi lúc phụ huynh chợt nhận ra “quy định” gia đình bị “vi phạm”, lừ mắt, thế là hai đứa lại “chuyển kênh” sang tiếng Việt. Có lần tôi nghe thấy thằng em hạ giọng thầm thì hỏi thằng anh: “Kak po-vietnamski “pomidor”?” (“pomidor” tiếng Việt là gì nhỉ?) – Cà chua,- thằng anh cũng thì thầm đáp lại. Dấm dúi cứ y như phim gián điệp!!!

Chuyện trẻ Việt trên nước người có “vấn đề” với tiếng mẹ đẻ thì nhiều người đã đề cập nhiều lắm rồi. Thậm chí, có tác giả còn kể rằng trẻ về Việt Nam, mời cơm ông: “Tao mời ông ăn cơm ạ” khiến ông “suýt ngất”! Nhưng tôi cho là chi tiết ấy không hiện thực. Trẻ Việt ở nước ngoài không biết dùng từ “mày” “tao”. Các cháu tôi chỉ sau khi về phép chơi ở nhà mấy tháng mới bắt đầu dùng những từ đó, do bắt chước lũ trẻ hàng xóm, thậm chí, cả .. nghe theo tivi nữa! Còn thì, những cấu trúc câu buồn cười, Tây hóa, những từ ngữ ngô ngọng, ngữ điệu lên cao vút, xuống mất hút y như tiếng Tây…. vừa là những kỷ niệm vui, vừa là những day dứt của các bậc cha mẹ người Việt ở nước ngoài. Tôi nhớ lắm những câu các cháu tôi từng nói:

- Mẹ ơi, có được con ăn kẹo không? (con có được ăn kẹo không)
- Mẹ, bố đi làm rồi, đúng? (đúng không)
...
Đó là đối với những gia đình “thuần Việt”. Còn những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ là người Việt thì sao?

 Ở Nga, những cặp vợ chồng như thế có rất nhiều, và phần lớn trong số họ đều “bó tay” chấp nhận cảnh con nói tiếng Nga... y như người Nga, không hiểu hoặc cùng lắm chỉ hiểu “hòm hòm” khi bố hoặc mẹ là người Việt nói chuyện với chúng. Đáp lại, chúng vẫn dùng tiếng Nga. Nhiều anh chị tặc lưỡi: “Kệ, chúng nó là người Nga rồi còn gì! Chả cần biết tiếng Việt!”… Nhưng cũng có những người rất băn khoăn về việc này, như anh Sơn, một người quen của gia đình tôi. Anh Sơn học trường Điện ảnh Moscow, yêu chị Veronika từ thuở sinh viên, lấy nhau, có được một cháu gái xinh thật là xinh, tên là Alisa. Mắt nâu trong veo của cha, da trắng, tóc vàng từng lọn xoăn xoăn của mẹ. Những năm đầu tiên, anh Sơn cũng rơi vào tình trạng “tặc lưỡi” như những người khác, khiến bé Alisa cũng hoàn toàn là một cô bé người Nga, mặc dù, khi hỏi cháu, cháu là người nước nào, cháu luôn hãnh diện trả lời... bằng tiếng Nga: “Con là người Việt Nam!”. Năm cháu hơn 4 tuổi, một lần về phép thăm bà nội, cháu ngơ ngác trước một xã hội xa lạ, lạc lõng giữa những người nói thứ tiếng nói xa lạ với mình. Sau đợt đó, anh Sơn quyết tâm dạy con học tiếng Việt. Phải nói rằng, dạy một đứa trẻ đã lên 5 học tiếng, cho dù đó là tiếng của cha đẻ chăng nữa, thì vẫn cứ đã là dạy ngoại ngữ cho nó. Trẻ có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên ở độ tuổi bắt đầu tập nói! Sau 5 tuổi, trẻ phải “học”. Và, công cuộc dạy con tiếng Việt của anh Sơn thật là lắm gian truân. Anh mời thầy, mời thợ. Anh nói chuyện “tuyền” bằng tiếng Việt với con. Rồi hát, rồi đọc thơ... Anh ép bé con không được dùng bất kỳ từ tiếng Nga nào với bố... đến mức, sáng ra, cô bé rón rén đi ra bếp hỏi bà: “Bà ơi, bố đi làm chưa?”. Nếu chưa, bé lại vào nằm tiếp vì quá sợ phải nói... tiếng Việt!

Cũng chỉ là bởi anh Sơn quá nôn nóng và mong muốn con mình hiểu được, nói được thứ tiếng thân thương với lòng anh mà thôi! Không trách anh được! Nhưng rồi anh cũng sớm nhận ra cần phải thay đổi cách dạy con, nghĩa là kiên trì, từng bước, không gây sức ép cho con chỉ vì ý muốn của bố, tạo cho bé niềm vui và sự thú vị thông qua những trò chơi. Có những tuần, hai bố con chỉ học thêm được có mỗi một từ, nhưng cô bé đã nhớ vào đầu là nhớ mãi. Và, theo thời gian, sự nỗ lực của anh đã không uổng công. Giờ đây, Alisa đã 12 tuổi. Cháu hiểu và nói được tiếng Việt. Cháu hát các bài hát Việt Nam giọng rất chuẩn, gần như không bị lơ lớ. Cháu vẫn hãnh diện tuyên bố với mọi người: “Con là người Viêt Nam!”, nhưng câu ấy giờ đây đã vang lên bằng tiếng Việt!

Trong nhà anh chị, lại đã có thêm một “người Việt Nam” nhỏ nữa, đó là bé Denis. Khi bé Denis ra đời, đã có ý thức trước rồi, anh Sơn hoàn toàn dùng tiếng Việt để nói chuyện với con, kể chuyện, đọc thơ, cho con xem phim hoạt hình có lồng tiếng Việt. Tiếp thu một lúc hai thứ tiếng: bà ngoại, mẹ và chị nói tiếng Nga, bố dùng tiếng Việt, cháu bắt đầu biết nói chậm hơn các bạn khác đôi chút, nhưng bù lại, cháu nói hiểu cả hai thứ tiếng đều tốt, không bị rơi vào tình cảnh phải học “ngoại ngữ” như chị Alisa.

Thì ra, mọi vấn đề cũng chỉ ở chỗ ý thức của con người. Ý thức gìn giữ tiếng nói của dân tộc mình khi mình sống ở nước ngoài, thậm chí, có thể sống mãi mãi ở nơi đó, là điều thật cần thiết.

Thế rồi cũng đến lượt tôi sinh con trên nước người. Nhìn gương “các bậc tiền bối”, tôi quyết tâm “huấn luyện” con theo kiểu khác. Tôi bao bọc bé con của tôi trong một “môi trường” ngôn ngữ tích cực nhất ngay từ những ngày đầu trứng nước. Không mệt mỏi, hằng ngày nói chuyện với con, kể cả từ lúc mới ra đời, tưởng chừng trẻ con còn chưa hiểu gì... Tôi tả cho con nghe tất thảy những gì xảy ra xung quanh nó. Tôi đặt vè, đặt văn vần để nói chuyện với bé... Tích cực quá, đến độ luôn luôn cảm thấy... mỏi miệng, và ông xã thì nhức đầu vì vợ nói quá nhiều! Nhưng biết làm sao được, vì chúng tôi đang ở... nước ngoài mà! Tôi mong mỏi con tôi thấm được vào người thật sớm những âm thanh quen thuộc của tiếng Việt, những hỏi, ngã, nặng huyền thân thương.. Và nữa, tôi quan niệm, làm sao cho con không chỉ nói được, hiểu được, mà còn nói thanh thoát và hiểu sâu sắc thứ tiếng thân yêu này! Có nghĩa là, phải quan tâm đến cả “chất lượng” của vốn ngôn ngữ có được trong đứa trẻ. Chất lượng ấy thể hiện ở chỗ con biết dùng từ uyển chuyển, biết các từ láy, từ đồng nghĩa, đối nghĩa, biết so sánh, biết nói thật logic. Nhưng điều này, khi ở nước ngoài, phi người làm cha mẹ ra, không ai giúp được!

Nghe thì tưởng rắc rối, nhưng đến khi bạn “vạch kế hoạch” dạy con rồi, lại thấy đơn giản. Chỉ có một bí quyết: “phải thật nhiều lời”!!! Đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 1 tuổi trở đi, cha mẹ chịu khó kể chuyện, đọc thơ, tâm tình với con bằng thứ tiếng Việt trong sáng, rõ ràng, và theo thời gian, phong phú dần lên. Ví dụ, hôm nay kể với bé rằng con cáo thấy con gấu thì sợ quá, bỏ chạy. Vài hôm sau nữa, bạn có thể tả thêm bằng những cụm từ phức tạp hơn, nhiều màu sắc gợi tả hơn, như: “Con cáo ba chân bốn cẳng bỏ chạy” “Con cáo chạy bán sống bán chết” “Con cáo chạy… mất dép”. Đừng nghĩ là trẻ con không hiểu, không tiếp thu được, chỉ cần bạn đưa cho con những thông tin ấy một cách hệ thống, logic, lặp đi lặp lại, thì việc con bạn nắm vững tiếng Việt, hiểu sâu sắc tiếng Việt, dùng tiếng Việt một cách mềm mại, coi tiếng Việt là tiếng “của mình” – đó không còn là vấn đề nan giải nữa!

Con tôi, hòa mình trong môi trường tiếng Nga, nó nói tiếng Nga tốt, thậm chí, còn hay hơn bố mẹ. Khi bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh, nó học cũng rất nhanh. Nhưng sâu xa trong tâm hồn nó, tiếng Việt vẫn có vị trị thứ nhất không lay chuyển được, không quên lãng được.

Còn tôi, bao nhiêu năm ở nước người, tôi vẫn mong được một lần tỉnh dậy, thấy:

“ Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết.
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời...”*
-----------------
*: Trích bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ.

Nguồn tin: Theo Tiasang