Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thủy - Từ tri thức đến hoạt động khoa học

TS Nguyễn Hồng Thủy (thứ tư từ trái sang) đang làm việc tại HTX Mỹ Thành

TS Nguyễn Hồng Thủy (thứ tư từ trái sang) đang làm việc tại HTX Mỹ Thành

Con đường tiếp cận tri thức khoa học

Tôi quen Hồng Thủy ở lớp học Anh văn tại chức vào những năm đầu thập niên chín mươi. Cô kỹ sư canh nông là kỹ thuật viên của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ KHCN, sớm nhận ra ngoại ngữ là chiếc cầu nối quan trọng để tiếp cận tri thức khoa học tiên tiến. Học ngoại ngữ để phục vụ cho công tác nghiên cứu, trước hết để có thể đọc thông thạo sách báo nước ngoài, tài liệu tiếng Anh về nông nghiệp.

Nhưng rồi vốn liếng ngoại ngữ đã mang đến cho cô vận may. Vừa qua hai năm với kỳ thi hóc búa để lấy bằng đại cương, cuối năm 1995, Hội hữu nghị các nước tổ chức thi tuyển thí sinh đi học khóa kiểm tra chất lượng phân bón do Chính phủ Ấn Độ tài trợ, Thủy thi đậu và sang Ấn học hai tháng.

Khóa học dù ngắn, nhưng đã mở ra trước mắt Thủy một chân trời đầy hứa hẹn về việc du học nước ngoài, con đường ngắn nhất để tiếp cận, học hỏi nền khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới.

Trở về nước, cô càng dùi mài thêm ngoại ngữ và đã dự thi TOFEL đạt điểm chuẩn để du học sau đại học. Dịp may lại đến, tháng 7 năm 1997, Bộ Giáo dục - Đào tạo thông báo các học bổng nghiên cứu thạc sĩ của Viện Công nghệ châu Á (ATI), Thủy nộp đơn và đã phải qua một vòng thi vấn đáp và một bài viết “hóc búa” về chuyên môn bằng tiếng Anh, vượt qua nhiều thí sinh khác trong cả nước, nhận học bổng thạc sĩ của Si Da/ATI.

ATI là một khuôn viên rộng lớn, thơ mộng nằm ở vùng ven Pathumthani, cách thủ đô Bangkok - Thái Lan 55 cây số. Viện khi ấy gồm 4 trường đại học, 39 ngành với hàng ngàn sinh viên châu Á theo học.

Hai năm ở ATI là hai năm của nỗ lực và cố gắng không ngừng, vì ATI không chỉ cung cấp cho sinh viên một đời sống học tập tiện nghi, từ sinh hoạt đến nguồn kiến thức được tiếp nhận, mà còn đòi hỏi ở họ một cường độ học tập cao và tập trung. Chương trình chuyên môn toàn bộ đều bằng tiếng Anh. Nếu không hội nhập, nắm bắt sinh viên sẽ bị trả về nước. Vì thế, ngoài những giờ lên lớp ở giảng đường, Thủy luôn trực chiến ở thư viện và phòng vi tính, thức đến 2, 3 giờ sáng để nghiên cứu, làm đề tài…

Tháng 11 năm 1999, Thủy bảo vệ xong luận án tốt nghiệp thạc sĩ: “Simulation for sustainable Rice cropping in Tiengiang province, Mekong Delta VietNam” (Mô hình sản xuất bền vững lúa 3 vụ ở Tiền Giang và ĐBSCL).

Không dừng lại ở thành quả đã đạt được, ngay trước khi tốt nghiệp ở ATI, Thủy tiếp tục làm đề cương nghiên cứu xin học tiến sĩ. Đề tài Thủy chọn là những thí nghiệm ngoài đồng về phân bón để lấy kết quả điều chỉnh mô hình DSSAT, sau đó sẽ ứng dụng chương trình nầy vào việc tìm ra cách bón phân hợp lý cho hệ thống lúa 3 vụ bền vững ở ĐBSCL. Từ tháng 6 năm 1999, Thủy liên tục gửi email (gồm thư giới thiệu, sơ yếu lý lịch, đề cương nghiên cứu) đến các giáo sư tiến sĩ thuộc ngành liên quan trên khắp thế giới, và nhận không ít sự từ chối, nhưng rồi một lần nữa sự kiên trì của cô đã được đền bù, tháng 11 năm 1999, cô tiếp cận được với IRRI, trở thành “The luckiest person of the year 2000” (người may mắn nhất năm 2000), xuất sắc dành lấy 1 trong chỉ 2 học bổng toàn phần của IRRI cấp cho nghiên cứu sinh tiến sĩ năm ấy.

IRRI là môi trường nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế, tập hợp những trang thiết bị hiện đại nhất và đội ngũ khoa học gia ưu tú khắp thế giới. Ngay cả nghiên cứu sinh cũng là những người đến từ các trường đại học hoặc các viện khoa học đã có ít nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ. Để hòa nhập vào cộng đồng IRRI phải vươn lên bằng chính năng lực và khả năng sáng tạo. Đề tài nghiên cứu ở IRRI là những vấn đề rất mới, đòi hỏi nghiên cứu sinh phải làm việc trong môi trường mang tính chuyên nghiệp cao. Để được thừa nhận, họ phải luôn tìm ra những ý tưởng mới, độc đáo, vừa thực hiện vừa cải tiến phương pháp cho phù hợp với kết quả thực tế.

Đề tài nghiên cứu sinh của Thủy được chia làm 3 phần. Phần đầu là những nghiên cứu về sự thay đổi của năng suất lúa, hàm lượng, sự cân bằng các chất dinh dưỡng trong đất ở hệ thống canh tác lúa 2, 3 vụ tại Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia. Để thực hiện được đề tài nầy, phải phân tích hàng ngàn mẫu đất, tổng hợp và xử lý số liệu năng suất của các điểm thí nghiệm dài hạn ở các nước trên. Sau đó phải tiến hành thí nghiệm ngoài đồng trong 2 năm để nghiên cứu về ảnh hưởng của phương pháp quản lý đất, nước trong thời gian nghỉ giữa 2 vụ lúa, ảnh hưởng đến sự cung cấp đạm tự nhiên của đất cho vụ lúa tiếp theo. Cuối cùng, từ những kết quả đạt được, dùng mô hình tiên đoán ảnh hưởng dài hạn của các phương pháp quản lý đất, nước trong thời gian nghỉ giữa hai vụ đến sự cung cấp đạm tự nhiên và hàm lượng hữu cơ trong đất. Thầy hướng dẫn chỉ đưa ra những góp ý tổng quát, còn thực tế công việc, nghiên cứu sinh phải tự mày mò tìm kiếm, phân tích, lý giải và đánh giá. Để hoàn thành tốt khối lượng công việc như thế trong thời gian ngắn, Thủy phải phấn đấu bằng cả sức lực và nghị lực. Cô bùi ngùi nhớ lại: “Ngày đầu tiên làm thí nghiệm ở IRRI, thầy hướng dẫn (là một khoa học gia người Mỹ) chỉ bảo tôi phải trực tiếp theo dõi thí nghiệm ngoài đồng, còn phải làm với ai, làm như thế nào, tự tôi phải xoay xở lấy. Tôi tìm người quản lý, thấy anh đang tất bật với công việc, chỉ kịp hẹn sáng mai cùng anh ra đồng. Sáng sớm tôi đến, chờ đến 7 giờ cũng không thấy anh ta. Tôi tìm ra đồng thì thấy mọi người đã đổ quân nhộn nhịp trên cánh đồng thí nghiệm của mình. Người quản lý đang chỉ huy các công nhân, và họ làm việc trông thành thạo hơn cả tôi. Hơn tháng trời, tôi như người thừa vì công nhân không chịu nghe theo những yêu cầu của tôi, mọi việc đều phải trông nhờ vào người quản lý”. Để giành được thế chủ động không gì hơn là phải chứng minh được khả năng và bản lĩnh của mình. Và cô du học sinh Việt Nam đã làm được điều đó. Cô lập hẳn một bảng kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động thí nghiệm, và trước khi tiến hành công việc ngoài đồng, cô chủ động tìm những phương pháp thấu đáo cụ thể trao đổi với người quản lý. Cô còn đề xuất những cải tiến để công việc được nhanh hơn, chính xác hơn. Người quản lý thấy đồng sự hiểu rõ công việc, tỏ ra hợp tác, truyền cho cô một ít kinh nghiệm. Dần dà anh để cô trực tiếp giao việc cho kỹ thuật viên, trực tiếp theo dõi các thao tác của công nhân. Sau nầy, làm việc trong phòng thí nghiệm, Thủy cũng không quản ngại đi sớm về trễ, luôn suy nghĩ tìm tòi đề xuất cải tiến hay đặt các giả thiết về kết quả, nguyên nhân. Trong suốt ba năm rưỡi, cô luôn là người có mặt thật sớm và bao giờ cũng là người khách của chuyến xe buýt cuối cùng rời IRRI lúc hơn 10 giờ đêm. Bằng sự chuyên cần, tính chủ động, và khả năng vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tế, cùng với kết quả các môn học đều đạt điểm excellent, Thủy đã tạo được niềm tin đối với thầy hướng dẫn và các cộng sự, gây dựng cho mình một vị trí xứng đáng ở IRRI. Cuối năm 2004, cô đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ.

Đánh dấu những khó khăn gian khổ đã trải qua sau chặng đường 7 năm là du học sinh xứ người, Hồng Thủy chia sẻ: “Ngoài việc phải trang bị đầy đủ kiến thức ngoại ngữ, vi tính, còn phải chuẩn bị kiến thức chuyên môn và tinh thần để làm việc trong môi trường đa văn hóa với nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại. Ngoài ra, còn phải vượt qua nỗi đau đời thường, nỗi cô đơn da diết của người lưu lạc phương xa…”

Trở về nước, Thủy được phân công làm việc tại phòng thử nghiệm chất lượng thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Tiền Giang, nhiệm vụ chính là chịu trách nhiệm cho sự hình thành và phát triển vườn ươm cây giống, chủ nhiệm dự án xây dựng và phát triển vùng sản xuất rau an toàn thành phố Mỹ Tho. Đến giữa năm 2005, cô lại được IRRI mời tham gia chương trình post-doc. Đây là chương trình thực tập sau tiến sĩ, phần hai trong chương trình đào tạo tiến sĩ hoàn chỉnh. Các thực tập sinh được tuyển chọn tham gia chương trình nầy là những tiến sĩ tốt nghiệp loại xuất sắc, có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, có khả năng và kiến thức phù hợp với yêu cầu của một dự án cụ thể. Dự án mà Thủy tham gia trong chương trình post - doc là: “Magaging crop residuses for healthy soils in rice ecosystems” do Dr. Roland J. Buresh, một khoa học gia Mỹ làm chủ nhiệm. Từ thực trạng nông dân châu Á thường có thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch hoặc cày vùi đi trước khi canh tác, làm mất đi nguồn cung cấp hữu cơ và khoáng chất, làm cố định hàm lượng đạm tự nhiên trong đất. Vì thế, trong hệ thống thâm canh lúa, việc quản lý, sử lý rơm rạ sau thu hoạch là vấn đề trăn trở của các nhà khoa học nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất giúp nông dân châu Á thiết lập một hệ thống thâm canh lúa bền vững.

Hoàn thành chương trình post-doc, thực tập sinh Hồng Thủy đã được đào tạo hoàn chỉnh cả về lý thuyết lẫn thực hành, hoàn toàn có khả năng hoạt động khoa học độc lập.

Người đưa thương hiệu VIETGAP/GLOBALGAP đến với sản phẩm nông nghiệp

Xuất thân từ gia đình nông dân, từ nhỏ đã cùng ba mẹ làm lụng đồng án vất vả, Thủy đã nuôi nấng ý nghĩ sau nầy lớn lên sẽ làm điều gì đó giúp gia đình cũng như bà con làm vườn làm ruộng đỡ cực khổ vất vả mà đem lại hiệu quả hơn. Sau thời gian học tập bài bản ở nước ngoài, Thủy trở về đem hết tâm huyết cho những dự án, đề tài khoa học góp phần cải tiến sản xuất, đem lại “thương hiệu toàn cầu” cho một số sản phẩm nông nghiệp.

Tháng 4-2007, Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang triển khai chương trình “Hỗ trợ phát triển toàn diện cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” trên địa bàn huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang, trong đó có đề tài “Nhân rộng và phát triển mô hình GAP vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim”, Thủy được phân công làm chủ nhiệm đề tài nầy.

Tiêu chuẩn GLOBALGAP là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý hệ thống sản xuất nông nghiệp có các yêu cầu rất phức tạp, đòi hỏi các nông trại và HTX phải trang bị cơ sở vật chất tốn kém, bộ máy quản lý chuyên nghiệp, các cán bộ chủ chốt có đủ năng lực và trình độ chuyên môn. Điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện tại của vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL là diện tích nông trại nhỏ lẻ, manh mún, xen canh nhiều loại cây; hầu như không có trang bị đảm bảo an toàn cho người sản xuất và an toàn vệ sinh thực phẩm; tập quán sản xuất của nông dân còn lạc hậu; các Hợp tác xã nông nghiệp có cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ quản lý của các cán bộ chủ chốt còn yếu kém…

Nếu áp dụng các tiêu chuẩn này một cách cứng nhắc, không có cải tiến, sáng tạo, linh hoạt, không có sự phối hợp đồng bộ giữa cán bộ nhà nước và nhân dân thì các Hợp tác xã nông nghiệp và nông dân ở vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL - khu vực có điều kiện sản xuất tương tự như tỉnh Tiền Giang - sẽ khó có khả năng đạt tới thương hiệu quốc tế nầy.

Từ trái vú sữa bình thường đến trái vú sữa đạt tiêu chuẩn GAP là một hành trình gian nan, phải qua 141 “cửa ải” yêu cầu cho hợp tác xã (HTX) và 236 “cửa ải” cho các hộ nông dân trồng vú sữa để đạt đến bốn tiêu chuẩn ghi trên bao bì sản phẩm như một lời cam kết, như một dấu ấn đẳng cấp quốc tế: an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất, môi trường bền vững, và truy vết sản phẩm.

Từ thực tế khó khăn bế tắc, trong quá trình nghiên cứu thực hiện, Thủy đã tìm ra hướng đi riêng. Cô nhận ra rất nhiều điểm phải cải tiến, chuyển đổi, bổ sung trong việc áp dụng tiêu chuẩn GLOBALGAP để vừa đảm bảo thỏa mãn được các yêu cầu phức tạp của tiêu chuẩn nầy, vừa phù hợp với điều kiện tài chính và trình độ hiểu biết của các HTX nông nghiệp và nông dân Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Thế là cô mạnh dạn bắt tay vào tổ chức chương trình sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Cùng với những người lãnh đạo HTX, cán bộ nông nghiệp xã, huyện, các hộ nông dân ở các xã Vĩnh Kim, Phú Phong, Bàn Long…, Thủy đã vượt qua những ngày đầu khai phá khó khăn, để chương trình GlobalGAP được vận hành, và đạt đến thành công.

Ngày 30/4/2008, hệ thống quản lý chất lượng của Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được SGS New Zealand limited cấp Giấy chứng nhận GLOBALGAP số SGS NZ08 2171 cho sản phẩm vú sữa. Vú sữa Lò Rèn là sản phẩm trái cây đầu tiên của vùng ĐBSCL đạt chứng nhận chất lượng quốc tế!

Từ thành công của mô hình GAP vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, với nhiều kinh nghiệm quý báu đã được rút tỉa, tháng 05 năm 2008, Thủy tiếp tục chủ động xin nguồn tài trợ chi phí chứng nhận GLOBALGAP và tư vấn phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy xây dựng, vận hành hệ thống quản lý sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GLOBALGAP cho Hợp tác xã Mỹ Thành, huyện Cai Lậy. Ngày 21/01/2009, thành công lại mỉm cười với Thủy và bà con nông dân khi Hợp tác xã Mỹ Thành được TUV SUD Management Service GmbH Germany cấp Giấy chứng nhận GLOBALGAP số VC 70743252-004 cho sản phẩm lúa. Lúa lại là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đạt chứng nhận chất lượng quốc tế!

Có thể nói đây là lần đầu tiên, mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp với nhiều hộ nông dân nhỏ lẻ có thể liên kết lại để thực hiện thành công GLOBALGAP. Đây là thành công có ý nghĩa lớn trong bối cảnh mà hiện trạng sản xuất lúa và trái cây của nông dân ở vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL còn nhỏ lẻ, manh mún và cách biệt khá xa với các tiêu chuẩn GAP. Thành công này minh chứng rằng các nông hộ nhỏ lẻ của vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL hoàn toàn có đủ khả năng liên kết lại với nhau để sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và hội nhập vào thị trường nông sản to lớn của thế giới ngay từ bây giờ mà không phải chờ đợi một bước chuyển tiếp hay một lộ trình 5 năm hay 10 năm nữa.

Từ mô hình này đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến trên thế giới vào thực tiễn sản xuất còn nhiều hạn chế của nông dân vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL. Kinh nghiệm thực tiễn rút ra trong quá trình xây dựng mô hình sản xuất lúa và vú sữa đạt chứng nhận GLOBALGAP đã được học tập và nhân rộng cho các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu cao của vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL. Từ đây các vùng chuyên canh lúa và rau quả xuất khẩu có thể được hình thành góp phần nâng cao tính cạnh tranh về chất lượng và đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế cho nông sản toàn khu vực.

Từ tháng 04/2008 (thời điểm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt chứng nhận GLOBALGAP) cho đến nay, đã có rất nhiều tỉnh, thành của vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL - nơi có điều kiện sản xuất nông nghiệp tương tự như tỉnh Tiền Giang - đã đến tham quan học hỏi kinh nghiệm hai mô hình đạt chứng nhận GLOBALGAP này của tỉnh Tiền Giang.

Tháng 6-2008, Thủy tham dự khóa học do chuyên gia Đức giảng dạy về GLOBALGAP phiên bản 3.0-2_Sep 2007 - phiên bản GLOBALGAP mới nhất, và đã thi đậu kỳ thi kiến thức do GLOBALGAP tổ chức, được cấp Giấy chứng nhận là giảng viên chính thức về GLOBALGAP (Train-the-Public Trainer Certificate).

Từ giữa năm 2008 đến nay, cô được mời là giảng viên cho 4 khóa tập huấn “Tổ chức sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn GLOBALGAP” do Dự án Metro - Bộ Công Thương - GTZ tổ chức tại Hà Nội và TP. HCM cho hơn 150 học viên là các cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp của các Viện nghiên cứu, các tỉnh, thành phía Bắc và phía Nam Việt Nam, được mời là giảng viên cho các khóa tập huấn “Kiến thức GLOBALGAP” cho các cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai, Sóc Trăng…

Ngoài ra, cô đảm nhiệm vai trò là chuyên gia tư vấn trưởng của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học Tiền Giang cho “Lộ trình GLOBALGAP” với các Hợp đồng dịch vụ tư vấn: xây dựng 03 mô hình lúa đạt chứng nhận GLOBALGAP tại Châu Phú, Thoại Sơn và Phú Tân tỉnh An Giang; xây dựng 03 mô hình đạt chứng nhận VIETGAP và GLOBALGAP cho sản phẩm rau, xoài, bưởi tại Biên Hòa, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai; xây dựng 01 mô hình lúa đạt chứng nhận GLOBALGAP tại Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng; xây dựng 01 mô hình chôm chôm đạt chứng nhận GLOBALGAP tại Chợ Lách - Bến Tre; xây dựng mô hình thí điểm huấn luyện nông dân sản xuất lúa thơm theo tiêu chuẩn GLOBALGAP tại Hợp tác xã Vĩnh Tiền - xã Vĩnh Biên - huyện Ngã Năm. Đồng thời, cô cũng tư vấn cho Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre lập các dự án: “Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đạt chứng nhận GLOBALGAP cho sản phẩm lúa (Hợp tác xã Mỹ Trinh - Cái Bè - Tiền Giang)”; “Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đạt chứng nhận GLOBALGAP cho sản phẩm lúa (Hợp tác xã Bình Nhì - Gò Công Tây - Tiền Giang)”; “Triển khai sản xuất lúa thơm theo quy trình chứng nhận GLOBALGAP tại hợp tác xã Vĩnh Tiền - xã Vĩnh Biên - huyện Ngã Năm - Sóc Trăng để nâng cao giá trị lúa gạo”; “Xây dựng, áp dụng và chứng nhận sự phù hợp với tiêu chuẩn UTZ CERTIFIED cho nhóm nông dân sản xuất ca cao của tỉnh Bến Tre”.

Tháng 11/2008, sau khi UBND tỉnh Tiền Giang cho phép triển khai dự án: “Mở rộng qui mô sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn GLOBALGAP”, Thủy đã hướng dẫn HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh kim áp dụng tiêu chuẩn nầy trên diện tích mở rộng 55,3 ha, 131 nông hộ tham gia. Tháng 02/2010, Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được SGS New Zealand limited cấp Giấy chứng nhận GLOBALGAP số SGS NZ08 2171 cho sản phẩm vú sữa của 55,3 ha/131 nông hộ. Đồng thời, trong năm 2009, cô cũng tư vấn HTX Mỹ Thành áp dụng tiêu chuẩn GLOBALGAP trên diện tích 95,5 ha lúa, 101 nông hộ tham gia. Ngày 8-12/3/2010, HTX Mỹ Thành và 95,5 ha/101 nông hộ đã được Tổ chức chứng nhận quốc tế TUV SUD PSB đánh giá và đang trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận. Cho đến nay các mô hình VIETGAP và GLOBALGAP do Thủy tư vấn đã được Quatest 3 và Tổ chức SGS đánh giá và đang trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận là: HTX lúa - tôm Hòa Lời, sản phẩm lúa, 20ha/12 nông hộ; THT sản xuất lúa Jasmine Bình Chơn, sản phẩm lúa 30 ha/12 nông hộ; THT sản xuất nông nghiệp Tân Tiến, sản phẩm lúa 30ha/8 nông hộ; HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch Suối Lớn, sản phẩm xoài 15 ha/5 nông hộ….

Tiêu chuẩn GLOBALGAP, tăng sức cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, tạo cơ hội mở rộng thị trường và mở ra cánh cửa thị trường thế giới cho sản phẩm nông nghiệp của các nông dân nhỏ lẻ vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Trong mùa vụ vú sữa 2008-2009, sản phẩm vú sữa Lò Rèn đạt chứng nhận GLOBALGAP đã được Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam đưa vào hệ thống phân phối hàng hóa trong cả nước và chào hàng sang Đức. Thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cũng được Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam quảng bá trên Metro Post và bộ phận truyền thông của tập đoàn Metro Cash & Carry đã quay phim đưa hình ảnh ra 31 nước khối EU. So với năm 2007, chỉ có một đối tác đề nghị chào hàng vú sữa sang thị trường Nga, trong năm 2008 có 7 doanh nghiệp xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đặt mua hàng mẫu để chào hàng sang thị trường Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan… Trái vú sữa đặc sản của Tiền Giang đang tìm đường thâm nhập vào thị trường nhiều tiềm năng của thế giới. Ở thị trường nội địa, thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cũng trở nên rất nổi tiếng. Trong mùa vụ 2009-2010, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ đã ký với HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim hợp đồng cung cấp trái cây xuất khẩu và thỏa thuận cung cấp độc quyền sản phẩm trái vú sữa vào thị trường Vương quốc Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Đức sau khi đối tác nhập khẩu tại Anh Quốc - Công ty TNHH DFD (Dragon Fruit Direct) cử đại diện sang giám sát HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim vào ngày 16/01/2010. Nhiều chuyến hàng thử nghiệm đưa vú sữa sang các nước EU, Trung Đông và Canada bằng đường thủy của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ được thực hiện trong 2 tháng đầu năm 2010.

Trong khi đó, HTX Mỹ Thành, THT sản xuất lúa Jasmine Bình Chơn, THT sản xuất nông nghiệp Tân Tiến được Công ty TNHH ADC bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa GLOBALGAP với giá cao hơn giá thị trường 20% và trở thành nhà phân phối độc quyền sản phẩm GLOBALGAP của HTX Mỹ Thành, THT sản xuất lúa Jasmine Bình Chơn, THT sản xuất nông nghiệp Tân Tiến…

Việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý sản xuất của các HTX nông nghiệp đạt chứng nhận VIETGAP/GLOBALGAP đã nâng cao vai trò của HTX nông nghiệp trong đời sống xã hội, nâng cao năng lực của HTX theo hướng doanh nghiệp xuất khẩu, thay đổi tập quán canh tác của nông dân theo hướng tiên tiến. Nông dân được huấn luyện có ý thức kỷ luật, tính cộng đồng, khả năng làm việc tập thể hiệu quả. Ý thức của người nông dân được nâng cao qua việc sản xuất sản phẩm an toàn cho cộng đồng, và giữ gìn môi trường không bị ô nhiễm bởi hoạt động sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và đóng gói. Mã số truy vết và hệ thống sổ sách cho phép nhanh chóng tìm ra sản phẩm đã được bán cho ai và ai sản xuất ra sản phẩm đó. Điều này gắn kết trách nhiệm của nông dân vào sản phẩm của họ, làm cho nông dân tự giác hơn trong việc tuân thủ các qui định, qui trình, thủ tục không để cho sản phẩm của mình bị nhiễm hóa chất, vi sinh vật hay dị vật.

HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, HTX Mỹ Thành, THT sản xuất lúa Jasmine Bình Chơn, THT sản xuất nông nghiệp Tân Tiến, HTX lúa - tôm Hòa Lời, HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch Suối Lớn đã trở thành những mô hình kiểu mẫu liên kết các hộ nông dân nhỏ lẻ áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo VIETGAP/GLOBALGAP, do đó đã khuyến khích chính quyền, ngành nông nghiệp, HTX nông nghiệp và nông dân vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn VIETGAP/GLOBALGAP cho sản xuất lúa và rau quả, đẩy mạnh phong trào sản xuất lúa và rau quả sạch trong toàn khu vực.

Được đào tạo bài bản về hệ thống quản lý chất lượng GLOBALGAP, được quốc tế công nhận là giảng viên về GLOBALGAP và từ thực tiễn việc xây dựng, vận hành các hệ thống quản lý chất lượng đạt chứng nhận VIETGAP/GLOBALGAP cho nhiều sản phẩm nông nghiệp, đã tích lũy cho Thủy kiến thức và kinh nghiệm để là hạt nhân cho việc xây dựng và phát triển sản xuất đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng nầy cho các sản phẩm nông nghiệp trong toàn khu vực - trước mắt là sản phẩm lúa gạo và trái cây của các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, tạo điều kiện cho lúa gạo và trái cây khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL được chứng nhận VIETGAP/GLOBALGAP, sớm gia nhập vào thị trường hàng hóa nông sản to lớn của thế giới.

Tác giả bài viết: Thu Trang