Số phận kỳ lạ của chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 - Kỳ 3: Chuyến bay sinh tử

Vừa cất cánh lên, chiếc UH-1 lập tức chui vào biển mây khổng lồ dày đặc và xám xịt của một ngày xấu trời. Đó là điều rất kiêng kỵ với phi công còn ít kinh nghiệm và lại dừng bay quá lâu như Hồ Duy Hùng!



Ông Hồ Duy Hùng kể lại khoảnh khắc sinh tử khi đưa chiếc UH-1 về chiến khu - Ảnh: GIA TIẾN

“Bịt mắt” bay trong mây mù

Vì quá căng thẳng và khẩn cấp, Hồ Duy Hùng không kịp nhớ phải bật công tắc đảo điện AC. Tất cả các đồng hồ chỉ trạng thái máy bay, đồng hồ la bàn điện và nhiều đồng hồ khác - đặc biệt là đồng hồ chỉ đường chân trời, “bảo bối” rất quan trọng với phi công khi bay trong thời tiết xấu - không hoạt động. “Tôi không khác gì người mù - ông Hùng kể - Chỉ còn cách dùng tốc độ để cân bằng một phần trạng thái máy bay. Nếu kim đồng hồ tăng nhanh là máy bay chúc đầu xuống, còn khi giảm tốc độ thì máy bay sẽ dựng đầu lên. Nhưng máy bay không giữ được thăng bằng, nghiêng qua đảo lại điên cuồng như con chim hoảng loạn giữa bầu trời đầy mây dông xám xịt”.

Anh cứ sợ máy bay đụng núi Lang Bian cao trên 2.000m ở phía bắc Đà Lạt. Phía trước là núi hay là mặt đất Hùng cũng không kịp rõ, cứ thấy bay được là bay. Anh chỉ biết mình phải kéo máy bay lên cao để tránh đâm vào núi. Nhìn đồng hồ cao độ, Hùng biết mình đã bay ở độ cao cần thiết! Nhưng bay ở độ cao này rất nguy hiểm vì rađa của đối phương ở đài kiểm báo Buôn Ma Thuột có thể sẽ phát hiện! “Tôi và chiếc máy bay như con chim nhỏ bị bao vây đến cùng đường, vùng vẫy trong cảnh hỗn mang - ông Hùng kể - Tử thần đã đùa giỡn không biết bao lần. Lúc thấy đất, thấy núi giây lát rồi lại vào mây mù dày đặc. Cứ thoát ra được đám mây này máy bay lại chui vào đám mây khác, mù mịt, tối sầm. Tôi chống chọi quá lâu với tử thần trong hoang mang không gì bấu víu, hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi kiệt sức tưởng chừng không thể thở nổi nhưng nghĩ phải đưa bằng được máy bay về chiến khu an toàn”.

Bình thường một tổ bay phải có hai phi công, một người lái chính còn người kia làm dẫn đường, coi bản đồ chỉ hướng, độ cao... vì phi công lái chính không thể quan sát hết hệ thống 30-40 đồng hồ, bảng tín hiệu. Nhưng khi đó trên máy bay chỉ có một mình Hồ Duy Hùng. Anh không thể buông tay và không thể để nhiệm vụ quan trọng này thất bại! “Thật sự lúc đó tôi không xác định được hướng nữa, thấy mình chưa đụng vô núi thì cứ bay!” - người chiến sĩ tình báo nhớ lại.

Trong những phút giây cùng cực nhất của tuyệt vọng thì bất ngờ ánh sáng của sự sống chói lóa trước mắt Hồ Duy Hùng! Nhờ một sự may mắn trời cho, chiếc UH-1 bỗng chui ra khỏi mây. Trời trong veo và an lành quá. Khi ánh sáng hắt vào buồng lái, anh vội sửa lại ngay tư thế bay. Hùng nhìn xuống, bên dưới độ cao hơn 1.600m là sân bay Liên Khương! Anh như bừng tỉnh sau những giây phút hoang mang, bế tắc tột độ. Hùng chợt nhớ ra, đưa tay bật công tắc điện AC. Các đồng hồ và các bảng điện báo đồng loạt hoạt động. Anh đã mất 15 phút để bay đoạn đường chỉ gần 13km theo đường chim bay. “Chỉ 15 phút mà tôi thấy dài khủng khiếp. Cũng may tôi lạc đúng hướng về vì hướng này núi thấp nên ít mây hơn - ông Hùng cho hay - Nếu chếch lên các hướng khác toàn núi cao, đầy mây thì cơ hội sống sót không còn”.

Người chiến sĩ tình báo lập tức hạ độ cao để rađa địch không phát hiện rồi điều chỉnh hướng, giữ tốc độ và vòng quay cánh quạt có lợi nhất để bay về. Lúc này anh mới nhận ra người mình đã ướt đẫm mồ hôi dù 15 phút quay cuồng, nhào lộn trên không nhiệt độ chỉ khoảng 5-10 độ! Anh nhớ lại từ Đà Lạt về đến điểm hạ cánh sẽ mất khoảng 90 phút nếu không có gió. Vừa khi đó, dưới đất, những đám khói đốt rẫy trải dài ngược chiều bay lại. Gió tây nam đang thổi! “Thật là họa vô đơn chí. Đã mất gần 15 phút vô ích giờ lại gặp gió ngược! Tôi lo sợ không đủ nhiên liệu để về nhà...” - ông Hùng kể lại cảm giác khi đó.

“Ngọc hoàng gọi...”, “Thượng đế” không trả lời

Cựu thiếu tá không quân nhân dân VN Lê Thành Chơn, người được một hạ sĩ quan VN cộng hòa trao cho tập hồ sơ liên quan đến vụ việc này, kể lại:

Ngay buổi chiều 7-11-1973, hình ảnh từ Trung tâm Không ảnh không quân (nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất) cho thấy tại khu rừng ở Bến Cát, nơi khu vực bị cháy vài chỗ, lọt thỏm trong thảm xanh có đốm màu nâu, được nghi là chiếc máy bay UH-1. Tư lệnh không quân VN cộng hòa - trung tướng Trần Văn Minh - đã ra lệnh cho máy bay trinh sát L-19 nhiều lần bay đến gần khu vực nghi ngờ có chiếc UH-1 ngay buổi chiều hôm đó... Sang hôm sau 8-11, một phi đội F-5E được lệnh trút bom xuống một cái trảng tọa độ đã xác định, hòng phá hủy chiếc UH-1 khỏi rơi vào tay Việt cộng...

Điểm hạ cánh đã ấn định trước là bàu Cà Tông (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), cách căn cứ Quân khu Sài Gòn - Gia Định chừng 20km. “Tôi phải bay thật thấp để tránh rađa địch theo dõi và tránh súng phòng không, súng bộ binh của ta khi bay qua vùng giải phóng - ông Hùng kể - Trên đường bay, sợ nhất là qua vùng rừng thưa. Súng bộ binh của ta có thể bắn rất dễ vì nhìn thấy từ xa. Còn không quân địch thì không sợ vì tôi bay rất thấp, khó rađa nào bắt được. Các căn cứ máy bay tiêm kích của địch đều ở xa, nếu có cất cánh đi tìm tôi thì cũng không dễ tìm ra”.

Chiếc UH-1 men theo rìa phải của Di Linh, rồi Bảo Lộc. Những đồi chè xanh mướt chạy ngút ngàn dưới tầm mắt Hồ Duy Hùng. Một lát sau sông Đồng Nai uốn lượn phía dưới. Khi qua sông Đồng Nai và sông Bé, thấy trực thăng địch, từ

dưới căn cứ quân ta bắn lên dữ dội. “Tôi nhìn thấy có nhiều anh em bộ đội chạy đuổi theo ở mép sông chĩa súng lên. Mở máy liên lạc gọi về nhà mấy lần nhưng không nghe trả lời. Bây giờ tôi mới thấy việc tìm ra bàu Cà Tông rất khó. Nâng độ cao lên thì tìm được nhưng dễ ăn đạn của quân ta hoặc rađa của địch ở Biên Hòa, Tân Sơn Nhất sẽ phát hiện ngay. Còn bay thấp mà lệch mục tiêu mấy trăm mét thì không thấy được. Chắc chắn tôi đã bị lệch tương đối nhiều vì đường bay khá xa và bị tác động của gió”, ông Hùng nhớ lại.

Những cánh rừng mênh mông lần lượt lướt qua dưới máy bay.

Chưa đến đường 13 thì đèn nhiên liệu bật đỏ nhấp nháy, báo dầu chỉ còn 20 phút bay! Không còn đủ nhiên liệu bay tiếp để tìm ra được bàu Cà Tông. Hồ Duy Hùng quyết định sau khi vượt qua đường 13 sẽ tìm cách hạ cánh vào vùng giải phóng nằm lọt giữa ba căn cứ của địch là Dầu Tiếng, Chơn Thành và Bến Cát. “Hạ cánh trong khu vực này là một quyết định rất mạo hiểm và đòi hỏi phải cực kỳ chuẩn xác - người chiến sĩ tình báo nói - Chỉ cần tiến lên một chút hay lệch về bên phải, bên trái, lui đằng sau đều trúng căn cứ địch!”.

Vừa bay vượt đường 13 chừng mấy phút thì cánh rừng cao su trong vùng giải phóng đã hiện ra. Từ trên máy bay nhìn xuyên qua tán lá cây, thấy lấp ló một số lán trại của bộ đội. Người chiến sĩ trẻ tìm mãi mới chọn được chỗ hạ cánh là một đầm lầy có nền đất khá cứng (sau đó anh mới biết đây là làng 18 cao su Minh Thành). Hùng nóng lòng gọi lại cho “Thượng đế”. Gọi mấy lần vẫn không có tín hiệu trả lời. “Trưa 7-11, bộ phận kỹ thuật của ta có bắt được bức điện từ đài kiểm báo Buôn Ma Thuột gửi về Bộ tư lệnh Quân đoàn 3. Nhưng khi giải mã xong bức điện của địch với nội dung báo lúc 10g hơn có phát hiện một chiếc máy bay lạ trên không phận Đà Lạt độ 10 phút rồi biến mất, anh em biết là Hùng đã lấy được máy bay nhưng không biết có về được hay không. Máy mở liên tục nhưng tần số rất nhiễu, nghe không được và gọi cho Hùng cũng không được” - ông Nguyễn Trung Hiếu, kỹ thuật điện đài của Ban Quân báo, người được phân công trực máy theo dõi Hồ Duy Hùng, cho biết.

Trong thời gian đó, không lực VN cộng hòa đã tung các máy bay trinh sát và ba chiếc A-37 ráo riết truy tìm chiếc UH-1 60139. Thế nên khi vừa hạ cánh, Hồ Duy Hùng đã nghe tiếng động cơ máy bay từ xa. Hùng vội lấy sình bôi lên phần sơn trắng trên cánh quạt và bôi lên kính để chống phản chiếu, rồi bẻ lá cây phủ ngụy trang máy bay...

Tác giả bài viết: My Lăng

Nguồn tin: Tuổi Trẻ