Rồi có còn tiếng chim

Một nhà thơ có danh ở châu thổ sông Cửu Long ca cẩm với tôi: "Bây giờ muốn nghe tiếng chim cu gù trong buổi trưa hè yên ả thì khó thật!". Không phải chỉ có các nhà thơ mà cả chúng tôi dường như đang bị ly gián dần khỏi mối quan hệ vốn dĩ rất mật thiết với thiên nhiên...

Trong không ít những nhà hàng tại Cà Mau, Bạc Liêu, nói về đặc sản miền sông nước thì hầu như thứ gì cũng có: chim cu đất rô ti, cò con khìa nước dừa, quốc, cúm núm nướng chao..., còn chợ thì bày đầy sản vật, mùa nào của ấy. Đầu mùa mưa thì người ta xách từng chùm cu đất, le le... Mưa già một chút thì cúm núm, trích cồ, gà nước...

 

Minh họa: Minh Tấn

 Mùa gió chướng thì quốc, ốc cao... Không biết bằng cách nào mà thiên hạ bắt được nhiều chim bay như thế. Một bữa, ra chợ Bạc Liêu thấy một gã trạc tuổi tôi xách một chùm cu đất. Ngắm bộ vó quần áo xốc xếch, đi đôi dép dư gót chân, hai ngón út đâm ngang quai dép, tôi nghĩ bụng: Đây không phải là con buôn mà đích thị là dân "tự sản tự tiêu" rồi! Tôi hỏi: "Anh bán bao nhiêu một con?". Anh ta trả lời: "Bán hết thì 23.000, mua lẻ thì 24.000".

Tôi bảo: "Thôi được, anh vào quán uống cà phê với tôi, tôi mua hết, nhưng có điều không phải mang đi mà đem về nhà anh nhậu chơi". Người bán chim vụng về ngồi xuống ghế và thò lỏ con mắt nhìn tôi như một giống vật lạ. 

Tôi giải thích: "Chuyện là vầy, tôi là nhà báo muốn tìm hiểu thú bẫy chim nên xin đi theo anh đánh bẫy chơi...". Anh ta cười xòa: "Tưởng chuyện gì, chứ chuyện đó dễ ợt. Nhưng nhà tôi ở xa lắm nghen". Tôi bảo: "Được", rồi chở anh đi.

Nhà anh ở tận ấp 8, xã Phong Thạnh Đông, huyện Giá Rai. Anh tên Miêu - Hai Miêu. Tôi cười thầm trong bụng: Miêu là mèo, thằng cha này đúng là khắc tinh của chim chóc rồi. Hai Miêu một vợ, bốn con. Sống trong một căn nhà lá nhỏ xíu, không ruộng đất, thu nhập chính là nghề bẫy chim. 

Thì ra tôi vớ được của bở, Hai Miêu là dân bẫy chim nòi (cha truyền con nối) và anh làm nghề bẫy chim với rất nhiều thứ bẫy như: chụp lưới chim cu, gài bẫy cò ke, bẫy đạp...

Anh nói: "Phải làm nhiều nghề mới mong sống được cả năm, chứ mỗi một loại chim chỉ săn bắt được một vụ dăm ba tháng mà thôi. Như cu đất chỉ chụp được vào mấy tháng sa mưa và lúa đã gặt xong; tút quốc thì khi lúa đã xanh đồng; gài cúm núm, gà nước... thì từ khi trời trở chướng cho đến Tết âm lịch".

Ăn xong một bữa cu nướng, ba giờ chiều chúng tôi ra quân. Lội khỏi xóm chừng một cây số thì tới khu vườn hoang giữa đồng. Mưa đầu mùa đã được vài đám nên đất ẩm, cây trong vườn nẩy chồi xanh tươi. Trời hè lặng gió, xa xa tiếng sấm rền hòa lẫn tiếng cu rừng gáy. 

Hai Miêu quan sát địa hình rồi đốn cây, lá và dựng một chiếc lều nhỏ xíu nhưng rất kín giữa đồng. Hai Miêu bảo: "Đây là chỗ ém quân". Sau đó anh lấy bẫy và cu rừng ra gài. Cách đánh bẫy chim cu của Hai Miêu hoàn toàn khác xa với cách gác cu truyền thống của xứ miền Tây... 

Biết được sự ngạc nhiên của tôi, Hai Miêu giải thích: "Nói ra thì có lỗi với vong linh của ông già tôi, chứ gác theo kiểu mấy ổng ngày xưa đúng là làm cái ngu thứ ba của thiên hạ (trên đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu), đi long nhong suốt ngày cũng chỉ gài được một đến hai con. Còn cách của tôi, có khi bắt được một lúc cả chục con".

Hai Miêu chợt im bặt, tay nắm hai sợi dây. Tôi hồi hộp nhìn lên trời, xa xa một bầy cu bay tới. Hai Miêu nắm sợi dây cột cu mồi giật giật và cánh nó chớp chớp, thế là bầy cu trên trời quay lại và đáp xuống, đúng ngay chiếc bẫy. 

Anh nắm dây bẫy giật, hai cánh lưới tung lên, chụp xuống đầu đám cu. Số cu ngoài lưới thì bay lả tả, số trong lưới thì bay lúng túng. Chúng tôi chạy đến, Hai Miêu bắt ra bảy con mập ú. Anh cười phấn chấn: "Chiều nay kể như sướng...".

Rồi một tháng trước, Hai Miêu rủ tôi: "Thấy ông mê chim chuột quá, hay là hai đứa mình đi qua nhà ông anh cọc chèo tôi ở Xóm Lớn (Vĩnh Lợi) chơi, ông này tút quốc loại cha truyền con nối thuộc hạng siêu". Anh "cọc chèo" (anh em bạn rể) của Hai Miêu tên Ba Giản, cũng nông dân nòi nhưng có học. 

Chiều xuống, chúng tôi vác dụng cụ đi đánh bẫy. Ba Giản treo tấm lưới chừng 30 mét, rộng khoảng 3 mét ngay cửa rừng của một khu rừng chồi xen với lá dừa nước khá lớn. Đây có lẽ là đường trâu lội nên thành cửa rừng. Ba Giản đem chiếc cassette đặt dưới chân lưới rồi bấm nút, thế là máy phát ra một thứ tiếng không khác tiếng quốc kêu mà tôi vừa nghe. Thì ra "hiện đại hóa" đã len lỏi vào vùng sâu, vào những nghề nghiệp không ai ngờ tới.

Trời sụp tối, đã thấy quốc xẹt qua, xẹt lại. Đến tám giờ, có một đến hai con chui đầu vào lưới vì nghe tiếng quốc mái kêu thảm thiết. Mà lạ thật, không phải chỉ có quốc mà cả gà nước, trích cồ, cúm núm cũng chui vào lưới. Đến hơn một giờ khuya, chúng tôi thu hoạch được 20 con chim, ước tính gần sáu kí lô thịt, tính ra bán được 300.000 đồng.

Theo Ba Giản và Hai Miêu đi đánh bẫy, nghe những câu chuyện của họ tôi mới nhận ra nghề bẫy chim bây giờ có khả năng giết hại chim chóc hàng loạt để thay cho những công cụ truyền thống thô sơ. Và người bẫy chim lại phát triển theo tỷ lệ nghịch, chim chóc càng ít thì người đi bẫy xuất hiện ngày một nhiều hơn. 

Những người đánh bẫy chuyên nghiệp như Hai Miêu, Ba Giản bây giờ xứ nào cũng có. Họ đi bằng xuồng máy chở dụng cụ lùng sục vào những vùng hoang địa, nhiều chim chóc ven các vườn chim do Nhà nước quản lý.

Ở nông thôn lại có một lực lượng rất lớn "bẫy chim bình dân". Họ bẫy chim không phải để bán kiếm sống, cũng không phải để giải trí mà để kiếm mồi nhậu, làm thức ăn đưa cơm. Lại có một số người chuyên dùng mồi cá, tép tẩm thuốc trừ sâu để bắt cò. Họ bắt không nhiều, mỗi ngày chỉ kiếm vài con đủ nhậu. 

Thế nhưng, vì công việc dễ làm nên "lực lượng bẫy chim bình dân" rất đông, họ lùng sục nát rừng, rừng bị giăng đầy bẫy, chim muông khó lòng thoát nổi. Chưa kể đến việc sạ khô lúa được trộn thuốc trừ sâu nên hại chim cu, chim sẻ chết hàng loạt...

Tôi có một anh bạn đồng nghiệp thuộc hàng cao thủ võ lâm trong bắn chim tài tử ở Cà Mau. Anh có thể bỏ làm việc, bỏ làm ăn để đội nắng, dầm mưa, lội kinh cả ngày. Mỗi lần anh đi bắn đều thu hoạch hai, ba chục con chim, cò. Bởi anh bắn bằng súng săn (đạn chài) một phát có thể giết chết hàng chục con, có lần anh bắn chết một con sếu, sải cánh hơn 2 mét. Sếu là loại chim quý, gần tuyệt chủng trên thế giới. Các tổ chức bảo vệ môi trường đã "dốc hầu bao" để đầu tư bảo vệ sếu ở Tam Nông (Đồng Tháp). 

Những nhà du lịch trên thế giới đã đổ xô đến, không quản ngại đường xa vạn dặm để một lần chiêm ngưỡng sếu. Vậy mà ông bạn đồng nghiệp của tôi thì cười nhăn răng, bảo: "Thịt sếu ngon tuyệt trần".

Tại các vườn chim tự nhiên do Nhà nước quản lý, thảm trạng vô cùng bi đát. 20 năm qua cơ quan chức năng giao cho một lực lượng quản lý thiếu kiến thức, thế nên có nơi họ cứ bắt chim non mà ăn, lấy trứng mà luộc, có khi còn đem bán... Nhiều vườn chim bị xóa sổ như ở U Minh, Cái Nước... Chỉ một số ít nơi còn giữ được, nhưng diện tích đã thu hẹp, số lượng chim cũng còn rất ít.

Nghĩ về chùm cu đất do Hai Miên đem bán, rồi tiếng kêu của quốc trong bẫy Ba Giản, chạnh lòng tôi nhớ đến lời tâm sự của một cán bộ sở khoa học - công nghệ: “Tình hình chim chóc là rất bi đát. Về chủng loại thì đã tuyệt tích trên bầu trời vùng bán đảo Cà Mau 1/5; còn về số lượng thì không sao tính được, chỉ biết được sụt giảm đến mức báo động". 

Mỗi bận về quê tôi nhìn ra ngoài đồng vắng hoe, chợt ngậm ngùi. Rồi có lần thấy xa xa trên trời một hai con chim lạc bầy bay hoảng loạn mà thương cho đôi cánh mỏng. Đất bây giờ trở nên hung dữ, nên chim tan tác bay xa./.

Tác giả bài viết: Phan Trung Nghĩa

Nguồn tin: baocamau.com.vn