Nỗi buồn trượt cả Cường quốc... tỏi

Có tỏi Lý Sơn, tỏi Ninh Hải, Phan Rang, mà vẫn để Myanmar qua mặt, xếp vào hàng 10 cường quốc tỏi thế giới! Buồn riêng một mình nông dân ta.
Từ nhỏ, động tác đập dập mấy tép tỏi, rồi quăng nhúm tỏi dập ấy vào chảo mỡ đang sôi của má, tiếng xèo kéo dài và mùi thơm tỏi chấy xông lên. Chuỗi âm thanh kim loại đập vào thớt gỗ, tiếng xèo và mùi thơm đặc trưng ấy đi theo ta từ thơ ấu; có lẽ, đến cuối đời.

Cái vị ấy đi vào ký ức nhân loại cách đây khoảng chừng 7.000 năm, thoạt kỳ thủy tìm thấy ở Trung Á. Bây giờ hầu như khắp thế giới đâu cũng có thể trồng tỏi, trừ Alaska.

Tỏi bác học và tỏi dân gian

Ông anh hàng xóm Nguyễn Hữu Ái ở Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nay đã về hưởng nhan Chúa, chỉ cho tôi bí quyết ướp nhiều tỏi vào món ăn để chúng mau chua.

Đó là một trải nghiệm dân gian dễ gì giải thích, bởi chưng các nhà bác học ở ta lại bảo rằng tỏi là chất sát khuẩn mạnh.

Dân gian và bác học, bây giờ có vẻ nên tin dân gian hơn.

Động đất sông Tranh liên tục và ngày càng mạnh, trong khi nhiều nhà bác học - những nhà bác học đã làm bà mụ và trạng sư cho cái sự sinh thành của cái đập tai ác ấy - nhất mực hô vang khẩu hiệu: an toàn, an tâm. Dân không an nổi lại đứng trên cái bằng tiến sĩ mà chửi dân (không có mảnh bằng lận lưng) là "dân ngu khu đen".

Bây giờ bạn đi hỏi dân Quảng Nam xem họ có còn đứng về phía bác học nữa chăng? Hay họ tự tính toán đường sống cho mình theo trải nghiệm? Cá mười ăn một đấy!

Cái chiêu ướp tỏi theo kinh nghiệm dân gian của ông bạn vong niên đã được áp dụng vào món thịt chó. Quả vậy, thịt chó ướp gia vị đường mắm ớt tiêu loạn xạ với thật nhiều tỏi, ngày hôm sau bao giờ cũng ngon hơn các món chính bữa ngày hôm trước. (Chính bữa cũng may không đụng gì tới thuyết "chính chủ" đang gây xôn xao xã hội hổm rày).

Ướp bữa trước bữa sau đem nướng bếp than, sườn chó nó thơm xa đến mấy vườn nhà. Thế là có mấy miếng sườn mà cả xóm kéo nhau đến.

Tình huống đó khiến ta rơi vào một thứ song đề chưa chắc gì những nhà toán học từng nhận giải Fields giải nổi: nấu ăn mà không thơm không ngon thì làm sao chịu được, nhưng nấu thơm nấu ngon thì mình có được một rẻ sườn nhỏ xíu, vì cả xóm kéo đến. Chọn cái thứ hai là cái ưu thế hơn thôi.

Phải chăng vì có tương quan giữa tỏi và lên men, nên tỏi sống lại phối ngẫu với nem chua khá xứng đôi vừa lứa. Ăn miếng nem mà không có tép tỏi thấy vô duyên cách gì. Cám ơn ông tơ bà nguyệt dân gian về sự mai mối lâu đời ấy.


Tỏi - coco chanel của mỹ thực



Lý Sơn khuất tất

Ở đây chỉ nói đến tỏi thực, bỏ qua tỏi y. Nói đến vị tỏi phải nói đến thiên đường tỏi Lý Sơn. Tỏi Lý Sơn củ nhỏ, thơm ăn đứt ba cái thứ tỏi củ to chà bá của Trung Quốc, nhất là tỏi mồ côi (một tép) Lý Sơn. Và, giá tỏi David đắt hơn tỏiGoliath ba đến bốn lần, tùy theo ông hay bà vào chợ, nhất là những chợ kém tử tế.

Bạn tôi thường đi chợ kể rằng lỡ mua mắc rồi về còn phải nói láo vợ cho bả khỏi chửi - nỗi đau hai lần của thằng đàn ông, chưa kể là những ông còn kém địa vị chó cưng trong nhà.

Rồi còn phải kể ba cái thứ thực phẩm Trung Quốc vốn nổi tiếng độc địa nhất giang hồ, phần lớn do bọn hắc đạo tim đen sản xuất.

Ta hãy trích một đoạn trong cuốn Chết bởi Trung Quốc của hai chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Peter Navaro và Greg Autry: "Xét rằng trong năm 2009, Trung Quốc chiếm 58% những cảnh báo về an toàn thực phẩm bị các giới chức kiểm tra châu Âu đưa ra, trong khi chỉ có 2% xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu bị cảnh cáo. Lưu ý là số lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu chỉ cao hơn Hoa Kỳ một chút: 18% của Trung Quốc so với 13% của Hoa Kỳ. Một phép tính đơn giản với những tỷ lệ này cho thấy rằng sản phẩm Trung quốc bị cảnh cáo về vi phạm an toàn theo tỷ số 22 lần so với tỷ số của Hoa Kỳ" (trang 59, đoạn thứ 3).

Cũng cách đây mấy ngày, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng vừa tuyên "cách chức" thịt gà nhập lậu dai dẳng từ Trung Quốc trước Quốc hội và bàn dân thiên hạ.

Lý Sơn tỏi danh tiếng ngang ngửa với Lý Sơn bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Vậy mà mấy chú Sam dám thậm xưng Gilroy, ở hạt Santa Clara, bang California, là thiên đường tỏi thế giới. Không biết là họ tự xưng hay nhờ cách mà họ "quan hệ công chúng" cho xứ nổi tiếng nhờ cái nhà máy sản xuất nhiều sản phẩm về tỏi, chứ không phải nơi đứng đầu về sản lượng.

Đó là những ông vua xứ tiếp thị này hàng năm tổ chức một trong những lễ hội ẩm thực lớn nhất nước Mỹ - Lễ hội tỏi Gilroy vào dịp cuối tuần của tuần cuối tháng bảy, thu hút nhiều khách du lịch.

Phải chăng chiêu này giúp cho thế giới quen dần với một thị trấn Gilroy thiên đường tỏi thế giới? Lý Sơn chỉ có mỗi Hồ Bất Khuất tiếp thị. Cô đơn như tỏi cô đơn.

Thực là khuất tất cho Lý Sơn. Cái đáng nhất thế giới thì không nhất, cái không đáng nhất cứ vẫn giương giương. Đó là chưa kể tới những cái "thất thoát rực rỡ nhất" vẫn tồn đọng.

Đã vậy, có tỏi Lý Sơn, tỏi Ninh Hải, Phan Rang, mà vẫn để Myanmar qua mặt, xếp vào hàng 10 cường quốc tỏi thế giới! Buồn riêng một mình nông dân ta.


Tỏi cô đơn trồng ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thiên đường tỏi đất Việt. Ảnh: Ngữ Yên



Tỏi giàu tỏi nghèo

Lúc còn nghèo, đạm trong khẩu phần ít ỏi, các thứ như rau muống, ngó môn, đọt choại, rau lang, bông điên điển, bông so đũa, v.v. xào tỏi đều làm cho nồi cơm cả nhà hết vèo như Chính phủ Thái Lan mua lúa giá cao của nông dân xứ họ.

Trong các món rau xào tỏi, ngó môn xào tỏi là đệ nhứt ngon. Sài Gòn cũng độc quán có bán món ngó môn xào tỏi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn quận 1.

Nó vừa thơm mùi tỏi, dầu rằng chắc chắn nó được xào với tỏi Goliath, vừa ăn sừn sựt ở những đoạn thân, deo dẻo ở đoạn gần rễ, sắc thoạt xanh xanh thoạt tim tím thoạt trăng trắng. Phải mà nó được xào với tỏi David thì đệ... trên nhứt!

Lúc bớt nghèo, tỏi chấy với những món đạm thì cái lưỡi của ông Aesop khó mà dẹo qua dẹo lại được. Chẳng hạn như tép đồng chấy tỏi. Tép đồng chỉ là thứ đạm dân dã, chẳng bì với tôm sú thứ đạm công hầu khanh tướng. Nhưng tép cháy tỏi thì ăn đứt các thứ kia! Vì tép đồng nó "hữu cơ" (organic) hơn thứ tôm nuôi với động cơ sanh đại lợi. Đại lợi bao giờ cũng khiến tim đen xạm lại và muốn có được bằng thức ăn trộn melamin công nghiệp (thay protein tự nhiên) giá rẻ.

Đấy cũng là sáng chế của các bác Đại Hán. Các bác còn nhẫn tâm trộn cả vào sữa thiếu niên nhi đồng, làm bại thận chúng.

Có một nghịch lý trong câu chuyện của tỏi. Lâu nay, thói thường, trắng bao giờ cũng nhã khiết, sang trọng. Đen bao giờ cũng hèn kém, bị dể duôi. Với tỏi thì ngược lại. Tỏi trắng khó lòng mà xách dép (tỏi đen chắc là không mang dép mà phải mang giày hàng hiệu) cho tỏi đen ở xứ Nhật và Hàn.

Thành phần trong tỏi đen, loại tỏi mới thịnh lên trong thập niên 2000, có giá trị dinh dưỡng cao gấp nhiều lần so với tỏi trắng. Và như thế, thời của đen đã lên ngôi. Nhiều người không đồng ý về phát ngôn khẳng định này. Nhưng có một người vừa mới đắc cử sẽ mỉm cười.

Tác giả bài viết: Ngữ Yên

Nguồn tin: Vietnamnet.vn