Nhà giàn DK mùa biển động: Nước mắt nơi thềm lục địa
- Thứ bảy - 18/01/2014 12:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đã thành thông lệ, tất cả các chuyến tàu ra thăm Trường Sa, Nhà giàn DK đều thả neo làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Chuyến công tác trên tàu HQ 953 dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 cũng vậy.
Sáng 4-1, trước khi đoàn công tác lên tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/15 (còn có tên gọi là Nhà giàn Phúc Nguyên 2), đoàn tổ chức lễ tưởng niệm trang trọng, với sự tham gia của tất cả thành viên có mặt trên tàu. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ 953 đã chuẩn bị đầy đủ hương, hoa, các loại trái cây của quê hương và có cả xôi gà, rượu nếp… để cúng liệt sĩ sau lễ tưởng niệm.
Các thành viên thực hiện nghi thức thả hoa xuống biển. |
Thượng tá Đinh Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Phó trưởng đoàn, nghẹn ngào đọc bài diễn văn tại lễ tưởng niệm. Một số thành viên trong đoàn đã không cầm được nước mắt khi được nghe những tấm gương hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc: Liệt sĩ - Trung úy Trần Hữu Quảng, Chính trị viên Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, đã cùng đồng đội chống chọi trong giông bão khi nhà giàn bị đổ. Anh đã nhường chiếc áo phao cá nhân cùng miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất và anh đã anh dũng hy sinh ngày 5-12-1990.
Hay hành động cao đẹp của Liệt sĩ - Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ liên lạc với đất liền khi cơn bão ập đến, làm nhà giàn sụp đổ. Anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền!” qua máy liên lạc rồi thanh thản ra đi. Cùng những hình ảnh cao đẹp, dũng cảm của Liệt sĩ - Thượng úy Phạm Tảo, thuyền trưởng tàu HQ 606; Đại úy Nguyễn Văn Tư, thuyền trưởng tàu HQ 188; Trung úy Lê Đức Cường; Thượng úy Ngô Sỹ Nga, máy trưởng và các chiến sĩ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh… đã kiên cường đương đầu với hiểm nguy sóng gió để cứu đồng đội và đã anh dũng hy sinh.
Trong lễ tưởng niệm, Thượng tá Đinh Văn Dũng còn kể nhiều câu chuyện rất cảm động về một số bạn đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh do cơn bão số 8 ập vào Nhà giàn 2A/DK1-6 ở bãi cạn Phúc Nguyên, làm sụp đổ nhà giàn vào đầu tháng 12-1998.
Trên nhà giàn lúc bấy giờ có Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng; Thượng úy Dương Văn Hoan, Chỉ huy phó; Chiến sĩ cơ điện Nguyễn Hữu An; Y sĩ Nguyễn Hữu Tôn; Thông tin Hoàng Văn Thủy; Báo vụ Phí Ngọc Thuật; Cơ yếu Hà Công Dụng; Pháo thủ Nguyễn Văn Thơ và Chiến sĩ ra đa Lê Đức Hồng. Đến 22 giờ 50 phút ngày 14-12, nhà giàn bị nghiêng hẳn khi một cơn sóng lớn ập xuống.
Trước tình thế nguy hiểm, Chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương điện báo cáo về đất liền và nhận được động viên bám trụ, Bộ Tư lệnh Hải quân sẽ cho tàu ra cứu hộ. Anh họp toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và ra lệnh phải quyết trụ đến cùng trước cơn bão ngày càng mạnh, tạo những cơn sóng kinh hoàng, liên tiếp đổ ập vào nhà giàn.
Trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, Đại úy Vũ Quang Chương đã bình tĩnh chỉ huy anh em thu xếp bảo quản tốt tài liệu, đồ đạc… Anh vội vàng cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng và là người cuối cùng rời nhà giàn. Anh đã vĩnh viễn nằm xuống thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với 2 đồng đội Nguyễn Hữu An và Lê Đức Hồng. Đại úy Vũ Quang Chương được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong năm 2013. Còn Liệt sĩ Nguyễn Hữu An đã được đồng đội hỗ trợ cất tặng “Nhà đồng đội” khang trang cho vợ con anh ở quê nhà (tỉnh Ninh .
Thượng úy Trương Văn Đãng, đang công tác trên tàu HQ 953, là bạn thân của đồng chí An, bùi ngùi cho biết: An hiền lành, hy sinh khi sắp hết hạn công tác ở nhà giàn, đứa con sinh ra không hề biết mặt cha. Nay cháu đã học lớp 10, giống cha như đúc và cũng có nguyện vọng muốn trở thành chiến sĩ Hải quân như cha cháu…
Theo số liệu của Tiểu đoàn DK1, từ khi nhà giàn đầu tiên được xây dựng vào ngày 5-7-1989, đến nay đã có 9 cán bộ, chiến sĩ của Vùng 2 Hải quân đã anh dũng hy sinh, trong đó có 7 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn DK1 hy sinh khi đang bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; trong đó chỉ có 1 liệt sĩ được tìm thấy xác, các anh còn lại mãi mãi hóa thân vào muôn trùng sóng biển ở thềm lục địa phía Nam.
Như trường hợp của Anh hùng liệt sĩ Vũ Quang Chương, theo nguyện vọng của gia đình anh, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã đến vùng biển nơi anh hy sinh mang về một nhánh san hô tặng, được gia đình xem như linh hồn của con trai mình và thờ cúng bên cạnh di ảnh của anh.
Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân khẳng định: Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ của tiểu đoàn trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã trở thành biểu tượng cao đẹp, góp phần tô điểm nét son truyền thống vẻ vang của quân đội ta nói chung, Hải quân nói riêng, động viên thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy trong điều kiện mới.
… Lễ tưởng niệm kết thúc với nghi thức thả tràng hoa, hoa tươi cùng tất cả các đồ cúng xuống biển. Mặt nước biển mênh mông với những con sóng nhấp nhô bỗng dưng như lặng đi trong đôi phút. Không bao lâu sau là một cơn giông nhỏ nổi lên, kèm theo cơn mưa nhỏ thoáng qua - hiện tượng luôn xuất hiện ở những lần tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc mà các đoàn công tác đã chứng kiến. Trong không khí đó, mọi người càng xúc động hơn khi nghe những câu thơ của nhà thơ Trần Đỗ Liêm ngâm trong lễ tưởng niệm:
“Xin được dâng hương
hoa trái chín
Vật phẩm quê hương cha mẹ
nuôi trồng
Tới linh hồn anh linh liệt sĩ
Không tiếc thân mình trấn giữ
Biển Đông”.