Người thờ “Bà Cậu” ăn tết

Tất cả những người làm nghề vận tải trên sông ở Nam bộ đều có một quan niệm rất tâm linh là thờ Đức Nam Hải Bồ Tát một vị đại thần thánh chuyên cứu khó phò nguy cho nhân gian. Trên dọc đường hành trình sông nước đeo đẳng suốt đời, cho dù trí tuệ, khoa học kỹ thuật phát triển nhưng chưa bao giờ thuyền trưởng nào giám khẳng định tuyệt đối không bao giờ gặp rủi ro, vì vậy về mặt tinh thần thì việc thờ cúng một vị thần che chở cho sự an toàn trong việc làm ăn là điều dễ hiểu.

Hình tượng trên bàn thờ mà họ thường gọi nôm na là  “Bà Cậu” đó theo triết lý của đạo Phật là đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Không có ghe, tàu nào trên sông nước Nam bộ không có bàn thờ “Bà cậu”. Tùy theo mức độ giàu nghèo, phương tiện to nhỏ mà bàn thờ Bà được sắp đặt trang trí lớn, bé khác nhau, nhưng tâm linh tín ngưỡng và sự thành tâm của người đi trên ghe tàu đối với “Bà” thì như nhau. Sự thành tâm tin tưởng đó được thể hiện ở việc vị trí đặt bàn, kệ thờ Bà luôn ở chỗ trang trọng của khoang sinh hoạt. Trên bàn thờ luôn có hương, hoa, trái cây thờ cúng, trước mỗi chuyến khởi hành họ đều thắp nhang vái Bà, ngày 16 hàng tháng, đặc biệt tháng giêng, tháng tư, tháng bảy họ đều cúng Bà long trọng bằng những cặp vịt béo và nghi ngút khói nhang.

Chính vì vậy ngày tết của những người làm nghề kinh doanh vận tải trên sông nước không thể không có một bàn thờ Bà trên ghe tàu với mâm ngũ quả, với bình hoa, cặp bánh tét và nhang đèn (có thể là đèn điện màu nhấp nháy), đồng thời ngày mùng ba, mùng bốn hoặc mùng năm tết thế nào cũng có một ngày họ dùng cặp vịt cúng Bà. Tại sao họ lại cúng Bà bằng vịt mà không phải là gà, là heo?

Dân kinh doanh đi lại trên sông nước Nam bộ rất tâm linh tín ngưỡng, nhưng họ cũng rất thực tế, họ suy nghĩ đơn giản nhưng không kém phần sâu sắc. Làm nghề vận tải trên sông thì hạnh phúc và thành đạt chỉ có thể đến với họ khi ghe tàu của họ đi đến nơi về đến chốn, chạy nhanh, giao đủ hàng. Ngược lại điều luôn làm họ lo lắng nhất và sẽ là tai họa, đó là không may phương tiện bị rủi ro va, đụng chìm, đắm, điều đó đồng nghĩa với thất bại, phá sản, giải nghệ... Chính vì vậy phương tiện nổi đi nhanh an toàn trong mọi điều kiện luôn là yêu cầu số một thường nhật đối với mỗi thuyền viên được giao trọng trách trên tàu. Những yêu cầu thực tế sát sườn và rất cao đó đã dần dần trở thành tâm linh của mỗi ông chủ ghe tàu, của tất cả những đệ tử, con cháu “Bà Cậu”. Từ mong muốn, họ đã gắn vào lòng từ bi của Bà luôn độ trì cứu giúp họ trong mọi lúc, mọi nơi khi gặp khó khăn trở ngại dọc đường. Đã có nhiều truyền thuyết, huyền thoại về việc Bà hiển linh cứu giúp những người theo nghề sông nước thoát khỏi tai nạn cho bản thân hoặc tàu thuyền.

Đối với những người làm nghề vận tải trên sông Nam bộ thì cuộc sống của họ bị neo trên mặt sông tới  bốn phần năm thời gian định mệnh. Nghề vận tải sông nước ở đây thường được coi là nghề truyền thống, nghề cha truyền con nối do đó “tuổi thâm niên sông nước” của một người có thể hơn tuổi đời họ đến một tuổi, bởi vì  ngay khi còn nằm trong bụng mẹ họ đã sống trên ghe tàu.

Sông rạch ở đây mênh mông hùng vĩ, một sông có năm ba cửa, ba bốn nhánh là chuyện thường. Nhiều cù lao trên sông có diện tích và con người sinh sống đủ để hình thành vài ba xã, một huyện, còn một cù lao là một xã thì rất nhiều. Chiều ngang sông rất rộng, luồng lạch vừa sâu vừa nhiều, hai bên bờ dừa nước, đước bần, xú, vẹt... mọc xanh um tùm, nước lớn có thể mấp mé ngang tán dưới của cây. Đêm tối trời không có kinh nghiệm, bạn không thể phân biệt được đâu là bờ, đâu là sông... Dòng chảy quanh co, cồn ngầm, vùng xoáy khá nhiều cho nên việc sinh sống đi lại thường xuyên đêm ngày trong mọi thời tiết là điều không bao giờ là dễ dàng và không có nguy hiểm rình rập. Do đó điều Bà muốn (chính là họ muốn) là phương tiện ghe, tàu lúc nào cũng như con vịt luôn luôn nổi và bơi lướt nhanh trên mặt nước. Và thế là họ thường dâng cúng Bà bằng cặp vịt. Mặc dù đối với nhà Phật, Đức Nam Hải Bồ Tát (tức Quán Thế Âm Bồ Tát) là vị đứng đầu các vị Bồ tát đệ tử của Phật Tổ Như Lai do đó người cũng hưởng chay trường như Đức Phật chứ đâu có dùng đồ mặn. Thế nhưng đệ tử của Bà lại cứ dùng vịt dâng Bà, họ lý sự rằng Bà không ăn vịt  mà dùng vịt làm đệ tử để khi cần bà cưỡi đi giúp đỡ dân ghe tàu khi gặp sóng to, gió lớn, chướng ngại trên luồng để đi đến nơi, về đến chốn an toàn. Họ còn lý luận là nếu Bà không thích vịt sao cái chong chóng đẩy ghe tàu hiện đại có giống chân con vịt đâu sao cũng gọi là chân vịt! Chuyện họ nói có vẻ vô lý nhưng cũng không phải là không thể chấp nhận được.

Trở lại việc cúng Bà đầu năm bằng vịt của các thuyền trưởng Nam bộ. Đối với người ngoài Bắc coi con vịt là con thành đanh đỏ mỏ nên rất kiêng ăn thịt trong những ngày đầu năm sợ bị xui xẻo, nhưng người Nam bộ không quan niệm như vậy. Tuy vậy họ cũng chỉ cúng vịt vào ngày mùng ba tết trở đi vì không muốn sát sinh vào ngày đầu năm, còn mùng một thì trên bàn thờ “Bà cậu” trong ghe tàu đều có hoa tươi, bánh tết và mâm ngũ quả. Những năm gần đây do công nghiệp phát triển còn có bánh hộp mà ta thường gọi là bánh Tây, có thể là hộp giấy hoặc hộp thiếc nhập từ nước ngoài, tùy theo sự giàu, nghèo của chủ phương tiện.

Có hai thứ cần phải nhấn mạnh trong bàn thờ Bà trong dịp tết đó là hoa tươi và mâm ngũ quả. Tết ở trong Nam bộ không có mưa phùn gió lạnh, chỉ có nắng vàng tươi  gió nồm nam và trời mát mẻ, do đấy rất nhiều loài quả chín và hoa nở trong dịp tết, màu sắc rực rỡ hết mức, không có thứ hoa màu sắc khiêm tốn ở xứ này. Dân ghe, tàu thường dùng loại hoa có màu sắc vàng tươi và trắng muốt để thờ cúng như cúc, huệ hoặc mai vàng... Mâm ngũ quả là biểu hiện cho ngũ hành nhưng ở trong này nó lại được kèm thêm ý nghĩa cầu mong cho năm mới, do đó có bốn thứ trái cây không thể thiếu trong mâm ngũ quả tết đó là cầu (mãng cầu hay na) vừa (tức trái dừa) đủ (đu đủ) sài (quả xoài) ngoài ra có thể thêm một loại trái khác vừa đẹp vừa có mùi là thơm (dứa hay khóm) có người còn tìm bằng được chùm quả sung để mong sao gia đình làm ăn sung túc giàu có. Cầu, vừa, đủ, xài là truyền thống, là ý thức khiêm tốn chứ chủ ghe kinh doanh vận tải trên sông nước Nam bộ ngày nay có nhiều người đã thừa xài, trở thành giàu có, được xếp loại đại gia tiền tỷ...

Trở lại món vịt cúng Bà, không phải người ta bắt đôi vịt sống lên cúng rồi  thả ra cho bơi như cúng cá chép ngày ông Táo chầu trời thường thấy. Ở đây cúng vịt là cúng vịt luộc chín hẳn hoi, và cũng không phải chỉ có cặp vịt luộc mà là vịt luộc nấu cháo. Hay gọi là cháo vịt không phải là món cao lương sang trọng nhưng cũng không phải là món quê mùa mà nó là một món ăn đặc sản vùng quê Nam bộ. Bây giờ thì cũng chẳng phải về tận đồng quê mà ở ngay cầu Thanh Đa (Sài Gòn) hay trên đường Trần Hưng Đạo (Mỹ Tho) bạn cũng có thể thưởng thức món cháo vịt đặc sản này.

Ở nước ta vịt hay ngan (vịt xiêm) ở đâu chả có nhưng món cháo vịt Nam bộ chấm nước mắm gừng thì tôi chắc rằng chỉ Nam bộ mới có và nấu cũng rất Nam bộ...

Để có nồi cháo vịt đặc sản bạn cần phải ra chợ lựa mua một cặp vịt hoặc ngan càng tốt, thật béo và không già (vừa chéo cánh) với một số gia vị bắt buộc sau đây: Nước mắm ngon, gừng củ già, ớt, hoa bi và ruột cây chuối xiêm (chuối tây) thái mỏng ngâm nước cho hết nhựa, gạo tẻ, hành củ, hạt tiêu xay...

Khi cắt tiết vịt (hoặc ngan) bạn phải nhổ sạch lông cổ, cắt trúng tia động mạch (thì tiết hồng và thơm) tiết được hứng vào đĩa có rắc một ít hạt gạo tẻ để đến khi luộc hạt gạo sẽ nở ra trong miếng tiết, lúc cắt miếng tiết ăn vừa bùi vừa mềm ngậy không khô như ta thường chỉ luộc một mình tiết. Sau khi làm sạch lông mổ bụng vịt  bạn bỏ hết phần phổi,  lấy mề, gan, tim cật và ruột, ruột phải được cạo sạch rửa nước muối để khi luộc là nó trắng đục như sợi nhựa và ăn rất giòn. Gạo nấu cháo cần phải rang sơ lên để khi nấu nó nở như hoa mà không nhão, không nát. Sau khi làm sạch lông dốc vịt treo cho khô nước, bạn cho nước vào nồi đun sôi sục thì cho vịt và lòng vào luộc, vịt vừa chín tới (không luộc chín nhừ) thì vớt vịt ra đổ gạo (đã rang) vào nấu cháo, cháo chín đổ đĩa tiết vào, cháo nhừ thì cho thêm hành củ đã phi vàng với dầu hoặc mỡ vào rồi tra muối, bột ngọt vừa ăn. Trong khi nấu cháo phải làm hai công việc rất quan trọng đó là nước mắm gừng và rau để ăn cùng với cháo, bắt buộc hai loại rau phải có đó là phần ruột cây và hoa chuối xiêm (chuối tây) phải được thái mỏng ngâm nước rửa sạch để khô, nên có một ít rau muống chẻ ngâm cho cong trộn lẫn càng ngon. Củ gừng già bạn rửa sạch, giã cho giập nát (không chỉ băm nhỏ) cho vào bát, rồi rót nước mắm Phú Quốc 40-60oN, nếu không có Phú Quốc thì nước mắm Cát Bà, Phan Thiết cũng tốt. Nghĩa là gừng phải nhiều đặc trong bát nước mắm chứ không phải lèo tèo vài miếng đâu nhé.

 Trước khi vào nhậu thì việc chặt thịt vịt là nghệ thuật, các bạn chớ bắt chước “nghệ thuật bán thịt gà” của anh Mõ trong truyện của cụ Ngô Tất Tố đấy. Vịt mà băm như thế thì khi ăn sẽ có nhiều xương phải vứt đi quá nửa. Một con dao thật bén, một cái thớt thật chắc, đặt con vịt luộc để vừa nguội nằm ngửa trên thớt, chặt hai cánh, cắt hai chân, đầu cổ trước, cánh chặt làm ba: một khúc gần nách, một khuỷu, một đầu cánh, khi chặt cổ và đầu vịt bạn cầm đầu vịt chặt cổ vịt trước, cổ vịt phải chặt chéo và mỏng khoảng một nửa cm, khi đến đầu vịt thì úp đầu vịt xoay thớt bổ đôi sau đó đặt nằm bổ ngang chia đầu vịt làm hai miếng. Cánh, đầu và cổ để vào đĩa trước. Đặt con vịt còn lại ngửa trên thớt lấy dao khứa giữa ức kéo dài từ trên xuống dưới sau đó bổ đôi con vịt đúng giữa xương sống (xương sống bị dập nát hết) lấy từng nửa con úp xuống thớt, chặt ngang phải chặt mỏng (khoảng một nửa phân) và hết thân con vịt, như vậy xương sẽ dập hết, bạn sẽ có miếng thịt hơi mỏng nhưng dài và có cả lườn, cả xương đến lưng. Bạn nhớ cắt phao câu để riêng nếu to thì bổ đôi. Thịt vịt được xếp vào đĩa và phủ lên miếng đầu cổ, cánh, lấy bộ đồ lòng ra cắt gan, mề thành bốn hoặc sáu miếng (đừng cắt quá nhỏ mất ngon) và bày lên trên cùng của đĩa thịt. Lúc này đã có mâm cỗ cháo vịt với một đĩa rau, đĩa ớt đã thái nhỏ, đĩa thịt vịt, đĩa tiết chín đã thái thành miếng dài, bát nước mắm gừng, nồi cháo bên cạnh nóng hổi, một chai rượu thuốc, một ly “xê chừng” để uống rượu. Tùy số người dọn bát, đũa và... ăn uống nhưng ăn thế nào nhỉ? Hãy gắp một gắp rau chuối cho vào bát, múc một vá cháo nóng đổ vào húp một ít cháo để cho ấm bụng và... nửa ly xê chừng rượu thuốc, một miếng thịt vịt chấm mắm gừng để vào miệng... chà nếu là mười một giờ rưỡi trưa hay năm giờ chiều thì chắc cái miệng và cái bao tử của bạn sẽ mách bảo cho bạn nhiều điều thú vị mà tôi không có thể nào tả được ra đây.

Nếu bạn là khách quý của mâm rượu bạn sẽ được chủ nhà sau ly rượu và miếng mồi đầu tiên, sẽ gắp cho bạn một miếng gan màu vàng ươm. Sau khi cảm ơn bạn chấm nó vào bát nước mắm gừng  rồi cho vào miệng và nhai từ từ sau khi đã ém một hớp rượu thì lúc này bạn đang là thượng đế của đồng bằng Nam bộ đấy. Nếu bữa nhậu đặt trên sà lan có gió miên man, có sóng ì ọp, xà lan lắc lư nhè nhẹ thì bạn không chỉ được thưởng thức mùi thơm thơm, cay cay nhẹ của nước mắm gừng, vị béo ngậy của gan, thịt vịt, vị chan chát giòn giòn của hoa chuối... mà bạn còn đang lâng lâng bay bổng tâm hồn. Nếu là nhà thơ thì chắc là bạn không thể không đọc vài câu, còn nếu không thì phải là ca vọng cổ, hát chèo hoặc tranh luận ồn ào lẫn với sóng, với gió phương Nam đầy hào phóng và yêu đời, đầy lạc quan và mạnh mẽ.

Ngày tết của thuyền viên thủy thủ sông nước Nam bộ không có lúc say xưa như vậy thì sao gọi là ngày tết, sao gọi là đệ tử của “Bà cậu” ăn sóng, nói gió làm việc không theo giờ hành chính mà theo con nước lớn, ròng…

Nếu không phải là dân Nam bộ bạn hãy đến đây vùng đất chín rồng một lần ăn tết với dân sông nước, ăn cháo vịt, uống rượu thuốc trên mặt sông Tiền, sông Hậu. Bạn sẽ có một kỷ niệm sâu sắc, mà tôi chắc rằng bạn sẽ nhớ cho đến khi về với ông bà, bạn vẫn mang theo.

Tháng 12/2006.

Tác giả bài viết: Trần Đỗ Liêm