Nghiệp thương hồ

Thời bao cấp, ngành thương nghiệp ở một vài tỉnh ĐBSCL có sáng kiến "Thuyền thương nghiệp” để phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Không ít người cho rằng loại hình kinh doanh này của Nhà nước ra đời không bao lâu sẽ “giết chết” thương hồ.
Nhưng mọi người đã quên một điều rằng, “thương hồ tư nhân” trên vùng đất này có lịch sử hàng trăm năm, nó không chỉ đơn thuần là mối quan hệ “sòng phẳng” giữa kẻ mua - người bán, mà đã gắn bó với nhau bằng nghĩa, bằng tình.

Hình bóng ghe bầu

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ghe bầu có xuất xứ từ vùng Ngũ Quảng từ thế kỷ 17. Nó đóng vai trò quan trọng cho công cuộc Nam Tiến trên phần đất còn lại thuộc xứ Nam Kỳ lục tỉnh. Ghe bầu đưa người tiến thẳng từ miền Ngũ Quảng vào khai phá đất Đồng Nai - Gia Định. 

Thương lái ghe bầu chở hàng hóa vào Nam, mua bán trao đổi để hình thành một nền dịch vụ nội thương mà trước đó, xuyên suốt trong lịch sử, hoạt động này đều nằm trong tay người Hoa.

Các ghe hàng có mặt khắp vùng sông nước.

Ngày nay, không ai còn nhớ ghe bầu đã kết thúc vai trò hậu cần cho công cuộc khẩn hoang miền đất phương Nam từ lúc nào, nhưng trong ký ức của những người già như mẹ tôi, nay đã ngoài tuổi 70, thời niên thiếu của bà vẫn còn được nhìn thấy hình ảnh chiếc ghe bầu trên bến sông quê, mỗi năm vào mùa gió chướng. 

Đó là những chiếc ghe to, có trọng tải hàng chục tấn, có thân trên thì bằng gỗ, nhưng phần thân đáy bằng mê (nan tre). Trên ghe bán không thiếu thứ gì thuộc thổ sản tơ lụa miền Trung, nhất là các loại hàng mà nông dân Nam Bộ rất cần dùng lúc đó như: thuốc cao, dầu, dao kéo và cả những loại bánh kẹo mà trẻ con rất thích.
Ghe bầu với người Nam không chỉ chờ nhau qua mối quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa, mà còn bao quan hệ ân tình khác. Ở nghĩa trang họ Lê, một dòng họ danh giá một thời ở Tân Trụ - Long An, có một ngôi mộ được chôn cất rất tử tế, nhưng trên bia mộ chỉ thấy khắc chữ “Ông Thầy Huế” và ngày mất. 

Đó là một trong hàng trăm, hàng ngàn “ông thầy Huế” mà không ai có thể thống kê được, đã cùng ghe bầu vượt biển, mang chữ nghĩa vào Nam, góp công rất lớn làm thấm nhuần đạo lý nơi miền đất mới.
Con quạ nó đứng đầu cầu
Nó kêu bớ má ghe bầu tới chưa?
Hồi nhỏ, trong làng, tôi thường nghe người ta hát đưa em như thế. Tôi chẳng hiểu gì, chỉ cảm nhận rằng nó thật là ngộ nghĩnh. Mẹ tôi giải thích rằng, đó là cách nói ví von để chỉ những cô gái Nam Kỳ đã phải lòng anh lái ghe bầu. Đầu cầu ở đây là cái cầu nước dưới bến sông trước nhà, cô gái ra đó ngóng đợi người thương khi ngọn gió chướng đầu mùa trở lại. 

Trong tâm hồn thơ dại của mình, không hiểu sao tôi cứ băn khoăn không biết chiếc ghe bầu kia có trở lại, hay cứ để cho “con quạ” tội nghiệp kia mãi chờ mong.
Một lộ trình dài, xuyên qua nhiều trăm năm, nhiều thế hệ thương hồ phải trải qua. Đó là con đường đầy sự cam go nhưng cũng thật nhiều lãng mạn. Trong dân gian ngày nay vẫn còn lưu truyền một bản hải đồ đi biển độc đáo của các lái miền Trung bằng lối thơ vè dài hơn 150 câu, là kim chỉ nam nghề biển một thời mà người đi biển nào ở miền này cũng phải thuộc nằm lòng. Thay cho chiếc la bàn định hướng hải trình từ miền Thuận Quãng vào đất Đồng Nai - Gia Định, gọi là “vè các lái”.
Ghe bầu các lái đi buôn
Đêm khuya ngồi buồn kể chuyện ngân nga
Bắt từ Gia Định kể ra
Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô
Trên thời ngói lợp tòa đô
Dưới sông thủy cát ra vô dập dìu.
Đọc bài vè này ta cảm nhận ngay được một thời kỳ hưng thịnh nhất của xứ Đàng Trong, được ví như thời vua Nghêu - Thuấn trăm họ thái bình. Ở miền Trung có: “Thuận An là chốn thuyền đô ra vào”, còn trong Nam có những nông trại Đại Phố. Mỹ Tho Đại Phố và Hà Tiên “Văn Hiến Quốc”. 

Bài vè này ta có thể hiểu như khúc hành ca của một thời cha ông đi mở cõi. Khúc viết riêng cho những thương đoàn Việt đầu tiên - một khúc thương hồ!

Đất thương hồ

Thương hồ ở Nam Bộ không thể tồn tại một cách vô tình, vô cảm như chỉ đơn thuần là một thứ lái buôn chuyên nghĩ đến việc kiếm lời. Với gần 50.000 km chiều dài sông ngòi, kinh rạch ở đồng bằng châu thổ Cửu Long, từ lâu đã hình thành một xã hội thương hồ. Đó là xã hội, nếu nhìn từ hiện tượng, người ta cảm thấy nó gieo neo, bộn bề, phức tạp. Song, sự thật đó là một xã hội sống có quy luật, tôn ti trật tự hẳn hoi.

Ghe hàng bông có mặt ở những vùng nông thôn phục vụ cho người dân.
 
Đến với một khu chợ nổi bất kỳ ở miền Tây Nam Bộ, ta sẽ được chứng kiến cuộc sống sinh động của xã hội thương hồ. Ở đó có những nghiệp chủ sở hữu phương tiện và vốn làm ăn bạc tỷ, cho đến những chiếc xuồng tam bản mong manh như chiếc lá tre, có vốn bán, mua chỉ mức trăm - chục ngàn đồng. 

Nhưng dù nhỏ hay lớn, giàu hay nghèo, thương hồ là cái nghiệp trong kiếp mưu sinh, họ là những con người biết lao động thật sự để sống và lương thiện, trong sạch, phục vụ tận tụy cho xã hội.
Nhà văn Sơn Nam đã từng nói lúc sinh thời “Không có thương hồ - không có Nam Bộ!”. Ta hiểu câu nói ấy qua lịch sử từ hình bóng chiếc ghe bầu, rồi thì thương hồ Nam Bộ vẫn liên tục phát triển cho đến ngày nay.
Tôi thường đến những nơi xa xôi, hẻo lánh của miền sông nước Cà Mau. Ở đó là những xóm nhỏ lưa thưa mươi ngôi nhà trong rừng tràm, rừng đước, là những mái lá bên bờ kinh thủy lợi nơi vùng đất mới khẩn hoang, hay cả những làng mạc trù phú được định cư hàng trăm năm trước. Người ta vẫn giữ một thói quen sinh hoạt tiêu dùng qua quan hệ với ghe hàng. 

Cho đến ngày nay, có những người già bảy tám mươi tuổi ở U Minh Thượng (Kiên Giang) hay U Minh Hạ (Cà Mau) vẫn chưa một lần bước chân ra phố chợ, nhưng họ đều được thưởng thức đủ các món “cao lương mỹ vị” Tây, Tàu từ dịch vụ tận nhà của ghe hàng. Và ở xứ Cà Mau hiện tại, có rất nhiều gia đình lênh đênh trên sông nước bằng những “chiếc ghe hàng” để mưu sinh và thoát cảnh nghèo khổ.
Mỗi một thương hồ, một ghe hàng đều có những tuyến sông quen. Có tuyến là những con rạch nhỏ rất ít nhà, nhưng với người bán hàng hóa trên ghe hàng, họ hiểu rằng, càng ở những nơi giao thông trắc trở thì bà con ở đó càng cần họ hơn. 

Tôi có quen với Hội, một thanh niên ngoài 30 tuổi nhưng đã có gần 20 năm lão luyện trong nghề ghe hàng ở miệt U Minh Hạ. Trong ngần ấy thời gian, Hội đã là thân chủ của hàng chục xóm nhà ven những kinh rạch nhỏ. Với họ, những người dân vùng sâu, vùng xa ấy, hội đã trở thành người không thể thiếu tự bao giờ. 

Hằng tháng, Hội chia ra thành nhiều cử, hôm nay là xóm này, ngày mai là xóm khác, bao giờ cũng đúng hẹn. Lâu ngày thành quen, Hội đã ghé bến nào là biết nhà ấy còn gì, hết gì. 

Ngoài ra, Hội còn giúp họ những việc không công như đưa thư từ, thiệp mời cưới gã, lời nhắn gởi từ xóm này qua xóm khác. Thậm chí mua giúp họ những loại hàng hóa có giá trị hay phụ tùng máy móc thuộc loại hiếm hoi, khó tìm vào dịp ra chợ bổ hàng…
Có nhiều người không hiểu, hoặc vì một lý do khó hiểu nào đó đã bi lụy hóa cái nhìn về thương hồ như những kiếp đời chìm nổi lênh đênh vô định. Đành rằng trên sông nước, cho dù ở đâu, cũng có biết bao phận đời rủi ro, trôi giạt, trong hoàn cảnh cơ cầu, họ có thể mượn nghề bán buôn để tạm sống qua ngày.
Nhưng thương hồ là một nghiệp, dù quy mô lớn nhỏ, họ luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế vào cuộc. Trên con đường tạo nghiệp ấy, cũng như tất cả chúng ta đang sống, vui buồn là lẽ thường tình. Và, thương hồ Nam Bộ là như thế, độc đáo trong bản sắc văn hóa của vùng đất phương Nam, là một nghề có lịch sử từ thời ông cha đi mở đất. 

Bất luận thời gian, còn sông nước mênh mông thì chắc hẳn nghiệp thương hồ sẽ còn. Và đó là một trong những nét văn hóa độc đáo của miền sông nước Cửu Long./.

Tác giả bài viết: Ngô Gia Phú

Nguồn tin: baocamau.com.vn