Múa bóng rỗi qua miền ký ức

Múa dâng bông - Ảnh: Tuổi Trẻ

Múa dâng bông - Ảnh: Tuổi Trẻ

Hồi nhỏ, mỗi lần theo ba về quê nội tôi đều thấy ớn khi ngang qua miễu Bảy Bà. Ngôi miễu nằm dưới gốc cây da xà, cạnh bến đò tấp nập xuồng, ghe xuôi ngược. Cây da rất lớn, những cọng rễ to tướng chằng chịt, bóng mát rợp quanh làm tăng vẻ thâm nghiêm, huyền bí.

Dân gian truyền tụng rất nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của ngôi miễu. Nào là, ban đêm có bảy cục lửa rất to xẹt lên trời, đó là lúc các Bà cỡi hạc về chầu Ngọc Hoàng. Nào là, trong xóm có chuyện đôi chối, xích mích, trộm cắp… thì kéo nhau ra miễu mà thề. Kẻ nào tham lam, ăn gian nói dối sẽ bị Bà phạt. Nhẹ thì “tửng từng tưng” mấy ngày, nặng thì liệt giường, liệt chiếu. Muốn khỏi bệnh phải làm lễ tạ Bà, hứa “tiệt nọc” thói hư tật xấu thì mới khỏi. Má tôi còn kể, hồi đó có thằng cha ác ôn, chỉ điểm cho lính Tây bắt người tra khảo rồi bắn xô xuống sông. Khi hắn đi ngang miễu bị Bà “vật” một phát, hộc máu chết tươi. Không biết thực hư thế nào! Song, với một đứa con nít mới học lớp Năm (lớp Một bây giờ) như tôi, những việc đó quả thật đáng sợ.

Đoạn đường ngắn từ nhà tôi về quê nội chừng ba cây số mà có đến năm ngôi miễu. Một, ngay tại dốc cầu đúc, chỗ rẽ vào đình thờ Thần hoàng. Bên trong miễu ngoài các vật thờ có hai con ngựa màu trắng, màu đỏ làm bằng thạch cao. Hai, là miễu Bảy Bà mà tôi vừa kể. Số còn lại nằm dọc theo con sông, giống như cái nhà sàn nhỏ bằng gỗ, trên lợp ngói vảy cá, mặt trước không có cửa được che bằng hai tấm màn màu vàng có kết tua. Bên trong miễu, một tấm vải điều viết mấy chữ rất to và chi chít chữ nhỏ mà tôi không tài nào đọc được (đọc sao được, mấy chữ đó là chữ nho mà, chỉ có ông cố tôi biết đọc thôi!); chính giữa có một lư hương và ba chung nước. Thỉnh thoảng ngang qua, tôi thấy có một dĩa bánh men đủ màu hoặc mấy trái xoài, tuy thích ăn nhưng lũ con nít chúng tôi chẳng bao giờ dám lấy. Bên góc miễu là nơi tập hợp cà ràng, ông táo, nồi đất, bài vị… tất cả đều hư hỏng. Ba tôi nói các miễu đó thờ Bà Chúa Xứ. - Bà Chúa Xứ là ai vậy ba? - Tôi thắc mắc. Ba tôi trợn mắt nạt ngang: Con nít biết gì mà hỏi !
 


Múa dĩa - Ảnh: Tuổi Trẻ

Nhìn ánh mắt của ba lúc đó tôi đoán đây là việc cấm kỵ nên không dám hỏi thêm. Bỗng dưng mấy ngày sau, một người phụ nữ chừng 30 tuổi tới nhà thăm ba tôi. Cô mặc chiếc áo bà ba nền vàng bông đỏ, cái quần lãnh nhuộm mặc-nưa bóng dợn, trên cổ quàng chiếc khăn vuông màu cánh sen, xếp chéo. Cô ăn trầu coi bộ còn hơn má tôi, không lúc nào ngớt miệng. Ba tôi gọi là cô Chín. Cô nói, nghe tiếng ba tôi đờn kìm hay nên mạo muội làm quen và mời ông nhín chút thời gian, cùng mấy anh em tài tử đến đờn ca cho đám cưới của cháu cô ở miệt Rạch Tràm. Cô Chín móc trong túi vải ra một chai rượu đậu nành, miếng thịt heo quay và mấy cái bánh ú. Sau vài tuần rượu, ba tôi với tay lấy cây đờn kìm trên vách, so dây nắn phím rồi dạo bài Ngũ Đối Hạ. Mắt cô Chín đưa đẩy, lúc say đắm nhìn ba tôi, lúc mơ màng thả hồn theo tiếng nhạc. Sau lần đó, tháng nào cô cũng ghé nhà chơi (có tháng đôi ba lần) cùng ba tôi đàm đạo, đờn ca. Cô uống rượu dữ lắm, lúc đối ẩm với ba tôi không bao giờ chịu thua kém. Cô ca hay, nhưng chất giọng không mềm mại, trong trẻo như đàn bà. Bao giờ cũng vậy, cô lôi trong chiếc khăn điều, một gói xôi to, nửa con vịt luộc gói trong lá chuối và mấy thứ trái cây cho bọn con nít chúng tôi. Và cũng như mọi lần đến chơi, cô Chín lấy bàn tay có 5 cái móng dài, hai ngón cái và trỏ đỏ chét màu cổ trầu xoa nhẹ trên đầu tôi rồi nói: - Con gái gì mà giống cha hết biết !

Cho đến một hôm tôi mới biết cô Chín làm nghề bà Bóng. Đó là vào giữa tháng ba âm lịch, má tôi làm một mâm xôi vò thật đầy đi cúng miễu. Mặt trăng tròn lấp ló sau gốc dừa, đường xóm mấp mô, má tôi một tay vịn mâm xôi trên đầu, một tay nắm chặt tay tôi (sợ bị lạc). Dọc đường từng tốp bà con đi lễ cười nói râm ran. Trên sân và trong miễu có rất đông người. Má tôi đặt mâm xôi lên bộ ván gõ trước bàn thờ Bà (so với các mâm xôi vò, xôi lá cẩm, xôi nếp than… chung quanh thì mâm xôi của má tôi trông đẹp và ngon lành nhất). Ngoài các mâm xôi, trên bộ ván bày một con heo quay lớn lắm, da vàng ruộm, giữa lưng cắm một con dao nhỏ. Mấy cái đầu heo và bộ đồ lòng luộc để chung quanh. Bánh trà, trái cây bày la liệt. Tò mò tôi nhón chân nhìn lên bàn thờ Bà. Không thấy gì hết! Tôi bèn lén rinh chiếc ghế đẩu đặt góc miễu để nhìn cho bằng được. Giữa bàn thờ, một tờ giấy hồng đơn lớn lộng trong cái khung kiếng vẽ mấy chữ Tàu bằng mực đen. Cái lư đồng sáng dới, nghe nói của ông Cả Hai (giàu nhất xóm) cúng cho miễu. Một bình bông huệ trắng ngọn cao gần một mét. Trên cái chò bằng gỗ là một dĩa trái cây được chưng kết rất đẹp. Dưới bàn thờ là một cái ghế nghi để bày lễ vật. Hai con vịt xiêm luộc chéo cánh nằm trên dĩa lớn được đặt cân đối hai bên. Chính giữa có 2 chén gạo muối đầy vung, 3 chung nước và một dĩa trầu cau têm hình cánh phượng. Bảy dĩa xôi lá cẩm và 7 chén chè đậu trắng được đặt rải rác khắp bàn thờ…


Múa ghế - Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông từ bắt lũ con nít ngồi xuống không được lăng xăng, chộn rộn. Trên chiếc chiếu bông trải giữa sân miễu, cô Chín nổi bật trong chiếc áo dài màu vàng thêu kim tuyến và cái váy đỏ rực rỡ. Cô quỳ trước bàn thờ Bà, miệng lầm thầm khấn vái. Dàn nhạc lễ mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng ngồi trên bộ ván ngựa kế bên. Một ông đờn cò, một ông đánh phách, một ông gõ trống chiến, dáng điệu ra vẻ hí hửng. Nhạc dạo đâu một hồi, cô Chín cầm cái trống nhỏ và cái dùi chắp tay xá 3 xá rồi khởi nhịp. Dàn nhạc hòa theo, cô cất giọng rỗi chầu mời Bà về ngự miễu để chứng giám cho lòng thành của bổn hội, bổn xóm. Giọng rỗi của cô Chín lạ lắm! Khi cô cất giọng lên cao gai ốc như nổi khắp người, cảm giác có một luồng khí lạnh chạy dọc theo sống lưng của tôi. Khi cô hạ giọng xuống hai chữ ừ… à ở cuối câu thì tôi nghe như có tiếng gọi nào đó từ quá khứ âm u, sâu thẳm vọng về. Má tôi nói, cô phải rỗi đúng ba hồi chín chập, bởi vì Bà còn đi ngao du ở chín tầng trời, phải mời nhiều lần như vậy Bà mới nghe được. Cô Chín rỗi khá dài. Khi dứt một chập rỗi thì có một ông già mặc áo dài khăn đóng ra xá trước bàn thờ Bà và cầm hai đồng điếu lên gieo trong cái dĩa nhỏ. Cô Chín lại hắng giọng rỗi tiếp. Giọng rỗi đang thảm thiết bi ai bỗng chuyển sang nhẹ nhàng, khoan thai rồi vui tươi, phấn khởi. Trống gõ dồn dập, đờn cò thúc nhịp, cô Chín mặt mày hớn hở. Rất điệu nghệ cô xoay 3 vòng, khi cô trụ lại thì cũng là lúc kết thúc bài rỗi chầu mời, một cách gọn gàng và dứt khoát.

Tới màn múa mâm vàng. Cô Chín lấy chiếc mâm nhuộm đặt phía dưới bàn thờ, trên mâm dán một tòa tháp rất đẹp làm bằng giấy tráng kim lấp lánh. Cô nâng chiếc mâm vàng ngang mày xá 3 cái, xoay 3 vòng, áo váy cô phất phới như cái bông vụ nhiều màu. Cô vừa hát vừa múa. Cái mâm lúc đội trên đầu, lúc cấn cạnh trên trán, lúc đặt nghiêng trên chiếc đũa tre được cô cắn chặt giữa hai hàm răng… thiệt là tài! Độc đáo nhất là khi cô lắc chiếc mâm vàng, nó từ từ rớt xuống vai, xuống hông rồi lần xuống dưới bàn chân. Cô dùng hai chân nâng chiếc mâm lên đặt lên đầu. Mỗi một động tác hay, bà con đứng ngồi chung quanh chen nhau dán tiền vào chiếc mâm vàng. Tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên từng chập.


Múa đao - Ảnh: Tuổi Trẻ

Sau múa mâm vàng là màn múa đồ chơi. Cô Chín mào đầu mấy câu rồi ra bộ giống như hát bội. Ý nói: Cô múa hát giúp vui cho Bà. Bà vui thì dân vui. Dân vui thì làm ăn mới sung túc. Cô lấy ra trong thùng đồ nghề, một chiếc lông công rất đẹp. Cô đặt chiếc lông công lên giữa trán và bắt đầu múa. Tiếng nhạc dồn dập. Chiếc lông công di chuyển khắp mặt cô, khi thì đứng, khi thì nằm ngang, nằm nghiêng… vậy mà nó không rớt! Hai tay cô múa để giữ thăng bằng nhưng đều đặn và uyển chuyển theo tiếng nhạc. Tiếng vỗ tay lần này lớn hơn, người ta ném những tờ giấy một đồng và những đồng năm cắc rào rào vào giữa chiếu. Sau vài giây đấu tranh tư tưởng, tôi lấy đồng năm cắc má cho để mua cà - rem, chạy đến nhét vội vào túi cô, mặt hớn hở như làm được điều gì to lớn lắm. Cái lông công được thổi lên cao mấy mét và rớt xuống trên chóp mũi cô Chín, kết thúc một màn múa rất ấn tượng.

Chưa hết! Hai bác lớn tuổi hơn ba tôi khiêng ra một cái khạp bóng lưỡng lớp men màu da bò và đặt giữa chiếu. Cô ra vài điệu bộ rồi cất giọng thách thức: Bà con có thấy cái khạp này không? Nó nặng lắm đó! Ai để trên đầu mà múa được tôi bái phục! Bái phục! Có một chú ngó bộ vạm vỡ, mặt đỏ gay (chắc đã uống ít nhất 2 xị rượu), giơ tay lên hét lớn: Có tui! Vừa nói chú liền xông ra. Cô Chín chưa kịp phản ứng chú đã nhấc cái khạp đặt lên đầu. Bắt chước cô Chín chú bỏ bộ quay tròn. Mới có vòng thứ nhứt tôi thấy chú bắt đầu cóng róng, xoay trở khó khăn. Chú đổ mồ hôi hột. Cái mặt đỏ tía giờ sậm hơn. Thấy coi bộ không xong, cô Chín xin phép nhấc khạp xuống. Chú đó coi bộ mắc cỡ nhưng cũng ráng xá bà con 2 xá, quệt mồ hôi bước ra khỏi chiếu. Cô Chín xoay chiếc khạp da bò ba vòng rồi nhẹ nhàng đặt lên đỉnh đầu. Mặt tự nhiên như không, miệng nhai trầu bỏm bẻm, tay cô phe phẩy theo điệu nhạc. Vẫn chưa xong, cô ngửa mặt lên trời và đặt cái khạp cấn cạnh trên trán. Tiếng vỗ tay liên tục không ngớt. Biểu diễn đâu chừng vài phút, cô đặt khạp xuống và hỏi lũ con nít bao quanh. - Đứa nào dám ngồi trong khạp cho cô múa hay không? Có một thằng cỡ tuổi tôi mà liều quá. Nó giơ tay xin được ngồi trong khạp. Má nó lẽ ra phải cản nó chớ, nhưng xem bộ bả cũng khoái nên nó càng hăng hái hơn.

Cô Chín đặt nó vào trong khạp rồi đưa lên đầu. Mọi người căng mắt theo dõi, thằng nhỏ khoái chí cười nắc nẻ. Nhưng đến khi cô để cái khạp nghiêng cấn cạnh trên trán, chỉ chựt trút nó ra, thì cu cậu bắt đầu tái mặt. Nó bám chặt thành khạp (má nó cũng xanh mặt luôn), mọi người đều thót tim, không ai dám thở mạnh. Cho đến khi cô Chín nhấc cái khạp xuống đặt nhẹ xuống đất thì mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tiếng vỗ tay nổ to như pháo liên thanh. Tiền cắc ném vào khạp như mưa rào. Cô Chín tươi cười (như không có chuyện gì) xá liên tục cảm ơn bà con ủng hộ. Thằng nhỏ mặt xanh như đít nhái, vọt ra khỏi khạp chạy đến mép chiếu ôm chầm má nó. Cô bốc cho nó một nắm tiền đồng. Thấy lũ con nít lao nhao xòe tay xin, cô phát cho mỗi đứa năm cắc bạc. Riêng tôi, cô nhập hai cái làm một nhét nhanh vào tay sợ tụi kia thấy phân bì. Tan lễ ra về, ai cũng râm ran khen ngợi cô Chín rỗi hay, múa giỏi. Đêm đó trong giấc mơ, tôi thấy cô Chín giống như một bà tiên, áo váy chấp chới, múa đẹp mê hồn giữa những đám mây ngũ sắc…

Hình ảnh cô Chín trong đêm hội miễu Bảy Bà cứ thao thức ước mơ trẻ thơ của tôi...

Hơn 30 năm sau như một duyên may, lãnh đạo cơ quan phân công cho bộ phận nghiệp vụ của chúng tôi nghiên cứu các đề tài văn hóa phi vật thể. Rất nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đã mất đi bởi môi trường nuôi dưỡng không còn. Có vài loại hình phải biến đổi, cải biên về hình thức và nội dung để thích nghi mà tồn tại. Trong số đó, múa bóng rỗi sau bao thăng trầm, vẫn còn chút ánh sáng lấp lánh trong kho tàng văn hóa của quê hương.

Múa bóng rỗi là nghệ thuật múa dân gian độc đáo của người Việt ở Nam bộ đang được bảo tồn bởi những nghệ nhân mà ta quen gọi là các bà Bóng. Tôi nhớ hoài câu nói của cô Tư Trầu - một nghệ nhân có hơn 40 năm theo nghề, ở xã Đông Hòa Hiệp huyện Cái Bè, khi tôi cùng Giáo sư Tiến sỹ Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng di sản văn hoá quốc gia và Tiến sỹ Đỗ Hương - giảng viên trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, ghé thăm cô Tư tại căn nhà ngói nhỏ ven quốc lộ I. Hôm đó thầy tôi đã hỏi về khả năng phi tự nhiên của cô Tư lúc múa mâm và múa tạp kỹ: - Phải chăng Cô được Bà phù hộ, chứ người phàm mắt thịt như chúng tôi múa làm sao được?. Cô Tư vui vẻ trả lời: - Đây là nghệ thuật cổ truyền. Tôi được học từ lúc mới 12 tuổi. Phải học mới múa được chứ Thầy. Thầy không tin cùng hai cô đây ra chận hai đầu lộ. Không có miễu môn, không có bàn thờ Bà, tôi sẽ múa cho thầy coi!

Tất cả các hình thức tín ngưỡng dân gian bao giờ cũng hướng con người đến cái thiện, cái đẹp. Tuy nhiên trong thực tế đã có một số người lợi dụng lòng tin của nhân dân vào mục đích riêng không chân chính. Cần giữ gìn để các loại hình nghệ thuật dân tộc liên quan đến tín ngưỡng và sinh hoạt, phát huy được các giá trị tích cực và tốt đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, góp phần củng cố sự bình ổn của cộng đồng trong quá trình đi lên của đất nước.

Múa Bóng rỗi là loại hình nghệ thuật múa đặc trưng của người Việt ở Nam bộ. Loại hình này ra đời và gắn liền với lịch sử văn hoá của vùng đất phương Nam, từ thời ông cha mang gươm đi mở cõi. Năm 2005, có 292 ngôi miễu thờ ở các xã-phường (trong đó gần 70% là các miễu thờ nữ thần) được sưu tầm qua cuộc Tổng điều tra văn hóa phi vật thể ở Tiền Giang là một minh chứng rõ ràng về sức sống tinh thần của một cộng đồng. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, Múa bóng rỗi không chỉ tạo được sự hướng thiện mà còn đáp ứng được nhu cầu cộng cảm, vui chơi và giải trí của con người. Để tồn tại và hoạt động đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghệ thuật Múa bóng rỗi rất cần được sự quản lý, sự hỗ trợ và đầu tư bình đẳng như những loại hình nghệ thuật dân tộc khác. Do vậy, việc mở lớp tập huấn kiến thức về tôn giáo - tín ngưỡng; việc qui tụ các nghệ nhân giỏi truyền dạy kỹ năng, động tác cơ bản và nâng cao của nghệ thuật múa bóng rỗi (cho các nghệ nhân trẻ và diễn viên múa chuyên nghiệp)… là việc làm cần thiết hiện nay. Ngoài ra, nếu biết gắn loại hình nghệ thuật này với các lễ hội dân gian ở địa phương sẽ mở ra một hướng đi mới, một cách làm mới cho hoạt động văn hoá - du lịch ở Tiền Giang, trong năm 2008.

Tác giả bài viết: Mai Mỹ Duyên