Một đời người, một đời biển - Mã số: 085

(Tác phẩm vào vòng chung khảo xếp giải Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL năm 2017 tại Long An)

Mặt trời vừa rải những tia nắng chiều lên khóm hoa mua tím ngát đang khoe mình dọc theo bãi biển cũng là lúc chiếc ghe chở khách đưa chúng tôi vào bãi hòn Nồm. Vừa bước lên bờ, cô Út Giàu, con gái của chủ đảo Vương Ngọc Ánh (Sáu Ánh) niềm nở bảo chúng tôi: Trời sắp tối rồi, tối nay các anh ngủ lại đảo với ba tôi cho vui. 
Đảo Nam Du

Thế là lần đầu tiên chúng tôi được ngủ đảo, được tâm tình với những người dân đảo hiền hoà, mến khách và tận hưởng cái cảm giác êm đềm, sâu lắng của một vùng biển đảo bình yên, chẳng khác nào một khu vườn cổ tích.

BA ĐỜI “ROBINSON” TRÊN MỘT HOANG ĐẢO

Có lẽ hôm đó là đêm nhộn nhịp nhất ở hòn Nồm và cũng là một đêm đầy ấn tượng vì cả nhà đều quay quần bên ánh sáng diệu kỳ của ngọn đèn manchon - chiếc đèn của vị chủ đảo đầu tiên, tức thân phụ của bác Sáu Ánh để lại như một kỷ vật, hôm nay mới có dịp thắp lên sáng cả một góc rừng.

Dưới ánh đèn lung linh và huyền ảo, gió biển rạt rào mát lạnh, chúng tôi vừa nhâm nhi, vừa nghe bác Sáu kể lại chuyện đời, chuyện thời trai trẻ và chuyện sóng gió trùng khơi mà lòng không sao ngăn được cảm hoài. Càng về khuya giọng bác càng chùng xuống, cảm xúc miên man, pha lẫn tự hào:

“Đầu năm 1952, cha tôi là Vương Văn Kiều cùng bà kế mẫu từ Kiên Lương giong thuyền ra hòn Ngang, một trong 21 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Nam Du, cách bờ Rạch Giá (Kiên Giang) chừng 90 km để mưu sinh, lúc đó tôi mới 8 tuổi đầu, ăn chưa no lo chưa đủ. Được ít lâu, cha tôi lại đưa gia đình chuyển sang hòn Nồm giữa (1), cách hòn Ngang khoảng 30 phút đường tàu, một hòn đảo hoang sơ, nay thuộc ấp An Cư, xã An Sơn. Vừa đến nơi, cha tôi dựng lên môt túp lều đủ che nắng trú mưa, chuẩn bị cho cuộc hành trình mở đất đầy cam go và thử thách. Chính vì vậy mà dân ở Nam Du đã gọi ba tôi là “Robinson” - chủ đảo hòn Nồm đời thứ nhất. Tại đây, cha mẹ tôi đã thấm đẫm bao mồ hôi công sức để khai hoang, cuốc rẫy và đánh bắt hải sản…”

Mãi cho tới sau nầy, trải qua ba thế hệ (tam đại đồng đường) mà hòn Nồm cũng chỉ có một gia đình họ Vương sinh cơ lập nghiệp (cha ông, vợ chồng ông và các con) bởi thế hòn đảo nầy mới có biệt danh “Nhứt đảo, nhứt gia, ba thế hệ”. Nơi đây từng là đầu sóng ngọn gió, bao quanh lại có nhiều hòn lớn nhỏ nhấp nhô, loáng thoáng một vài mái tranh nghèo, là nơi nuôi dưỡng nhiều thế hệ ngư phủ từ khắp mọi miền đất nước về đây sinh sống dưới sự đùm bọc cưu mang của biển cả và núi rừng.

Ngày nay muốn đến Hòn Nồm giữa, từ cầu tàu Rạch Giá khách du lịch xuống tàu cao tốc ngồi khoảng ba tiếng đồng hồ là sẽ đến hòn Củ Tron (hòn Lớn) thuộc quần đảo Nam Du. Tại đây có 21 đảo lớn nhỏ gồm hai xã An Sơn và Nam Du, thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Từ hòn Củ Tron nhìn ra biển khơi giống như một Hạ Long thu nhỏ, bốn bề hiện lên những cụm đảo xanh rì, mỗi hòn đều có cái tên ngộ nghĩnh, gần nhất là hòn Ngang, hòn Đụng…xa xa là hòn Nồm, hòn Nhàn, hòn Hàn…

Năm tháng dần trôi, cậu bé Vương Ngọc Ánh lớn lên cùng với trời đất cỏ cây. Trong ký ức của bác, cuộc sống mấy năm đầu vô cùng cam go, vất vả, hằng ngày mọi người vừa phải vật lộn với sóng gió, vừa lo cho cái ăn cái mặc, vừa đối phó với bệnh tật, đói nghèo. Nhiều lúc thiếu gạo cả nhà phải ăn củ nần, rau, cá cầm hơi. Buồn nhất là ngày tết, cả ba người sống trơ trọi giữa rừng, nhà không trà, không rượu cũng không bánh trái, vì thế thân phụ bác phải lượm lá bàng nướng lên cho thơm để pha nước uống thay trà.

Khi cuộc sống tạm ổn, thân phụ bác mới đào giếng lấy nước, dọn rừng, cuốc rẫy trồng khoai, trồng bắp và chăn nuôi gà vịt. Ban ngày hai cha con làm vườn, đóng ghe xuồng, lặn bắt sò bắt ốc, ban đêm đi câu mực làm khô, vài ba tuần lại mang sản vật qua hòn Lớn hoặc vào đất liền bằng thuyền buồm để đổi lấy gạo muối và những thứ cần dùng. Đôi khi cũng có những chiếc tau buôn ghé qua đổi lấy hàng, nhờ vậy mà cuộc sống quen dần. Bác nhớ lại khoảng trước năm 1975, bà con ở các đảo ngoài khơi mỗi năm chỉ ăn thit heo có hai lần vào ngày tết Đoan Ngọ mùng 5 – 5 và tết Nguyên Đán. Vào các ngày nầy bà con trên các đảo lân cận xúm nhau làm heo chia thịt. Các ngày khác ăn toàn cá tôm. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày càng có nhiều cánh bườm vượt sóng ra khơi, thuyền tàu chạy máy xuất hiện nhiều hơn khiến cho giao thương thuận lợi và dễ dàng, nhờ vậy mà hòn Nồm bắt đầu có người qua lai,

Năm 20 tuổi, nhân lúc qua hòn Ngang, bác Sáu Ánh đã quen với một người phụ nữ tên Võ Thị Huông, quê ở Nha Mân - Đồng Tháp ra đảo sinh sống. Không bao lâu hai người đã phải lòng nhau và đi đến hôn nhân. Thời gian trôi nhanh, vợ chồng bác đã lần lượt cho ra đời 9 “công dân”. Trong số đó có hai đứa do chính bác đỡ đẻ ngay trên đảo vì không rước mụ kịp. Theo lời kể của bác, có một lần GS. Bác sĩ Phạm Biểu Tâm ghé hòn Nồm tham quan nghe bác kể lại chuyện sinh con ở đảo thật vô cùng vất vả và khó khăn, bác sĩ Tâm cảm động nên tận tình hướng dẫn bác về cách đỡ đẻ, cắt rốn và chăm sóc cháu bé sơ sinh phòng khi bất trắc. Nhờ vậy mà sau đó bác tự đỡ đẻ cho hai đứa được mẹ tròn con vuông, đứa nào cũng mạnh cùi cụi, sau nầy lớn lên bác lại dựng vợ gả chồng cho chúng cũng ngay trên hòn đảo nầy để rồi chúng tiếp tục sinh con đẻ cháu, biến hòn đảo hoang sơ trở thành một đại mái ấm gia đình, một “giang sơn” giữa trời nước mênh mông nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói tiếng cười. Mãi đến năm 1985, đường đi vẫn còn khó khăn trắc trở, một lần con gái đầu lòng của Bác chuyển bụng sinh con, cả nhà vội vả đưa qua trạm xá ở Hòn Lớn nhưng không kịp nên đứa bé phải cất tiếng khóc chào đời giữa biển khơi.

Năm 1982, thân phụ bác qua đời. Trước khi mất ông ấy đã để lại một di ngôn “Họ Vương không được rời bỏ hòn đảo nầy, con cháu hãy thương yêu, đùm bọc lấy nhau mà ra sức dựng xây cho đảo ngày càng trù phú. Nghề đánh bắt tuy không ai giàu ba họ nhưng cuộc sống lúc nào cũng bình yên, tránh được mọi sự đua chen, phiền não”. Từ di ngôn đó, bác Sáu đã hết lòng trông coi, gìn giữ, khẩn khai và di thực thêm một số loài cây ăn quả từ đất liền ra trồng như xoài, mít, cốc, ổi, hồng quân, mận, mảng cầu…nhiều nhất là dừa nên có người gọi hòn Nồm giữa là bãi Dừa. Nhưng nghề chủ yếu của gia đình bác vẫn là khai thác và đánh bắt hải sản.

Từ lời trăn trối của ông, những đứa cháu nội lúc nào cũng canh cánh bên lòng, nhất định chọn hòn Nồm giữa làm vùng “đất hứa” mà cô Vương Ngọc Thắm, người con gái đầu lòng là hình ảnh tiêu biểu nhất cho đàn em noi theo. Tại đây, người nào cũng quen với cuộc sống trùng khơi, có đứa lặn giỏi như rái cá. Nhưng để có được cái ăn cái mặc, tất cả phải chống chọi với bao khắc nghiệt, nắng cháy mưa ngàn, bệnh tật và tăm tối, nhất là những ngày mưa to gió lớn, có khi năm, sáu ngày mới vào bờ một lần.

Trong quá trình đánh bắt, bác Sáu ít khi khai thác xa bờ. Cho đến năm 1980, do thị trường tiêu thụ mạnh loại sò điệp nên bác chuyển sang nghề lặn biển săn tìm sò điệp và ngọc nữ vì đây là loài hai mảnh vỏ, nhiều người khai thác bán cho các nghệ nhân cần xà cừ nên giá trị kinh tế rất cao. Bác cho biết thời giá lúc bấy giờ, cứ 10 con sò điệp hoặc ngọc nữ tương đương với một chỉ vàng. Bản thân bác cũng nhờ lặn biển mà gia đình ngày càng khấm khá, xây thêm nhà mới và tu bổ tàu thuyền. Nhưng việc đời họa phúc không biết đâu mà lường, tai họa ập xuống không biết đâu mà đỡ. Năm 1987, trong lúc lặn xuống độ sâu 20 - 30 mét, do sức ép của nước làm cho lòng ngưc bị tức, khi ngoi lên khỏi mặt nước, bác cảm thấy mệt, khó thở, tay chân rả rời, cơn đau dữ dội từ ngực lan dần xuống tứ chi. Biết đây là hiện tượng tai biến nên người nhà vội đưa bác vào phòng cứu cấp ở bệnh viện Phú Quốc. Sau hơn một năm điều trị Tây y lẫn Đông y nhưng sức khỏe bác chỉ phục hồi khoảng 70 %. Cho tới nay hai chân vẫn còn khập khểnh và sức lực ngày càng suy yếu. Kể từ sự cố đó, bác đã giã từ nghề lặn biển, chuyển giao kinh nghiệm cho các con để dốc hết tâm lực vào việc trông nom, gìn giữ hòn đảo, trồng thêm thật nhiều cây ăn trái và phát triển đàn gia cầm để làm giàu cho bản thân và xã đảo..

NGƯỜI YÊU ĐẢO, ĐẢO TRẢ ƠN NGƯỜI

Hình như gia đình của bác Sáu đều có duyên nợ với đảo Trong số 9 người con, 6 gái, 3 trai đã có đến 6 người gắn chặt đời mình với biển. Còn lại, một cô gái lấy chồng bác sĩ, môt vô đất liền và con trai thứ bảy, tốt nghiệp đại học Tin học, hiện là chiến sĩ công an. Mặc dù trong sâu thẩm, bác cũng hiểu thế nào là cuộc sống “mặt biển chân mây”, thế nào là “ phá sơn lâm đâm hà bá”, một nghề “ ráo mái chèo là khô túi” nhưng bác vẫn một lòng yêu đảo yêu rừng. Vẫn biết rằng đàn bà đi biển, giữa trùng khơi sóng gió, nguy hiểm lúc nào cũng rình rập nhưng bác Sáu vẫn lấy làm tự hào về những người con của mình, nhất là cô Vuong Ngọc Thắm vừa khôn khéo bản lĩnh, vừa tài giỏi, siêng năng không ai bằng.

Các con của bác cũng có một khoảng trời mơ ước và những khao khát cháy bỏng về sự đổi đời, nhất là mong cho con cái được học hành nhưng cuối cùng họ vẫn bám đảo. Mặc dù sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ quần đảo Nam Du, gia đình bác Sáu có rất nhiều cơ hội để vượt biên ra nước ngoài nhưng bác vẫn nặng lòng với đảo, với quê hương. Không những vậy, các con của bác cũng từ chối lấy chồng giàu ở đất liền vì sau khi lập gia đình các cô sẽ phải theo chồng rời xa hòn Nồm. Cuối cùng bốn cô đều gã bắt rể..

Sau nhiều lần trò chuyện, chúng tôi vô cùng cảm phục và ngưỡng mộ bác Sáu Ánh, người đang giữ một kho tàng kinh nghiệm dân gian về biển cả vô cùng qúy giá. Bác chia sẻ: Lúc lặn dười đáy biển mà thấy lòng biển êm ru là thời tiết bình thường. Trái lại nếu áp tai vào những tảng san hô mà nghe âm thanh răn rắc (đá nổ) thì chắc chắn vài ngày sau sẽ có giông to gió lớn. Còn như ban đêm, nhin trời thấy sao sáng rực là trời yên bể lặng, còn sao nhấp nháy là điềm sẽ có gió mạnh. Ngoài ra, người đi biển có thể nhìn mặt biển, nhìn những rạn san hô hoặc nghe biển động mà đoán được “ý biển, lòng trời” và biết chỗ nào cá nhiều cá ít. Nhờ vậy mà bác và các con của bác biết lúc nào nên ra khơi, lúc nào không. Tất cả những kinh nghiệm đó đều bắt nguồn từ tri thức dân gian, từ trí tuệ sắc sảo của một ngư dân lam lũ, ít học mà có được. Thật đáng kinh!

Các người con của bác sinh ra và lớn lên từ đảo, lắng nghe từng hơi thở của đảo, môi trường xung quanh đều là ngư trường nên biển - đảo đối với họ đều là nhà, là chốn mưu sinh. Nhờ được bác truyền dạy kinh nghiệm ra khơi, đặc biệt là đánh bắt cá xanh xương nên con của bác đứa nào cũng tài giỏi, gan góc và lì lợm với gió núi mưa ngàn. Con trai con gái 12 tuổi đã biết chèo thuyền, vá lưới và bắt đầu làm quen với sóng gió. Từ bủa lưới, kéo lưới cho đến lặn hụp, sửa máy móc … thứ nào họ cũng quán xuyến, đặc biệt là phụ nữ, chưa có hình ảnh nào tuyệt vời bằng hình ảnh những cô gái tóc dài, khăn bịt mặt, ngồi lái tàu một cách tự tin hoặc nhảy xuống biển lặn một hơi dài rồi nổi lên như nàng tiên cá. Anh Tô Văn Vũ, rể của bác Sáu đã nức nở khen: Phụ nữ hòn Nồm ngoài biệt tài lặn hụp, đánh bắt còn có khả năng dự cảm thời tiết và nhạy cảm với sóng nước. Trong đó, cô con gái đầu lòng của bác là Vương Ngọc Thắm mới 7 tuổi đã theo cha đi câu mực, 15 tuổi đánh bắt cá xanh xương, trên 25 tuổi được người dân xứ đảo phong tặng là “sói biển” và là “nữ tướng” đánh bắt cá xanh xương. Người con gái thứ tư là Vương Mỹ Hồng cũng là những tay “sát thủ” cá xanh xương nổi tiếng ờ quần đảo Nam Du. Cá xanh xương là một loài cá mỏ nhọn giống như cá nhái, thân dài cả thước, rất hung dữ. Người dân ở đảo thường có lời thề “Ai gian lận, ai nói dối sẽ bị cá xanh xương phóng lòi ruột” là do xuất phát từ loài cá hung dữ nầy!

Trải qua hơn nửa thế kỷ chọn biển đảo làm quê hương, dòng họ Vương đã đương đầu với bao sóng gió, vui buồn khổ cưc để biến một hoang đảo trở thành nơi dừng chân lý tưởng của tàu thuyền và khách du lịch, đồng thời khoác lên mình hòn Nồm giữa một dáng vẻ mới, nổi bật là khu vườn và ngôi nhà đầy ấn tượng giữa một ốc đảo bình yên, một tổ ấm mà càng về già bác Sáu càng cảm thấy mãn nguyện. Có được ngày hôm nay chính là nhờ vào ý chí, nghị lực, tình yêu và khát vọng màu xanh của vợ chồng bác và các con các cháu.

Tại khu mộ song thân, bác đã khắc lên tường mấy dòng chữ “Thân phụ thương con đến đảo nầy. Khai sơn lập nghiệp nghỉ tại đây”. Và mỗi lần lên núi hái trái cây hoặc bẻ dừa bác đều xúc động nhớ đến công lao gầy dựng của cha“ Ngắm xem mồ mả mẹ cha/ Nghìn thu yên giấc xót xa trong lòng/ Nhớ xưa cha mẹ dày công/ Khai sơn lập nghiệp, hòn Nồm đảo hoang”.

Một lần ra thăm hòn Nồm, tiến sĩ Nguyễn Văn Thảnh cũng có làm mấy vần thơ tặng cho chủ đảo:

Một thuyền một cuốc một giang sơn
Khai khẩn hòn Nồm xã An Sơn …

Tuy là một ngư dân sống trên hoang đảo, lúc nào bác cũng bị nỗi cô đơn ám ảnh, nhưng giờ đây, mọi tiện nghi trong gia đình như tàu thuyền, máy móc và các phương tiện thông tin từ đất liền ra đảo như ra dio, ti ti, điện thoại cầm tay … đều đầy đủ nên bác cảm thấy vô cùng ấm áp không còn cô độc nữa.

Đến nay, hòn đảo hoang nầy đã có trên 25 thành viên sống quay quần bên nhau, cùng dốc hết tâm nguyện trông coi và phát triển, góp phần xây dựng quần đảo Nam Du ngày thêm tươi đẹp. Tuy đôi chân của Bác còn khập khiểng do hậu quả của những năm lặn hụp mưu sinh. Thế nhưng, mỗi lần đắm chìm vào hồi ức xa xăm, bác Sáu vẫn coi biển đảo như khúc ruột của chính mình, trong đó hòn Nồm giũa là máu thit, là kho tàng quý báu mà cụ thân sinh của bác và các thế hệ sau nầy đã đổ bao mồ hôi công sức để tạo dựng và giữ gìn như gìn vàng giữ ngọc.

Ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch UBND xã đảo An Sơn (quần đảo Nam Du) cho biết Hòn Nồm giữa tuy nằm giữa trùng khơi, cách Hòn Lớn, xã An Sơn khoảng 10 km nhưng nơi đó rất an ninh, người dân rất hiền lành chất phác. Bác Vương Ngọc Ánh là người có công khai phá và xây dựng hòn Nồm giữa từ một đảo hoang trở thành hòn đảo có nhiều tàu thuyền qua lại. Ngoài ra, bác Sáu Ánh còn là một ngư dân rất tốt bụng, tính tình hào phóng, mỗi lần có tàu thuyền du lịch ghé qua thăm bác đều ân cần đón tiếp, nhất là chính quyền địa phương, đội biên phòng, các nhà văn, nhà báo đến phỏng vấn bác cũng đều niềm nở như người thân trong gia đình. Do vậy mà ai cũng quý trọng bác, coi bác như một “lão ngư tri hải”, một nhân chứng lịch sử ở quần đảo Nam Du. Hy vọng trong tương lai, Hòn Nồm sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của các tàu thuyền du lịch trên vùng biển Tây Nam tổ quốc.

Tác giả bài viết: Mã số dự thi: 085