Miệt vườn cựa quậy, chuyển mình… Làm gì để cất cánh?

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

I. Từ trên máy bay nhìn xuống sông Cửu Long đúng là một con rồng chín đầu đang vươn mình ra biển đông (phần bụng và đuôi còn ẩn mình trên đất các nước bạn Campuchia, Lào, Thái Lan, Mianma và Trung Quốc…) xen giữa các khúc “Đầu Rồng” đó là các mảng xanh mút mắt cho ta cảm giác hình như chúng đang bồng bềnh rung rinh cùng sóng nước.

Chưa có kết luận chính xác tuổi của sông và vùng miệt vườn châu thổ này là bao nhiêu, nhưng chắc chắn “cuộc đời dâu bể” của nó cũng phải tính theo thế kỷ. Chỉ có điều dù bao nhiêu thế kỷ tuổi thì thời gian thụ động mặc cho thiên nhiên bồi đắp tạo dựng lấy đi, trả lại... cũng gần bằng tuổi nó được sinh ra... Cho đến những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, sông Cửu Long bắt đầu cựa quậy và rồi chuyển mình khá nhanh. Nhưng việc cựa quậy, chuyển mình này không phụ thuộc vào thiên nhiên mà chủ yếu là do con người sinh sống trong hoặc ngoài lưu vực của nó tạo nên.

II. Sự bùng nổ phát triển kinh tế của khu vực tiểu vùng Mê Công đã lôi cuốn dòng sông và cư dân tại đây chuyển mình nhanh chóng. Các dòng phụ, dòng chính trên thượng nguồn đã và đang bị chặn lại, đập thủy điện mọc nên. Dưới dòng sông tàu ghe hút cát khắp nơi, rừng đồi, vườn tược hai bên bị người dân thi nhau chặt phá, cày xới trồng cà phê, cao su, xoài, nhãn... cầu ngang sông xếp hàng lần lượt từ trên xuống dưới, mố trụ đứng chặn dòng... Luồng lạch đổi thay cá tôm náo loạn, cồn bãi nay lở, mai bồi... mọi biến đổi ở thượng nguồn sinh ra kéo dài suốt dọc đường gần 15000km đã đổ dồn và gây ảnh hưởng tới chín cửa đổ ra biển trên lãnh thổ nước ta.

Hơn mười ba triệu dân Việt sinh sống trên bồn địa châu thổ của “chín đoạn đầu rồng” sông Mê Công trong hơn hai mươi năm qua cũng góp phần không nhỏ làm thay đổi, chuyển mình, nơi cửa ngõ vùng đất chín rồng chảy ra Biển Đông, từ đó cuộc sống của chính họ đã chuyển dịch theo.

Đứng trên cầu Rạch Miễu ông Nguyễn Viết Cường (một cựu TNXP từ ngoài Bắc vô thăm Nam bộ sau hơn 30 năm giải phóng) nhìn xuống thành phố Mỹ Tho dưới chân cầu tấm tắc: “Đẹp như một bức tranh thủy mặc”.

Trên một chuyến máy bay từ Malaixia về Tp.HCM khi bay qua bầu trời Bến Tre - Tiền Giang nhìn qua cửa sổ máy bay thấy cây cầu Rạch Miễu băng 2 cồn, 3 nhánh sông chị Tâm (một hành khách) reo lên: “ôi quá đẹp, rõ bốn cồn Long - Lân - Quy - Phụng xanh rì và cầu dây văng băng ngang qua như dải lụa; Tp.Mỹ Tho mái ngói đỏ vàng, đúng là đẹp hơn tranh”.

Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có cầu Rạch Miễu mà còn có 2 cầu dây văng cao to dài rộng hơn đó là cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, song tôi muốn nói cây cầu Rạch Miễu trước vì nó là cây cầu hiện đại do người Việt Nam tự thiết kế và thi công thế kỷ 21. Vài ba năm nữa hai cầu lớn khác sẽ vượt sông Tiền và Sông Hậu đó là cầu Vàm Cống và cầu Sa Đéc mới phát lệnh khởi công tháng 9, tháng 10 vừa qua. Không chỉ có cầu, đường bê tông nhựa, quốc lộ 1, các quốc lộ 30, 80, 60... đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương... chẳng kém gì các highway ở Mỹ.

Cầu khỉ, cầu tre lắt lẻo đã và đang đi vào ký ức, nó sẽ chỉ tồn tại trong các khu bảo tồn như một chứng nhân lịch sử khai mở đất mấy trăm năm trước để khách du lịch thưởng ngoạn…

Trên đường ô tô, xe máy như mắc cửi, dưới sông tàu, sà lan nườm nượp nối đuôi xuôi dòng, chợ nổi trên sông, tàu, xuồng du lịch, khách Tây, khách Úc da trắng tóc vàng, vô tư mãn nguyện... máy ảnh, camera quay ngang chụp thẳng... Giữa cồn Long, Phụng, đàn ca tài tử ngân nga; kẹo dừa ngọt lịm tha thướt áo bà ba, vui như hội ngày nào cũng vậy.

Cụ Hai Canh hơn tám chục tuổi, tóc trắng như tơ, da hồng như táo chín, là một trong số ít người sinh sống lâu năm trên cồn Thái Sơn nói: “chưa bao giờ qua thấy quê mình yên bình nhộn nhịp, giàu có như bây giờ”. Cô giáo Đặng Minh Tri quê ngoài Hải Phòng vào Tiền Giang hội thảo tâm lý giáo dục rồi đi tour du lịch “khỏa chân trên nước sông Tiền, ăn trái cây Nam bộ, nghe nhạc tài tử phương Nam, bơi xuồng xuyên rạch trở về thế kỷ 17”... khi lên bờ đã tấm tắc “thật tuyệt vời, trên cả tuyệt vời, tôi sẽ rủ bạn đến đây chơi lần nữa”.

Cột mốc quốc gia thiêng liêng Đất Mũi nắng vàng rực rỡ bình minh, khách du lịch chen nhau cận kề chụp ảnh, trong rừng đước rừng trà lũ khỉ lông vàng lấp ló ngó nhìn tròn mắt.

Máy bay mang biểu tượng sen vàng thay nhau lên xuống đường băng Cà Mau Phú Quốc... mặt trời soi đỏ nước rừng tràm chim Đồng Tháp. Đèn điện khu dân cư vượt lũ như thành phố giữa Tháp Mười, Áo trắng quần xanh nhộn nhịp sân trường phổ thông rộn rã phượng hồng giữa vựa lúa vàng rực tam giác Long Xuyên. Thẳng tắp cánh cò dọc dài kênh sáng xalo. Nhà công tử Bạc Liêu tấp nập khách tây khách tàu cơm trưa đặc sản; miệt vườn Cửu Long điểm đến khách toàn cầu...

Nhà máy đóng tàu Đồng Tâm thuộc HTX Rạch Gầm (đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới) mỗi năm đóng mới hơn chục sà lan, sửa chữa hơn trăm sà lan tải trọng tới gần 2000 tấn, là cặp tàu sông lớn nhất Việt Nam được đóng ở trong nước cho đến lúc đó, điều mà sau ngày giải phóng 30/4/1975 chưa ai dám nghĩ đến. Ông Nguyễn Đức Hùng tuổi ngoài bốn mươi Giám đốc nhà máy cho biết “năm 2012 nhà máy của ông đã kéo trên 120 tàu, sà lan có cái trọng tải tới 1500 tấn lên sửa chữa bảo dưỡng, năm nay (2013) số lượng tàu được kéo sửa vẫn sẽ nhiều hơn một chút, dù nhà máy phải nghỉ hơn một tháng nâng cấp hệ thống triền đà với kinh phí trên 1 tỷ VND.

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975 cả đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 1 đoàn sà lan sắt hơn chục chiếc vận chuyển Colanke từ Kiên Lương về Thủ Đức, còn hầu hết là ghe vỏ gỗ trọng tải vài ba chục tấn, chiếc lớn nhất gọi là “ghe chài” chở được 250 tấn là to, thế mà chủ nó đã được phong là tư sản rồi. Còn bây giờ thì nếu thống kê đầy đủ có lẽ trên sông nước chín rồng phải có gần 50.000 sà lan tàu sắt các loại. Vào thời điểm sốt vận chuyển (năm 2005 - 2009) dòng sông Chợ Gạo đã tắc nghẹt 3 ngày vì quá tải ghe, tàu, sà lan... Ông Nguyễn Văn Mỹ thuyền trưởng lão thành của HTX Rạch Gầm nói: “cuộc đời gần 50 năm làm thuyền trưởng của tôi chưa bao giờ tàu thuyền sà lan ở quê mình nhiều và lớn như bây giờ.

Năm 1977 khi vào đến Đồng bằng sông Cửu Long tôi thầm nhủ “từ nay đời mình sẽ không sợ đói cơm nữa”, vì thấy hai bên quốc lộ số một bốn mùa xen kẽ có lúa chín nặng bông. Nhưng suốt thập kỷ 80 thế kỷ trước lúa ở đây có dư cũng chỉ đủ để đưa ra miền Bắc một năm cũng khoảng hơn triệu tấn. Còn bây giờ mỗi năm ngoài việc cung ứng đầy đủ cho các vùng thiếu gạo trong cả nước; gạo đồng bằng sông Cửu Long đã đi khắp bốn bể, năm châu, khối lượng năm sau cao hơn năm trước hàng trăm ngàn tấn. Tới năm 2012 con số xuất khẩu kỷ lục 7,2 triệu tấn gạo, năm 2013 chắc sẽ chẳng kém. Đầu thập niên 90 thế kỷ 20 nếu ai dám nghĩ tới Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới thì có thể sẽ bị mời đi “nhà thương chợ quán”. Vì vậy mới có câu “không có gì là không thể”.

Khi Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946) thì không ai dám nghĩ tám năm sau ta có “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”, năm 1960 cũng Bác Hồ yêu quý kêu gọi toàn dân đánh Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc thì ngay người có lòng tin cao nhất cũng chỉ biết “quyết hy sinh cho thống nhất nước nhà”, không ai dám nghĩ chỉ 15 năm sau, ngày 30/4/1975 xe tăng quân giải phóng ủi đổ cổng rào tiến vào Dinh Độc Lập giữa Sài Gòn. Non sông Việt Nam gần thế kỷ bị ngoại bang cắt chia cai trị được thu về một mối “bắc nam sum họp một nhà” Thật câu ngạn ngữ “không có gì là không thể” đã rất đúng với dân tộc Việt Nam.

Không chỉ gạo, cá basa, tôm xú đồng bằng sông Cửu đã bay sang tận Tây Âu, Bắc Mỹ; nó không chỉ làm cho bữa cơm của loài người thêm khẩu vị mà còn làm cho bao nhiêu tỷ phú đại gia thế giới phương tây đau đầu nhức óc, kiện lên, kiện xuống vì bị hàng Việt chiếm mất thị phần ngay trên nước họ. Hàng trăm anh hai, chị ba chân đất áo bà ba từ sình lầy miệt vườn châu thổ lên máy bay sang tận đất Âu, đất Úc, châu Mỹ, châu Phi tổ chức thị trường, cung cấp cá tôm, dưa, cà, mắm, muối. Mà khối lượng đâu có ít, con số triệu tấn mỗi năm cũng đã lạc hậu rồi.

Bà Nguyễn Thị Ánh, ông Lê Văn Đạo chủ nhà máy chế biến thủy sản ở Tiền Giang mới ngày nào là du kích trong chiến khu Đồng Tháp, thanh niên nơi rừng tràm, rừng đước... vậy mà bây giờ hộ chiếu của họ có dán hàng chục vida các nước, đóng dấu cả trăm lần nhập cảnh, xuất cảnh quốc gia khắp năm Châu. Mấy ai nghĩ tới những chuyện này sau ngày giải phóng?

Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân được giao nhiệm vụ xây dựng trường đại học Cần Thơ sau ngày giải phóng đã từng mơ một Trường bách khoa cho cả đồng bằng, nhưng chưa hết đời ông đã chiến kiến ông không chỉ ở Cần Thơ mà tất cả 13 tỉnh thành miệt vườn quê ông đều có trường đại học, cao đẳng quy mô hàng nghìn sinh viên đều là con em của các “ông già miệt vườn Nam Bộ” chỉ biết “đong lúa bằng dạ chứ không đong lúa bằng chữ”.

Một buổi sáng đầu thu đẹp trời năm 2013 tôi thật ngạc nhiên và tự hào khi vào các siêu thị nổi tiếng ở Califolia (Hoa Kỳ) bắt gặp ở các quầy hàng tự chọn, hàng chục, hàng trăm sản phẩm có xuất xứ Made in Việt Nam: từ bánh tráng đến nước mắm, từ cà phê đến gạo trắng, từ bánh kẹo đến mắm ruốc, cá, tôm đông lạnh bún khô... đa số sản xuất tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau... nhìn cứ hoa cả mắt, và tràn ngập niềm tin xúc động trong tim. Ông Trần Triệu Cung một Việt Kiều sống tại Lilte Sài Gòn in cho biết: “bây giờ ở đây không thiếu thực phẩm của Việt Nam, không những mình muốn ăn là có mà còn tự hào thấy dân mình, nước mình cũng tài giỏi, sản xuất nhiều sản phẩm đạt chất lượng quốc tế”.

Có được sản phẩm tốt, phải có công ty nhà máy; tất nhiên công ty nhà máy phải có các ông bà chủ hầu hết họ không phải là cán bộ “quốc doanh” mà là Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc công ty của riêng họ hay của cả bà con bạn bè. Không thể không tự hào đồng bằng sông Cửu Long đã có đội ngũ Doanh nhân (Chủ tịch, Giám đốc) đông đảo tới trên dưới 50.000 người ấy là chưa kể các Giám đốc tương lai hiện đang là các chủ cửa hàng, cửa tiệm tư nhân tạm tính gần 200.000 hộ; đó là một “đội quân xung kích thời bình” hùng hậu, họ đi đầu trong công cuộc kiến quốc hùng cường; trước hết họ đang làm cho xứ sở chín Rồng chuyển động, vươn lên.

Dù rằng không ít Chủ tịch, Giám đốc từ “chân đất đi thẳng lên máy bay”, nhưng hiện họ đang tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết của một ông chủ công ty hiện đại, đồng thời trong số họ cũng có không ít người đã và đang trang bị cho người kế nghiệp đủ tri thức quản lý kinh doanh ở các trường cao đẳng, đại học trong nước, thậm chí ở tận xứ sở tiên tiến như Mỹ, Úc, Tây Âu...

Ông Võ Hùng Dũng Chủ tịch VCCI Cần Thơ nhân ngày doanh nhân Việt Nam (3/10) năm 2012 đã nói đại ý: “đội ngũ doanh nhân đồng bằng sông Cửu Long rất đông đảo và đa dạng có nam, nữ, đủ lứa tuổi, ngành nghề, có đại gia tầm cỡ quốc gia, gần đây khá nhiều người có trình độ đại học”.

Không chỉ các ông bà chủ doanh nghiệp, các thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá... mà hàng ngày thật dễ dàng bắt gặp nhiều cha mẹ đưa đón con đông nghẹt trước các trung tâm Anh, Pháp ngữ. Họ chia sẻ với người viết rằng: “cố gắng cho con cái có đủ trình độ đi du học nước ngoài”, để sau này “đổi đời” “lên đời”; không ai chịu xài mãi “modem cũ”.

Bạn bè bảo tôi là người lạc quan hơn thời cuộc, nhưng tôi không bao giờ cho là như vậy. Tôi là người nhìn trước nhìn sau, nhìn xa so sánh đúng đối tượng và luôn tin tưởng vào dân tộc Việt Nam nói chung và người dân sống quanh tôi. Tôi tin họ sẽ làm nên những huyền thoại mới, cũng như trong thế kỷ 20 họ đã làm ra các huyền thoại khiến thế giới phải kính cẩn nghiêng mình cảm phục.

Chín đầu rồng chuyên chở phù sa ngọt mát sinh nhân kiệt, địa linh mang gió tây nam trong lành nuôi dưỡng con người, cây cỏ miệt vườn châu thổ phương nam. Nước ngọt thuận dòng, gió lành rộng lối, phong thủy thông sinh, làm lá xanh, hoa nở, trái đậu oằn cành, học hành thông minh. Đã có lớp người mới không mặc áo bà ba mà là áo thun, quần Jean tóc ngắn giày adidas xuất hiện ngày càng nhiều tại đây. Nhưng nếu tiếp xúc với họ lâu bạn sẽ thấy chất phù sa sông Cửu Long vẫn đậm sâu trong máu của họ. Chất hào sảng của những người đi mở đất vẫn còn đó trong mỗi hành động cử chỉ, khi cần là họ ra tay.

III. Trong quá trình cựa mình chuyển động làm nên huyền thoại trong mơ của người dân thì đây đó ở mỗi Ấp, mỗi nhà trong vùng sông nước miệt vườn vẫn còn đó những điều làm ta trăn trở suy tư.

Cơn lốc kiếm tiền để “đổi đời” làm “huyền thoại” không chỉ biến hàng ngàn lão nông tri điền chân đất trở thành tỷ phú, đại gia mà nó cũng làm một bộ phận con người ở đây ngộ nhận “giá trị cuộc sống chỉ là đồng tiền”. Do đó không thể không day dứt khi ta bắt gặp hàng ngàn bạn nữ bỏ học ngang sương, lấy chồng ngoại, đi làm matxa, mại dâm... sao cho trong thời gian ngắn nhất thu được tiền nhiều nhất để nhuộm tóc vàng, mua hàng hiệu, vòng vàng đeo loảng xoảng, đem tiền về “cho mẹ” lên mặt với xóm nghèo... họ không hề tính toán chút nào cho tương lai khi thời gian còn xa vời vợi. Cũng có không thiếu những người tự vừa lòng với cuộc sống “cơm no áo lành học hành làm chi” sáng say chiều sỉn, để đời mình tự lùi lại phía sau.

Trời đất sông nước Cửu Long ban cho cư dân nơi đây nhiều ưu ái, song sự ưu ái không hề tăng lên hàng năm; ngược lại con người thì phát triển không ngừng, cùng với việc hội nhập quốc tế, trào lưu tiêu dùng hiện đại, cưỡng bức thiên nhiên phục vụ sự xa hoa vô lối của mình, làm tổn hại nhanh chóng đến thiên nhiên. Tốc độ xâm hại làm mất cân bằng giữa người và cỏ cây, đất, nước do đấng tạo hóa sinh ra đang là một nguy cơ khôn lường.

Nền kinh tế mở cửa hội nhập quốc tế, đã đón rước thêm những người có kinh nghiệm công phá thiên nhiên làm giàu vô lối cho riêng họ ở các nước hiện đại vào, chung tay góp công nghệ cùng ép buộc, tàn phá thiên nhiên vốn bao dung hào phóng, tươi đẹp dễ thương càng nhanh chóng làm suy tàn kiệt quệ miệt vườn châu thổ là điều có thể đoán trước.

Có nhiều yếu tố bên ngoài, bên trên tác động vào vùng đất, cư dân nơi mảnh đất Chín Rồng vốn được cấu tạo là “vùng chũng, vùng xa” như sự ngập ngụa do biến đổi khí hậu, thay đổi bề mặt bưng biền để xây dựng công trình... tác động vào dòng chảy của sông do các công trình, cầu cống, đô thị hóa đất vườn, đất ruộng, thay đổi chủng loại và quy mô nuôi trồng cây, con... (do mặt trái của sự phát triển tạo nên) làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên vốn có, thay đổi phong thủy, làm ô nhiễm nước, khí... Vì vậy cùng với sự vận động của cư dân theo xu hướng vì cộng đồng xã hội, ngoài ý chí tự thân làm cho khu vực chuyển mình, thì đi cùng với nó cần phải có những tính toán không để hậu quả xấu xảy ra, rồi mai đây lại phải mất thời gian tiền bạc, công sức chỉnh sửa khắc phục hậu quả như các vùng, nước khác đang trả giá.

Rồi nữa, nếu không sớm định vị được vị trí chủ nhân ông của miệt vườn châu thổ phương nam, không sớm nhận ra quyền lợi và nghĩa vụ của mình và học tập nâng cao tri thức công nghệ, khai thác vùng với vun bồi bổ dưỡng để những “vật báu trời cho” không chỉ phục vụ cho mình mà đời đời con cháu còn được hưởng.

IV. Thiên nhiên dù hào phóng đến đâu thì cũng có giới hạn, con người dù tài ba đến đâu cũng có điểm yếu của mình, lòng tham lam, thói ích kỷ, ỷ lại luôn trì kéo sự vươn lên dù theo bản năng hay ý chí. Do đó muốn thắng lợi ở bên ngoài thì trước tiên phải thắng chính mình trước đã. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, tiếng thơm hào sảng, phóng khoáng, dũng cảm của người dân đất phương Nam thời xưa còn đó, nhưng thời thế đổi thay, dũng cảm, hào sảng, phóng khoáng, bao dung không đủ để chúng ta đi tiếp cuộc hành trình tiến lên phía trước. Chúng ta cần, rất cần và chỉ có khoa học công nghệ, trí tuệ văn hóa cùng song hành thì mới có thể làm cho sự chuyển mình của vùng sông nước Cửu Long chuyển động tăng tốc và cất cánh bay cao.

Không ai làm hộ ta chuyện lớn, nếu không phải chính mình. Người khác có thể giúp mình nhưng trước hết mình phải dám nghĩ dám làm cái đã.

Dám mạo hiểm, thích làm giàu, làm lớn đó là tố chất trong hầu hết người dân sông nước miệt vườn; đây chính là tiền đề của một doanh nhân, một ông chủ. Hãy nuôi dưỡng và phát huy tố chất quý báu này; nhưng sẽ rất tốt và xác xuất thành công sẽ rất cao nếu cùng với nó là tri thức cơ bản của kinh tế thị trường hiện đại, nền kinh tế mở cửa toàn cầu.

Không bao giờ và không đất nước nào, tất cả mọi người đều có thể làm chủ doanh nghiệp; nhưng mọi người đều có thể làm chủ bản thân mình; và khi đó thì sự thành đạt, thành đạt trong cuộc sống hiện đại đã cầm chắc 80% rồi.

Đất, nước, cư dân nơi nào cũng sinh trưởng và hòa quyện với nhau. Từ đó biết cách nương tựa vào nhau, làm lợi cho nhau khắc phục những điểm yếu của nhau; có thế mới cùng tồn tại và phát triển. Đi ngược lại nguyên tắc này tất sẽ sinh ra hủy diệt sự cân bằng đó.

Hơn ai hết, hơn mười ba triệu cư dân trên vùng miệt vườn châu thổ Cửu Long không chỉ phải biết và cần làm những việc sao cho sức mạnh của con người và thiên nhiên luôn được tăng tiến phát triển, để không ngừng lớn mạnh trường tồn.

Cựa quậy rồi chuyển mình, chỉ trong vài thập kỷ, từ thiên nhiên, hạ tầng cơ sở đến con người... bộ mặt miệt vườn châu thổ Phương Nam đất nước, đã có bước tiến khá dài, nó đã đặt định nền móng cho nền kinh tế xã hội hiện đại trong tương lai. Đi cùng với nó cũng xuất hiện những mảng tối, những suy thoái làm tổn hại đến không chỉ thiên nhiên hiền hòa phong phú cân bằng đầy sức sống mà đến cả suy nghĩ, tâm tư tình cảm của người dân vốn bao dung hào sảng hiền lành đáng yêu “chỉ gặp một lần đã làm cho đất ngả trời nghiêng” cư ngụ nơi đấy.

Đó chính là những câu hỏi, những đáp số không chỉ người dân miệt vườn châu thổ Phương Nam cần tìm, mà lãnh đạo các cấp, các ngành từ địa phương đến trung ương, cần nghiên cứu, hoạch định, tìm ra những con số, đáp án trả lời sao cho hoàn hảo nhất để đất chín Rồng rũ bỏ bùn cất cánh bay cao.