Làm gì để ngư dân Tiền Giang vững vàng tiến ra đánh bắt xa khơi?

Tiền Giang có bờ biển dài 32 km với nhiều tiềm năng kinh tế đã và đang cần sự đầu tư, khai thác hiệu quả và một trong những tiềm năng đó là khai thác, đánh bắt hải sản. Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn như giá nguyên liệu tăng cao, an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp nhưng đối với những ngư dân ở xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông), phường Tân Long (TP. Mỹ Tho) việc bám biển đánh bắt hải sản không chỉ để kiếm sống, đó còn là cách khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Và để giúp ngư dân vững tâm hướng ra biển lớn, các ngành chức năng đã và đang có những chính sách hỗ trợ để luôn là người bạn đồng hành với ngư dân.

Bất chấp sóng to, gió lớn và hiểm nguy rình rập từ tàu lạ, ngư dân Gò Công vừa có chuyến ra khơi đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trở về với những chuyến tàu đầy ắp cá. Từ chuyến đi thắng lớn này, bà con đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo trong một ngày gần đây. Sự hiện diện của ngư dân trên các vùng biển, đảo của nước ta không chỉ là gìn giữ và phát huy nghề tổ truyền và trên hết là tinh thần ra khơi khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Chúng tôi đến làng biển tại ấp xóm Lăng của xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông) vào một ngày nhiều đoàn tàu đánh bắt đang chuẩn bị ra khơi để bắt đầu chuyến đánh bắt dài ngày trên biển. Đây là một trong hai làng biển của tỉnh (làng biển Tân Long, TP. Mỹ Tho) có đoàn tàu đánh bắt xa khơi ở thềm lục địa phía Nam, vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc.

Cả làng biển ấp xóm Lăng nhộn nhịp với cảnh ngư dân vá lưới, vận chuyển lương thực xuống tàu với cảnh hàng chục can dầu được chất lên thành tàu, hàng trăm cây đá lạnh được chuyển xuống hầm tàu để ướp cá…

Trong không khí làm việc hối hả, khẩn trương nhưng các thuyền viên (hay còn gọi là bạn ghe như trước đây) đều náo nức, phấn khởi trước chuyến đánh bắt thành công vừa rồi và chuẩn bị cho chuyến đi mới. Tiếng cười nói vui vẻ làm xôn xao cả một khu vực tàu cập bến ở ấp Lăng của xã Tân Phước, nơi có miễu thờ Nam Hải Đại tướng quân, đây cũng là nơi diễn ra lễ hội cúng Ông như thông lệ Nghinh Ông ở Vàm Láng (diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm) nhưng ở Tân Phước là diễn ra vào ngày 14 đến 16 tháng 5 âm lịch vì đây là thời gian mà đoàn tàu đánh bắt từ thềm lục địa phía Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trở về.

v
Tàu chuẩn bị hậu cần trước khi ra khơi.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (42 tuổi, ấp Lăng), là thuyền trưởng tàu TG 92935TS, đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào rạng sáng ngày mai, trong đó có lễ cúng bến trước khi ra khơi như thông lệ. Các chủ tàu đều chuẩn bị cho lễ cúng bến trước khi ra khơi đánh bắt theo thông lệ của người đi biển.

Cúng bến là một nghi lễ không thể thiếu được trước khi đoàn tàu khởi hành. Chủ tàu chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn gồm heo quay, xôi đậu, cháo vịt… để cúng bến với niềm hy vọng một chuyến đánh bắt được xuôi chèo mát mái, cầu mong thuận buồm xuôi gió, ngư trường nhiều hải sản để tàu trở về đầy ắp cá.

Sau lễ cúng là phần dự tiệc, giao lưu của các thuyền viên ở các tàu; thân nhân của thuyền viên hoặc các chủ tàu đều lần lượt thay phiên đến các tàu để chúc nhau chuyến ra khơi thuận lợi và trúng biển (trúng cá). Bữa tiệc liên hoan trên tàu của anh Tuấn cũng như các tàu khác đều tràn ngập không khí vui vẻ, háo hức của các thuyền viên.

Chúng tôi bắt gặp nét hân hoan trên mặt rắn rỏi, sạm nắng rắn chắc của những ngư phủ quanh năm bám biển cùng câu chuyện rôm rả về chuyện trúng đậm của chuyến đánh bắt vừa trở về. Anh Nguyễn Văn Định (ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông), chủ tàu TG 93639TS có công suất 200 mã lực vừa trở về sau chuyến đánh bắt gần 4 tháng ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa cho biết, cả đoàn tàu đánh bắt xa khơi của ấp Lăng ra khơi chuyến vừa rồi thắng đậm. Trung bình mỗi tàu đánh bắt được từ 15-16 tấn cá mú, cá tráp, cá chẽm, cá thiều… được bán với giá từ 45-50 ngàn đồng/kg. Mỗi thuyền viên trên tàu được chia khoảng 20-25 triệu đồng cho chuyến đi vừa qua.

Cả làng biển ấp Lăng và những ấp lân cận của xã Tân Phước đã có gần 90% cư dân là ngư phủ vì đây là nơi duy nhất tồn tại làng nghề đánh bắt xa khơi lâu đời nhất ở Gò Công. Tại ấp Lăng có dòng họ Nguyễn đã bốn đời đi biển với nghề đánh bắt xa bờ, nổi tiếng với nghề câu lưới rê.

Ông Nguyễn Văn Ru (67 tuổi, ấp Lăng), được xem là người đầu tiên tiến ra Trường Sa để đánh bắt hải sản từ thời thanh niên. Dù đã qua tuổi lục tuần nhưng tiếng nói của lão ngư này vẫn còn sang sảng đúng nghĩa theo thể trạng khỏe mạnh của người đi biển.

Lão ngư phủ kể lại: Thời bấy giờ cả tỉnh chỉ có 6 chiếc tàu, trong đó có 2 chiếc là của gia đình tui, tiến ra ngư trường ở Trường Sa để đánh bắt. Mỗi chuyến đi lúc bấy giờ mất khoảng 1,5 tháng. Để ra đến Trường Sa, cụ thể là ra đến đảo Nam Yết, tui phải dùng la bàn để định hướng, sau đó đến máy định vị mà lúc đó chỉ toàn là tiếng Anh nhưng cũng phải mày mò học cả tháng để sử dụng. “Lúc đó ngoài vùng biển này cá nhiều lắm, toàn cá lớn, mỗi chuyến đánh bắt được khoảng 15-20 tấn/tháng”, bác Ru kể lại.

Còn ông Nguyễn Văn Lưu, 65 tuổi, đi biển từ năm 17 tuổi kể thêm về niềm đam mê khi trúng luồng cá lớn khi đánh bắt ở Trường Sa: Có một lần đi trong tháng 3 đến tháng 4 về nhưng chỉ trong tuần lễ đầu khi ra đến vùng biển đánh bắt đã bắt được 1.000 con cá gộc, cá đường có trọng lượng 9-10 kg/con.

Mỗi buổi chiều sau khi thả lưới, mọi người trên tàu nhìn xuống mặt nước biển và khi thấy cá dính lưới, đặc biệt là khi gặp đàn cá đường (dài cả sải tay) hội tụ, kêu “éc éc” là kéo lưới quên cả mệt, thậm chí bỏ cả cơm chiều. Lúc bấy giờ bong bóng cá đường rất đắt, mỗi kg (5 cái bong bóng) bán được gần ½ cây vàng nên khi gặp luồng cá đường nhiều, bạn ghe lúc này chỉ kéo lên, xẻ lấy bong bóng rồi bỏ thịt vì ghe có trọng tải nhỏ, không đủ sức chứa…

Bác Ru khẳng định, “bây giờ lớn tuổi rồi nên để cho mấy đứa con tiếp tục lái tàu cùng “bạn” ra khơi đánh bắt hải sản trên vùng biển của nước nhà; đây cũng là cách để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển”.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông cho biết: Toàn huyện có 701 phương tiện khai thác hải sản, chủ yếu là đánh bắt xa bờ với sản lượng hàng năm đạt khoảng 30.000 tấn, riêng trong năm 2013 đạt 36.950 tấn.

Nỗ lực vươn ra ra các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa… của ngư dân Gò Công bên cạnh việc góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương còn thúc đẩy phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá truyền thống của huyện nhà cũng như góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tác giả bài viết: N.Hữu - P.Mai

Nguồn tin: Ấp Bắc