Đời lũ: Những "cánh vạc" đêm (kỳ 01)

Lũ (mùa nước nổi) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là mùa mưu sinh của người dân nghèo vùng sông nước. Có người gắn gần cả cuộc đời kiếm sống với bao nhiêu mùa lũ đến rồi đi. Cái nghề “bà cậu” bạc bẻo, thăng trầm ấy vậy mà cũng “cha truyền, con nối”, nhưng ba đời vẫn khó nghèo. Họ cũng nổi trôi như con nước lũ, chỉ đi qua chứ không bao giờ dừng lại một chốn nào.
Gió thốc mạnh từng cơn tê tái, mưa rát cả mặt, mưa như trút nước nhưng anh Linh vẫn lưng trần lao mình xuống dòng nước lạnh buốt đến thấu thịt da để kéo lưới. Chút ánh sáng le lói từ chiếc đèn pha trên đỉnh đầu Linh như lạc lỏng giữa chơi vơi, xung quanh một mầu tối đen như mực.


Ghe xuồng đánh lưới bao trong đêm chuẩn bị xuất hành từ bờ kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Nhọc nhằn mưu sinh

Ánh chiều buông những tia nắng cuối cùng trên cánh đồng ngập lũ cặp dòng kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nhiều xuồng ghe đi đánh lưới đêm đang chộn rộn chuẩn bị xuất hành. Trong hơn chục ghe xuồng đang lục đục chuẩn bị câu lưới cho chuyến “ăn đêm” thì chỉ có hai ghe chài chuyên đánh lưới bao vào ban đêm. Nhiều người cho biết nghề này vô cùng vất vả và đòi hỏi phải có đến năm bảy người sức khỏe dẻo dai mới làm được. Vì thế rất ít người chọn nghề đánh lưới bao, chỉ có những gia đình có đông người mà lại ít xuồng ghe mới tập họp thành một nhóm để hành nghề. Phải nài nỉ ỉ ôi tôi mới được anh Nguyễn Văn Nam, “thủ lĩnh” nhóm đánh lưới bao trong đêm ở đây đồng ý cho theo ghe.

Anh Nam phân trần: “Hỏng phải tui ích kỷ, tại đánh lưới ban đêm cực khổ, nguy hiểm dữ dằn. Mà ông phải biết lội (bơi) tui mới cho theo ghe, chứ đêm hôm giữa đồng lũ bao la như cái biển, trời tối đen như mực biết đâu tìm kiếm”. Bấy nhiêu điều kiện đặt ra, tôi đầu gật đầu ưng thuận, Nam mới yên lòng. Kêu vợ dọn cơm cho tôi cùng ăn “dằn bụng” để đủ sức thức cùng đoàn thâu đêm suốt sáng. Ăn cơm xong, chị Lẹ, vợ Nam mang lỉnh khỉnh đồ đạc xuống chiếc che chài đang đậu dưới bến, trong đó có cả nồi cơm và mẻ cá kho khi nãy còn ăn dở. Khi công việc chuẩn bị hoàn tất cũng là lúc màn đêm buông xuống tràn ngập cánh đồng ngập lũ. Nam thúc giục mọi người xuống ghe do anh cầm lái dong ra giữa cánh đồng như biển nước mênh mông. Bóng đêm làm tôi mất phương hướng, chỉ thấy thấp thoáng những rặng cây lù lù nổi lên trên mặt nước qua ánh đèn pha do Nguyễn Văn Út, một thành viên đánh lưới mang trên đầu. Tiếng máy đuôi tôm tành tạch nổ giòn đều rồi lại mất hút giữa màn đêm tĩnh mịt. Ngó lên bầu trời chỉ còn một vài vì sao cuối cùng le lói, tôi tưởng tượng như một chiếc chảo mầu đen khổng lồ treo lơ lửng trên đầu. Trên đồng vắng không một bóng người, thi thoảng xa xa có tiếng cuốc gọi bầy nghe não nuột.


Nghề đánh lưới bao trong đêm vô cùng vất vả.
 
Đã hơn một giờ đồng hồ nổ máy kể từ điểm xuất phát, anh Nam ước chừng đã vượt hơn 15 cây số (km) trên đồng lũ. Chạy thêm một quãng nữa, sau khi chọn được vị trí, Nam cho ghe dừng lại rồi chỉ huy mọi người bắt đầu thả lưới. Lúc này, chiếc ghe nhỏ đi cùng đã tách ra mang theo đầu lưới bên kia. Chiếc ghe chài lớn trụ lại một chỗ, hai người trên ghe là chị Lẹ và Nguyễn Anh Linh, em trai của anh Nam thoăn thoắt tay xổ lưới để chiếc ghe kia do Nguyễn Văn Út nổ máy kholler kéo lưới chạy thành hình vòng cung. Linh vừa tuồn lưới vừa giải thích: “Lưới làm bằng loại cước nhuyễn, mỗi luồng lưới này dài đến 120m, dạo sâu đến 3m, tùng (bụng lưới) hơn 1m nên khi đánh lưới được kéo ra rất xa rồi ghe kéo lại thành vòng cung, có khi thành hình tròn nên được gọi là lưới bao. Khi hai đầu lưới được kéo về cùng một chỗ trên chiếc ghe chài lớn thì bắt đầu kéo lưới”. Gió thốc mạnh từng cơn tê tái, rát cả mặt người. Bất kể cái lạnh của màn đêm trên đồng trống, Linh lưng trần nhảy bổ xuống nước men theo viền vào bên trong bụng lưới. Út vừa kéo lưới, vừa nói: “Linh phải trầm mình dưới nước có khi hơn một tiếng đồng hồ kéo hai viền lưới lại gần nhau để cá không thể thoát ra ngoài. Chỉ khi những người trên ghe kéo toàn bộ tay lưới lên xuồng thì nhiệm vụ của Linh mới được hoàn thành”. Quả thật, sau cả giờ hì hụt kéo lưới, cả tay lưới dài thậm thượt mới được kéo hết lên ghe, chỉ còn lại “bụng lưới” to cỡ cái thùng phuy chứa cá, cua lẫn rác và rong rêu tạp nhạp. Linh trèo vội lên ghe, bật lửa đốt ngay điếu thuốc rít liên tục mấy hơi liền cho đỡ lạnh. Chị Lẹ lấy rổ xúc lấy xúc để những gì còn lại trong bụng lưới nhưng cũng chỉ có chừng hơn 5 kg cá, cua đủ loại… Mẻ lưới đầu tiên kết thúc, nhưng có vẻ như  chuyến “ăn đêm” không mấy tốt, cua cá lưa thưa, ít ỏi. “Cái nghề “bà cậu”, bữa trúng bữa thất là chuyện bình thường. Mà có thất cũng phải đi, chứ không thì lấy đâu tiền chạy gạo”, giọng chị Lẹ buồn buồn.


Và phải đối mặt với sóng to, gió lớn, mưa bão ập tới bất ngờ.


Đối mặt hiểm nguy

Anh Nam tiếp tục cầm lái dong ghe đi trong đêm tối. Tiếng gió thốc ù ù bên tai lấn át cả lời tâm sự nghẹn lòng của những “cánh vạc” đêm cần mẫn. Cằm tôi rung lập cập, cứ liên tục đánh vào nhau. Tôi ngồi co rúm lại nhưng vẫn nghe lạnh buốt, tái tê da thịt. Nhưng với những kẻ “ăn đêm” như Nam, Linh, Út và chị Lẹ thì cái lạnh ấy có hề gì. Bởi với họ cái đáng sợ, tê buốt hơn chính là miếng cơm manh áo, nếu lũ trẻ không được đến trường. Càng về khuya sương rơi càng nặng hạt, cái lạnh đã thấm sâu vào từng thớ thịt mỗi người. Tiếng máy đuôi tôm bỗng dưng trả về mức ga leng-ti rồi tắt hẳn. Linh và Út biết đây là nơi đánh mẻ lưới thứ hai. Cả luồng lưới dài thậm thượt được thả xuống cánh đồng nước lũ. Mỗi người một vị trí, một nhiệm vụ cố định nên tất cả đều thoăn thoắt đôi tay không vướng víu. Nhanh tay xổ lưới xuống nước, khi cả luồng lưới dài tạo nên hình bán nguyệt thì họ lại phải dùng hết sức kéo trở lên ghe. Linh lại lao mình xuống dòng nước lạnh, trầm dưới đó gần cả tiếng đồng hồ. Mẻ lưới này khá hơn lượt đánh đầu tiên, cái bìu lưới kéo lên nặng trịch. “Mười mấy hai chục ký cá à nghen”, giọng anh Nam phấn khởi như khích lệ cả đoàn.


Mặc dù cần mẫn miệt mài lao động như những “cánh vạc” đêm nhưng thu nhập người đánh lưới rất thấp.

Sau mẻ lưới thứ hai kha khá, mọi người trên ghe mới thở phào nhẹ nhõm, nếu không coi như lỗ nặng tiền xăng, công lao động cả đêm dài coi như đổ sông, đổ biển. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của họ là lúc bày vội nồi cơm và mẻ cá kho ra vạc ghe ăn đỡ đói. Ăn xong, mỗi người đốt một điếu thuốc lá rồi phì phà nhả khói để “chống” cái lạnh thấu xương. “Ông thấy đánh lưới bao ban đêm cực khổ ghê không. Cho nên, đâu có ai làm cái nghề gian khổ này ngoài những người nghèo rớt mồng tơi như tụi tui”, anh Nam nói nửa như phân trần nửa như trách than số phận.

Theo anh Nam, thường thì có từ ba đến năm mẻ lưới bao được đánh trong đêm. Tùy vào luồng cá và con nước, nếu đúng con nước có cá đi thì chỉ cần ba mẻ lưới đã đủ sống rồi. Nhưng đêm nay “bà cậu” không hào phóng như trước nữa. Anh Nam quyết định đánh mẻ lưới thứ ba để kịp “chạy bão” giữa đồng. Chị Lẹ có phần lo ngại trước quyết định liều lĩnh của chồng. Vì lúc này cả bầu trời đã trở nên xám xịt khói đèn, dấu hiệu trời sắp nổi mưa giông. Lo là vậy nhưng nghĩ tới lũ trẻ con ở nhà, hủ gạo đã vơi tận đáy, họ lại quên hết mọi thứ đang sắp diễn ra xung quanh. Quả thật, khi hai viền lưới chưa kịp giáp với nhau thì mưa bắt đầu ập tới. Mọi người trên ghe phải cố hết sức kéo và kéo lưới thật nhanh. Anh Linh vẫn lưng trần trầm mình dưới nước, dầm gần suốt cơn mưa. Mưa mỗi lúc càng nặng hạt, mưa như trút nước khiến chút ánh sáng nhỏ nhoi từ ánh đèn pha trên đầu của Út và Linh nhạt nhòe. Mẻ lưới “chạy bão” nên mọi người không còn quan tâm được bao nhiêu cá.

Trong bóng tối, tôi vẫn nhìn thấy những ngọn sóng “bỏ vòi” trắng xóa dồn dập vây lấy chiếc ghe chài. Anh Nam lại nổ máy, lao đi vội vã nhắm hướng rặng cây lù lù phía trước thẳng tiến. Linh nói, nghề đánh lưới đêm sợ nhất là gặp mưa to gió lớn giữa đồng. Khi cuồng phong trỗi dậy thì cả cánh đồng lũ hiền hòa bỗng trở nên hung tợn với những con sóng cao lừng lửng. “Có khi phải “bỏ của chạy lấy người”, nếu không thì chỉ cần một vài con sóng đã có thể nhấn chìm chiếc ghe chài. Khi đó, giữa đồng không có nơi bám víu, tính mạng cũng khó giữ, chứ nói gì đến lưới chài mà tiếc. Làm cái nghề “đâm hà bá” này thì đủ ăn đã là mừng, nhưng mỗi lần bị chìm ghe thì coi như vướng nợ vì phải vay hỏi tiền sắm dàn lưới mới”, Linh bộc bạch.

Như một thủy thủ lành nghề, không la bàn, không một công cụ định vị hỗ trợ, anh Nam vẫn lèo lái chiếc ghe khỉnh lưới, cá, người quay về nơi xuất phát. Cái chợ chồm hỏm ngay chân cầu Tha La lúc này cũng bắt đầu nhóm họp chờ mua cá của những người đánh bắt đem về. Ánh sao Mai phía chân trời cũng sắp đi ngủ, nhường khoảng trời cho ánh bình minh. Sau khi chia nhau những đồng bạc ít ỏi của một đêm dài lao động cật lực, những người đánh lưới lục đục ra về … đi ngủ, lấy lại sức và chuẩn bị cho chuyến mưu sinh của đêm kế tiếp.


Tác giả bài viết: Bùi Quốc Dũng

Nguồn tin: nhandan.com.vn và thegioif5