Đi xem bóng rỗi

Đi xem bóng rỗi
Đã có thời múa bóng rỗi bị nghiêm khắc cấm đoán bởi loại hình nghệ thuật này bị xem là mê tín dị đoan. Mặc dù vậy, bóng rỗi vẫn len lỏi tồn tại như một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân trong các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng như cúng đền, cúng miễu, tạ trang... Số lượng nghệ nhân hiện còn hoạt động không nhiều với không ít những lời ra tiếng vào từ dư luận. Nhưng nếu có một lần thâm nhập vào loại hình nghệ thuật này chúng ta mới hiểu rằng bóng rỗi hơn lúc nào hết đang cần được quan tâm gìn giữ.
Lễ hội dân gian ở Nam bộ diễn ra quanh năm nhưng có lẽ nhộn nhịp nhất vẫn là từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 3ÂL năm sau. Những lễ hội này chủ yếu được tổ chức ở đền - miễu… với các lệ cúng như: cúng bổn xóm, cúng Bà Chúa Xứ, cúng đất, cúng cầu an (kỳ yên)… Và đây cũng  là “mùa” hoạt động của bóng rỗi. Bóng rỗi được xem là nghi lễ - trò vui quan trọng trong các lệ cúng để “làm vui cho Bà”. Các bài rỗi thường có nội dung cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho gia chủ, xóm làng. Các nữ thần được thờ tại các đền miễu ở Nam bộ là kết quả của quá trình giao lưu, hỗn dung văn hóa của nhiều dân tộc từ Hoa - Chăm - Khơmer: Bà Chúa Tiên - Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Y Ana, Linh Sơn thánh mẫu, Thiên hậu… Đại đa số các nghệ nhân hoạt động trong nghề đều là những “bóng cô - bóng cậu”. Nếu là nam thì cũng phải ăn mặc, đi đứng, nói năng “dịu dàng” như… phụ nữ (tuy nhiên trường hợp này rất hiếm). Các “cô” rất tự tin xưng chị- xưng cô và diện những “bộ cánh” rực rỡ sắc màu với nhiều bông, hoa, chim, cò... Nhiều cô còn thẳng thắn: Bóng tụi em là vậy đó, nếu không - làm sao hành nghề bóng rỗi được!

Hành nghề

Các nghi thức cúng tại gia và các đền, miễu với mục đích “làm vui cho Bà”, để từ đó mọi người sẽ được Bà phò hộ cho sức khỏe, an lành và mùa màng bội thu và những điều tốt đẹp nhất. Không rõ niềm tin ấy có thành hiện thực hay không, nhưng niềm tin - quan niệm dân gian là vậy. Lệ cúng ở các miễu bao giờ cũng nhộn nhịp, quyên góp được nhiều kinh phí hơn khi có sự xuất hiện của các cô bóng. Nghi lễ thường được bắt đầu bằng lễ Nhập tràng với ba hồi trống lệnh. Ba hồi trống này vừa có ý nghĩa mời chư thần về hưởng lễ vừa để thông báo cho nhân dân trong vùng biết cuộc lễ đã bắt đầu. Tiếp sau là nghi lễ Chầu mời - thỉnh tổ, múa dâng mâm, dâng hoa… Ở một số địa phương còn duy trì cả chặp Địa - Nàng. Sau vài nghi thức, các cô bóng bắt đầu phô diễn tài năng của mình qua phần múa tạp kỹ (múa đồ chơi). Tuy đây không phải là nghi thức bắt buộc nhưng lại là điều mọi người chờ đợi nhiều nhất. Mỗi cô bóng có một “đẳng cấp” khác nhau. Thường thường thì đội trên đầu một bát bông rồi nghiêng qua lắc lại theo điệu nhạc; khá hơn thì ngậm một bông huệ trong miệng, phía ngoài dựng một bông khác thẳng đứng bằng gốc hoặc bằng ngọn và múa; đẳng cấp hơn là để một đứa bé lên chồng ghế hàng chục cái rồi gá vào trán, cắn vào răng và múa. Nhiều người chứng kiến chỉ biết nín thở, đứa bé sau khi được “an toàn hạ cánh” thì mặt mày không còn chút máu, xanh như tàu lá chuối. Cô Út Son - Cai Lậy và các thành viên cùng “môn phái” thì đặc biệt nổi tiếng với màn lắc mâm. Chiếc mâm vàng được để lên đầu và cô cứ vô tư lắc qua lắc lại, thỉnh thoảng cô dừng lại để người xem dán tiền “boa” vào đó… Nói chung các tiết mục thì vô cùng phong phú với những vật liệu sẵn có: bàn- ghế, khạp da bò, bông huệ …, đôi khi là dao phay, xe đạp…

Một tiết mục khác cũng hấp dẫn không kém đó là chặp Địa - Nàng. Nàng (Hằng Nga) vâng lệnh Vương Mẫu xuống trần hái lộc cầu an cho dân làng. Do không rành đường, Nàng phải nhờ Địa “đưa đường dẫn lối”. Địa được nước đòi yêu sách đủ điều nào là đòi ăn, ăn chuối thậm chí… đau đẻ…? Sau nhiều phen chiều lòng Địa, Nàng cũng đến nơi khai mạch giếng gánh nước tưới hoa (Gánh nước tưới huê/ hoa). Cốt chuyện tuy đơn giản, nhưng qua sự thể hiện tinh tế bằng các tình tiết châm biếm, phê phán nhẹ nhàng của các bóng cô, bóng cậu bỗng trở nên sinh động và đầy ắp tiếng cười thỏa mãn của người xem sau một năm vất vả với ruộng đồng.

Cúng tổ

Mặc dù cùng thờ một tổ nhưng lệ cúng của mỗi người đều không giống nhau. Cô Tư Trầu - một nghệ nhân ở xã Đông Hòa Hiệp - Cái Bè, cho biết: “Mỗi nghệ nhân đều có ngày cúng riêng tùy thuộc vào khoảng thời gian thuận lợi nhất của từng người”. Thường các nghệ nhân chọn ngày mất của thầy mình làm ngày cúng tổ. Trong ngày cúng, các cô,  cậu bóng đều có mặt đông đủ và cùng nhau cúng tổ. Bắt đầu lễ giỗ là nghi thức rỗi vào đám. Gia chủ thường chọn những cô bóng có uy tín, sắc vóc đẹp, làn hơi tốt và bài rỗi hay để mời rỗi vào đám. Tiền tổ được cho vào một phong bì màu đỏ đặt trước bàn thờ tổ và thưởng cho cô bóng sau khi rỗi xong. Sau vài bài rỗi cúng tổ là các tiết mục múa tạp kỹ (đồ chơi). Hai bài múa thường gặp là múa dâng bông và múa dâng mâm. Mâm được cắt dán 3 tầng theo triết lý Thiên - Địa - Nhân của người xưa; mâm có 3 loại: mâm vàng để dâng cúng Bà, mâm bạc để dâng cúng Ông và mâm ngũ sắc để dâng cúng Ngũ hành. Khó nhất trong phần múa mâm vàng là kỹ thuật đưa mâm từ đầu xuống chân và từ chân ngược lên đầu mà không dùng tay, bởi bóng quan niệm rằng tay thường tiếp xúc với những nơi “ô uế” nếu dùng tay để dâng mâm cúng Bà sẽ kém đi sự linh thiêng, trang trọng. Phần biểu diễn này khá phức tạp với sự tập luyện rất công phu, hiện còn rất ít nghệ nhân biểu diễn được phần này. Trước khi vào các bài múa, các “cô” thường ngâm nga mấy câu:

Dạ…dạ…!
Cúi đầu dâng vạn thọ.
Ngửa mặt chúc vô cương.
Miệng đều ca hàm tấu nhứt chương.
Để lan liễu múa tiểu mai vài chặp…

Sau phần rỗi vào đám các cô bóng tha hồ trổ tài của mình trước bàn thờ tổ như báo cáo những tiến bộ sau một năm hoạt động. Mỗi nghi thức cúng như cúng đất đai, cúng tiên sư, cúng chiến sĩ trận vong… đều có bài bản riêng, cách thể hiện thì vô cùng phong phú tùy theo ngẫu hứng, tiền thưởng và những tiếng vỗ tay ủng hộ của khán giả.

Tâm điểm trong các lễ cúng vẫn là các tiết mục múa tạp kỹ. Những tiết mục múa tạp kỹ luôn thu hút nhiều người tham gia ủng hộ, cổ vũ và thưởng tiền. Trong nhiều lần tham gia các lễ cúng tôi đã được xem những màn biểu diễn đến nổi gai óc: “Cô Hùng”- một nghệ nhân tỉnh Long An tay cầm hai con rắn lục từ từ cho vào lỗ mũi rồi kéo chúng ra từ miệng. Nhiều người khi xem các tiết mục biểu diễn này đều xuýt xoa, trầm trồ thán phục. Rồi đến các tiết mục thăng bằng: cái lu ước chừng 50 ký được cô để lên đầu lắc qua lắc lại nhẹ tênh, chưa hết, như để chứng tỏ “khả năng vượt trội”, một cô bóng khác được mời ngồi vào trong lu và cũng được cô để lên đầu lắc lư theo tiếng nhạc một cách nhẹ nhàng, chuẩn xác.

Sau vài màn múa trình làng, một số cô bắt đầu màn “xin tiền” rất điệu nghệ. Ví dụ như: Cái lu nặng gần chết mà sao nãy giờ không thấy ai cho đồng bạc nào hết vậy ta!  hoặc Cái mâm vàng trơn như vầy mà không có tờ tiền nào dán vô thì làm sao mà dính!... Nghe vậy mọi người ai nấy đều móc túi ủng hộ cho, mỗi người từ vài ngàn đến vài chục thậm chí cả trăm ngàn. Chỉ trong phút chốc, mấy cô đã có bộn tiền và tiếp tục những màn múa khác. Một cô bóng khác bước ra để chiếc xe đạp gá lên trán, rối cắn vào môi và cứ thế cho lửng lơ trước bàn thờ tổ. Như muốn chứng tỏ tài nghệ với cô Hùng lúc nãy, cô bắt một đứa bé ngồi trên xe rồi cắn vào miệng cho nghiêng qua lắc lại. Đứng tim nhất có lẽ là màn múa với dao phay. Mấy cái dao phay bén ngót chĩa mũi xuống được gá vào một thanh tre và đặt ngay trên trán, cứ tưởng nó có thể rớt xuống bất cứ lúc nào dù chỉ một cơn gió nhẹ vậy mà các cô cứ vô tư lắc lư theo tiếng nhạc. Đó là những trò diễn mà thậm chí những nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp còn chưa dám nghĩ tới thì các cô đã biểu diễn thật thuần thục. Khi được hỏi múa hay như vậy có phải do Bà nhập hay không? Các cô khẳng định do mình đã cực công tập luyện chứ không phải do “ông lên bà xuống” gì hết… Không thể phủ nhận là đâu đó vẫn còn những biểu hiện mê tín dị đoan của ai đó như: ợ, ngáp, lên đồng… theo kiểu “ông ứng bà hành”…đã làm cho bức tranh của nghệ thuật bóng rỗi mang những màu sắc khác, nhưng những nghệ nhân mà tôi đã gặp đều nhận thức rất rõ ý thức với nghề và biết tôn trọng pháp luật. Thật đáng trân trọng.

Lời kết

Từ ngày 27 đến 29 tháng 5 năm 2007, Tiền Giang là địa phương tiên phong ở đồng bằng sông Cửu Long tổ chức liên hoan múa bóng rỗi Nam bộ tại Bảo tàng tỉnh với mục đích giữ gìn và phát huy một loại hình văn hóa - nghệ thuật lâu đời này. Liên hoan đã thu hút gần 100 thí sinh của 3 tỉnh: Tiền Giang, Long An và Bến Tre tham gia. Trong 3 ngày diễn ra liên hoan, hàng ngàn lượt khán giả đã đến xem và cổ vũ. Mặc dù không ít số khán giả đến với liên hoan vì sự hiếu kỳ nhưng đã cho thấy dù sao liên hoan cũng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Sau cuộc liên hoan, Giáo sư - tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, PCT Hội Văn nghệ dân gian châu Á, khẳng định: “… Múa bóng rỗi ở Nam bộ là loại hình văn hóa nghệ thuật, hình thức cũng tương tự như: hát ả đào, hát bội, hát chầu văn, hát cải lương… vì đây là nghệ thuật đặc trưng của vùng đất phương Nam mà nghệ nhân phải trải qua sự luyện tập rất công phu mới đạt được thành quả…”. Hiện nay, các thế hệ tiếp nối của loại hình này ngày một ít dần và những bài rỗi cũng từ đó không còn đặc sắc như trước. Nhiều địa phương và người dân vẫn còn đối xử khá khắt khe với các bóng cô - bóng cậu và chuyện hành nghề của họ.

Một trong những nhiệm vụ cụ thể mà Hội nghị lần thứ 5 BCH TW khóa VIII đã xác định là: “… Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại…” Bóng rỗi cũng là một giá trị văn hoá truyền thống đang cần được bảo tồn và phát huy hơn lúc nào hết. Nếu không tạo điều kiện đúng mức, thì không lâu nữa có lẽ chúng ta chỉ được xem bóng rỗi qua những đĩa phim tư liệu. Còn đâu một loại hình nghệ thuật đã hình thành và tồn tại thăng trầm qua mấy trăm năm. 293 miễu thờ và hàng chục nghệ nhân bóng rỗi của tỉnh vẫn đang trông đợi vào những động thái tích cực từ các ngành chức năng và dư luận.

Thanh Danh
(Văn nghệ Tiền Giang số 39)

_________
(*) Nhiều người cho rằng bóng là do các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực này đa số giới tính là đồng bóng (ái nam ái nữ), số khác lại cho rằng bóng là thể hiện sự khác nhau giữa con người với ma, quỉ (không có bóng)?