Đến Tây Nguyên nghĩ về sông Tiền...

Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang chụp hinh lưu niệm tại Cổng Trời (Kon Tum)

Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang chụp hinh lưu niệm tại Cổng Trời (Kon Tum)

Nhà thơ Tế Hanh có viết: “Anh xa nước nên yêu thêm nước. Anh xa em càng nhớ thêm em” (Thơ tình ở Hàn Châu - 1956). Cũng ý đó, Chế Lan Viên nói khác: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”.

Tôi là người phiêu dạt, có hai quê hương - hai người mẹ. Giống như hai đầu cánh võng neo giữ tâm hồn, để đòng đưa lời ru tình quê say đắm ngọt ngào. Ví như muốn nhìn rõ núi cao, ta phải lùi xa một khoảng. Muốn yêu quý làng quê của mình cũng vậy. Bay khắp trời lại về với đất…

Đến với núi rừng Tây Nguyên

Tây Nguyên - miền đất của sử thi, của văn hoá cồng chiêng, cũng tương tự như vùng thảo nguyên bao la của nước Nga ta gặp trong thơ Pu-skin, truyện của Sê-khốp. Phóng khoáng và thiêng liêng, hai tiếng Tây Nguyên gợi bao cảm hứng cho nghệ sĩ. Những tác phẩm như: Đăm San, Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Trường ca chim chơ-rao, Bazan khát; những ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường qua giọng hát của Y Moan, Siu Black… đã đưa mảnh đất ấy vào lòng người. Lần này, chị Thu Trang, người lập chương trình cho cuộc hành trình này, gọi hỏi: “Có đi cùng đoàn không?”. Nếu đi với ai khác thì tôi từ chối ngay. Bởi Đắk Lắk vì chuyện riêng cũng như chuyện chung, đã hơn hai mươi lần tới rồi… Nhưng đi cùng đoàn văn nghệ sĩ thì “O.K” liền! Biết đâu cùng ba mươi lăm con người - ba mươi lăm cánh chơ-rao bay tới Tây Nguyên hôm nay, mình sẽ tìm thấy cảm hứng gì mới chăng?

Bão Côn Sơn sắp đổ bộ vô. Cái đuôi “cá sấu” quái ác của bão hay quất vào tỉnh Kon Tum. Nguời trong đoàn thì thầm với nhau như thế. Nhưng sợ có sợ, mà đi vẫn cứ đi. Nghệ sĩ là vậy.

Tây Nguyên gồm năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Dak Nông và Lâm Đồng. Chuyến này đến ba tỉnh. Điểm nhấn: Kon Tum, tỉnh xa nhất từ miền Tây đi ra. Ngày đầu trời rất trong mát mẻ. Càng lên cao, càng dễ chịu. Nhìn gương mặt nhà văn Xuân An, Lê Tư, nhà thơ Phạm Chí, nhạc sĩ Đặng Trần Đoàn - những người lớn tuổi trên xe - cứ hồng hào, tươi tắn là biết trời cũng chiều người! Từ thành phố Hồ Chí Minh theo lộ 14 đến Buôn Mê Thuột khoảng 350 km. Qua Gia Lai tới Kon Tum cũng khoảng trên 300 km nữa. Như vậy tính hai lượt đi - về xem xem 1.500 km, gần hai phần ba chiều dài đất nước! Nếu không đủ sức khoẻ và đặc biệt là cảm hứng tìm tòi khám phá cái mới, chắc không ai chịu đựng cuộc hành trình dài như vậy! Phải nói là Hội VHNT Tiền Giang táo bạo và ưu ái hội viên. Đồng thời anh chị em tuy tuổi mùa thu mà vẫn còn “ăm ắp bầu xuân”. Viết lách ra sao chưa biết nhưng cái công  “ngậm ngãi tìm trầm”, nhiệt huyết “xê dịch” thì quả là đáng ghi nhận!

Điểm dừng chính lần này mà chị Thu Trang chọn cho đoàn là đèo Măng Đen - Đà Lạt thứ hai, như được ví von như vậy. Vì thế tôi xin bỏ qua thứ tự hành trình: nói về Kon Tum trước!

Xuất phát từ thành phố Buôn Mê Thuột gần giữa trưa. Trời nắng. Mất ngủ trưa nhưng ai cũng hăng hái “lên đàng”. Qua huyện Eah’Leo, huyện xa nhất của Đắk Lắk giáp ranh với Gia Lai, đến huyện Chư Sê. Trời đổ mưa nặng hạt. Mây kéo tối xám, cảnh núi rừng sao buồn vời vợi? Thoáng chốc tạnh mưa. Trời nắng nhẹ, vén lên những khoảng mây trắng. Quá trưa, cả đoàn ai cũng đói. Đường rừng không quán xá. Chạy tiếp lên đồi, bỗng nhìn bên phải thấy “Quán Miền Tây” màu xanh lá cây hiện lên như cổ tích. Cái tên nghe ấm lòng “chiến sĩ”…
Tôi hỏi:

- Chị người Huế sao đặt tên quán “Miền Tây”?

Hỏi vậy vì tôi nghĩ chắc món ăn miền Tây hấp dẫn với khách đi đường nên chủ quán mượn danh buôn bán? Nhưng không phải thế. Anh Tư, chồng chị, dân miền Tây chạy giặc đến đây làm ăn, gặp chị, định cư luôn. Cái tên quán để nhớ gốc quê Nam bộ đó mà! Gặp khách miền Tây quê chồng, chị Tư mắt ngân ngấn vừa mừng vừa tủi… Bữa cơm gà đúng phong cách miền Tây, cả đoàn như được tiếp thêm năng lượng, phấn chấn hẳn lên. Tiếp tục cuộc hành trình!

Gần vào thành phố Pleiku, núi rừng mù mịt mưa giăng. Trời Tây Nguyên cứ nắng mưa bất chợt. Đất Tây Nguyên dễ hờn như con gái… Chúng tôi nhỏ bé lọt thỏm giữa mịt mù mênh mông. Tới thành phố Kon Tum nhá nhem rồi. Nhà thơ Tạ Văn Sỹ đứng đợi sẵn ở ngã tư đèn đỏ. Nụ cười ruột thịt. Bàn tay nắm chặt cảm giác như tới nhà mình.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ có màu ngăm ngăm của nắng gió cao nguyên. Giọng anh trầm trầm chầm chậm, như mặt trời từ từ xuống núi, tính chân chất mộc mạc của người sơn cước. Người đàn ông áo bỏ ngoài lười xười, đứng cạnh cái xe Tàu màu nâu đen đang ngả sang màu đen xỉn, đứng ở ngã ba đường trông như bác chạy xe ôm đang chờ khách!

Đêm ấy, đoàn có cuộc “giao ly” với một số anh chị em Hội VHNT tỉnh nhà. Món đãi khách văn là thịt lợn rừng kho và nướng. Bên bạn có: anh Khương, anh Huy, anh Sỹ, cô Mãi và vài cô ở văn phòng Hội. Còn bên ta số lượng áp đảo. Tuy chưa kịp giao lưu, mới “giao ly” thôi mà cảm thấy gần gũi thân thiết vô cùng… Khí hậu mát mẻ, không khí trong lành được lắng lọc bằng độ cao trên ngàn mét và triệu triệu cây xanh đại ngàn nên giấc ngủ êm sâu không mộng mị.

Thành phố Kon Tum tọa trên đồi cao bằng phẳng. Buổi sáng bình yên. Đường phố sạch bong nhờ nước mưa. Rất ít xe máy. Quán xá cách xa trung tâm, cách xa cơ quan nhà nước. Khác với miền Tây: đi đâu cũng gặp cà phê và tiệm ăn giải khát và… coi chừng xe máy phóng ẩu! Địa hình ở đây phức tạp; dốc đèo liên tục. Núi cao và vực sâu. Đất bạc màu sỏi đá. Cây ăn trái chẳng có. Chủ yếu trồng khoai mì (sắn). Thiên nhiên khắc nghiệt: lũ quét, giông bão bất chợt. Đây là địa bàn cư trú của dân tộc Sê Đăng, Ba Na và Rơ Ngao (hôn phối giữa người Sê Đăng và Ba Na thành tộc Rơ Ngao). Vị trí không thuận lợi: Hà Nội thì xa mà Sài Gòn cũng ngái. Muốn tới Kon Tum phải leo đèo hiểm trở. Chính vì thế mà thực dân Pháp mới chọn làm chốn lưu đày tù cộng sản. Từ bé tôi đã đọc cuốn Ngục Kon Tum của Lê Văn Hiến, bài thơ Nước non ngàn dặm của Tố Hữu, ra đời hơn bảy mươi năm: “Đường lên đỉnh núi Đak Lay / Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim”… Núi non trùng điệp, lớp lớp dựng đứng, bao quanh, bủa vây như nhà tù thiên nhiên khổng lồ! Pháp xây thêm nhà tù nhỏ, có lô cốt, chuồng cọp song sắt, tù sao chạy thoát? Mà trèo ra ngoài thì cũng chết đói chết khát, thú rừng ăn thịt, mối rừng xông xương! Nhưng kì lạ thay, cộng sản vẫn vượt ngục! Ngoài Côn Đảo, Phú Quốc thì kết bè kết mảng, ở đây thì chân trần lội bộ dọc Trường Sơn. Anh Sỹ kể chuyện một phụ nữ cuốc bộ hơn trăm cây số núi đèo lên tận ngục Kon Tum tìm người yêu bị giặc bắn chết. Bây giờ những chuyên yêu đương như vậy chỉ còn là… cổ tích!

Chúng tôi hành trình tới đèo Măng Đen, trung tâm huyện Măng Đen, có thổ địa Văn Sĩ hướng đạo thuyết minh nhiệt tình. Gặp cầu qua suối Đắk Long: cầu cũ còn chơ vơ một trụ. Anh kể: Ngày 29 tháng 9 năm 2009 lũ đã cuốn trôi cầu. Tui phải kẹt lại mấy ngày rồi bỏ con “ngựa sắt”, đi xuồng qua suối, mượn xe về nhà!

Nước lũ cuốn cả khối bê tông nặng hàng ngàn tấn như cây củi rều. Miền đồng bằng, xây dựng cái gì sẽ còn mãi thiên thu. Còn với miền núi thì xây xong bữa trước tốn vài ngàn tỉ, bữa sau mất tiêu, tiền của tích cóp cả đời bỗng thành cái lá khô bị gió nước cướp mất. Đường Trường Sơn thi công hàng năm trời, núi sập đất lở, biến trong một giờ! Đúng là không gì vĩnh viễn, chỉ có chí khí, tài năng con người mới trụ vững mà thôi?

Xe đang bò lên đèo Măng Đen. Chiều dài 12 km, với tốc độ 15 km/1giờ, phải mất non một tiếng đồng hồ mới lên tới đỉnh. Đường nhỏ, cua cùi chỏ, tầm nhìn bị che khuất, bác tài xoay liên tục tay lái từ tả sang hữu. Khách miền Tây cứ thót tim! Đỉnh đèo Măng Đen gọi là “cổng trời”. Chúng tôi đang đứng ở độ cao 1287m. Nhìn xung quanh lồng lộng gió ngàn. Đây là ranh giới hai mái Trường Sơn: bên phải là đông Trường Sơn, bên trái là tây Trường Sơn, giữa là dòng suối Đắk Long. Tây Trường Sơn nắng lên cao, lớp lớp mây trắng như bông nhà trời trải ra phơi. Cảnh này chỉ nhìn thấy từ trên máy bay hoặc là đứng ở điểm cao thế này mà thôi!

Ai ai cũng hồ hởi chụp vài tấm kỉ niệm. Đời người dễ có mấy lần trèo tới “cổng trời”? Tôi như hoá đại bàng đậu đỉnh núi phóng tầm mắt ra xa, phút giây tan biến những bon chen lụy tục ưu phiền…

Khu du lịch Măng Đen cũng là trung tâm huyện Măng Đen nằm giữa bạt ngàn thông hát rì rào. Điểm nhấn là nơi đặt tượng Đức Mẹ Maria. Hàng trăm ghế đá từ khắp miền kính tặng dưới rừng thông. Hàng trăm bia đá mài khắc ghi tên con chiên mộ đạo. Đức tin thánh thiện, lòng từ bi bác ái không quản ngại đèo cao vực thẳm để đến chót vót mây trời?

Lúc này là mùa mưa, nhiệt độ cao nhất trong năm, khoảng 20 độ. Tôi cảm thấy rất lạnh vì đi từ vùng nóng bức ra. Đúng là Đà Lạt rồi! Địa hình, cảnh quan, rừng thông... giống y Đà Lạt. Đà Lạt dành riêng cho miền Trung khắc nghiệt. Khách từ miền Bắc, miền Trung thường xuyên đến đây. Miền Nam thì thỉnh thoảng. Những người ở đây nói thế. Lạnh và đói bất chợt. Được ăn bánh mì kẹp thịt và uống tách cà phê nóng ngon hơn bao giờ hết! Anh Duy Hải, chị Mỹ Dung chu đáo lo xa, sáng nay đã mua ở thành phố Kon Tum mang theo đủ cho cả đoàn. Đang thích thú nhâm nhi ly cà phê nóng bỗng thấy một người đàn ông thâm thấp trạc năm mươi, đi lang thang rất lãng tử… Nhà thơ Tạ Văn Sỹ cho biết đấy là Nguyễn Văn Hùng. Anh quê gốc Quảng Nam, vô Sài Gòn học đại học Tài chính, rồi làm luận án tiến sĩ kinh tế. Trở lại Kon Tum công tác ở Sở Kế hoạch đầu tư. Năm 2001, làm Bí thư huyện Măng Đen. Năm nay - 2010, anh là Phó Chủ tịch tỉnh Kon Tum. Hôm nay nhân đưa tiễn nhóm thanh niên đi chiến dịch mùa hè xanh nên tản bộ nhìn ngắm lại công trình của mình. Được biết, anh Hùng là người đã thiết kế dự án xây dựng khu du lịch này. Tôi hỏi:

- Anh là “tác giả” của khu du lịch Măng Đen?

Anh cười khiêm tốn.

- Mình tôi sao làm nổi. Đó là nhờ trí tuệ của nhiều cộng sự, của bà con ở đây.

Những biệt thự trắng đỏ nấp dưới tán thông xanh. Khu du lịch và trung tâm huyện Măng Đen được thiết kế bằng cái đầu khoa học, có  tâm có tầm. Tương lai sẽ nhanh chóng huy hoàng. Độ che phủ của rừng hiện là 80%, vào loại cao nhất thế giới! Trong sự biến đổi khí hậu toàn cầu khốc liệt, chắc chắn đây là đất lành chim đậu. Chỉ cỡ trung lưu là có thể “đậu”. Trong khi Đà Lạt đã chật, phải triệu phú mới có “vé” vô.

May mắn nhất với tôi, người dạy văn lần này là đi trên miền đất con người, không gian sáng tạo truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Cụ Mết không biết chữ nên không đọc được tác phẩm nhà văn kính tặng. Con cháu cụ thì lo làm nương làm rẫy cũng không để ý đến việc cha ông mình được đưa vào văn học. Cây xà nu do trí tưởng tượng mà ra. Nó chỉ là loài thông ba lá ở Kon Tum. Làng, người và cây đều có thật. Nhưng khi vào tác phẩm, Nguyên Ngọc đặt tên khác cho nó mang màu sắc Tây Nguyên, gợi tưởng tượng cho bạn đọc. Văn và đời khác nhau. Dạy văn mà không có trải nghiệm sẽ xa vời vô bổ. Cây kơ-nia đang mọc lẻ loi bên đường kia. Trước đây rất nhiều. Đồng bào Ba-Na, Sê-Đăng làm rẫy không chặt. Vì tán to rợp mát quanh năm. Nó chống chịu khô hạn rất tốt. Chất độc điôxin, thuốc khai hoang của Mỹ cũng chẳng giết được. Vậy mà, sau giải phóng, dân di cư tự do từ miền núi phía bắc vô, cây kơ-nia bị đốn hạ, đốt than bán tuốt!

Đi qua những dãy núi rừng bao la bạt ngàn bị chặt trụi. Người ta chặt cây, đào luôn cả gốc rễ. Tôi tiếc nuối và xót xa. Mái tóc xanh dày cô gái chàng trai duyên dáng ngày nào giờ đỉnh đầu hói trắng trụi… Mấy vạn năm mới có rừng nguyên sinh, động vật quý hiếm. Chỉ vài chục năm đã biến mất. Trời cho rùa sống hơn ba trăm năm. Nhưng với người ta thì nó sống chỉ vài ngày! Rùa lên bãi đẻ ư? Coi chừng bị hốt cả ổ tứng và… khiêng luôn rùa mẹ! Nhà văn Nguyên Ngọc nói rất đúng: Đại bác Mỹ k­ông giết nổi rừng xà nu, một cây ngã thì năm bảy cây con phóng thẳng lên trời! Nhưng đó là ngày xưa. Bây giờ, lưỡi cưa lưỡi búa lâm tặc, của kẻ tham lam tàn sát, lột da xẻ thịt tất cả cây rừng, không chừa thông ba lá… Câu hát “biển mênh mông như biển chẳng vô cùng” cũng có thể hát: “rừng mênh mông nhưng rừng chẳng vô cùng”…

Điểm cuối cùng mà chúng tôi đến ở Kon Tum là nhà thờ gỗ. Những cây gỗ đen bóng bền hơn thép trải qua mưa nắng thời gian được người Pháp xây dựng năm 1913 nay gần 100 năm vẫn nguyên vẹn. Tôi đã đến thăm Quốc Tử Giám ở Hà Nội cũng thấy những cột lim “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Gỗ là vàng thỏi của Trường Sơn. Giờ tìm đâu? Chỉ còn đất rừng nhưng không còn gỗ rừng nguyên sinh! Cột cái nhà thờ như cụ ông bách niên đứng uy nghiêm đón mấy trăm trò nhỏ vô rước lễ. Hôm nay chiều thứ bảy, mấy trăm em về đây. Số đi bộ, số đi máy cày. Chắc ở bản xa? Con em dân tộc Ba-Na, Sê-Đăng và Rơ-Ngao nói tiếng Kinh. Các em đùa gọi: “Chú ơi! Chụp cho cháu vài cái ảnh đi”. Nói cười hồn nhiên. Nhưng vô nhà thờ bỗng trầm lắng, hai tay vòng trước ngực. Dẫn đầu là một em trai bị nhiễm chất độc da cam: biến dạng còi cọc, mười hai tuổi chỉ cao tám tấc. Bốn tấm bảng ghi lời nguyện treo bốn góc phòng lễ, ghi âm tiếng Ba-Na. Chắc là để cho em nào không thuộc thì nhìn mà đọc. Cô Ylach, 22 tuổi, người Rơ-Ngao nói: “Em học xong lớp 12, không có tiền học tiếp. Ở nhà trồng rẫy mì. Tự nguyện phụ nhà thờ phụ lễ”. Gương mặt phúc hậu, trò chuyện chân thật, Ylach cùng các em gợi cho tôi khoảng trời trong trẻo của Tây Nguyên như ban mai ở thành phố Kon Tum. Nó còn giữ được hồn rừng, chưa bị “đô thị hoá” và khói bụi xe máy tấn công…

Nếu như Kon Tum là tỉnh “mẹ”, có lịch sử lâu dài và kinh tế khó khăn nhất trong năm tỉnh Tây Nguyên, thì Đắk lắk lại là “con”, sinh sau và giàu nhất -  thủ phủ của Tây Nguyên. Xứ sở đất đỏ bazan màu mỡ và “ly cà phê Ban Mê”…

Xét về tuổi thì có lẽ Đà Lạt là đứng đầu. Năm 1913 mới lập Kon Tum. Sau đó Kon Tum tách thành ba tỉnh: Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. Đắk Lắk là tỉnh có diện tích lớn tự nhiên nhất nước (hồi 61 tỉnh). Đắk Lắk tách thành hai. Xét về lịch sử bi tráng thì Kon Tum tiêu biểu nhất thời kháng Pháp. Còn Đắk Lắk tiêu biểu nhất thời chống Mỹ: “Chặt Buôn Mê Thuột rụng cả Tây Nguyên. Quét Huế - Thừa Thiên đổ nhào Đà Nẵng” (Tố Hữu). Buôn Mê Thuột là điểm chiến lược quyết định chốt giữ không chỉ của Tây Nguyên mà cả miền Nam Việt Nam. Ai nắm được mảnh đất này sẽ làm chủ chiến trường! Vì thế kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam được tổ chức rất lớn tại Buôn Mê Thuột. Thành phố loại một, được đầu tư xây dựng hoành tráng. Không phải ngẫu nhiên ở đây có mặt hầu hết cư dân 64 tỉnh thành trong toàn quốc! Sức quyến rũ của nó trên nhiều phương diện: tự nhiên, kinh tế, quân sự, chính trị và chính sách đầu tư mang tầm quốc gia.

Nếu Đà Lạt là xứ mộng mơ của những người giàu sang, của nghệ sĩ tìm cảm hứng sáng tạo, thì Đắk Lắk là vùng đất hứa hẹn cho những ai muốn làm ăn lập nghiệp lâu dài, cho những người lao động bình thường. Nói vắn tắt là: muốn hưởng thụ thì đến Đà Lạt, muốn làm ăn thì đến Buôn Mê! Năm 1984, tốt nghiệp đại học Vinh, tôi được điều vô dạy cao đẳng Đắk Lắk. Ngại núi rừng nên đổi vô Tiền Giang. Gần 30 năm, những người bạn ra trường cùng khóa đến đây đều thạc sĩ, tiến sĩ và giàu có.  Trừ năng lực cá nhân ra, rõ ràng điều kiện xã hội ở đây rất tốt.

Những năm tám mươi, từ Sài Gòn đến Buôn Mê phải đi ra Nha Trang mất trọn ngày. Từ Nha Trang đi qua Dục Mỹ - Ninh Hòa, vượt đèo Phượng Hoàng, hơn trăm cây nữa mới tới thành phố Buôn Mê Thuột. Tức mất gần 24 giờ. Đường nhỏ gập ghềnh, cấy cối um tùm, sợ cướp sợ phunrô. Bây giờ theo đường 13 chỉ khoảng 350km. Chạy xe chất lượng cao chỉ mất bảy tiếng! Phố xá ngày ấy xập xệ, toàn nhà thấp chật chội. Bến xe cũ lúc ấy mỗi ngày chỉ vài chuyến vô Sài Gòn. Giờ cứ cách một giờ có một chuyến. Kỷ niệm đáng nhớ nhất ở bến xe cũ là: một đêm không nhà, muỗi như trấu, phải lấy cái bao tải luồn tới bụng, lấy áo trùm mặt nằm nửa người trên cái ghế gỗ chờ sáng mai bắt xe về lại Sài Gòn. Mỗi lần nhớ lại nước mắt trào ra… Hôm nay được hội cho đi xe, lo cho khách sạn nghỉ ngơi lịch sự. Được dạo phố thênh thang. May mắn còn sống khoẻ mạnh để hưởng phút giây này. Bạn bè có đứa thành thiên cổ rồi! Kỷ niệm về Buôn Mê trong tôi có thể chép đầy dăm chục trang. Nhưng không dám phiền lòng bạn đọc. Có thể nói thế này: ba mươi năm trước thành phố giống như cô gái đẹp ngủ im lìm giữa đại ngàn, lấm lem bụi đỏ bazan, xanh xao vì muỗi sốt rét, nhợt nhạt vì đói muối. Còn hôm nay như hoàng hậu cao sang, sung mãn, quyến rũ và quyền uy!

Có thời cà phê lên ngôi. Tôi xin gần chục ký, giấu trong cái rương, mặc quân phục mới qua mặt kiểm soát. Về Chợ Lớn bán cho cô Lý chủ tiệm người Tàu, số tiền mua được một con heo giống và một chiếc xe đạp (hồi ấy xe đạp giáo viên quèn như tôi mua không nổi). Dân so sánh thế này: chủ rẫy cà phê ra chợ xách một cái giỏ đựng 5 kg cà nhân bằng nông dân chở cả xe ba gác lúa! Bây giờ thì xưa rồi. Giá cà bấp bênh trầy trật cà lỗ, bán rẫy không ai mua… Nhưng làm cà vẫn khá hơn làm lúa. Vấn đề là chủ động được nước tưới. Có giếng ngon tốn trăm triệu đồng. Đất Tây Nguyên bao la. Nhưng thường khô hạn kéo dài. Không có nước thì bazan cũng như không có “zan” nào!

Hồi còn nhiều rừng che phủ, tôi cùng anh Hưng và mấy anh trong Sở Địa chính mang súng săn, đi xe uoat đi khắp, kiếm vài con thú nhỏ nhậu lai rai. Bây giờ gọi “Rừng ơi! Anh đâu rồi”. Cây chết thì con tiệt. Không biết tìm lấy đâu khô nai mà bày bán đầy tràn? 300 ngàn kí khô nai, 250 ngàn kí khô bò. Chắc đều là thịt bò sấy khô cả? Đây bò non, đó bò già, chúng ta cùng “bò” cả! Bạn đến đây chỉ nên mua trái bơ. Nó vừa rẻ vừa ngon. Không sợ giả. Chỉ cần hỏi giá cẩn thận tránh mua kiểu giá “du lịch” mà tội nghiệp túi tiền còm…

Nghe nói thuốc gia truyền của Amacông cũng bị giả? Những năm trước mua về uống thấy khoẻ hẳn. Đặc biệt trị bệnh tiêu hóa. Anh Hưng quen thân với dũng sĩ săn voi Amacông dẫn tôi đến uống rượu trò chuyện với ông già cả ngày. Lần này đến định thăm ông, mấy đứa chắt nói: “Chú có vé không? Không vé à? Không được đâu à”. Tôi cụt hứng quay ra. Biết là thời buổi của dịch vụ du lịch, sao vẫn thấy bực dọc khó chịu khi tất cả đều được qui ra tiền.

Ấn tượng Buôn Đôn vẫn là những chú voi khổng lồ mà ngoan hiền. Bạn nên cưỡi một lần cho biết cái lắc lư oai vệ trên lưng voi rừng đã được người thuần hoá. Voi gắn với danh tiếng Amacông - dũng sĩ săn voi giỏi nhất Đông Nam Á. Không gặp được anh hùng nhưng tôi gặp dân thường. Đó là mẹ Tèo bán quán ăn. Bà tên Lào khó kêu lắm nên gọi vậy dễ nhớ. Cha người Mơ- Nông, mẹ người Lào. Bà lấy chồng là người kinh, kiến trúc sư dân Sài Gòn thứ thiệt! Mẹ Tèo đã từng sống 4 năm tại quận 4 nên rành rẽ mọi thứ. Năm đứa con đều ăn học đàng hoàng. Cô út là Nguyễn Thị Thanh Tâm vừa thi đại học xong chưa biết kết quả. Ba đứa mang họ mẹ “Khâm”, hai đứa mang họ cha “Nguyễn”. Tôi hỏi: “Sao kì vậy?”. Bà Tèo cười: “Thì chia cho công bằng mà! Mang họ mẹ hưởng chính sách dân tộc ít người của chính phủ chứ!”. Hai vợ chồng đều bị bệnh tim nặng, phải mổ chi phí 150 triệu. Nhà nước hỗ trợ 20 triệu. Bà bảo: “Người bạn mổ xong được hơn năm thì chết. Thôi, uống thuốc thấy êm rồi. Thuốc kiếm trong rừng ấy. Dành tiền cho ông mổ ở Sài Gòn”. Tình cảnh vậy  mà bà vẫn cười vui như không. Tâm hồn người thượng rất khoẻ khoắn tự nhiên như dòng Sêrêpok ào ạt dưới kia!

Người kinh khôn khéo, mạnh mẽ nên hay tách ra sống đơn lẻ. Đồng bào dân tộc sống cộng đồng buôn làng rất đoàn kết. Giữa bạt ngàn núi bủa rừng bao, đàn trâu rừng phải vây thành đàn: trâu cổ khoẻ mạnh vòng ngoài, trâu mẹ vòng trong còn nghé non trong cùng để chống hổ báo. Giữa bạt ngàn núi rừng, con người bé nhỏ yếu đuối. Nếu không kết chặt sưởi ấm bao bọc nhau thì sao tồn tại suốt mấy ngàn năm? Khi môi trường sinh thái bị tàn phá, nhịp sống tự nhiên mất cân bằng, không biết văn hoá cồng chiêng, nét đẹp lối sống đồng bào có giữ được hay không? Có không cái: “tình trong giây phút mà thành thiên thu”…

Nghĩ về quê hương Sông Tiền 

Bắt đầu từ sự so sánh những đứa trẻ tôi gặp ở nhà thờ gỗ với lứa tuổi ấy ở Tiền Giang. Dáng nhỏ bé thiếu chiều cao cân nặng, quần áo cũ tuềnh toàng thua học sinh nghèo nông dân miền Tây. Dù phát triển đến đâu thì người ở thành phố, ở đồng bằng vẫn được hưởng sự ưu ái thuận lợi hơn miền rừng núi Tây Nguyên. Tiền Giang càng đắc địa. Gần sát Sài Gòn - trung tâm kinh tế, khoa học và giao lưu quốc tế nhất nước. Hạn hán không. Bão giông không. Lũ bùn lũ quét không. Cái tiếng “đói” ít ai nói tới. Tôi nghe ông Nguyễn Công Bình kể: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng động viên Tiền Giang đóng nhiều luơng thực cho đất nước. Những năm tám mươi thiếu lương thực. Vậy mà Tiền Giang vẫn đóng đủ đóng dư”. Lên Tây Nguyên, gặp bác xe ôm họ vẫn biết Tiền Giang là vựa lúa, vựa cá, là xứ trái cây. Danh tiếng bay xa. Nhưng sao nhìn lại cứ ngậm ngùi, tiếc nuối? Hình như ta chưa phát huy được thiên thời địa lợi nhân hòa?  Còn quá dựa vào lợi thế của thiên nhiên ưu đãi của phù sa bồi đắp quanh năm?

Tây Nguyên đất bao la, rừng vàng gỗ quý, mỏ đá kim cương, quặng bô-xít, thủy điện. Nhưng khí hậu khắc nghiệt: mùa mưa lũ quét, mùa đồng khô cỏ cháy bụi đỏ mịt mù. Cỏ ngoi không nổi nói chi rau xanh? Xa Sài Gòn đi cả ngày chưa tới. Học cái chữ, phải cõng chữ lên non! Lấy cái bằng cử nhân chi phí trên trăm triệu, bằng tiến sĩ tốn kém năm bảy trăm triệu. Tiền Giang tuy đất chật người đông nhưng nằm ngay rốn nước ngọt (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hóa đều cần rất nhiều nước ngọt). Bờ xôi ruộng mật. Tiềm năng sinh lợi từ đất gấp cả chục lần đất Tây Nguyên: cứ một công bằng mười mẫu trên kia. Cây trái quanh năm. Khí hậu ôn hòa. Gần sát Sài Gòn, có đường cao tốc sớm nhất nước. Điều kiện tiếp nhận văn hoá thông tin thuận lợi. Chi phí học vấn rất nhẹ nhàng. Mỹ Tho quả là cô gái đẹp, là “á hậu” chỉ thua “hoa khôi” Sài Gòn và “á hậu” Cần Thơ!

Năm 1986, tôi và ông anh mấy đêm phải cưa trộm ống dẫn nước cũ thời Pháp về làm tay quay lấy nước giếng độ sâu 20 m (ống nước bỏ đi nhưng không dám lấy ban ngày vì công chức sợ người ta cười). Khi ấy, Mỹ Tho có dư nước máy. Bây giờ ở Buôn Mê chỉ cần nhấn nút… Tốc độ văn minh đô thị ở đây đã vượt xa ngày nào.

Tôi nghĩ: cái dân khí dân trí Tây Nguyên rất mạnh. Hàng triệu người khắp đất nước hội tụ đến đó. Họ như đoàn quân của Hạng Vũ phá phủ trầm châu, như quân của Na-pô-lê-ông quyết thắng để lên đời. Dòng trí tuệ chất xám hội tụ và cọ xát lên “đai”. Người ấy, chí ấy, trí ấy lại gặp đất bazan tươi tốt cho nên Tây Nguyên như công chúa ngủ trong rừng, bỗng bừng tỉnh và sinh sôi!

Còn dân khí của chúng ta? Do không bị kích thích của thiên tai, thiếu cọ xát va đập nên chưa dám đi tới cùng, chưa mạnh mẽ. Người học cao, thực tài ở Tiền Giang lại lên Sài Gòn hoặc xuất ngoại vì điều kiện sống tốt hơn mời gọi. Trí thức chất xám nơi khác khó đến Tiền Giang. Chúng ta nên có chiến lược lâu dài; tiết kiệm  đất đai và “biệt nhỡn liên tài” (nói kiểu Nguyễn Tuân) - chiêu hiền đãi sĩ. Tài nguyên gì cũng cạn kiệt. Nhưng tài năng tâm hồn con người không cạn kiệt, càng khai thác càng sinh sôi. Nó là tài nguyên trên mọi tài nguyên!

Kết thúc chuyến đi thực tế, trở về miền sông nước, xin góp mẩu chuyện thần thoại Hy Lạp khép lại hành trình: thần sức khoẻ không quật ngã được bà ốm yếu bởi đó là thần tuổi già! Thần ăn uống không hút cạn vũng nước nhỏ bởi nó liên thông biển cả! Thần chạy nhanh không theo kịp người siêu tốc bởi nó là ý nghĩ! Gì chạy nhanh hơn trí tuệ của con người? Bạn tính xem Tây Nguyên và Tiền Giang, đâu gần thành phố Hồ Chí Minh hơn? Bạn cười: câu hỏi không bình thường. Gần hay xa bây giờ không đo bằng bước chân, không tính bằng khoảng cách địa lý mà phụ thuộc vào tầm nhìn, vào tốc độ tư duy và vào chiều kích tài năng tâm hồn. Đại bàng núi Tây Nguyên tung cánh thì Rồng xanh sông Cửu Long há chẳng vờn mây. Được chứ sao không?

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Xuân