Dân Cồn Rồng

Dân Cồn Rồng
Gia đình tôi dọn nhà về ở Cồn Rồng từ năm 1964. Đây là một xã vùng ven của thị xã Mỹ Tho, thuộc tỉnh Định Tường, có tên là Tân Long. Tân Long có nghĩa là “Rồng Mới”. Nhưng người dân ở đây luôn miệng gọi “Cồn Rồng”, ít ai gọi Tân Long.

Người bên Mỹ Tho thì rủ nhau:

-  “Qua Cồn Rồng ăn mận…”.

Còn người ở xã Tân Long qua Ủy ban thị xã Mỹ Tho làm việc gì đó thường được giới thiệu:

- “Dân Cồn Rồng đó…”

Lần đầu tiên tôi đi ngang qua con sông to đùng trên một chiếc đò chèo nhỏ xíu mà lòng không hề biết sợ. Sóng vỗ mạnh vào hai bên mạn đò tóe nước vào người mát lạnh, mũi đò chồm lên rồi chìm xuống cứ như trái banh lông bị dập liên tục, có lẽ vì thuở đó còn là một đứa con nít nên tôi không cảm nhận được những bất an có thể xảy ra, mà chỉ thấy thích thú và lạ lẫm trước cái mênh mông bất tận của một con sông dài. Con đò bé nhỏ với hai cây chèo mà sao mạnh mẽ lanh lẹ xé nước roèn roẹt lao tới, nó giống như chú dế than dũng mãnh của tôi đang nằm trong cái hộp quẹt cây đã từng chiến thắng bao con dế to xác khác.

Đò chèo lúc đó là phương tiện duy nhất để sang sông, từ Cồn Rồng sang chợ - tức sang Mỹ Tho và ngược lại. Từ đất liền ra những chiếc tàu, chiếc ghe đánh cá neo giữa dòng sông, hoặc từ Cồn Rồng sang Cồn Phụng, Cồn Thới Sơn hay đi tuốt qua Rạch Miễu - Bến Tre cũng được.

Chủ của những chiếc đò chèo khỏe mạnh ấy là những người dân sống trên Cồn Rồng, nghề chính của họ là chèo đò, vá lưới, đi biển, trồng vườn…

Tôi thường qua lại con sông bằng chiếc đò chèo của gia đình chú Út Có, khi thì chú chèo, khi thì thím thay thế. Chú Út Có là con trai út của bà Ba Hớn, một người đã đến định cư ở cồn này rất sớm, từ lúc ở đây chỉ mới có vài ba căn nhà lá loe hoe.

Tôi ở Cồn Rồng được hai năm thì bé Vân, đứa con gái đầu của chú Út Có bắt đầu học chèo đò, 10 tuổi nó đã thay thế cha mẹ chèo đò băng băng qua con sông rộng. Một đứa con nít 10 tuổi chở một đứa con nít 12 tuổi và nhiều người lớn qua sông bằng con đò chèo mỏng hơn vầng trăng mùng sáu mà chẳng thấy người đi đò phản ứng gì cả, hình như họ quen với cảnh này rồi, con nít ở sông biết bơi, biết chèo đò là chuyện bình thường trong mắt mọi người.

Còn tôi, tôi hay gọi bé Vân là “sư phụ” làm nó khoái chí cười tít cả mắt, và ân sủng của nó cho tôi thường là một bọc mận da người ngọt lịm còn tươi rói.

Có những ngày lặng sóng, dòng sông rất đẹp, nước chảy nhẹ nhàng, sóng vỗ cũng nhẹ nhàng. Tôi liên tưởng mặt sông lúc đó như mặt thau bông cỏ mà người phụ nữ hay bán ở cổng trường học. Bông cỏ là một loại rau câu có màu nâu rất nhạt, dùng chiếc vá gợn từng lớp nhẹ trên bề mặt, cho nước đường thắng kẹo vào, xịt thêm chút dầu chuối - mùi dầu chuối thơm phức tôi còn nhớ đến bây giờ - là ăn ghiền luôn. Món này luôn là món khoái khẩu của lũ con nít vì nó vừa mát, vừa rẻ.

Bông cỏ giống như rau câu bây giờ - nhưng tôi thấy người ta không còn gọi là bông cỏ, mà thay vào đó là rau câu - mà cũng không còn thấy ai bán bông cỏ đựng trong thau nữa. Rau câu được đổ vào chén, hoặc ly, rau câu được đổ nhiều lớp chồng lên nhau, có mùi dừa, cà phê, sữa…

Tôi thường ví von mặt sông như thau bông cỏ với thím Út Có, thím khen tôi là đứa giàu tưởng tượng, vì ngoài chuyện ví mặt sông như thau bông cỏ, tôi còn ví mặt trời đang lặn ở cuối ngã ba sông kia là một cái thúng than hầm đỏ bị nhúng xuống lòng sông. Rồi tôi ngắm Cồn Rồng được phủ xanh bởi những rặng bần, dừa nước, cãi với thím Út Có là sao chẳng thấy giống con rồng chút nào.

Vừa chèo xuồng, thím Út Có vừa giải thích:

- Phải ở trên máy bay nhìn xuống mới thấy nó giống rồng chứ. Còn nhìn ngang thế này chỉ thấy nó cong cong quẹo quẹo thôi.

*

Tôi thắc mắc, Cồn Rồng này có từ bao giờ vậy?

Thím Út Có kể rằng, ngày xưa lâu lắm, khoảng năm  1788 tự nhiên ở giữa lòng sông này đùn lên một gò nổi, bần mọc xanh um, mỗi khi nước ròng cạn xuống thì nhìn thấy rõ hơn, rồi cứ thế con nước ròng nuớc lớn mang đất bồi đắp mỗi ngày to dần, và cuối cùng đến năm 1872 thì gò đất nổi cao lên khỏi mặt nước thành cái cồn. Ông Đốc Phủ Mầu lúc đó là một đại địa chủ nổi tiếng giàu có ở xứ Định Tường này cho người qua chiếm giữ làm của riêng, trồng nhiều loại cây trái trên mảnh đất phù sa này như nhãn, mận da người, mít, cam, bưởi…

Đến khi người Pháp chiếm 6 tỉnh Nam kỳ, họ bắt Đốc Phủ Mầu giao đất lại cho chính quyền và năm 1958 người Pháp ra lệnh đem những người bị bệnh phong  qua Cồn Rồng nhốt do ma-sơ quản lý, rồi họ thành lập một bộ máy chính quyền ở đây, gọi là làng phong, lúc đó Cồn Rồng là một ấp của xã Bình Đức.

Do đó Cồn Rồng còn có tên là Cồn Cùi.

Còn một số người dân nghèo ở Mỹ Tho và nhiều người buôn bán tứ xứ thấy đất cồn xanh tốt, bắt đầu kéo đến định cư trên Cồn Rồng.

Cồn Rồng lúc đó dài trên 4km2, diện tích là 77 ha không tính phần chân đất bãi bồi, có đến trên 9.000 người cư ngụ. Trên đầu cồn có một tháp ngọn đèn, nơi chiếc phà Rạch Miễu qua lại giữa Mỹ Tho và Bến Tre, tôi nghĩ là dùng để báo hiệu cho tàu thuyền đi qua khu vực này để khỏi phải va vào phần đất đầu cồn.

Người dân đến ở Cồn Rồng thuộc dân tứ xứ, gần nhất thì  từ Bến Tre, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm. Xa nhất thì ở Cần Thơ, Trà Ôn, Vĩnh Long, và những nơi xa hơn nữa. Đa số họ là dân tản cư khỏi vùng đang đánh nhau. Họ đến đây sinh sống bằng nhiều nghề, trồng vuờn, mở trại cưa cây đóng tàu, làm lò muối, lò tương, lập hãng xăng dầu, đi biển đánh cá…

Mới đầu họ chỉ làm ăn nho nhỏ nhưng càng lúc càng thịnh vượng (người dân ở đây đồn do Ông Bà Cồn phù trợ), phát triển mạnh trở thành những “đại gia” miệt vườn nổi tiếng. Như ông Ba Kén (chủ hãng xăng), ông Ba Dây Nịt, ông Ba Kỷ, ông Châu Phước Mai (chủ trại ghe), ông Năm Cầm (chủ trại cưa và trại ghe, có vườn cây ăn trái lớn nhất nhì ở Cồn Rồng), ông Bảy Thén, ông Năm Anh (chủ tàu đánh cá), ông Ba Vinh (chủ lò dừa sấy), ông Sáu Tỏ (chủ lò vôi), ông Thợ Tư, Thợ Năm (hai anh em ruột, là chủ trại ghe), ông Bảy Than, ông Bái Đầy (chủ vườn cây ăn trái), ông Tư Đến (chủ đò, chủ tàu, có vườn cây ăn trái…)

Tiếng “dân Cồn Rồng nhà giàu” bay xa, vượt sông qua bên kia đất Mỹ Tho. Nếu có ai đi tìm nhà người thân ở đây,chỉ cần về đến bến đò ngang tại vuờn hoa Lạc Hồng hỏi tên thì sẽ được người dân nhiệt tình chỉ dẫn đến tận cửa.

Ở Cồn Rồng không có nhà thờ, có một cái chùa tên Tiên Long, xây dựng vào năm 1960, nằm ở phía mặt sau cồn, hướng về phía Bến Tre. Có một nhà bảo sanh, một trạm y tế, còn trường học chỉ có cấp tiểu học, lúc đó không có trường trung học nên sau khi học xong tiểu học, bọn tôi phải sang Mỹ Tho học tiếp.

Mỗi ngày bốn lượt đi về qua con sông rộng, bọn chúng tôi trở thành “tiểu kình ngư” của khúc sông này, đứa nào cũng bơi như rái, bất chấp những lúc sóng to gió lớn. Có hôm đi học về không thèm đi bằng đò, rủ nhau bỏ cặp vào bao ni-lon, đội lên đầu, nhảy xuống sông bơi qua cồn. Từ vườn hoa Lạc Hồng qua Cồn Rồng (và ngược lại)  khoảng một ký-lô-mét, lủ “rái con” chúng tôi lâu lâu lại  qua sông về nhà bằng cách đó. Có hôm gió thổi mạnh, cả lũ bị trôi xuống gần Bến Tắm Ngựa, lóp ngóp leo lên gọi đò về cồn, một phen hú vía.

Nhưng có bơi qua sông như vậy mới biết sông rộng thế nào, hết bơi sãi tới bơi sấp, bơi ngửa, vậy mà bờ xa vẫn xa. Mặt trời phía chân sông đỏ lừ chìm dần xuống, gió thổi ào ào bên tai, những con sóng ập mạnh vào mặt sặc sụa mỗi khi có một chiếc đò, một chiếc  tàu, hoặc một chiếc ghe lớn chạy ngang. Bọn con nít chúng tôi như bầy cá lòng tong bé nhỏ giữa dòng nước xiết mà không hề biết sợ, cười hét in ỏi trước những ngón tay chỉ trỏ, những cái chau mặt của người ở trên đò.

Rồi những chiếc đò chèo được gắn máy. Những bến đò qua sông chia hai phe:  phe đò chèo và phe đò máy. Bến đò máy chính được đặt ở ngay cửa trụ sở ủy ban xã, có một cây cầu bằng bê tông dài chắc chắn dẫn xuống tận mép nước. Còn bến đò chèo ở rải rác khắp nơi từ đầu cồn xuống tới đuôi cồn, tùy nơi cư ngụ của chủ nhân những chiếc đò, như lò vôi, lò tương, trại cưa…

Tôi lớn dần theo chiếc đò ngang, lớn dần theo con nước lớn ròng, lớn dần theo những chuyến qua lại đi về. Tôi thành “dân Cồn Rồng” chính hiệu trong mắt bạn bè và người bên chợ (bên Mỹ Tho). Tôi đi đò không  ngồi, tay không bám vào be xuồng, mà khi thì đứng nghênh ngang hứng gió thổi phần phật, khi thì ngồi sau lái làm người lái đò thay con bạn hàng xóm. Tôi hãnh diện làm “dân Cồn Rồng” nơi có vườn cây trái trĩu xanh ngon ngọt, này quýt, cam, ổi, xoài, nhãn, mận, mãng cầu, dừa, vú sữa…

Nơi có những lò vôi, lò muối, lò tương, trại cây, trại cưa, trại đóng tàu…

Nơi những mái nhà lá cứ mỗi năm lại có cái được thay bằng những ngôi nhà tường nóc bằng hoặc có một lầu  lộng lẫy, đẹp đẽ. Những ngôi nhà ngói ba gian hai chái ngày một nhiều hơn.

“Dân Cồn Rồng” giàu nổi tiếng.

Đêm, tôi ngồi ở cầu sông sau nhà, nhìn qua bên kia sông, vườn hoa Lạc Hồng mơ hồ trong những bóng sáng vàng vọt, mơ hồ dưới hàng dương rù rì cọ lá, mơ hồ những tiếng rít trên cây da sà trăm tuổi…

Đêm, tôi ngồi ngắm trăng rơi đầy khoang những chiếc xuồng câu mực, câu cá bông lau, những bóng đèn hột vịt lắt lư theo nhịp sóng vỗ.

Đêm, gió cồn thổi mạnh xao xác hàng dừa, thổi lạnh tôi với những khát khao vượt con sông dài ra biển.

*

Nhưng từ năm 1970, khi thị xã Mỹ Tho lên thành phố Mỹ Tho thì Cồn Rồng đã bắt đầu có dấu hiệu lở đất.

Trước tiên là ngọn đèn tháp ở đầu cồn bị xóa sổ.

Tiếp theo là 5 căn nhà đầu tiên ở đầu cồn chìm xuống lòng sông.

Sự xâm thực của sóng gió mưa bão đến từ bốn phía, đánh thẳng vào đầu cồn, đuôi cồn, mặt trước và mặt sau khiến diện tích hơn 4km2 trước kia ngày càng ngắn lại. Những nhà ở sát ngoài bờ sông phải đổ đá xây kè chèn chống.

Nhưng lở cứ lở.

Diện tích vườn cây mỗi năm ít dần…

Sau năm 1975 đất nước đã hòa bình, tỉnh Định Tường không còn trên bản đồ mà thay vào đó là tỉnh Tiền Giang với 8 huyện, một thị xã Gò Công và một thành phố là thành phố Mỹ Tho.

Thành phố Mỹ Tho có 11 phường và 6 xã. Trong đó có phường Tân Long tức xã Tân Long trước đây (Cồn Rồng).

 Cồn Rồng bắt đầu thưa dân khi người tản cứ đến ở trước đây giờ lục đục kéo về quê sinh sống, người vì hoàn cảnh bán nhà ra đi, người bắt buộc di tản vì lở đất.

Cồn Rồng có diện mạo mới từ năm 2005 khi không còn là một xã vùng ven nữa, mà trở thành một phường trực thuộc thành phố Mỹ Tho: Phường Tân Long.

Anh Lê Văn Nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Long tâm sự với tôi:

 - Phường Tân Long (tức Cồn Rồng)  có 4 khu phố thay  cho 4 ấp trước kia,  diện tích bây giờ chỉ còn khoảng chừng 2km2, bề ngang nơi to nhất chỉ khoảng 400m, tất cả bị nước xoáy lở mất rồi chị ạ. Đã có  trên 30 hộ phải di dời vì lý do trên, số hộ đang sinh sống tại đây còn được 787 hộ (4.800 người), nhưng trong đó có 27 hộ nghèo. Hiện nay phần lớn bà con ở đây đã chuyển sang nuôi cá bè, thời gian này có 450 bè cá đang hoạt động.

Còn những người nổi tiếng trước đây làm trại cây, trại cưa, đóng tàu, lò vôi, lò muối.., đã thu hẹp việc kinh doanh dần do biến động kinh tế của xã hội, hoàn cảnh riêng của mỗi gia đình. Hiện nay chỉ còn hộ ông Bảy Thén và những người con của ông Năm Anh là hoạt động mạnh, họ mở nhà máy sản xuất nước đá cung cấp cho ngành thủy sản, những tàu đánh cá. Còn người dân ở đây vẫn sống vào nghề đưa đò, vá lưới, đan lưới, đi biển…Bây giờ chỉ còn 4 trại đóng tàu hoạt động, nhưng chủ yếu là sửa chữa nhiều hơn đóng mới. Phường Tân Long chúng tôi thường xuyên tiếp nhận 300 chiếc tàu đánh cá của Bình Định vào lưu cư neo đậu mỗi tháng sau mùa trăng để bán cá cho thủy sản Mỹ Tho. Tổng số ngư phủ trên tàu hơn 3.000 người, do đó mỗi lần tàu về, một số hộ dân ở phường có thêm công việc làm, như sửa chữa tàu, vá lưới, cũng tạo được công việc thời vụ cho nhiều nhà có thêm thu nhập.

Còn những người chuyên sống bằng nghề đưa đò ngang trước đây, bây giờ được chúng tôi chuyển sang làm phục vụ tải nhỏ, vận chuyển ngắn từ đất liền ra ghe, tàu neo giữa sông. Vườn cây ăn trái cũng bị thu hẹp dần do sự lở đất nên bà con xoay sang việc trồng thêm cây lá sâm, thu hoạch ngắn ngày lại rất lời.

An ninh của phường thì rất ổn, vì Tân Long nằm xa đất liền nên tệ nạn hút xì ke, mại dâm không có. Từ năm 2001, Tân Long đã được công nhận là xã văn hóa đầu tiên của thành phố Mỹ Tho đó.

Hiện ở Tân Long có một khách sạn phục vụ khách vãng lai, có nước lọc khoan từ mạch nước ngầm phục vụ người dân ngoài nguồn nước sông dùng sinh hoạt như lâu nay. Chúng tôi cũng đã trình dự án đầu tư Tân Long là Phường Du Lịch Thương Mại, trong tương lai gần, Tân Long cũng sẽ là một điểm du lịch sinh thái như Cồn Thới Sơn.

Dân Cồn Rồng bây giờ thay đổi nhiều chị ạ!

*

Tôi đi dài theo con lộ bé nhỏ bằng bê tông từ đầu cồn xuống tới đuôi cồn, nhà lá ít dần, nhà tường san sát nhau, màu xanh cây trái vẫn phủ mát nhưng ngắn lại rất nhiều. Phía sau cồn, rặng bần xanh bỏ bãi xa ngút mắt.

Anh chủ tịch trẻ chắc không hề biết tôi từng là cư dân ở cồn này, từng uống nước sông Tiền no bụng khi ôm cây chuối tập bơi, từng qua sông bằng những sãi chèo dài khuấy tan mặt trời hoàng hôn rưng rưng tan trong lòng sóng.

Anh chủ tịch trẻ cũng không thể biết trăng ở đây từng rọi xuống mái nhà lá của cha mẹ tôi, rọi xuống những bông cau trắng muốt thoảng thơm bên hè, rọi xuống những “bóng đen”  vẫn thường về giữa khuya thanh vắng thầm thì sau nhà bếp với cha tôi- những bóng đen đó sau ngày giải phóng lộ mặt thành những cán bộ chiến sĩ giải phóng miền Nam.

Anh chủ tịch trẻ càng không thể biết rằng, căn nhà đầu tiên trên đầu cồn chìm xuống lòng sông có hàng cây sầu đâu già đầy tiếng chim hót, có hai cây ô-môi, có một ao bông súng tím và một góc vú sữa, có tiếng đàn ghi-ta đêm đêm rơi từng giọt buồn…

Có gương mặt người con trai với mái tóc bồng bềnh lãng tử nghiêng xuống trang sách.

Là mối tình đầu của tôi.

Tác giả bài viết: P.N.Thường Đoan