Chuyện về người con ưu tú của Tiền Giang nằm lại ở Côn Đảo

Trong danh sách của 1.921 chiến sĩ cách mạng yên nghỉ trong Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo, có một người con ưu tú của Tiền Giang. Đó là Liệt sĩ Phạm Thành Trung, nguyên Tỉnh ủy viên Mỹ Tho, nguyên Bí thư Huyện ủy Cái Bè trong thời kỳ chống Pháp.
Tổ chức giỗ liệt sĩ Phạm Thành Trung cùng 4 liệt sĩ khác hy sinh cùng ngày tại Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo. Ảnh: Ngọc Trung

Trong một chuyến công tác ở huyện Cái Bè, tôi được biết ngôi trường THPT Phạm Thành Trung mang tên người Bí thư Huyện ủy Cái Bè vào thời kỳ sau năm 1954, là liệt sĩ hy sinh tại Côn Đảo. Ông tên thật là Phạm Văn Đua, sinh năm 1922 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại làng Mỹ Thiện, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Thiện Trung, huyện Cái Bè). Vào thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông tham gia hoạt động cách mạng tại xã nhà với các chức vụ lần lượt trải qua như: Xã đội trưởng, Trưởng Công an xã và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Mỹ Tho (giai đoạn 1947 - 1952). Đến giữa năm 1952, với nhiệm vụ là Huyện ủy viên Cái Bè, Chính trị viên phó Huyện đội, ông cùng Huyện ủy lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích ở Cái Bè phát triển mạnh mẽ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau năm 1954, ông được tổ chức phân công ở lại địa phương hoạt động. Trong tình hình mới đầy khó khăn, gian khổ, trên cương vị là Tỉnh ủy viên Mỹ Tho, Bí thư Huyện ủy Cái Bè, ông luôn bám sát địa bàn để lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân trước sự khủng bố ác liệt của Mỹ - Diệm. Vào tháng 7-1958, trên đường đi công tác từ Hậu Mỹ ra Mỹ Đức Tây (Cái Bè), ông lọt vào ổ phục kích của địch, bị bắt giam trong các nhà tù ở Cái Bè, Mỹ Tho, Phú Lợi và Côn Đảo. Mặc dù bị tra tấn dã man, ông vẫn một lòng trung kiên, trung thành với Đảng, với nhân dân. Ngày 27-3-1961, tại nhà tù Côn Đảo, ông viết bản xác định lập trường kiên quyết không nói xấu Bác Hồ và chống ly khai Đảng Cộng sản. Bất lực trước ý chí gang thép của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, vào buổi tối cùng ngày, bọn cai ngục đã đánh đập ông cho tới chết và chôn vào một hố chôn tập thể ở Nghĩa trang Hàng Dương. Tại Nghĩa trang Hàng Dương, phần mộ của ông nằm cách ngôi mộ của nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ba hàng mộ về phía bên trái. Đây là ngôi mộ tập thể của 5 liệt sĩ (trong đó có 3 Tỉnh ủy viên và 2 Huyện ủy viên) bị kẻ thù tra tấn đến chết trong đêm 27-3.

Trong quá trình thu thập tư liệu cho bài viết, tôi được gặp cô Phạm Thị Bé, người con đầu của Liệt sĩ Phạm Thành Trung, nguyên là Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Tỉnh ủy (nay đã nghỉ hưu). Chồng cô Bé cũng là một liệt sĩ (hy sinh năm 1972). Kể về người cha anh hùng, cô Bé rươm rướm nước mắt: Ký ức về người cha thân yêu là một vài chuyến được má dẫn đi thăm ba trong vùng kháng chiến. Lúc đó tôi khoảng 6 - 7 tuổi nên chỉ còn nhớ là được cơ sở đưa vào các địa điểm hoang vắng bằng ghe tam bản để gặp ba. Sau khi ba tôi bị địch bắt, cho đến năm 1961 - 1962 gia đình mới biết tin ông hy sinh qua tin tức của một bạn tù vượt ngục trở về. Kỷ vật mang về là cái quần cụt có thêu tên và ngày, tháng hy sinh của ba tôi (rất tiếc đã bị mất sau trận dội bom vào nhà người chú đang lưu giữ). Cũng vào năm 1962, má tôi là cán bộ quân y cũng bị địch bắt, sau đó hy sinh tại Đức Hòa - Đức Huệ (Long An) vào tháng 10-1964.

Cô Bé cũng kể câu chuyện tấm ảnh in trong mộ chí của ba mình trên ngôi mộ ở Nghĩa trang Hàng Dương có chi tiết đáng ngạc nhiên: Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, gia đình tổ chức lễ giỗ ba tại nhà riêng của người con trai thứ ba là anh Phạm Trọng Quốc, sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Cách đây gần chục năm, có một cán bộ ở Bảo tàng Côn Đảo trong quá trình sưu tầm tư liệu cho biết di ảnh mà gia đình đang thờ cúng không phải là của ông Phạm Thành Trung mà là của một cựu tù Côn Đảo, hiện vẫn còn sống ở Củ Chi. Gia đình đến Củ Chi tìm gặp ông Út trình bày câu chuyện và xin lỗi về việc “thờ cúng” ông trong thời gian qua. Sau đó bỗng có một người (không cho gia đình biết tên) liên hệ anh Quốc cho biết là trong hồ sơ lưu trữ liên quan đến tù Côn Đảo tại TP. Hồ Chí Minh có tên của ba anh; đồng thời gửi tấm ảnh chụp bằng điện thoại cho gia đình. Đó là tấm ảnh mà gia đình hiện đang thờ cúng và in trong tấm bia trên phần mộ của ông tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Tên của  Liệt sĩ Phạm Thành Trung hiện được đặt tên cho ngôi trường THPT ở xã An Thái Trung, huyện Cái Bè theo Quyết định 3657/QD9-UB ngày 25-9-2003 của UBND tỉnh. Tại phòng truyền thống của nhà trường có bàn thờ và tiểu sử tóm tắt của Liệt sĩ Phạm Thành Trung. Hàng năm, kỷ niệm ngày mất của ông, Ban Giám hiệu Trường THPT Phạm Thành Trung đều tổ chức lễ giỗ để tri ân nhằm giáo dục lòng yêu nước cho tập thể giáo viên và học sinh của nhà trường. Tại Côn Đảo, Ban Quản lý khu di tích cũng có tổ chức lễ giỗ ông cùng 4 liệt sĩ khác hy sinh cùng ngày.
 

Phong trào chống ly khai Đảng Cộng sản của tù chính trị Côn Đảo kéo dài từ năm 1957 đến 1964. Trong quãng thời gian 7 năm đó, rất nhiều người đã hy sinh vì đòn roi tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Đến tháng 3-1961, số tù chống ly khai Đảng Cộng sản bị nhốt ở Chuồng Cọp chỉ còn lại 18 người. Ngày 27-3, địch mở đợt chiêu dụ mới, nhưng 18 người đã cương quyết ký không ly khai Đảng. Tối hôm đó, địch đánh đập, đàn áp rất dã man, khiến 5 người bị đánh chết tại chỗ, trong đó có Liệt sĩ Phạm Thành Trung.
 
(Nguồn: Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu)

 

Tác giả bài viết: Phùng Long

Nguồn tin: Ấp Bắc