Bí mật quan tài đá khổng lồ

Ở xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, Đồng Nai có một cỗ quan tài đá khổng lồ dài 4,2m, cao gần 2m, rộng 2,7m và nặng ước 50 tấn. Cỗ quan tài này đã hơn 2.000 năm tuổi, từng có truyền thuyết cho rằng chủ nhân của nó là giống người khổng lồ. Hiện cơ quan chức năng đã đầu tư xây nhà vòm rộng lớn để bảo quản di tích độc đáo có một không hai ở Việt Nam, vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật này.

Được phát hiện 85 năm trước

“Kinh ngạc và khâm phục!”, đó là cảm giác của kỹ sư cầu đường người Pháp tên J. Bouchot khi phát hiện quan tài đá khổng lồ vào năm 1927. Từ đó đến nay, không biết bao nhiêu triệu người Việt Nam và khách quốc tế đã lặp lại câu nói này mỗi khi được đứng bên cạnh say sưa ngắm nghía, sờ vào kết cấu đá kỳ lạ này. Chuyện bắt đầu vào một mùa mưa cách nay đã 85 năm. Trong khi cùng đoàn dân phu khảo sát để mở con đường từ Long Thành – Đồng Nai đi Bà Rịa, ông J. Bouchot phát hiện một phiến đá lớn nhô lên bên cạnh gốc cổ thụ, xung quanh cây cối bao phủ dày đặc. Sau khi xâm lược Việt Nam, từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trên con đường tìm kiếm tài nguyên ở thuộc địa mới này, người Pháp đã phát hiện ra những báu vật vô giá của nhân loại. Từ 1898 – 1904, nhà bác học lừng danh Henri Parmentier cùng các đồng nghiệp là Louis de Finot (Giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông bác cổ), Launet de Lajonquere, Olrpeaus… đã làm sửng sốt các nhà khảo cổ thế giới khi công bố những kiệt tác nghệ thuật hơn nghìn năm tuổi từ thánh địa Mỹ Sơn – Quảng Nam. Nhắc lại sự kiện này để chúng ta hình dung ra cảm xúc của kỹ sư J. Bouchot khi đứng trước dấu vết cổ nhân nhô ra trong khu rừng rậm Long Khánh hơn 20 năm sau khi phát hiện ra Mỹ Sơn. Có lẽ ông đã quá phấn khởi, vui mừng và rất tò mò khi quyết định dừng việc khảo sát mở đường để quyết tâm đào xuống tận cùng câu hỏi về dấu vết lạ này.

Hơn một tháng ròng rã đào bới có sự cố vấn của Viện Viễn Đông bác cổ, dưới tán rừng già âm u và mưa dai dẳng, công sức của J. Bouchot, W. Bazé (chủ đồn điền cao su) và đoàn dân phu được đền đáp. Hố khai quật được đào rộng trên diện tích cỡ 1.000m2, khi xuống độ sâu hơn 3m, tất cả đều bàng hoàng với những gì được phơi bày từ lòng đất – một quan tài khổng lồ được hình thành bởi những tấm đá chế tác công phu. Hai tấm nóc và đáy dài cỡ 4,2m, rộng 2,7m, dày hơn 0,3m, mỗi tấm nặng trên 10 tấn. Hai tấm hông quan tài nhỏ hơn chút đỉnh và tấm đá ở đuôi quan tài được đẽo gọt phẳng. Đến nay phía trước quan tài vẫn để trống và không tìm thấy tấm đá “đầu quan” lẽ ra phải có. Ở mép hai tấm đáy và nắp quan tài đều được đục rãnh đế lắp ghép kín bưng vào các tấm đá khác. Xung quanh quan tài dị thường này còn rất nhiều cột đá bị gãy, vỡ. Trong đó còn một cột đá đã chế tác thành hình khối chữ nhật lõm yên ngựa ở đầu, dài đến 7,5m và nặng ước 30 – 40 tấn.

Ngay sau khi nghe tin về quan tài đá khổng lồ, nhà bác học nổi tiếng Henri Parmentier đã ba lần đến tìm hiểu. Tiếp đó là nhà khảo cổ E. Gaspardme và nhiều đồng nghiệp khác của hai ông cũng đến nghiên cứu. Họ đặt tên cho công trình cổ kỳ vĩ này là “mộ cổ Hàng Gòn” và viết bài giới thiệu trên các tạp chí khoa học… Năm 1928, Viện Viễn Đông bác cổ đưa “mộ cổ Hàng Gòn” vào bảng di tích lịch sử Đông Dương. Từ đó đến nay đã có hàng trăm đoàn nghiên cứu của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đến tìm hiểu về mộ cổ cự thạch này. Quan điểm chung của giới khoa học: đây là loại hình mộ cổ Dolmen châu Á, một trong những mộ cổ lớn và đẹp nhất trên thế giới so với các mộ cổ đã phát hiện ở Jordanie, Indonesia, Myanmar…


Nhà vòm đang xây dựng để bảo quản quan tài đá.

Vẫn còn nhiều bí ẩn

Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra sau khi quan tài đá khổng lồ hay “mộ cổ Hàng Gòn” được phát hiện. Điều mà giới khoa học ngày nay khao khát được giải đáp là J. Bouchot và các cộng sự đã tìm được gì, lấy đi những gì từ cổ mộ huyền bí này? Cột đá nổi trên mặt đất mà ông đã thấy và theo xuống hầm mộ là cột nào? Đứng ở tư thế ra sao? Về niên đại được xác định hơn 2.000 năm, đó là thời kỳ lịch sử miền Đông Nam bộ của chúng ta gần như “trắng” về sử liệu. Vì thế sau 85 năm được phát hiện, đến nay chưa có nhà khoa học nào trên thế giới cũng như ở Việt Nam có thể “nêu danh” được chủ nhân thực thụ của “mộ cổ Hàng Gòn”. Chỉ có những giả thuyết mơ hồ như “đây là mộ hỏa táng tập thể của một bộ lạc hùng mạnh”, nhưng bộ lạc này thuộc dân tộc, chủng tộc nào? Có hậu duệ hay không? Tại sao lại biến mất sau đó? Có để lại thêm di tích nào cùng niên đại, văn hóa với “mộ cổ Hàng Gòn” không?… thì khoa học vẫn chưa trả lời được.

Những tấm đá của quan tài khổng lồ cũng như những trụ đá để lại xung quanh cổ mộ là loại đá hoa cương, chỉ có ở vùng Lâm Đồng, Bình Thuận hoặc Định Quán – Đồng Nai, cách xa cả trăm ki-lô-mét đường chim bay. Hơn 2.000 năm trước, với công cụ thô sơ, người xưa đã làm cách nào để tách những khối đá khổng lồ nặng hàng chục hoặc cả trăm tấn ra khỏi núi đá, mỏ đá? Sau đó dùng phương tiện gì đưa những khối đá nặng khủng khiếp đó về công trường chế tác, xây dựng cổ mộ trong khi không có đường bộ hoặc đường thủy? Trong những lần trùng tu cổ mộ, lực lượng thi công từng dùng đến xe cẩu “lực sĩ” nhất. Những phương tiện hiện đại này không thể nâng nổi những trụ đá nằm cạnh quan tài. Thế mà người xưa đã đưa được các khối đá (lúc còn nặng hơn rất nhiều do chưa được chế tác) ở xa xôi về.


Cột đá lớn ở cổ mộ.

Tử Cấm Thành của Trung Quốc được xây dựng sau “mộ cổ Hàng Gòn” khoảng 15 thế kỷ cũng có những phiến đá nặng hàng chục tấn, được di dời từ xa về theo cách người ta đào một con hào dài hơn 60km từ chỗ khai thác đá về công trình xây dựng. Cứ 500m dọc hào lại đào một giếng nước. Trong mùa đông -10 đến -15OC, người ta múc nước giếng đổ ngập con hào. Nước nhanh chóng được đóng băng, chuyển khối đá nặng vào hào. Đá sẽ trơn trượt trên mặt băng. Con hào trở thành băng chuyền tải vô cùng tiện lợi. Nhưng đá ở “mộ cổ Hàng Gòn” không thể chuyển theo cách đó.

Xây nhà cho mộ cổ

Sau khi đất nước được thống nhất (năm 1975), “mộ cổ Hàng Gòn” tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng Việt Nam cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước. Năm 1983, nơi đây được xếp loại di tích lịch sử quốc gia và nhiều lần được trùng tu. Bên cạnh di tích, từ hàng chục năm nay có một ngôi miếu thờ vong linh chủ nhân ngôi mộ mà dân trong vùng kính ngưỡng, gọi là “ông Đá”. Miếu cũng như mộ thường xuyên được nhang khói. Cách khu cổ mộ khoảng 4km, tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai vào năm 1986 phát hiện được một số câu liêm lớn bằng đồng (bộ vũ khí Qua Đồng) chưa xác định được niên đại và rất hiếm gặp trên thế giới. Hai mươi năm sau (2006), các nhà khảo cổ Việt Nam đào được hai chiếc tù và bằng đồng được chôn góc trái cổ mộ. Tù và này được xem là khí cụ chỉ huy tác chiến của các tù trưởng. Trên tù và có họa tiết giống với bộ vũ khí Qua Đồng. Tháng 10-2007, đoàn khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đào 24 hố thám sát xung quanh khu mộ và khám phá thêm nhiều dấu tích. Phía trước mộ chừng 60m được xác định là công trường chế tác đá. Ở đây còn nhiều mảnh đá chứng minh các khối đá lớn đã được tập kết về đây để chế tác thành các kết cấu của quan tài khổng lồ và cổ mộ. Trong một số hố thám sát còn tìm thấy một số mảnh gốm vỡ được làm bởi tay thợ tài hoa. Có nơi mảnh vỡ trải rộng gần 10m2… Tất cả những phát hiện này cho thấy trên vùng đất đỏ miền Đông từ hàng ngàn năm trước đã có một cộng đồng phát triển phồn thịnh, có tổ chức và tinh thần đoàn kết. Họ đủ khả năng thực hiện những công việc đòi hỏi nhiều sức lực, óc sáng tạo và tài chỉ huy. Cộng đồng đó đã lập kỳ tích khi thực hiện công trình đá “siêu phàm” này. Cũng có những giả thuyết cho rằng, chủ nhân của “mộ cổ Hàng Gòn” là người khổng lồ hoặc một tộc người khổng lồ. Chỉ có sức vóc to lớn mới có thể di chuyển những khối đá hàng chục tấn từ rất xa về chế tác, xây dựng nên công trình kỳ vĩ này. Song tất cả vẫn chỉ là ước đoán và chưa có lời giải thuyết phục.


Hố thám sát có dấu tích của công trường chế tác đá.

Từ năm 2011 đến nay, “mộ cổ Hàng Gòn” đang được đại tu. Nhiều tỷ đồng đã được bỏ ra xây dựng các hạng mục nhằm bảo quản chặt chẽ và thêm vẻ tôn nghiêm cho công trình bí ẩn hơn 2.000 năm tuổi này. Ngày 24-8-2012, khi chúng tôi quay lại lần thứ ba, đã kinh ngạc và vui mừng với một nhà vòm cao, rộng như nhà thi đấu thể thao hiện đại trùm lên cổ mộ. Từ nền nhà nhìn xuống, quan tài đá nằm sâu 3m dưới lòng đất trông càng to lớn, huyền bí. Sau 85 năm phơi sương gió, cổ mộ và quan tài đá khổng lồ đang dần được quan tâm nhiều hơn, xứng đáng với giá trị vô cùng to lớn của nó. Đây là báu vật của cả nhân loại rất cần được bảo tồn cho các thế hệ sau chiêm ngưỡng, nghiên cứu và giải mã những bí ẩn.

Tác giả bài viết: Lại Văn Long

Nguồn tin: CATPHCM