Ăn ong vò vẽ

VNTG- Vài năm trước đây, trên cây dâu quì(1) trước cửa nhà tôi có một tổ ong vò vẽ (còn gọi là ong nùi giẻ hay ong mặt quỷ…). Cái tổ của nó to như cái rổ xúc, dán cứng trên cành dâu khô vừa bằng cổ tay người già.
Lúc ấy, bầy ong luôn siêng năng trước con mắt lười quan sát của tôi. Cho đến bây giờ khi ngồi vào bàn viết để làm lại cái công việc tưởng như đã biết đến tận tường cội rễ kia… Mà không! Để tìm hiểu được chúng là cả một việc khó; tôi đã tiếc ngẩn, tiếc ngơ và phải trả giá cho sự lười lõm của mình. Vâng! Bầy ong kỹ lưỡng kia luôn giữ gìn bí mật sinh thái của chúng phía bên trong lớp da mặt quỷ ấy.

Thế là tôi lại phải cất công đi tìm… Trải manh chiếu dưới một tổ ong khác, cách nhà tôi ước chừng non chục cây số. Mong rằng: Sự chịu khó nào cũng đạt được kết quả, cho dẫu chỉ để mua vui cùng bạn đọc bằng những điều có thể ghi nhận được dưới đây.

Vài nét về những cái tổ ong…

"Có người rồi mới có nhà

Nhà xây gác lửng mới dời bà ra riêng"

Đó là cách nói mượn để ám chỉ việc làm tổ của bầy ong vò vẽ và cũng để cho thấy sự khác biệt đôi chút giữa những bầy ong luôn tuân thủ và giữ gìn nguyên tắc truyền thống du cư của mình. Mỗi chủng loại ong có một đời sống dị biệt, thích nghi với môi trường thiên nhiên cho phép. Và cách làm tổ của chúng cũng tùy vào từng loại vật liệu xây dựng thích nghi với điều kiện sống.

Ví dụ:

Ong chuỗi: Loại ong thân đen và nhỏ, thường đóng tổ thành chuỗi theo những sợi lạt nước(2) đuôi lá… ở những ngôi nhà lá nhà tranh miệt vườn. Tổ của chúng được làm bằng mùn lá, mùn khói bếp trên lá. Chúng sống như một gia đình riêng lẻ; có đôi, có bạn và cùng nhau xây dựng tổ ấm.

Ong lá, ong nghệ, ong bần… thì làm tổ trên những hàng dừa nước, trên những cây bần gie hoặc đọt tre ven sông… Chúng cũng có cách sống tương tợ như ong chuỗi, tổ được làm bằng cách ghép lá khô và xây ngắn bằng mùn lá và một ít phấn hoa.

Ong mật, ong ruồi… Có lẽ là loài ong sang trọng nhất trong dòng họ nhà ong chúng làm tổ trần (không cần mái che và làm phẳng xuống vuông góc với mặt đất). Nơi cư trú cũng là các cành cây hay trong bọng cây (trừ ong nuôi) và duy nhất chỉ dùng phấn hoa làm vật liệu xây dựng tổ.

Ong vú: (Còn gọi là ong vòi). Loại ong nhỏ nhất trong các loài ong, chúng thường làm tổ trong các bọng cây rồi đắp ra ngoài một cái vòi dài, thõng xuống để làm cửa ra vào. Ong vòi không chích như những loại ong khác mà chỉ bâu vào cắn và làm rối tóc người…

Ong bầu: Thoạt trông người ta sẽ nghĩ rằng ong bầu lười làm tổ; vì chúng chuyên đục khoét những lóng trúc, đọt tre, ngọn kèo… Rồi dùng ngay cái mùn tre, mọt trúc ấy cộng với một ít phấn hoa để xây phòng cho con cái của chúng phía bên trong khuôn cửa tròn ấy. Nếu bị xâm hại bởi lũ kiến thì chị ong bầu sẽ gồng mình lên đóng kín cánh cửa kia bằng lớp vỏ kitin rắn chắc và an toàn. Trẻ con hay dụ khị ong bầu chui vào cái bao nylon, rồi mang đè xuống đáy thùng nhôm, thùng thiếc… để chúng đàn cho nghe.

Trở lại với bầy ong vò vẽ về công việc làm tổ của chúng. Khác với ong mật, ong ruồi khi tách bầy là kéo đàn kéo lũ cả một đội quân hùng hậu, rầm rộ dưới sự cầm đầu của nữ hoàng ong và rồi chúng bu bám bên nhau thành nùi, thành vệ… Sau đó mới phân công, cắt việc cho nhau để hoàn thành cung điện. Còn ong vò vẽ? Thoạt tiên chỉ có đôi ba chú thợ xây cặm cụi làm nên cái nền tảng ban đầu cho lâu đài vương quốc. Đôi ngày sau cái tổ đã tròn lẳng như cái bình trà nhỏ, bên trong đã xây được một tầng gác lửng có khoảng 100 căn phòng lục giác, thì người ta mới thấy lố nhố vài chú lính gác cửa, bên cạnh dăm bảy nghệ nhân xây dựng đi đi, về về…trình báo bằng tín hiệu hẳn hoi mới được vào cái lâu đài nhí ấy. Thỉnh thoảng người ta thấy một vài anh công nhân mặc áo khoang vàng cặm cụi vò viên trong đống phân trâu ướt hay dưới vạt bùn non… Rồi lặng lẽ mang từng tảng vật liệu ấy về xây dựng tổ.

Khoảng chừng một tháng thì tổ ong ấy to lên, phình ra cỡ bằng trái dừa rám. Bên trong mỗi tổ ong như vậy bọn ong thợ đã xây được ít nhất ba tầng, mỗi tầng có đường kính từ 11-15cm được chia làm 135 đến 160 ngăn lục giác/1tầng, mỗi căn phòng lục giác có cạnh từ 3-5mm, tiếp tuyến 6-7mmm và sâu vào đỉnh chóp bút từ 16-18mmm. Các tầng trong tổ được xây như hình chiếc lọng, úp xuống đối diện với mặt đất và được nối với nhau bằng vài cái cột treo mảnh khảnh. Cả nhiều tầng ấy lại được bao bọc bởi một lớp vỏ vằn vện, rằn ri… mà đủ sức che mưa đỡ nắng.

Có lẽ người ta nhìn vào công việc xây dựng tổ mà đặt cho chúng cái tên vò vẽ. Vâng! Chúng vò từng viên phân trâu (một loại vật liệu có độ dai, dẻo và bền; đến người còn dùng để trộn với đất xây nhà, quét trám bồ lúa, tráng nền sân phơi…) hoặc đất bùn, một ít phấn hoa (phấn hoa chỉ để làm màn che cửa phòng lục giác). Thế rồi chúng lại phải vẽ vằn xanh, vằn trắng hoặc màu vàng đất lên mặt ngoài cái tổ; có lẽ để ngụy trang. Sau cùng là một cái cửa tròn, duy nhất một cửa ra vào để dễ bề canh gác (cũng có tổ mở thêm một cửa nhỏ để thoát nhiệt) và ngay cái khuyên môn ấy lúc nào cũng có 2 vệ sĩ đi đi, lại lại… tuần tra. Tổ được xây càng lúc càng to, khoảng 6-7 tháng sau thì chúng đã xây được 6-7 tầng bên trong cái nồi rọ ấy, mỗi tầng có đường kính từ 40-50cm là ít. Trong ấy chứa được hàng ngàn con ong non nhiều thế hệ như: nhộng sữa (ấu trùng chưa mọc cánh), ong chàng (tên gọi dân gian để chỉ loại ong non đã mọc cánh mà thân còn màu trắng sữa), ong trẻ (đã có màu vàng gạch cua, khoang vàng nhạt mà chưa bay được)… Khi tổ xây được 7-8 tầng thì ong trẻ càng nhiều (hàng vạn con) và chúng chuẩn bị tách bầy, để tự tìm cho mình một vương quốc khác. Được biết qua lý thuyết khảo sát thì trong mỗi tổ ong trưởng thành (?) chị ong chúa có khả năng sinh sản 2.500 trứng/ngày. Và dù cư dân trong lâu đài mặt quỷ ấy đông đúc chật chội… mà nhiệt độ trong tổ luôn được giữ đến mức cao nhất là 35o (nhờ siêng năng quạt cánh). Cũng bằng vũ điệu đôi cánh mà chúng chuyền tín hiệu cho nhau để tìm thức ăn và vật liệu xây tổ.

Vì không đủ điều kiện theo dõi. Tuy nhiên qua quan sát thực tế khoảng 7 tổ ong vò vẽ thì hầu hết chúng đều mở khuyên môn ra hướng đông (?) Và phía bắc của tổ lúc nào cũng được xây kiên cố hơn. Có lẽ đây là việc nên dành cho chuyên viên nghiên cứu côn trùng!

Cũng nên phân biệt ở đây hai loại ong tương tợ hình dáng là vò vẽ và ong lỗ. Vò vẽ thì mình đen, vằn vàng đậm ở khoang bụng, mỗi con dài độ 1,8-2cm.

Chúng làm tổ trên mặt đất từ 50cm trở lên. Còn ong lỗ thì có thân to và dài hơn, cũng khoác áo choàng đen có vằn màu da cam ở khoang bụng và chuyên làm tổ ở dưới mặt đất, trong các rọ mối, gốc dừa mục, ven ụ cỏ bờ thửa… Ong  lỗ có đời sống tương tợ với vò vẽ, nhưng cú đánh, cái tiêm của chúng thì dữ tợn hơn, nguy hiểm hơn.

… Bầy ong… những ống tiêm di động…

Có lẽ phải đặt sự dữ tợn của chúng lên hàng đầu trong cách quan hệ xã hội. Vì lẽ đó sự so sánh ở trên là cần thiết để nhận mặt chính xác hai vị ong nòi trong dòng họ nhà ong. Người dân đồng áng quê tôi luôn phải cảnh giác từng bước chân khi phá lâm, dọn bờ, đắp thửa… Bởi vì biết đâu sẽ phải thọt chân xuống ổ ong lỗ mà hẻo đời. Bọn chúng sẽ chẳng kiêng nể ông Rằn bà Rí nào cả: hễ đụng tới là đốt, tiêm, đốp, chích… Ái chà! Cả đến trâu còn thủng và trâu cũng phát rống, đừng nói chi người chẳng la. Với sức chịu đựng của một thanh niên vai u thịt bắp thì cũng chỉ nhận đựơc cỡ 3 mũi tiêm là đủ để nhức đầu, nóng lạnh… Khoảng 7 mũi trở lên thì coi chừng "bó ván" Ấy là ong lỗ; còn ong vò vẽ? Dẫu rằng không quá độc địa như người bạn láng giềng ong lỗ kia. Nhưng cũng đủ sức vật ngã 50kg mà chỉ cần 5-7 săn sóc viên tham gia vào công việc.

Vậy mà lũ trẻ làng luôn hè nhau chọi đất, phá tổ… của chúng. Trò chơi rắn mắc này thường bị trả giá khá đắt, có khi phải lặn sâu dưới nước, dài hàng chục sãi tay bơi, ngộp muốn đứt hơi tưởng được an toàn, ai dè vừa ló đầu lên khỏi mặt nước là bị đột một mũi, đủ để ủ ê một mảng da đầu giáp cữ(3) mới hết sưng da, lặn hạch… Ấy là chưa nói đến chuyện phải chạy thục mạng mà không tránh khỏi nặng mắt vêu đầu. Đã vậy, có đứa còn dạn tay bắt một chú ong, ngắt đầu rồi rình rình kề cái mũi kim dưới đít ong còn đang cà nhấp lên đùi đứa khác. Đó là trò chơi mích lòng khó quên và dễ xa nhau lắm.

Hồi nhỏ, mỗi lần bị ong đốt là mẹ tôi hay phệt một miếng vôi ăn trầu lên chỗ sưng, đợi đến lúc vôi khô thì gỡ cái ngòi ống tiêm ấy ra khỏi chỗ đau. Mà cái ngòi ấy có lớn lao, cứng cáp gì cho cam. Nó dài độ khoảng 4mm và nhỏ rức như sợi tóc, ngắt mạnh là đứt đôi, đứt ba… Còn cái túi nọc cũng chỉ to bằng cái bầu đít con kiến cao cẳng, kiến đường… bên trong chứa chất dịch màu vàng đục. Thế mà cực kỳ lợi hại! Khi quan sát một con ong đã gởi ống tiêm vào lỗ chân lông thiên hạ, biết rằng chú ong ấy rồi cũng sẽ chết mà hằng giờ sau đó cái quán tính cố hữu của bản năng tự vệ vẫn còn nhấp nha, nhấp nhốm… ở khoang cùng chóp đít.

Bầy ong tham gia giữ nước…

Ong vò vẽ hung hăng là vậy. Cho nên, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã có nhiều vùng người ta dùng ong làm vũ khí đấu tranh chống giặc. Một việc làm không phải ai cũng dạn dĩ đảm nhận. Cái khó là ở chỗ có dám liều mình đến gần tổ ong để làm quen với chúng hay không? Người ta kể rằng: Muốn làm bạn thân của tổ ong nào đó thì phải lấy cái áo muối đầy mồ hôi của mình mà len lén đến treo gần bên tổ ấy, sau đó úp cả cái áo lên tổ; công việc này phải làm lúc chạng vạng, đỏ đèn… mới được. Nhớ là không được uống rượu khi bước gần đến tổ ong, nếu chúng thấy ghét là coi chừng vêu mặt, vễnh mõm.

Sau nhiều ngày làm quen như vậy, thì mới dám thò tay mà nhét một vật gì đó đủ để trám bít cửa ra vào của chúng; thường thì ta quan sát kích thước cái cửa tổ, xong mới làm một cái nút nùi giẻ hay cạt bần vừa vặn để bịt cho kỹ. Rồi cắt cả cành cây, mang tổ ong treo vào chỗ phục kích, đợi bọn giặc vừa đến thì chặt dây cho tổ ong rơi xuống, bể ra… Thế là chúng cứ nhằm tên nào là độp ngay tên đó. Mà khi trám miệng cửa tổ cũng như lúc cắt cành đều phải chú ý hai vệ sĩ đang vởn vãng trên đầu và phải làm lẹ tay, coi chừng bể cái mặt quỷ ấy là gậy ông lại đập lưng ông.

… Sự đối diện buồn thảm…

Bầy ong vò vẽ có thể khiêm tốn được mệnh danh là: Những vệ sĩ trung thành miền nhiệt đới. Là khi chúng ra sức bảo vệ nơi chôn nhau cắt rún của mình bằng duy nhất một đoản gươm giấu kín trong đáy dạ bản năng. Và chúng thật anh hùng khi lao xuống không một chút do dự để tấn công đối phương, dù kẻ đó có trạng và lực to gấp vạn lần so với đôi cánh mỏng manh của chúng. Lúc ấy trông chúng như những cảm tử quân tiêm kích đang lái phi cơ, đã không ngần ngại hy sinh thân mình mà đâm sầm, bổ nhào… vào tấn công nhằm triệt để tiêu diệt mục tiêu.

Những cuộc chiến xảy ra như vậy thường thì chiến thắng thuộc về những vệ sĩ cảm tử ong, mà thiệt hại cũng không phải là nhỏ cả về công lực, vật lực, sinh mạng… và đôi khi tan vỡ cả cái lâu đài tráng lệ đang hoàn thành từng phần dang dở. Bầy ong lại phải làm lại từ đầu, tổ chức và hình thành lại những chu kỳ biến thái mới trong cái cảnh hoang tàn, đổ nát ấy.

Quan sát cuộc tiêu dao mục tử đang chòng ghẹo bầy ong bằng phi đạn đất cục, bích kích sào hay phương thiên gậy… Ta không thể không tỏ ý thương cảm cho bầy côn trùng có cánh lợi hại lưỡng toàn này. Lại nữa, một anh chàng đực mẫm(4) to cổ nào đó ngứa sừng cũng có thể giỡn chơi mà chọc bể cái công trình chăm chỉ ấy một cách vô tội vạ. Và càng buồn hơn khi tổ ong mới xây dựng được vài ba tầng… Lúc này trong những hậu cung lục giác đang ấp ủ những mầm tương lai. Thì lũ kiến vàng hóa thân làm những tên trộm miền cây lá đã dám len lỏi qua mặt mấy chú lính canh mà bò vào tận dinh công chúa, cung hoàng tử… để bắt cóc sạch sành sanh các thế hệ ong non, ong trẻ, ong chàng… Nếu có bị phát hiện, thì nhiều lắm cũng độ chục tên trộm bị hành hình đến dập cả bụng dưới mà chết. Nhưng đâu phải dễ dàng gì để đối phó với hàng cơ man những "cái túi acid" đủ chua, cay và xốn… của những tên trộm luôn mang theo bên mình, phòng khi ngộ nạn. Nếu là ong lỗ thì coi chừng lũ kiến bù nhọt(5). Vậy là các vệ sĩ trung thành đành phải giấu đoản gươm cùn mà buồn bã, bồng bế nhau tìm về chân trời mới định cư. Bỏ lại chốn cành xanh lá mát ấy những dư ảnh của vũ điệu khiêm cung và dư âm bổng trầm thánh thót… của đôi cánh mỏng màu sương khói. Tất cả sẽ chìm vào cổ tích cùng với một lâu đài hoang phế trước thời gian; rồi nó cũng rơi vãi, vỡ vụn vào không gian ô tạp, thành một thứ rác rưởi dành riêng cho đôi tay thô kệch của một gã dọn vườn không mấy khi nặng mang niềm trắc ẩn. Than rằng: "… hết duyên như ổ ong tàn ngày mưa!".

… Ăn ong vò vẽ

Nếu bầy ong đã chịu đựng sự buồn thảm như trên, nó làm ta có một chút gì áy náy? Thì trên mao vị người đời cũng luôn kích thích bởi cảm giác để mạnh dạn hưởng thụ các món ăn đặc chế từ ong. Do vậy, có thể đặt cho mình cái khái niệm tiêu khiển khi hành xử độc ác với bầy ong vốn dĩ không thù, không oán. Chúng chỉ làm khó chịu đôi mắt trần tục này chỉ vì chiếc mặt nạ ít tạo cảm tình của chúng, và chính nó đã làm bẩn thỉu một nhánh cây nào đó nửa kín, nửa hở trong góc vườn.

Vâng! Ăn ong là một thú tiêu khiển đồng quê mang đậm nét dân dã miệt vườn. Mà muốn ăn ong thì phải phá tổ của nó, bắt hết dòng họ nó mang về… Công việc tuy dễ mà khó (và ngược lại). Thế này, nếu giỏi giang thì làm theo kiểu những người mang ong đi đánh giặc, ta chỉ cần 2 người lặng lẽ đi lấy tổ ong, rồi cũng âm thầm giũ ra một rổ ong non mang về làm món. Nhưng, chắc là hổng được khoái! Cái khoái, cái vui của nhiều người tham gia công việc đi lấy tổ ong (lúc này chúng như một thứ tài sản hiếm). Họ chuẩn bị 2 cây đuốc hoặc rọi tẩm dầu, chờ lúc nhá nhem thì tập kích; lựa một người dũng cảm leo lên tận tổ mà đốt, nên trùm bao bố hay đệm bàng để tránh nguy hiểm có thể xảy ra. Bằng không phải bó rọ sào mà đốt; một cây kề ngay miệng cửa ra vào, còn cây kia thì quơ vòng quanh tổ… Những chú ong xấu số lần lượt chui ra cửa , bị cháy cánh lao càng, lao ẩu… phát ra những tiếng rên la cuối cùng "…vút vút… vụt vụt…" như tiếng đốt nhựa cao su mà nhễu. Đã lỗ tai lắm mà cũng phoóng lắm, coi chừng phải nhót lên vì bị một cảm tử quân nào đó đột càng (đốt ong coi chừng ong đột).

Xong rồi, lặng lẽ rồi. Bầy ong cha, ong chú lúc này chỉ còn là những tiếng "xè xè…" vương vãi dưới đất hay trên mặt

nước; ta chỉ việc cắt cành , lấy tổ ung dung cười, giỡn mang về. Nếu siêng thì rọi đèn quét hốt bầy ong đang dở sống, dở chết kia đem về ngâm rượu uống chơi, bằng không thì bỏ cho nó thành mọt đất, bọt nước…

Vậy thì làm món nhé! Ừ đã ăn thì phải nhấp chút rượu. Bà con chân lấm tay bùn quê tôi đa số (có nghĩa: không là tất cả) dẫu ít, dẫu nhiều ai cũng có thể nâng ly rượu ngang môi rồi cười khà khà mà uống. Mà đặc biệt với cái vị "phong sưởng"(6) the the đầu lưỡi mới đã. Và với cái món cháo ong chàng nêm mỡ hành rang thơm phức, gọi là nồi cháo bồi dưỡng, khi húp vào một miếng cháo nóng rắc hành lá xanh ngọt trên mặt chén cháo nhừ ấy có lộn lộn, lợn cợn vài con ong sữa… Ta sẽ có ngay cái cảm giác béo, bùi, thơm, ngọt… Buột miệng ta bàn nghệ thuật ăn ong.

Ngoài nồi cháo ra, ong chàng còn được đem xào với bún tàu, củ hành tây… Còn ong trẻ, ong nâu thì rang nước mắm, loại này ăn hơi xảm vì lớp vỏ kitin đã cứng. Khó khăn một chút là khi làm nhộng sữa. Phải trút nhộng vào một nồi nước nóng (không cần sôi) để con nhộng đặc sữa, cứng mình… mới ngồi lặt đít  kéo cái chỉ đen trong ruột nhộng ra bỏ, trước khi đem làm món. Nhộng sữa được băm chung với thịt, núm mèo, bún tàu, bột gà… để làm chả đùm; còn không thì cứ thảy lên chảo mà rang vàng, ra đĩa… rồi gắp từng con sắp lên rau sống cuốn bánh tráng, cực chẳng đã thì ăn như kiểu ăn đậu phộng. Dễ chừng ăn kiểu ấy có người không dám thò đũa, vậy mà ngon lắm đấy. Cắn dập con nhộng nghe cái bụp thì vị béo dường như đã lan tràn ra đến ngoài da, thấm sâu vào phủ tạng… Thích khẩu lắm đấy, nó còn bổ nữa. Nhớ uống rượu ít thôi kẻo mà bổ ngửa. Tất nhiên "ong" không chỉ dễ làm thức nhấm mà còn dùng trong bữa cơm hiếm có.

Ăn ong rất dễ bị nổi mề đay, một kiểu dị ứng da làm cho người ngứa ngáy khó chịu, nhưng không phải ai cũng bị mà nhỡ có bị dị ứng thì đốt cái tổ, cái tàng ong rồi xông khói lên người sẽ khỏi ngay thôi, chẳng hại gì cho cam. Vậy thì cứ ăn, ăn và nhớ cái tính cần cù, siêng năng của bầy ong. Để rồi chính mình cũng phải cần cù, lam lũ với đồng, với đất, với những ấp ủ, cưu mang… Tất cả như một khát vọng! Mong mỏi lại được cái buổi nhàn đời ta gõ chén mà ca:

"Mời nhau chén cháo ong chàng

Thảo thơm đây chút tình làng, nghĩa quê…!"

 

__________________
(1) Dâu quì: Cây dâu ven mương, ngã quì sang bờ bên kia.
(2) Lạt nước: Sợi lạt lợp nhà còn thõng dưới mái dễ bị dột nước mưa.
(3) Giáp cữ: Bằng 24 giờ, một ngày một đêm.
(4) Đực mẫn: Tên đặt cho trâu đực
(5) Kiến bù nhọt: Còn gọi kiến nhót
(6) Phong sưởng: Phong (con ong), sưởng (rượu nếp) - Rượu nếp ngâm ong

Tác giả bài viết: Nguyễn Chi

Nguồn tin: Tuyển tập Hương đồng quê