Những mô hình tự quản: Phát huy hiệu quả giữ gìn an ninh trật tự

Hiện nay, về nhiều vùng nông thôn ở huyện Cai Lậy, dễ dàng bắt gặp chiếc cổng thép với cột bê-tông chắc chắn ở ngõ ra vào các tuyến đường liên ấp, liên xã. Mỗi cổng đều treo bảng “Cổng an ninh” như “cam kết” của người dân cùng chính quyền cơ sở đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT). Hai năm qua, nhiều vùng quê ở Cai Lậy đã trở nên yên bình từ mô hình “Cổng an ninh, đèn trước ngõ, mõ trong nhà”- một mô hình do người dân góp sức xây dựng.
Mõ tre báo động của bà Huỳnh Thị Trâm, một người dân ở ấp Mỹ Phú, xã Long Khánh.

Nằm ven thị trấn Cai Lậy, xã Long Khánh có hệ thống giao thông thuận lợi với tỉnh lộ 868 đi qua trung tâm xã, các tuyến đường liên ấp, liên xóm đều được dal hóa, trải nhựa. Tuy nhiên, đi kèm thuận lợi trong lưu thông, trao đổi hàng hóa là tình hình ANTT diễn biến khá phức tạp, nhất là nạn trộm cắp đêm khuya bằng xe gắn máy, gây mất trật tự địa phương và thiệt hại tài sản của người dân.

Trước tình hình trên, từ tháng 10-2011, Công an xã Long Khánh đã phối hợp với các đoàn thể chọn ấp Hòa Nghĩa và ấp Mỹ Phú làm điểm xây dựng mô hình “Cổng an ninh, đèn trước ngõ, mõ trong nhà” với mục đích phát huy vai trò người dân đảm bảo ANTT cơ sở.

Sau khi triển khai, đa số hộ dân đều đồng tình, hưởng ứng và tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng cổng rào tại các trục đường chính, trang bị đèn chiếu sáng trước cổng, làm mõ tre để báo động khi xảy ra sự cố.

Ở mỗi ấp còn thành lập 2 đội dân phòng với 40 thành viên làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và trực cổng an ninh để ngăn khi có trộm cắp xảy ra, đối tượng tẩu thoát ra các tuyến liên ấp, liên xã. Theo quy chế vận hành, khi có trộm cướp xảy ra, người dân lập tức đánh mõ tre, bật sáng đèn để nhận dạng đối tượng, lực lượng dân phòng nhận tin báo lập tức đóng cổng an ninh và cùng người dân truy bắt.

Mô hình tự quản này bước đầu đã phát huy hiệu quả, người dân ý thức việc bảo vệ ANTT xóm, ấp cũng là bảo vệ tài sản của chính mình. Điển hình tại ấp Mỹ Phú, ngay sau khi đưa vào vận hành mô hình “Cổng an ninh, đèn trước ngõ, mõ trong nhà”, người dân đã phối hợp lực lượng dân phòng và Công an xã bắt đối tượng Nguyễn Thị Nhĩ (Chợ Lách, Bến Tre) khi đang trộm gà của một hộ dân trong khu vực.

"Cổng an ninh" ở ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Hòa.

Từ hai ấp điểm, mô hình này đã được nhân rộng ra 9 ấp của xã Long Khánh với 61 cổng an ninh được xây dựng tại các trục đường liên ấp, kinh phí 162 triệu đồng do người dân đóng góp. Ngoài ra, 85% hộ dân trên địa bàn đã mắc đèn chiếu sáng trước ngõ và 92% hộ tự trang bị mõ tre báo động.

Ông Huỳnh Văn Nhỏ, Trưởng Công an xã Long Khánh cho biết: “Bọn trộm, cướp dù có hung hãn, nguy hiểm đến đâu nếu bà con đồng lòng vây bắt thì cũng khó tẩu thoát, đó là mục đích chúng tôi hướng đến khi xây dựng mô hình “Cổng an ninh, đèn trước ngõ, mõ trong nhà”. Ngoài ra, lực lượng Công an xã còn thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan tâm giáo dục con em không vi phạm pháp luật, cùng giữ vững danh hiệu Xã An toàn về an ninh trật tự”.

Không thực hiện toàn bộ mô hình “Cổng an ninh, đèn trước ngõ, mõ trong nhà” nhưng nhiều xã ở huyện Cai Lậy đã học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình “Cổng an ninh”, góp phần giữ bình yên các khu dân cư.

Điển hình tại xã Thanh Hòa, đến nay đã xây dựng 21 Cổng an ninh với kinh phí 29 triệu đồng do người dân đóng góp. Cổng được xây dựng chắc chắn gồm 2 trụ thép, lưới kẽm B40, có chốt khóa và được từ 2 - 3 hộ dân gần cổng quản lý. Khi người dân phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật sẽ điện báo cho người giữ chìa khóa, khóa cổng rào lại; đồng thời  báo cho lực lượng công an xã phối hợp đội dân phòng và người dân vây bắt đối tượng.

Chị Đào Thị Phượng, người dân ở ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Hòa được giao nhiệm vụ vận hành một “Cổng an ninh” cho biết: “ Lúc trước, bà con hết sức lo lắng vì nạn trộm chó, trộm trái cây ở những vườn cây đang cho thu hoạch. Các đối tượng trộm cắp thường đi xe máy và khá liều lĩnh nên khi phát hiện, có tri hô cũng khó đuổi bắt. Nay thì ANTT được đảm bảo hơn, tinh thần phối hợp truy bắt tội phạm của mọi người rất cao. Các đối tượng thấy “Cổng an ninh” cũng ngán ngại nên ANTT có chuyển biến tốt”.

Bằng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cơ sở và sự góp sức của người dân, mô hình tự quản “Cổng an ninh, đèn trước ngõ, mõ trong nhà” đã giúp nhiều vùng quê ở Cai Lậy trở nên yên bình, tạo môi trường an toàn cho người dân sinh sống, lao động, sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng 198 “Cổng an ninh” tại cửa ngõ các tuyến đường liên ấp, liên xã; 78 ấp vận động người dân thắp sáng đèn đường, số vụ trộm cắp, cướp giật tài sản giảm rõ rệt.

Đó cũng là nhờ ý thức cảnh giác và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm của người dân. Những mô hình tự quản ở Cai Lậy như “Cổng an ninh, đèn trước ngõ, mõ trong nhà” đã đánh dấu thành công trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần thực hiện tiêu chí “An ninh trật tự” của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Quế Ngân

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc