Xin đừng hỏi tuổi những bài ca...

Nhạc sĩ Văn Lưu (bên phải) cùng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.

Nhạc sĩ Văn Lưu (bên phải) cùng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.

Nhân kỷ niệm ngày giỗ của nhạc sĩ Văn Lưu (2-1-2007 – 2-1-2009)

Cách đây đã cả chục năm, đang ở Mỹ Tho, một tối tình cờ hai vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang rủ tôi đến dự đêm nhạc dành cho sáng tác của nhạc sĩ Văn Lưu. Bước ra sân khấu là hai, ba tốp ca nam và nữ của Sở Văn hóa vang lên:
Chúng ta đây là nữ dân chài
Tuổi chúng ta vừa tròn đôi mươi
Súng trên vai em là nữ dân quân...
(Nữ dân quân miền biển)

Rừng huỳnh, rừng chàm, nương dâu, bãi mía che thân
Người đi săn hiên ngang truy kích đến cùng mà không cho con chim sắt trên trời đốt phá quê ta...
(Bài ca người săn máy bay)


* Nghe ca khúc [ Bài Ca Người Đi Săn Máy Bay ]
Nhạc: Văn Lưu - Trình bày: Hoàng Hải Đăng


Tiếp nối đến những lời ca làm nổi gai gà:
Người chiến sĩ ra đi vượt dốc, băng sông, xuyên rừng, ta cứ đi
Ta ra đi mà chân không giày, mà đầu đội trời ta cứ đi
Bao tang tóc đang trùm miền Nam yêu dấu
Trước mắt ta quân thù giày xéo, quê hương ta khổ…
(Ta, người chiến sĩ giải phóng quân)


Ba bài hát này vang lên đúng vào thời điểm những tên lính Mỹ đặt chân lên bán đảo Sơn trà (Đà Nẵng) - 50 vạn quân Mỹ ồ ạt tràn vào miền Nam nước ta; trên miền Bắc máy bay Mỹ “leo thang “đã trút bom xuống kho xăng Đức Giang, cầu Long Biên, Nhà máy điện Yên Phụ Hà Nội. Bọn diều hâu Mỹ đã lộ rõ bộ mặt xâm lược nước ta.

Vì thế nếu bài hát “Nữ dân quân miền biển” mang chất nhí nhảnh, dịu dàng của các cô gái Quảng Bình, Vĩnh Linh tham gia vào cuộc chiến chung; bài hát “Người săn máy bay” hóm hỉnh, vui tươi, khích lệ tinh thần dùng vũ khí tầm thấp để hạ máy bay Mỹ ở cả trong Nam, ngoài Bắc thì bài hát “Ta, người chiến sĩ giải phóng quân” lại hệt như một hồi kèn xông trận, hào hùng, nghiêm trang, mà cũng đầy tính chất lẫm liệt, uy nghi hệt như những bài tráng ca cách mạng khác.

Nói không quá rằng cả 3 bài hát này của nhạc sĩ Văn Lưu đã nằm trong chiếc ba lô cóc, trở thành tài sản tinh thần của lớp lớp những người chiến sĩ quê Bắc, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu.

Ngoài 3 bài hát kể trên, nhạc sĩ Văn Lưu còn viết nên nhiều ca khúc khác. Ví như thời kháng chiến 9 năm đánh Pháp ông có “Dòng kinh trong sáng” hay “Cô gái bán chè” rất được cô bác miền Tây ưa chuộng. Thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, nhạc sĩ Văn Lưu có các ca khúc: “Cô đẩy xe goòng”, “Phù sa về đồng”, “Tiếng đàn quê hương”… kết quả của những chuyến đi thâm nhập thực tế ở các vùng quê hoặc ra vùng mỏ Quảng Ninh.

Hay những năm sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, trở về sống và làm việc tại quê hương Tiền Giang nhạc sĩ Văn Lưu đã viết nhiều ca khúc có tiếng vang như “Nhớ về quê em anh nhé!”, “Bài ca cây lúa”, “Trắng trong”, “Bài hát Mỹ Tho”, “ Em đi giao lương”, “Niềm vui lao động”… Nhưng nhớ đến ông, người ta vẫn nhớ nhiều đến 3 ca khúc ra đời liên tiếp nhau trong thời điểm sục sôi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 3 bài ca này thuộc trong số những bài hát hay nhất, được phổ cập rộng rãi nhất trong kho tàng những ca khúc cổ vũ quân dân ta xông lên giết giặc, giải phóng quê hương.

Nhạc sĩ Văn Lưu tên thật là Đoàn Lý Ân, sinh năm 1928 tại Mỹ Tho - Tiền Giang trong một gia đình nhà nho yêu thơ ca và âm nhạc. Quê hương Tiền Giang của ông là chiếc nôi của âm nhạc tài tử, cải lương, trong gia đình ông có nhiều người biết chơi các nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, đàn nguyệt, đàn ghita lõm phím. Thời trai trẻ nhạc sĩ còn tập thêm cả đàn măngđôlin, ghita và hạ uy di.

Văn Lưu bắt đầu hoạt động âm nhạc ngay từ những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Năm 1947 ông vào chiến khu Đồng Tháp vừa hoạt động văn nghệ vừa dạy văn hóa. Rồi ông chuyển qua Đoàn ca kịch Khu 8 đảm trách vai trò của một nghệ sĩ biểu diễn các loại nhạc cụ mà ông thông thuộc. Tập kết ra Bắc, ông được cử theo học lớp trung cấp âm nhạc đầu tiên do Bộ Văn hóa mở, cùng với nhiều nhạc sĩ thành danh sau này. Sau đó, ông về công tác tại Đoàn múa rối Trung ương, tiếp nối là Đoàn ca múa miền Nam…

Vào những năm cuối đời nhạc sĩ sống cuộc sống đơn sơ, đạm bạc. Nhưng hễ ai gợi lại kỷ niệm động chạm đến 3 bài ca thời chống Mỹ, câu chuyện kể của ông bỗng trở nên trẻ trung, sống động hẳn. Hỏi vì sao ông lại viết nhanh, viết hay 3 bài ca ấy, khi ông còn sống trên đất Bắc, nhạc sĩ sôi nổi:

- Ở lại miền Bắc hay trở về quê hương là theo sự phân công của cấp trên. Còn lòng dạ tất cả những người con miền Nam chúng tôi, dù sống tại Hà Nội ngay những năm yên hàn có lúc nào lòng dạ không cháy bỏng những chuyện đang xảy ra trên quê hương. Bởi vậy tình cảm ấy dễ ngân lên thành nhạc…

Nhạc sĩ Văn Lưu mất ngày 2-1-2007. Vì toàn bộ sáng tác của ông, đặc biệt vì những ca khúc ông viết trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ngày 8-2-2007 ông đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước.

Trong công cuộc hòa nhập, với phương châm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường hôm nay, thiết nghĩ cái tinh thần “Dù chân không giày, dù đầu đội trời ta cứ đi! “vẫn sống nguyên tinh thần là một hồi kèn xốc tới!”.

Tác giả bài viết: Tô Hoàng

Nguồn tin: SGGP