Tâm cảm nhạc Giáng sinh

Thứ ánh sáng dịu dàng bởi mặt trời bị che khuất trong một buổi sáng cuối năm của Sài Gòn tạo cảm giác thật dễ chịu. Càng dễ chịu khi được trò chuyện với nhạc sĩ Bảo Chấn về một thứ âm nhạc đang vang vang khắp nẻo Sài Gòn: nhạc Giáng sinh.
Album giáng sinh của Frank Sinatra.
Nhạc Giáng sinh những ngày cuối năm dễ đưa người ta vào trạng thái nôn nao nhớ – tiếc, mơ màng hay con người ta thật cần thứ âm nhạc đó?

Xuất phát từ nhạc tôn giáo của phương Tây, khởi điểm của nhạc Giáng sinh từ những lời tụng cùng với nghi thức thiêng liêng. Bước ra khỏi nhà thờ và nghi thức, những lời niệm cần phổ quát hơn, gần với đời sống hơn và đặc biệt, cần phải dễ nghe hơn, tất nhiên cũng cần bớt đi những nghi thức cầu kỳ. Mình hay dùng từ “xã hội hoá” để chỉ những thứ đã được đông đảo xã hội đón nhận và biến nó thành của chung, nhạc tụng niệm đã trở thành những ca khúc bình dân để ai cũng có thể thấy được hình ảnh của mình trong đó. Và đạo Tin Lành, một trong những nhánh đạo, đã có những bài hát gần gũi với đời sống trước nhất. Từ đó mới có những ca khúc: Silent night, Santa Clause, Last Christmas, We wish you a Mery Christmas… Nó không còn là tài sản riêng phụng vụ cho nhà thờ nữa, nó đã mang sức sống của công chúng.

Từ khi nào các ca sĩ bắt đầu hát và biến nó thành tài sản của công chúng như anh nói?

Từ thế kỷ 18, cũng xuất phát từ các ca sĩ cung đình. Cho đến sau chiến tranh thế giới thứ hai, sự khát khao hoà bình càng rõ nét và nhạc Giáng sinh trở thành những ca khúc bất hủ hát cho hoà bình của nhân loại. Không có một ca sĩ danh tiếng nào không hát ca khúc Giáng sinh cũng như không làm một album Giáng sinh cho sự nghiệp của mình. Hầu hết những album Giáng sinh tinh truyền xuất phát từ thập niên 50, 60 của thế kỷ 20 là của những giọng ca kinh điển như Nat King Cole, Frank Sinatra…

Thế còn Sài Gòn? Anh có nhớ từ lúc nào nhạc Giáng sinh bắt đầu vang lên ở đô thị phù hoa này?

 

Album Giáng sinh của Elvis Presley.

Từ khi có người Pháp, cũng vào khoảng thập niên 50 thế kỷ trước. Đến những năm 1960 thì các giọng ca Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu đều bắt đầu hát ca khúc Giáng sinh. Cho đến nay, mùa Giáng sinh không còn dành cho các tín đồ công giáo, nó trở thành mùa tình yêu, mùa của những mong ước một thế giới bình yên, an lành.

Nếu nhắc đến một bài ca Giáng sinh, ngay bây giờ, anh sẽ nhớ đến câu hát nào?

“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, bài Hang Bê Lem của thầy Hùng Lân. Câu kết: “Nơi hang Bê Lem tiếng lừa thở hơi/ Tan giá đêm đông ấm thân con người”. Mùa bình yên, mùi bình yên sẽ lưu truyền thế hệ này sang thế hệ khác. Nó dịu dàng và an ủi những tâm hồn lạnh lẽo. Nó làm cho người ta chùng xuống và đó là khoảng khắc ta đối diện với nỗi cô độc của chính mình, ta thấm đẫm sự đau thương của người tận hiến, vì vậy ta cần sự sẻ chia biết bao.

Theo anh, nghe nhạc Giáng sinh, ở các thế hệ, có khác nhau?

Tuổi của tôi bây giờ, nghe để suy tư về chốn trần gian náo nhiệt đã trải rồi tự tìm đến chốn bình yên. Còn ngày trẻ thì mỗi khi nghe, thấy nao nức hơn, mang không khí lễ hội hơn, muốn đi đâu đó tụ tập, tán nhảm và sướng nhất là ngồi bên cạnh người yêu để ngửi mùi tóc, ở trong ấy cũng có cả mùi lễ hội.

Nhưng cũng có khi cảm động rơi nước mắt vì nhớ những ngày xưa yêu dấu. Không chỉ nhạc Giáng sinh, những ngày cuối năm, gần kết thúc một chuỗi ngày mà đánh dấu thêm một tuổi đời, thêm gần kề với cái chết mà ai rồi cũng đến, mình được lắng nghe một thứ âm nhạc thiêng liêng mà gần gụi với mình hơn cả. Nghe rồi nhận ra “Ồ, tôi đã từng hai mươi!”

Tác giả bài viết: Dạ Thảo

Nguồn tin: Sài Gòn tiếp thị