"Nhạn trắng Gò Công" Phương Dung ca hát ở quê nhà

“Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung sau 14 năm băng nắng mưa tìm đến với những mảnh đời thiếu may mắn ở Việt Nam, nay đã quyết định cất tiếng hát rồi giã từ sự nghiệp trên chính quê hương mình.
Thành công với các nhạc phẩm như Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh phổ nhạc, thơ Hữu Loan), Nỗi buồn gác trọ (Mạnh Phát và Hoài Linh), Tạ từ trong đêm (Trần Thiện Thanh), Đố ai (Phạm Duy), Khúc hát ân tình (Xuân Tiên và Y Vân)… từ những thập niên 1960, 1970, nhưng hơn 14 năm đi về Mỹ - Việt, nữ ca sĩ nhạc quê hương Phương Dung chỉ chuyên tâm làm công việc thiện nguyện ở khắp các vùng đất từ Quảng Bình trở vào Nam.

Nghe ca khúc HOA NỞ VỀ ĐÊM
Nhạc: Mạnh Phát - Trình bày: Phương Dung


Những tưởng chuyện biểu diễn “live” trên sân khấu nước nhà đã ít nhiều phôi pha bởi “Nhạn trắng” ngày xưa dường như nghiêng về việc phát hành đĩa CD nhạc trữ tình và CD nhạc Phật pháp tại hải ngoại hơn. Thế rồi, bất ngờ, chị đồng ý nhận lời biểu diễn trong chương trình Ca nhạc - Nụ cười - Thời trang chỉ với một ca khúc: Hoa nở về đêm. Cuộc trò chuyện với nữ ca sĩ có giọng ca chân phương gây xúc động lòng người này hé lộ một bí mật: “Nhạn trắng” ngày xưa đã bay về nhưng cũng sắp sửa xếp cánh, dừng chân!

Bất ngờ nhận lời biểu diễn cho chương trình Ca nhạc - Nụ cười - Thời trang sau 14 năm chỉ chú tâm làm công việc thiện nguyện, có phải chị đang dự định một điều gì?

- Tuy liên tục đi về giữa Việt Nam và Mỹ, Australia trong suốt 14 năm nhưng mục đích của tôi là làm từ thiện vì thời gian biểu rất sít sao. Bởi vậy, dù nhận được nhiều lời mời biểu diễn, phỏng vấn nhưng tôi đều từ chối vì không thu xếp được. Tôi nhận lời hát trong chương trình Ca nhạc - Nụ cười - Thời trang này cũng tình cờ vì lịch diễn phù hợp với thời gian lưu lại Việt Nam của tôi. Và quả thật, hiện nay, tôi đang tập trung công sức để thực hiện một DVD tự sự về cuộc đời mình với những cảnh quay tại Việt Nam. Sau khi hoàn tất, tôi sẽ giã từ, ngưng hẳn mọi hoạt động liên quan đến ca hát.

Một giọng ca được xem là “còn mãi tuổi thanh xuân”, băng đĩa của chị từ trước đến nay vẫn được tiêu thụ đều đặn, sao chị đã vội nghĩ đến việc dừng cuộc chơi?

- Thứ nhất là do tuổi tác. Điều này không ai tránh khỏi. Giọng hát của tôi không thể còn sung mãn như những năm trẻ tuổi. Thứ hai là nhan sắc. Đôi khi người ta tìm đến chỉ vì hiếu kỳ để xem cô ca sĩ ngày xưa già tới đâu? Còn hát được hay không? Và tôi biết, tôi không nên làm những người yêu mến mình phải thất vọng. (cười)

Ngưng một niềm đam mê đã cháy từ năm lên mười, thuở bốn năm trời nằn nì xin theo thầy học nhạc cho đến khi trải bao vinh quang của nghề đến tận hôm nay, chẳng lẽ chị không tiếc nuối?

- “Sóng sau dồn sóng trước”, những dòng nhạc thực ra rất vô thường, nó đi theo thị hiếu của khán giả và theo dòng đời miệt mài trôi mà thay đổi. Tuy dòng nhạc thời tôi sẽ còn tồn tại lâu bởi đó là những khúc ca như chuyện kể, những khúc ca cất giữ một phần ký ức thuở áo trắng, một phần thời gian và lịch sử, nhưng việc đào thải rồi sẽ xảy ra. Đó là việc không tránh khỏi. Còn tôi đã quá may mắn được lựa chọn và sống trọn với nghề, với người cho đến hôm nay. Ngẫm lại có còn gì mà tiếc nuối?

Mỗi khi đứng trên sân khấu, chị dường như có sức mạnh thu hút, làm chủ tất cả. Vậy trong lần biểu diễn này, chị sẽ theo dàn nhạc hay dàn nhạc sẽ theo chị?

- Khi hát, tôi không để ý đến khán giả mà chỉ còn biết rung cảm bằng trái tim của “người khác”, của nhân vật trong ca khúc hay của chính linh hồn của ca khúc ấy. Do đó không có ai theo ai trong quá trình biểu diễn, mà chỉ có sự rung động của những nghệ sĩ hòa hợp với nhau trong từng lời nhạc, từng câu ca khiến cho người nghe như cùng mường tượng được hình ảnh lung linh của một thời áo trắng, một thời xa xưa…

Không thể phủ nhận giọng hát của chị giúp chị hái ra tiền. Nếu nói đó là một thứ trời cho thì trời đã lấy đi của chị điều gì?

- Những năm tháng tha hương là khoảng thời gian mà ông trời đã thử thách tôi. Tôi còn nhớ khi anh Anh Bằng mới viết bài Cõi buồn năm 1982, 1983 và tập cho tôi hát thì chỉ mới đến đoạn: “... trời mưa Cali buồn hơn trời mưa Sài Gòn. Ở nơi rất xa em vẫn luôn nhớ Sài Gòn nhiều...” thì tôi đã rớt nước mắt nghẹn ngào. Và đến câu cuối: "Người đi tha hương buồn hơn người nơi Sài Gòn... Ở đây coi như cõi buồn, cõi buồn...” thì tôi hoàn toàn không hát được nữa!

Đã từng biểu diễn ở những sân khấu hoành tráng, những hí viện lớn ở nước ngoài, cảm xúc khi sắp biểu diễn lần đầu tiên tại quê nhà sau 14 năm của chị thế nào?

- Khi tôi bước qua một vũng nước đọng ở chợ quê trong những lần trở lại Việt Nam, lòng tôi chứa chan xúc động, khác hẳn cảm giác bình thản đi giữa một siêu thị tối tân ở nước ngoài. Nên tôi nghĩ, cảm giác lần này cũng sẽ như vậy hoặc hơn thế nữa! Tôi đang hồi hộp chờ xem…

Tác giả bài viết: Nguyệt Kim

Nguồn tin: VietNamNet