Nhạc sĩ Lê Ngân, người ghép hồn thơ vào nốt nhạc

Nhạc sĩ Lê Ngân

Nhạc sĩ Lê Ngân

Với khoảng 10 ca khúc phổ thơ mà có đến hơn 5 sáng tác đoạt giải từ địa phương, khu vực đến TW, nhạc sĩ Lê Ngân được xem là người có duyên với  với các ca khúc phổ thơ. Tiêu biểu là: Giải C của UB toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam năm 1995 (tác phẩm Chiều biển - phổ thơ Hữu Thỉnh), giải nhì, giải ba cuộc thi sáng tác ca khúc ĐBSCL năm 1997, 2002, 2007 (tác phẩm Nhớ Hà Tiên - thơ Lê Hải, Ký ức mùa thu - thơ Lê Thị Ninh) và gần đây nhất là ca khúc Bất chợt Cà Mau - phổ thơ Văn Thoại Nhiên (giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc ĐBSCL năm 2008).
Nghe ca khúc Chiều biển
Nhạc: Lê Ngân - Thơ: Hữu Thỉnh - Trình bày: Ngọc Tân


Yêu thích âm nhạc từ nhỏ, những năm còn là học sinh phổ thông đã từng… viết nhạc đăng báo tường, là học trò cưng của thầy Nguyễn An Ninh, thầy dạy nhạc nổi tiếng của trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu đồng thời cũng là một nhạc sĩ vĩ cầm có tên tuổi. Chính những nốt nhạc vỡ lòng đồ rê mí và lòng yêu thích âm nhạc từ thầy đã trang bị cho cậu học trò vốn có năng khiếu về âm nhạc những kiến thức cơ bản và niềm say mê để bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp sau này.

Năm đầu tiên sau 1975, Lê Ngân dự khóa sư phạm cấp tốc được đào tạo, cuối năm 1976 tình nguyện về dạy học ở ngôi trường vùng sâu thuộc xã Mỹ Trung (Cái Bè). Sáu năm gắn bó với trường tiểu học Mỹ Trung, với bà con nông dân, nhiều sáng tác về trường lớp, về cuộc sống lao động của bà con vùng sâu của anh trong thời gian này như: Em về vùng nước nổi, Về Mỹ Trung… được đăng ở tập san Văn hóa văn nghệ (Ty Văn hóa thông tin Tiền Giang), đã đưa anh vào “tầm ngắm” của những nhạc sĩ đàn anh Văn Lưu, Nguyễn Nhuận. Năm 1978, Lê Ngân được mời tham gia lớp sáng tác ca khúc đầu tiên của tỉnh do Ty Văn hoá thông tin tổ chức. Người thầy đầu tiên là nhạc sĩ Thanh Cao đã truyền cho anh những kiến thức cơ bản về sáng tác âm nhạc. Năm 1982, sau trại sáng tác ca khúc do Hội Văn nghệ tỉnh tổ chức (nhạc sĩ Ngô Quỳnh phụ trách) Lê Ngân được đánh giá là tác giả trẻ có nhiều triển vọng và anh được chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Tiền Giang. Ở môi trường hoạt động nghệ thuật, Lê Ngân có điều kiện gặp gỡ các bậc đàn anh để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Năm 1986, anh được tham gia trại sáng tác âm nhạc ĐBSCL, do nhạc sĩ Xuân Hồng và Hoàng Hiệp phụ trách. Chính từ trại viết này, từ sự truyền đạt kinh nghiệm của các bậc thầy đã mở ra cho Lê Ngân một ý hướng sáng tác mới. Từ bao đời, nhạc và thơ luôn có sự giao hòa, cộng hưởng. Một bài thơ hay không chỉ dừng lại ở câu chữ mà còn hàm chứa cả âm điệu, nhất là khi bài thơ ấy được đọc, được diễn ngâm. Ngược lại, nhạc lôi cuốn người thưởng thức không chỉ ở giai điệu, âm thanh mà còn thể hiện ở hình tượng ngôn tư. Không phải người sáng tác ca khúc nào cũng viết được những ca từ mỹ miều, mang đậm chất văn học như Văn Cao, Trịnh Công Sơn… vì thế phổ thơ cũng là một cách tháo gỡ theo chiều hướng… có lợi cho cả hai bên, vì thơ mang đến cho nhạc vẻ đẹp thi vị, huyền diệu, và nhạc lại chấp cánh cho hồn thơ bay xa, bay cao. Những năm ấy, nhạc sĩ Xuân Hồng đã có Mùa xuân bên cửa sổ, phổ thơ Song Hảo nổi tiếng, còn Hoàng Hiệp thì với Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Viếng lăng bác, Con đường có lá me bay, Lá đỏ, Em vẫn đợi anh về… đã là nhạc sĩ phổ thơ hay nhất nước rồi. Nhưng làm thế nào để có một bài nhạc phổ thơ thành công, phổ chứ không phải “hát” thơ? Đầu tiên phải là cảm xúc của người nghệ sĩ trước hình tượng, xúc cảm thẩm mỹ mà bài thơ mang lại. Rồi từ hình tượng, từ tứ thơ mà chọn những câu chữ đắc nhất. Nếu gặp những bài thơ giàu hình ảnh nhạc điệu thì không gì bằng (như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật, Viếng lăng Bác của Viễn Phương…), còn không, người phổ phải sáng tạo từ ý thơ, không lệ thuộc vào câu chữ, vào bài thơ, nếu không nhạc sẽ bì gò bó…. Từ những kinh nghiệm chân tình của các nhạc sĩ tiền bối đã nhen nhóm trong lòng Lê Ngân một ý hướng sáng tác mới. Duyên may đến với anh, một lần tình cờ đọc được bài “Thơ viết ở biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “… Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn. Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím. Sóng chẳng thể đi đâu nếu không đưa em đến. Dù sóng đã làm anh. Nghiêng ngã. Vì em”… đã khơi gợi trong anh bao cảm xúc, buộc anh phải miên man tìm những giai điệu thanh âm chuyển tải. Và Chiều biển đã ra đời. Ca khúc đầu tiên được in trong tạp chí văn nghệ Tiền Giang, sau được tuyển lại trong tập ca khúc tiền Giang năm 1990. Mãi đến năm 1995, nhạc sĩ Bảo Chấn được mời về dàn dựng chương trình cho Đoàn ca múa Tiền Giang đi dự Hội diễn âm nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, tình cờ “nhìn” thấy bài Chiều biển trong tập ca khúc Tiền Giang, đã quyết định chọn ca khúc này dàn dựng. Và Chiều biển thơ hữu Thỉnh, nhạc Lê Ngân, với sự trình bày của ca sĩ Ngọc Sương, phối âm phối khí nhạc sĩ Bảo Chấn đã đoạt huy chương bạc trong kỳ hội diễn, sau đó đạt giải C ca khúc hay trong năm 1995 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Sau Chiều biển là một loạt những ca khúc khác phổ thơ của các tác giả mà có những cái tên còn lạ hoắc với người đọc, nhưng đã mang lại cho Lê Ngân một chỗ đứng đáng kể trong đội ngũ những nhạc sĩ chuyên nghiệp ở ĐBSCL.

Tác giả bài viết: Thu Trang