Ngô Văn Khoa - giải nhất Tiếng hát truyền hình Tiền Giang - 2011: Nỗ lực vì đam mê nghệ thuật

Ngô Văn Khoa đang thể hiện bài

Ngô Văn Khoa đang thể hiện bài "Tình ca" của Hoàng Việt.

"Điểm trung bình của thí sinh Ngô Văn Khoa là 19,90!", MC vừa dứt, cả khán phòng như vỡ òa bởi tiếng vỗ tay reo hò đồng tình của khán giả trong đêm chung kết xếp hạng "Tiếng hát truyền hình tỉnh Tiền Giang lần V- 2011, giải Hoàng Việt". Ngoài giải nhất, anh còn được tặng thêm giải phụ "Thí sinh thể hiện ca khúc của Hoàng Việt hay nhất".

Gặp Khoa sau hơn mười ngày đăng quang, nhưng ánh mắt vẫn còn rạng ngời  niềm vui, anh tâm sự: "Em hát bài Tình ca của cố nhạc sĩ Hoàng Việt rất nhiều lần nhưng không xúc cảm bằng lần này, bởi em được cô giáo là NSƯT Măng Thị Hội phân tích hoàn cảnh ra đời của bản Tình ca. Hiểu được tình cảm của tác giả gởi gắm vào tác phẩm nên em đã thể hiện bài hát có hồn hơn, tình cảm hơn, và nhất là khi nhìn thấy ánh mắt bác Hạnh (vợ) cùng anh Lê Chí Dũng (con trai) của cố nhạc sĩ, từ hàng ghế đại biểu nhìn lên em càng cố gắng hơn, bởi em hiểu rằng nội dung bài hát là lời nhắn nhủ của tác giả gởi về người thương của mình, và hơn ai hết họ là những người thấu hiểu tận cùng tình cảm chia sẻ ấy của tác giả. Em chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ đoạt giải nhất, nhưng vẫn cố gắng hết sức mình, bởi hiện nay ngoài danh nghĩa là ca sĩ Đoàn Nghệ thuật tổng hợp (NTTH) Tiền Giang, em còn là sinh viên Đại học Khoa thanh nhạc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh."

Niềm tin của lãnh đạo đoàn, kỳ vọng của thầy cô, bè bạn, nỗi lo lắng của gia đình thêm vào đó là lịch thi hết môn năm thứ nhất liền kề bên những ngày thi "Tiếng hát truyền hình"... tất cả đè nặng tâm lý của Khoa. Vào đến bán kết rồi mà anh dự định không thi tiếp để hoàn thành các môn thi ở lớp, nhưng nhờ sự động viên của mọi người, anh lại cố gắng bước tiếp giai đoạn cuối của giải Hoàng Việt. Có những đêm thi hát xong ở Mỹ Tho, anh đi ngay lên trường để hôm sau lên lớp thi. Điều đáng mừng là môn thanh nhạc, anh được 8,5 điểm - số điểm khá giỏi, được chọn biểu diễn trước toàn Khoa của Nhạc viện.

Được biết, gia đình của Khoa cũng có truyền thống về nghệ thuật. Cha của anh, ông Ngô Văn Sách (xã Long An, huyện Châu Thành) ngày xưa cũng từng là ca sĩ với nghệ danh Hà Thanh, thành viên ban nhạc Đăng Phương nổi danh vào thập niên 60 cùng thời với những danh ca: Trung Chỉnh, Đức Minh, Bạch Hoa Lê... với những ca khúc: Nỗi lòng người đi, Chuyến đi về sáng, Mưa qua phố vắng... và Ngô Văn Khoa còn là anh em chú bác họ với Ngô Thụy Uyên Ly (giải nhất Người đẹp Tiền Giang 2002). Khoa kể rằng: Hồi còn đi học phổ thông chưa bao giờ tham gia văn nghệ, mãi đến năm em 17 tuổi, anh Mạnh Hồ mở điểm "Hát với nhau" gần nhà, em thích lắm đêm nào cũng mua vé vào xem sau đó xin lên hát, không ngờ được mọi người vỗ tay, thế là 3 đêm liền em được yêu cầu lên phục vụ, sau đó vào điểm "Hát với nhau" khỏi mua vé mà hát xong còn được "Ban tổ chức" bồi dưỡng tiền. Thấy em có năng khiếu, anh Mạnh Hồ giới thiệu em thi tuyển vào Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang, một năm theo đoàn thử việc không lương và chỉ được hát tốp ca, buồn quá em bỏ về tiếp tục theo anh trai làm nghề thợ sơn xe hơi. Vài tháng sau, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp mời trở về đoàn công tác và được hưởng lương. Em đã thi "Tiếng hát truyền hình" mấy lần nhưng không đoạt giải cao, nhờ lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đạo diễn Tấn Lộc (Trưởng đoàn) tạo điều kiện cho đi học, cộng với sự cố gắng nên em mới đoạt giải cao. Theo em, chỉ có học hành mới tiến bộ, phát triển được chuyên môn và thành đạt.

Điều mà Ngô Văn Khoa xúc động nhất là sau khi nhận giải về, cả nhà đều thức suốt đêm, mẹ anh không nói được gì chỉ rưng rưng nước mắt, còn ba thì nghẹn ngào bảo: "Ba không ngờ là con đã làm được như vậy! Ba mong con luôn sống tốt và học hành thành đạt!" Khoa vẫn tự nhủ rằng, sẽ hoàn thành tốt việc học của 3 năm còn lại và về phục vụ quê hương mình, anh tự hào vì mình được sinh ra từ mảnh đất Châu Thành, quê hương của Giáo sư, Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê.

Nói về Ngô Văn Khoa, đạo diễn Tấn Lộc có nhận xét: "Đình Khánh (nghệ danh Ngô Văn Khoa) có tính khiêm nhường, ham học hỏi, em có chất giọng tốt nhưng kỹ thuật ca còn yếu, vì vậy lãnh đạo đoàn sắp xếp đưa em đi đào tạo. Một năm học tập, Đình Khánh đã tiến bộ rất nhiều, bằng chứng là thành công trong giải Hoàng Việt vừa rồi. Với tài năng, đạo đức và lòng quyết tâm học tập của mình, tôi tin em sẽ thật sự trưởng thành và sẽ có những thành công mới xứng đáng là lực lượng hậu duệ của đoàn."

Tác giả bài viết: Ngọc Lệ

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn