L’Adieu - Mùa thu chết: Một bài thơ - một bản nhạc tình

L’Adieu - Mùa thu chết: Một bài thơ - một bản nhạc tình
Mùa thu, mùa vàng, mùa của ngày xưa. Thu thường gợi trong ta cảm giác man mác buồn khi chợt nhận ra những nhớ nhung tưởng chừng ngủ yên, bỗng trỗi dậy khi bất chợt ngắm chiếc lá vàng rơi mỏng manh tiếp đất.  “Vàng rơi từng cánh tương tư” (“Tương tư hoàng diệp lạc”/ Ký Viễn - Lý Bạch), “vì tương tư mà lá vàng đã rơi từng cánh, hay chính mỗi chiếc lá vàng đã mang mối tương tư của ta trải đầy trong gió…”.

Thu về mang theo cái bàng bạc tơ sương như những sợi tơ khói của tâm tình chỉ khẽ chạm là bật rung. Thu là sắc lông vũ “hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời mơ”, là không gian thăm thẳm diệu vợi của “đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió”, là ánh sáng huyền ảo lung linh của “sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ”. Thu còn là màu hoa thạch thảo lịm chết trong cõi biệt ly mong chờ, mà hương vẫn ngan ngát mộng mị trùng lai...

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, đã chết rồi. Em nhớ cho!”

Hoa đã lìa cảnh - người đã đi xa - thu đã chết! Những nhịp điệu dồn dập từ đầu bài ca “Mùa thu chết” cứ lặp lại như đẩy cảm xúc càng chìm sâu vào tận cùng phiền muộn và tuyệt vọng! Cụm từ “Em nhớ cho” được lặp đi lặp lại dồn dập với nhịp nhanh dần như nghẹn ngào, như uất giận nhưng cũng dứt khoát trước sự ra đi vĩnh viễn của một cuộc tình. Ở câu cuối, chữ “rồi” ngân lên, cho thấy sự chấp nhận biệt ly, chấp nhận nghiệt ngã, nhạc chìm dần vào nỗi buồn mênh mông, trĩu nặng. Song cảm xúc tưởng đã dịu đi lại dâng lên theo cao độ tăng dần của đoạn nhạc cuối, chỉ dâng lên thôi, không òa vỡ như có sự kềm giữ của lý trí.

“Em nhớ cho,
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
Trên cõi đời này, trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau...”

Chút lời tình gửi đến người phương xa giữa cõi trần gian có mấy vẹn toàn.  Nhạc điệu dâng lên đối nghịch lại lời, dường như lý trí giằng xé với tình cảm, cho dù ta đã cố kìm nén, cố chấp nhận thực tại hiển nhiên của xa cách muôn trùng, nhưng từ trong sâu thẳm của tâm thức vẫn ầm ào con sóng thiết tha thương nhớ, và sóng đã tràn bờ, phá tung vòng bủa vây lý trí theo cao độ của câu cuối cùng đoạn nhạc “từ đây mãi mãi không thấy nhau…”.

“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
Vẫn chờ em, vẫn chờ em
Vẫn chờ...
Vẫn chờ... đợi em!”

Nỗi đau chia lìa vượt lên đỉnh điểm rồi cũng trở về trạng thái tĩnh lặng, về với thực tại, tình chết thật rồi như đóa thạch thảo kia chẳng còn nguồn sống nữa. Song cái bình lặng tạm thời ấy chỉ là bước lắng đọng để bừng lên cảm xúc mạnh mẽ trỗi dậy, khơi nguồn từ những dồn dập sóng ban đầu.  “Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo”. Hương thời gian - hương thạch thảo lưu luyến hay là hương nắng, hương mưa của ngày tháng yêu đương ngọt ngào, là “hương trinh đã tan rồi” của cuộc tình diệu vợi? Nghe  trong cõi mông lung cảm giác, rung rung tiếng lòng, giữa mộng mị tím ngát màu thời gian và trùng khơi ngan ngát hương thời gian thanh thanh. Thính giác, thị giác, khướu giác, xúc giác bị thanh âm mê đắm kéo căng, để rồi tan ra, chìm vào huyễn hoặc. Ta vẫn chờ em, vẫn đợi em, vẫn hi vọng hương mơ êm đềm về ru ấm tâm hồn. Sự cách trở của thời gian, của không gian, của lý tính trở nên vô nghĩa trước tình yêu và nỗi nhớ khôn nguôi.

“Mùa thu chết” của Phạm Duy xứng là bản tình ca buồn trong cõi tình phi lý. Nhưng hãy ngược lên một chút về nguồn gốc của bản nhạc, ta còn thấy nó còn là một sự nhầm lẫn - cố ý - tài tình. Nguyên bản của lời nhạc là bài thơ của thi sĩ Pháp  gốc Ba Lan Guillaume Appolinaire, người được cho là có nhiều ảnh hưởng đối với thơ hiện đại ở châu Âu, “L’Adieu”, xin chép lại nguyên văn:

J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends

Bùi Giáng thi sĩ đã dịch và phóng tác ra thành bài thơ ba khổ:

Lời vĩnh biệt

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...
Đã hái nhành kia một buổi nào
Ngậm ngùi thạch thảo chết từ bao
Thu còn sống sót đâu chăng nữa
Người sẽ xa nhau suốt điệu chào
Anh nhớ em quên và em cũng
Quên rồi khoảnh khắc rộng xuân xanh
Thời gian đất nhạt mờ năm tháng
Tuế nguyệt hoa đà nhị hoán tam.
Mùa thu chiết liễu nhớ chăng em?
Đã chết xuân xanh suốt bóng thềm
Đất lạnh qui hồi thôi hết dịp
Chờ nhau trong Vĩnh Viễn Nguôi Quên
Thấp thoáng thiều quang mỏng mảnh dường
Nhành hoang thạch thảo ngậm mùi vương
Chờ nhau chín kiếp tam sinh tại
Thạch thượng khuê đầu nguyệt diểu mang....

                                   (Đi vào cõi thơ. Bùi Giáng, trang 80-82, 
                              Nhà xuất bản Ca Dao, Sàigon, Việt Nam 1969)

Và có lẽ, từ bản dịch này, Phạm Duy đã rút ra mấy câu mà làm lời nhạc.

Trở lại với nguyên bản bài thơ, hoa “bruyère” trong từ điển Larousse trực tuyến giải nghĩa là một loại hoa thân gỗ, lá nhỏ, hoa nhỏ hình chuông treo có nhiều ở Anh quốc và rặng núi cổ Massif Central ở miền trung Pháp quốc. Đó cũng là hoa “heather” trong tiếng Anh mà thường được nhắc đến trong “Đồi gió hú” của Emily Bronte và là “hoa thạch nam” khi dịch ra tiếng Hán. Ở Việt Nam, nó còn có tên là Cúc cánh mối, mọc hoang tàn trên sỏi đá nên còn gọi là “hoa thạch thảo”.

Bài thơ “L’Adieu” được Apollinaire sáng tác sau khi đi thăm mộ con gái của Victor Hugo vào ngày 16 tháng 9 năm 1913. Giáo sư Arnaud Laster (Université de la Sorbonne Nouvelle - Paris III), trong một bài viết đã đặt câu hỏi: “Có phải Apollinaire đã viết bài L’Adieu này để tưởng nhớ Victor Hugo sau khi đi thăm mộ người con gái của Hugo tên là Léopoldine đã chết đuối cùng chồng tại tỉnh Villequier vào năm 1843”. Ngày 4 tháng 9 năm 1843, vừa lấy chồng được hơn sáu tháng, con gái lớn của Victor Hugo, Léopoldine chết đuối ở ngay Villequier, trên sông Seine (Paris), cùng với chồng là Charles Vacquerie. Sáu tháng sau đó, Victor Hugo không thể làm được gì cả, chỉ ngồi khóc con. Mười sáu năm kế tiếp (1840-1856), ông không xuất bản được một tác phẩm nào. Năm 1856, ông cho xuất bản bộ tập thơ “Chiêm ngưỡng” –“ Les Contemplations”,  ở tập IV với tựa đề “Pauca Meae” (Người thân đau khổ) dành riêng để tưởng nhớ Léopoldine, ta cũng bắt gặp hình tượng hoa thạch thảo trong bài “Demain, dès l’aube”, sau đây là bản dịch của Vương Ngọc Long:

Ngày mai, khi rạng đông

Rạng ngày mai khi cánh đồng trắng xóa
Cha sẽ đi... vẫn biết con chờ cha
Băng rừng sâu, vượt núi thẳm non xa
Cha không thể đợi chờ lâu mòn mỏi
Đôi mắt mãi trầm tư cha bước vội
Không nhìn quanh, chẳng nghe tiếng động nào
Khom lưng cong, tay vắt chéo, nghẹn ngào
Đêm sầu đau cũng như ngày nuối tiếc
Hoàng hôn phủ chiều vàng cha chẳng thiết
Chẳng nhìn xa phía cảng ngập màn sương
Cha đến đặt trên mồ con gái thương
Hoa thạch thảo, ô rô màu thắm biếc...

Như vậy, ta có thể liên tưởng rằng, câu đầu của Apollinaire chính là sự tiếp nối câu cuối của Victor Hugo “Et quand j’arriverai, je mettrai sur ta tombe / Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur” (“Cha đến đặt trên mồ con gái thương / Hoa thạch thảo, ô rô màu thắm biếc”):  “J’ai cueilli ce brin de bruyère”. “L’Adieu”, sau cùng, là bài thơ viết về tình phụ tử, ngay cả trong tiếng Pháp cũng đã có nhiều sự tranh cãi, bởi bài thơ hoàn toàn không có chấm câu, người ta mơ hồ không rõ chỗ nào là người cha Hugo đang nói và chỗ nào người con Léopoldine đáp lại. Nếu theo khổ đầu của bản dịch Bùi Giáng, ta thay đại từ nhân xưng “Ta”, “em” thành “cha”, “con” thì ta có những câu như thế này “Cha đã hái nhành lá cây thạch thảo / Con nhớ cho, mùa thu đã chết rồi / Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa / Mộng trùng lai không có ở trên đời / Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi / Và nhớ nhé cha đợi chờ con đó”, hai câu cuối thành ra lời gọi hồn ai oán. Cũng với ý này nhưng ta đổi câu cuối đi một chút “Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi / Và nhớ nhé con đợi chờ cha đó” thì lại là câu nhắn nhủ con gái đang chờ cha ở cõi hư vô để tương phùng. Quả thực, đại từ nhân xưng “je”“te” ngay cả trong tiếng gốc cũng đã có sự hiểu khác nhau rồi, thì việc dịch ra tiếng Việt với muôn hình vạn trạng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai quả thực nan giải vô cùng nếu không làm rõ xuất xứ bài thơ. Phải chăng Bùi Giáng cố ý dịch chệch đi nguyên bản để tạo ra tứ thơ nhuốm cảnh chia lìa đôi lứa, mang tới cho người đọc sự mới mẻ thú vị để rồi cuối cùng trở thành cảm hứng cho Phạm Duy soạn bản nhạc “Mùa thu chết”?

Bài thơ nguyên gốc “L’Adieu”, phóng tác của Bùi thi sĩ, hay bài nhạc của Phạm Duy cho dù được nhìn nhận ở những góc độ khác nhau nhưng tất cả đều chứng tỏ sự tài tình của ngôn ngữ, của thanh âm nghệ thuật trong việc chuyển tải những bi thương, ai oán của kiếp trầm luân giữa cõi tình tạm bợ. Xin nghiêng mình trước ngọn bút của tiền nhân!

Tác giả bài viết: Cung Đàn Xưa

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 42