Vào mùa sam, đề phòng ngộ độc so biển

Đăng lúc: Thứ tư - 26/02/2014 14:00
Sam biển là một trong những món ăn đặc sản của các vùng biển duyên hải. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là vào mùa sam biển thường xảy ra hiện tượng ngộ độc so biển, là một loại cùng họ với sam biển nhưng mang độc tố, dẫn đến tử vong người ăn.

Mới vào giữa mùa sam biển (thường từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch), người dân vùng biển Gò Công đã kinh hãi khi nghe tin đã có 2 người tử vong và 1 người nằm viện điều trị do ngộ độc so biển (Báo Ấp Bắc ra ngày 21-2 đã đưa tin). Điều đáng tiếc qua sự việc này là, mặc dù cả 3 người ăn so biển ở xã biên giới Kiểng Phước, nhưng do chủ quan đã không chú ý quan sát để phân biệt đâu là con sam biển và con so biển nên bị ngộ độc do ăn phải so biển.

Con so biển
Con so biển

Nói về con sam biển, ông Nguyễn Văn Bờ (65 tuổi, ngụ ấp Bà Từ, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) là một trong những ngư dân lão luyện của vùng biển Gò Công, cho biết: Vào khoảng tháng 10 đến tháng 2 âm lịch hàng năm là mùa sam bắt đầu giao phối, mang trứng. Lúc này, con sam cái mang đầy trứng trong bụng, chờ đến ngày trứng nở thành con, bị ngư dân bắt sam để bán cho thực khách.

Để bắt được sam biển, ngư dân phải tính con nước và định ngày ra khơi. Vì sam hay đi thành đôi (nên có câu tục ngữ “dính như sam” là vậy) nên ngư dân thường bắt được cả 2 nhưng con sam đực nhỏ, ít thịt nên thường được gỡ bỏ. Khi làm thịt, con sam biển chỉ lấy phần trứng và thịt (toàn bộ phần vỏ mai, ruột đều bỏ) để chế biến các món gỏi, nướng, xào sả ớt, xào chua ngọt, miến, cháo sam…

Con sam biển
Con sam biển.

Theo kinh nghiệm của người dân vùng biển, cách phân biệt con so biển với con sam biển chủ yếu dùng mắt quan sát hình dạng. Khi đánh bắt, ngư dân thường cẩn thận gỡ bỏ hoặc đập chết con so biển chứ không đem bán vì sợ ngộ độc cho người ăn. Do vậy, xảy ra hiện tượng ngộ độc so biển là do có thể người ăn tự bắt mà không phân biệt được hoặc cũng có thể ngư dân sơ ý đem ra chợ bán, người mua không phân biệt được.

Trên thực tế, nhiều nơi gọi con so là con sam nhỏ nên nhiều người vẫn bị nhầm lẫn. Về cấu tạo bên ngoài, gai trên lưng loài sam biển dài hơn và nhiều hơn loài so biển. Trên cơ thể con sam biển có nhiều khoanh tròn chạy dọc từ đầu đến đuôi. Phần khoanh trên mình so biển dừng lại cách đuôi khoảng 3 - 4cm. Sam thường sống thành từng cặp, có hình tam giác; còn so biển nhỏ hơn, đuôi tròn và sống đơn lẻ.

Con so biển có kích thước nhỏ hơn sam biển. Kích thước tối đa của so biển là 25 cm, trọng lượng dưới 1 kg; trong khi đó sam biển trưởng thành nặng từ 1,5 - 2kg. Tiết diện đuôi của con sam có hình tam giác, với 3 cạnh chạy dài đến cuối đuôi, trên đó có gai nhọn giống như lưỡi cưa; còn đuôi của con so biển thì hình tròn, không có gai.

Theo các chuyên gia y tế, chất độc của con so biển tập trung chủ yếu ở bộ phận trứng. Người bị ngộ độc so biển sẽ có các triệu chứng đầu tiên bị nôn mửa, khó thở; sau đó đau bụng, tay, chân và môi bắt đầu tê cứng. Chất độc còn gây ức chế thần kinh, tim và gây suy hô hấp.

Nếu không biết cách sơ cứu, để kéo dài thời gian dẫn đến suy hô hấp làm bệnh nhân tử vong. Do vậy, khi biết người bị ngộ độc do ăn phải so biển, cần cho bệnh nhân uống thật nhiều nước và tìm cách gây ói hết thức ăn trong dạ dày càng nhanh càng tốt. Sau khi sơ cứu, nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế.

P.V
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

sam, so biển, ngộ độc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 372
  • Khách viếng thăm: 370
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1158
  • Tháng hiện tại: 1750058
  • Tổng lượt truy cập: 48124185