Triển khai mô hình Bác sĩ gia đình tại Tiền Giang

Đăng lúc: Thứ hai - 21/07/2014 08:00
Theo Thông tư 16/2014/TT- BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ngày 22-5-2014, từ ngày 15-7-2014, 8 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang sẽ triển khai thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình, trong đó thực hiện khám cho cả người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Bác sĩ gia đình sẽ giúp giảm quá tải bệnh viện, người dân - đặc biệt là người dân có tham gia BHYT sẽ hài lòng hơn vì không chỉ được bác sĩ đào tạo chuyên ngành Y học Gia đình khám, chữa bệnh mà còn được tư vấn và quản lý sức khỏe lâu dài.

Tiếp nhận bệnh nhân tại phòng khám Dân An
Tiếp nhận bệnh nhân tại phòng khám đa khoa Dân An (67 Hùng Vương, phường 7, TP. Mỹ Tho), một trong những điểm triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Vân Anh

Thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình và Phòng khám Bác sĩ gia đình còn quy định rõ:

Bác sĩ gia đình là người được cấp chứng chỉ hành nghề, khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Y học Gia đình. Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục, lồng ghép và phối hợp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; tư vấn sức khỏe, phòng bệnh, phòng, chống các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong việc tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe cùng các nhiệm vụ khác phù hợp với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề.

Phòng khám Bác sĩ gia đình phải có hồ sơ quản lý toàn diện về sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình; có trách nhiệm giữ bí mật thông tin cá nhân của người đăng ký quản lý sức khỏe theo quy định của pháp luật. Phòng khám Bác sĩ gia đình có thể là phòng khám tư nhân độc lập do cá nhân bác sĩ gia đình thành lập và đăng ký hoạt động; có thể thuộc phòng khám đa khoa công lập hay tư nhân và các trạm y tế.

Nếu phòng khám là của cơ sở công lập thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị tư nhân được quyền quyết định giá nhưng phải niêm yết công khai. Phòng khám cũng được phép thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT.

Từ ngày 15-7-2014, Sở Y tế Tiền Giang triển khai thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình theo Thông tư 16 của Bộ Y tế.

Đối với những bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề Bác sĩ Gia đình và đã được cấp giấy phép hoạt động thì bắt tay làm ngay, không phải tập huấn nữa.

Đối với những bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề Bác sĩ Gia đình và chưa được cấp giấy phép hoạt động thì Sở Y tế sẽ phối hợp với Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu về Bác sĩ Gia đình từ cuối tháng 7 đến tháng 11-2014.

Sau khi tập huấn chuyên ngành Y học Gia đình, Sở Y tế sẽ xem xét cấp phép hoạt động cho các bác sĩ đủ điều kiện. Tiếp theo, ngành sẽ triển khai điểm để rút kinh nghiệm rồi nhanh chóng nhân ra khắp tỉnh. Quan điểm của ngành là triển khai chắc để đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sau đó sẽ nhanh chóng rút kinh nghiệm để nhân rộng toàn tỉnh.

Mục tiêu của ngành khi triển khai mô hình này là can thiệp quyết liệt để sớm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở, bao gồm các phòng khám đa khoa tuyến huyện, khu vực và nhất là các trạm y tế xã (phường, thị trấn) có đủ điều kiện, nhân lực và trang thiết bị. Từ đó, chắc chắn sẽ giải được bài toán khó hiện nay về tình trạng quá tải tại các bệnh viện.

Lãnh đạo Sở Y tế dự kiến đầu tháng 1-2015, sau khi đã hoàn tất việc ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với Bảo hiểm xã hội Tiền Giang, ngành sẽ triển khai mô hình thí điểm tại các phòng khám đa khoa và trạm y tế đã được cấp trên phê duyệt, bao gồm: Phòng khám đa khoa Trung tâm Y tế huyện Gò Công Đông, Trạm Y tế phường 2 và Phòng khám đa khoa Dân An tại TP. Mỹ Tho.

Tiếp theo là Phòng khám đa khoa Thủ Khoa Huân ở TX. Gò Công và các phòng khám đa khoa khác tại các địa phương đang xảy ra tình trạng quá tải khám, chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, ngành sẽ yêu cầu các phòng khám đa khoa còn lại, cả công lập và ngoài công lập tích cực chuẩn bị cơ sở phòng ốc, trang thiết bị và nhất là bác sĩ chuyên khoa Y học Gia đình để tham gia triển khai diện rộng khắp tỉnh, nhằm nhanh chóng đem dịch vụ y tế tiên tiến phục vụ sức khỏe người dân.

Phòng khám đa khoa thực hiện mô hình Bác sĩ gia đình là nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân ở địa phương, tương đương bệnh viện tuyến huyện vì có đầy đủ trang thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị tương đương bệnh viện tuyến huyện.

Cái hay của mô hình Bác sĩ gia đình là người bệnh ngoài việc được khám, chữa bệnh như các phòng khám đa khoa hiện nay, còn được bác sĩ chuyên ngành Y học Gia đình quản lý thông tin sức khỏe toàn diện như: Nhóm máu, các bệnh mà bệnh nhân từng mắc, tiền sử bệnh, các kết quả xét nghiệm, bệnh lý của gia đình, quá trình sử dụng thuốc, dị ứng thuốc và có thể đến nhà khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nếu người nhà yêu cầu.

Theo kinh nghiệm của thế giới, mô hình Bác sĩ gia đình đem lại hiệu quả chăm sóc sức khỏe cao nhất mà ít tốn kém nhất. Qua mô hình này, điều quan trọng nhất là người dân được chăm sóc sức khỏe có chất lượng cao nhất so với các mô hình đã và đang áp dụng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, lại còn giúp giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên và còn giúp giảm nguy cơ “thủng” quỹ BHYT.

Điều mà người bệnh băn khoăn nhất có lẽ là chi phí khám, chữa bệnh của mô hình Bác sĩ gia đình. Theo Thông tư 16 của Bộ Y tế, người bệnh được BHYT thanh toán, cụ thể như sau:

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với phòng khám Bác sĩ gia đình: Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT được áp dụng theo quy định của Luật BHYT. Người có thẻ BHYT sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức quy định của pháp luật về BHYT; phần chênh lệch giữa chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và mức thanh toán của quỹ BHYT do người bệnh tự thanh toán cho phòng khám.

Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có BHYT: Phòng khám Bác sĩ gia đình của Nhà nước áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phòng khám Bác sĩ gia đình tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt có thể yêu cầu bác sĩ phòng khám đa khoa nơi bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cử bác sĩ đến tận nhà khám. Tuy vậy, đây không phải là hoạt động bắt buộc của mô hình, do vậy thường khi yêu cầu dịch vụ này, gia đình phải trả thêm chi phí thực tế. Chi phí này do các đơn vị quy định và báo trước cho gia đình.

TS. BS Nguyễn Hùng Vĩ (Phó Giám đốc Sở Y tế)
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 387
  • Khách viếng thăm: 386
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 48743
  • Tháng hiện tại: 2330400
  • Tổng lượt truy cập: 48704527