Thực hiện nhiều giải pháp an toàn tiêm chủng

Đăng lúc: Thứ hai - 19/10/2015 10:04
Sau hơn 30 năm triển khai thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), cùng với cả nước, Tiền Giang đã được công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, các bệnh truyền nhiễm trong chương trình đều giảm hoặc không xảy ra.

Hàng năm duy trì thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng đều đạt tỷ lệ > 96%, không ghi nhận trường hợp tai biến, phản ứng nặng sau tiêm chủng (PUSTC). Tiếp tục duy trì các thành quả đã đạt được và tiến đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017.

Khám sàng lọc trước tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho. Ảnh: THỦY HÀ
Khám sàng lọc trước tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho. Ảnh: Thủy Hà

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng vắc xin có thể xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm có liên quan hoặc không liên quan đến tiêm chủng. Việc giám sát phản ứng sau tiêm chủng để phát hiện sớm và xử trí các tai biến xảy ra sẽ góp phần làm giảm diễn biến nặng của các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, giúp người dân yên tâm và tin tưởng vào việc tiêm chủng phòng bệnh.

Tại Tiền Giang, từ tháng 9-2013 ngành Y tế đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, giám sát việc tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn ở tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Giải pháp an toàn tiêm chủng được ngành Y tế đưa ra là tổ chức tiêm chủng đúng quy trình, tất cả các điểm tiêm tại trạm y tế, cơ sở tiêm chủng phải tuân thủ Quy trình tiêm chủng an toàn theo đúng nội dung Quyết định 23/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế như: Bố trí các bàn khám phân loại, bàn tiêm, bàn ghi chép, phòng theo dõi sau tiêm theo quy trình 1 chiều, bảo đảm theo dõi các đối tượng 30 phút sau tiêm chủng tại các địa điểm tiêm chủng.

Mặt khác, tất cả các điểm tiêm chủng thực hiện tiêm không quá 50 đối tượng/1 buổi, tùy vào tình hình đối tượng trẻ thực tế mà địa phương, cơ sở có kế hoạch chia đối tượng cụ thể cho từng buổi tiêm chủng. Đảm bảo chất lượng vắc xin, thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, cấp phát, bảo quản và tổ chức tiêm đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn, hiệu quả, vô trùng.

Thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm được xem là bước quan trọng trong tiêm chủng. Cán bộ y tế phải thực hiện khám sàng lọc, tư vấn đầy đủ cho gia đình, người được tiêm chủng về lợi ích và bất lợi trong tiêm chủng.

Chỉ tiêm chủng khi đã giải thích đầy đủ cho gia đình, người được tiêm chủng và được sự đồng ý. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế phải đưa gia đình, người được tiêm chủng kiểm tra tên vắc xin, hạn sử dụng của lọ vắc xin sẽ tiêm.

Tất cả đối tượng được tiêm chủng phải được theo dõi tình trạng sức khỏe trong thời gian 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng. Sau khi tiêm chủng về nhà, tất cả đối tượng được tiêm chủng phải được hướng dẫn, theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà ít nhất là 24 giờ sau khi tiêm chủng. Khi có dấu hiệu phản ứng toàn thân hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng thì phải đưa ngay người được tiêm đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị đến khi ổn định.

Tất cả cán bộ y tế có tham gia công tác tiêm chủng đều được tập huấn an toàn tiêm chủng và được cấp giấy chứng nhận. Tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đều thực hiện cam kết “Điểm tiêm chủng đạt tiêu chuẩn” và được thẩm định.

Tăng cường nhân lực cho các điểm tiêm chủng, thực hiện giám sát trong những ngày tiêm chủng thường xuyên hàng tháng, trong các chiến dịch tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh. Thành lập “đường dây nóng” để giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng. Tổ chức các đội cấp cứu lưu động tuyến huyện, các cơ sở điều trị chuẩn bị và sẵn sàng tiếp nhận, theo dõi, điều trị các trường hợp phản ứng sau tiêm.

Ngành Y tế còn tăng cường công tác truyền thông về an toàn tiêm chủng như: Truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng trước, trong và sau những ngày tiêm chủng hàng tháng; tư vấn trước, trong buổi tiêm chủng và hướng dẫn phụ huynh chăm sóc tại nhà; cấp phát tờ rơi “Hướng dẫn các bà mẹ cần thực hiện trước, trong và sau khi đưa trẻ đi tiêm chủng”…

Qua giám sát tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch của Ban Chỉ đạo các cấp, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành trong năm 2014 cho thấy: Các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã tổ chức thực hiện đúng quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế.

Kết quả trong năm 2014 và 9 tháng năm 2015, công tác tiêm chủng mở rộng đã đạt mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ tiêm chủng cho các đối tượng đều đạt chỉ tiêu đề ra, các bệnh truyền nhiễm tiếp tục giảm hoặc không xảy ra, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng liên quan đến tiêm chủng, các trường hợp phản ứng thông thường được tư vấn, chăm sóc tốt tại nhà; đồng thời tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của các bậc cha mẹ trong việc đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Ngạn Lê
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 270
  • Khách viếng thăm: 267
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 67583
  • Tháng hiện tại: 2436008
  • Tổng lượt truy cập: 48810135