Sốt cao không hạ là dấu hiệu nặng của bệnh tay - chân - miệng

Đăng lúc: Thứ tư - 02/07/2014 13:39
Ngày 23-6, cháu Nguyễn Ngọc Như Q., 14 tháng tuổi, nhà ở xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, được mẹ đưa trở lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì sốt cao 2 ngày không giảm.

Mẹ Q. kể rằng, cháu được bác sĩ phòng khám nhi chẩn đoán là bệnh tay - chân - miệng độ 1, cho thuốc và phát phiếu theo dõi tại nhà, dặn nếu cháu có 1 trong các dấu hiệu ghi trong phiếu thì phải trở vô bệnh viện liền.

Về nhà, mẹ cháu cho uống thuốc theo toa, kết hợp với lau ấm, nhưng cháu chỉ giảm sốt chút ít rồi lại sốt tiếp, kéo dài đến suốt đêm nên gia đình đưa cháu khám lại.

Bác sĩ khám, phát hiện cháu có nhiều vết loét trong miệng, tay và chân nổi bóng nước, giật mình ít và vẫn còn sốt cao nên cho nhập viện, với chẩn đoán là bệnh tay - chân - miệng độ 2a ngày thứ 2.

Về chuyên môn, bệnh tay - chân - miệng khi có triệu chứng sốt cao, dùng thuốc hạ sốt kết hợp với lau ấm mà nhiệt độ không giảm hoặc giảm chút ít rồi sốt trở lại là trẻ có nguy cơ bị biến chứng thần kinh. Lúc đó có thể virus gây bệnh tay - chân - miệng hoặc độc tố có liên quan đến virus này đã tấn công vào tế bào não của bệnh nhân, làm tổn thương trung tâm điều hòa thân nhiệt ở vùng dưới đồi của não, khiến cho chức năng điều hòa thân nhiệt của não bị rối loạn.

Khi trung tâm điều hòa thân nhiệt bị tổn thương thì những loại thuốc hạ sốt thông thường và lau mát tích cực không làm giảm được sốt mà phải có phương pháp điều trị chuyên sâu, thậm chí phải lọc máu liên tục mới có thể giúp cho cơ thể trở lại nhiệt độ bình thường.

Khi trẻ bị bệnh tay - chân - miệng mà sốt cao, bà con cần giúp trẻ hạ sốt ngay tại nhà, nếu trong vài giờ mà không giảm thì nên đưa trẻ đến bệnh viện. Các phương pháp hạ sốt thông thường ở nhà gồm: Dùng thuốc, lau ấm, uống nhiều nước, nghỉ ngơi.

Thuốc được dùng an toàn là Paracetamol, có thể phối hợp xen kẻ với Ibuprofen theo liều của bác sĩ đã cho, nhưng không được dùng thuốc Aspirin, vì Aspirin có thể gây bệnh lý tổn thương gan và não, gọi là hội chứng Reye, nguy hiểm đến tính mạng.

Kết hợp với uống thuốc là lau ấm cho trẻ. Bà con dùng nước lạnh pha với nước nóng theo tỷ lệ ½, dùng khuỷu tay của mình nhúng vào trong thau nước có cảm giác ấm như nước tắm em bé, rồi lấy 5 khăn sạch nhúng vào thau nước vắt hơi ráo đặt 2 khăn ở hai bên nách, 2 khăn ở bẹn và 1 khăn lau khắp người.

Không lau lên ngực trẻ, vì có thể làm trẻ nhiễm lạnh, dễ viêm phổi. Thay khăn mỗi 2 - 3 phút, cho thêm nước nóng khi nhiệt độ nước thấp hơn yêu cầu. Mỗi 15 - 30 phút đo nhiệt độ một lần, khi thấy trẻ có nhiệt độ < 38,5oC thì ngưng lau ấm, cho uống nhiều nước và nghỉ ngơi giúp trẻ mau hết sốt.

Tóm lại, khi thấy trẻ bị bệnh tay - chân - miệng mà có sốt cao, uống thuốc hạ sốt không làm trẻ giảm sốt là có khả năng biến chứng thần kinh, nên bà con đưa cháu nhập viện sớm.

Ngoài dấu hiệu sốt cao ra, trong biến chứng thần kinh còn có các dấu hiệu khác như giật mình nhiều, quấy khóc, bứt rứt, lừ đừ, ngủ gà, yếu tay chân, run rẩy, co giật nhãn cầu, thở bất thường... thì bà con cũng phải nhanh chóng đưa cháu đến bệnh viện ngay.

BS. Nguyễn Thành Úc
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 218
  • Khách viếng thăm: 217
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 54519
  • Tháng hiện tại: 2287069
  • Tổng lượt truy cập: 46254302