Không lơ là với thực phẩm ngày Tết

Đăng lúc: Thứ bảy - 14/02/2015 11:58
Vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, đồng nghĩa với việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm gia tăng. Dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các khu lễ hội là hoạt động kinh doanh thời vụ, có nơi phát triển tự phát, do đó khó tránh khỏi không bảo đảm vệ sinh…

NGUY CƠ THỰC PHẨM NHIỄM BẨN

Thực phẩm không vệ sinh và không an toàn là do thực phẩm nhiễm vi sinh độc hại hoặc do sử dụng những loại hóa chất, phụ gia dùng trong nông, thủy sản…, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng (kể cả việc dùng hóa chất không cho phép hoặc hóa chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng lại được dùng quá hàm lượng hoặc chất độc sinh ra trong quá trình bảo quản, chế biến và cả một số độc tố trong tự nhiên).

Chọn thực phẩm sạch và giữ vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn là nguyên tắc bảo đảm an toàn cho mỗi bữa ăn.
Chọn thực phẩm sạch và giữ vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn là nguyên tắc bảo đảm an toàn cho mỗi bữa ăn.

Hiện nay, trên thế giới có hơn 400 bệnh lây truyền qua thực phẩm, trong đó có những bệnh gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tục không chỉ bào mòn sức khỏe con người, mà còn chính là kẻ sát nhân thầm lặng.

Ngộ độc cấp tính còn xử lý được, lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc mạn tính, độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài khi bộc phát là rất nguy hiểm. Bộ Y tế thừa nhận việc loại bỏ ngộ độc thực phẩm vẫn là một điều nan giải, ngay cả đối với những quốc gia tiên tiến.

Tại Tiền Giang, trong năm 2014 xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 145 người mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong do ăn con so biển. Vụ ngộ độc thực phẩm đông người xảy ra tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH một thành viên Wondo Vina (huyện Chợ Gạo) sau bữa cơm trưa của công nhân với 779 người mắc là do thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn Salmonella.

Song song với ngộ độc thực phẩm thì tình hình thực phẩm mất vệ sinh và không an toàn còn diễn ra vô cùng phức tạp, rất đáng lo ngại. Đó là: Việc sử dụng không an toàn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi, trồng trọt và thủy hải sản hiện nay còn khá phổ biến; một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trong môi trường mất vệ sinh hoặc sử dụng dụng cụ lưu trữ, chế biến dơ, bẩn; sử dụng hóa chất độc hại để bảo quản thực phẩm và sử dụng thực phẩm đã ôi thối để chế biến thức ăn…

Việc ăn, uống phải thực phẩm không an toàn có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính cho con người. Ngộ độc thực phẩm cấp tính có thể tìm ra nguyên nhân để xử lý, nhưng ngộ độc mạn tính, chất độc sẽ tích tụ lâu ngày trong cơ thể và gây ra những bệnh nguy hiểm như suy gan, suy thận, suy đa phủ tạng, ung thư… Do đó việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm sạch là điều cấp thiết của mỗi gia đình.

NGUYÊN TẮC AN TOÀN

Trong khi chờ các nhà quản lý thực hiện tốt nhiệm vụ và các doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện thì người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình thông qua những hiểu biết và thực hành đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ tốt sức khỏe cho chính mình và gia đình trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong các dịp lễ, tết.

Xin nêu một số nguyên tắc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để người tiêu dùng tham khảo, vận dụng mà bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình. Đó là việc thường xuyên tìm hiểu những kiến thức và kỹ thuật chọn các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, giá cả phải chăng, bảo đảm an toàn vệ sinh.

Chú ý chọn các loại rau quả tươi; thịt, cá tươi; ngũ cốc không bị mốc… Chú ý thời hạn sử dụng khi mua các thực phẩm chế biến sẵn hoặc đóng hộp. Sử dụng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống và rửa dụng cụ. Các đồ dùng để nấu nướng và ăn uống phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, không dùng khăn ẩm mốc, nhờn mỡ để lau khô chén đũa.

Nấu chín kỹ thực phẩm thịt, cá; thực phẩm dễ bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh nên ăn ngay sau khi nấu. Thức ăn nấu chín để quá 4 giờ và nhất là để cách đêm thì nhất thiết phải đun nấu chín lại. Không để lẫn lộn thực phẩm chín với thực phẩm sống khi bảo quản. Không dùng thớt cho thịt chín chung với thịt sống.

Người nấu ăn phải rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch khi bắt tay chế biến, nấu ăn. Cắt ngắn móng tay, không dùng tay để bốc và chia thức ăn. Không tham gia chế biến thực phẩm hoặc phục vụ ăn uống khi đang bị đau bụng, tiêu chảy, sốt, nôn ói, nhiễm trùng ngoài da hoặc các bệnh lây truyền khác.

Giữ gìn vệ sinh thật tốt nơi ăn uống và chế biến thực phẩm như phải cách xa khu chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh, bãi rác thải, cống rãnh ô nhiễm. Nơi ăn sạch sẽ, thoáng mát, đặt bàn ăn cao để tránh bụi bẩn. Thức ăn sẵn phải có lồng bàn che đậy phòng ruồi nhặng. Phải có đủ nước sạch, có vòi nước, rửa tay trước khi ăn.

Những điều đơn giản về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu trên mọi người đều có thể áp dụng để bữa ăn không là nguồn gây bệnh mà sẽ là nguồn sức khỏe, nguồn vui và hạnh phúc ở các gia đình.

BS CKII TRẦN THANH THẢO
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 401
  • Khách viếng thăm: 392
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 49819
  • Tháng hiện tại: 1915598
  • Tổng lượt truy cập: 48289725